Các quy định pháp luật về bồi thường,hỗ trợ về tài sản

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 68 - 72)

2.1.5.1. Bồi thường, hỗ trợ về nhà, công trình xây dựng trên đất

Theo quy định tại Điều 89 Luật Đất đai năm 2013 thì nhà, công trình xây dựng trên đất được phân biệt làm hai loại là: nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân và nhà, công trình xây dựng khác.

- Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế. - Đối với nhà, công trình xây dựng khác được bồi thường theo mức sau:

62

Mức bồi thường nhà, công trình = giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại + một khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình;

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ Xây dựng ban hành. Một khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường tối đa không lớn hơn 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

- Về bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì được bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

2.1.5.2. Về bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi

Việc bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi là thủy sản bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất cũng được Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể việc bồi thường tại các Điều 88, Điều 89 và Điều 90. Khi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất nếu có thiệt hại, thì được bồi thường.

Phương thức bồi thường có nhiều đổi mới so với trước đây. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường, thì được bồi thường bằng tiền

63

theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất. Đặc biệt, đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam, mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận theo quy định mà chưa được cấp, khi Nhà nước thu hồi đất, thì được bồi thường, như sau:

- Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; Trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở, thì Nhà nước bồi thường bằng tiền.

- Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

- Trường hợp phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác, thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.

Ngoài việc được bồi thường về đất, còn được bồi thường chi phí đầu tư vào đất đối với các loại đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác (Điều 77, Điều 78, Điều 80 và Điều 81). Ngoài ra, đối với các loại đất được Nhà nước giao, cho thuê không thu tiền hoặc được miễn thu tiền giao đất, tiền thuê đất; đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; đất nhận khoán để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, thì không được bồi thường về đất, nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất.

Nối tiếp Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/04/1998 và Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định

64

số 47/ 2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 đã có những quy định cụ thể về hoa màu cho phù hợp với thực tế, cụ thể:

- Mức bồi thường đối với cây hàng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đó. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

- Mức bồi thường đối với cây lâu năm được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây (không bao hàm giá trị quyền SDĐ) theo thời giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền SDĐ.

- Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được BT chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, trồng lại;

- Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách NN, cây rừng tự nhiên giao cho các tổ chức, hộ gia đình trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2.1.5.3. Bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến việc phải di chuyển mồ mả thì được tính bồi thường các khoản chi phí về đất đai, đào, bốc, di chuyển, xây dựng lại và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp. Mức bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế địa phương;

Ngoài ra, pháp luật còn có quy định về việc bồi thường chi phí di chuyển khi NN thu hồi đất. Đồng thời, Luật Đất đai năm 2013 còn đưa ra những trường hợp NN thu hồi đất nhưng không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, giúp người SDĐ và cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc xác định đối tượng được hưởng và không được hưởng bồi thường, tránh gây hiểu lầm, tranh chấp.

65

Tóm lại, việc quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường, hỗ trợ

về tài sản khi NN thu hồi đất và qua thực tiễn áp dụng, có thể thấy rằng, so với Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/04/1998 trước đây, các quy định hiện hành về bồi thường thiệt hại khi NN thu hồi đất đã đầy đủ, chi tiết và phù hợp hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi. Đồng thời, pháp luật cũng có những quy định cụ thể hơn, bên cạnh việc đưa ra các nguyên tắc chung đối với việc bồi thường về tài sản, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/06/2014 đã quy định rõ ràng các điều kiện cụ thể để được bồi thường, xử lý các trường hợp bồi thường đặc biệt nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ về lợi ích giữa NN, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất;

2.2. Các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)