VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 82 - 86)

Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Nhà nước pháp quyền là vấn đề đã được đề cập từ lâu trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Về đại thể, có thể hiểu Nhà nước pháp quyền “không phải là kiểu nhà nước mà là một mô hình nhà nước, mà ở đó, bên cạnh những đặc điểm chung nó còn những đặc điểm riêng” [110, tr.151]. Pháp quyền là “Hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, một chế độ” [151, tr.1320]. Vậy nhà nước pháp quyền là nhà nước có hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, một chế độ. Hệ thống pháp luật này phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Không có pháp quyền được thực thi nhờ pháp luật và hình luật bảo đảm thì nhân dân không thể thực hiện được quyền dân chủ. Chính vì thế, “Nhà nước pháp quyền là một khái niệm có thể được hiểu ở hai mức độ: a) với tính chất là học thuyết, là tư tưởng; b) với tính chất là thực tiễn tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, thực thi dân chủ” [143, tr.61].

Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng đã chính thức nhấn mạnh và khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam” [14, tr.56]. Trong Hội nghị này, Đảng mới nói “Nhà nước pháp quyền Việt Nam” là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” [14, tr.56], chưa nói tính chất, tính từ “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước ấy. Quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Đảng ngày càng được thể hiện rõ trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Tại Đại hội VIII, Đảng Cộng sản

Việt Nam chủ trương: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [15, tr.45]; Đảng nói rõ: nhà nước ấy là “nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” [15, tr.44]. Như vậy, đến Đại hội VIII họp tháng 6-1996, khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được Đảng ta chính thức sử dụng (trước đó, Đảng ta dùng khái niệm “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX ghi rõ:

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân... Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nhiệm vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật [16, tr.131,132]

Đại hội X của Đảng khẳng định rõ hơn, Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới” [17, tr.68].

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” [18, tr.85].

Và, trong Đại hội XII gần đây nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật” [19, tr.79].

Ngoài những đặc điểm mang tính phổ biến của nhà nước pháp quyền nói chung thì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn có một số đặc điểm mang tính riêng biệt của nó, thể hiện ở dấu hiệu nó có bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng, tính dân tộc sâu sắc, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân,

là nhà nước dân chủ triệt để. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần được xây dựng, đó là một tất yếu lịch sử. Tính tất yếu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định bởi những yếu tố sau đây:

Thứ nhất, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là bước phát triển tiến bộ của lịch sử. Trước nó, nhà nước là của một thiểu số có sức mạnh nhất trong xã hội, cai trị, lãnh đạo và bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải phục tùng nó. Nhưng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Được xây dựng và hoàn thiện, nó sẽ là nhà nước ưu việt, tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại.

Thứ hai, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm tính tối thượng của pháp luật, đòi hỏi mọi người dân trong xã hội từ người đứng đầu nhà nước đến dân thường cùng phải chấp hành pháp luật, cùng bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

Thứ ba, lãnh đạo nhà nước này là Đảng Cộng sản - đảng của giai cấp công nhân đại diện cho quyền lợi chính đáng của toàn dân tộc, bao gồm những con người ưu tú, tiên tiến nhất trong lực lượng tiên tiến, cách mạng của cả nước.

Thứ tư, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có khả năng đoàn kết, tập hợp được toàn bộ dân tộc thành một khối vững chắc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, sự tồn tại của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không nhằm mục đích duy trì sự tồn tại vĩnh viễn của nhà nước, mà đó chỉ là bước quá độ để đi đến xóa bỏ giai cấp, nhà nước, làm cho xã hội tiến lên giai đoạn

tiến bộ, văn minh nhất trong lịch sử không còn giai cấp, không còn nhà nước, trong đất nước, xã hội lúc nhà nước ấy còn tồn tại có khoa học, kỹ thuật, công nghệ hết sức phát triển, xã hội làm ra của cải vật chất, tinh thần nhiều, nhanh, chất lượng cao, con người phát triển toàn diện.

Bởi những sự tiến bộ, ưu việt đó của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên toàn dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tất yếu sẽ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

Một là, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, nhà nước phải phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế [19, tr.171].

Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập pháp; Chính phủ điều hành việc thực thi theo Hiến pháp và pháp luật; các cơ quan tư pháp khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật của nhà nước đã ban hành [19, tr.172].

Ba là, mọi cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội chỉ được hoạt động trong khuôn khổ, giới hạn của Hiến pháp và pháp luật [19, tr.176].

Bốn là, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, không bằng chỉ thị, mệnh lệnh, không bao biện làm thay Nhà nước [19, tr.180].

Để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có sự phấn đấu nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và xem xét ảnh hưởng của những tư tưởng, lý thuyết chính trị xã hội trong lịch sử, trong đó có tư tưởng trị quốc Nho giáo để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng và tìm kiếm giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chúng.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 82 - 86)