Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hộ

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 32 - 35)

Bất kể tư tưởng, học thuyết nào cũng được hình thành trong một hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nhất định. Hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nào sẽ cho ra đời tư tưởng học thuyết tương ứng. Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng cũng là sản phẩm tất yếu của lịch sử Trung Hoa thời Xuân Thu - Chiến quốc.

Về kinh tế, đồ sắt thời kỳ này được sử dụng phổ biến, nghề luyện sắt, chế tạo công cụ lao động bằng sắt phát triển. Cùng với việc chế tạo và sử dụng công cụ lao động bằng sắt, người Trung Quốc thời kỳ này còn biết sử dụng sức kéo của súc vật, biết dùng súc vật làm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, họ còn chú trọng làm thủy lợi phục vụ cho cấy trồng, sản xuất ra của cải vật chất.

Với sự xuất hiện và sử dụng phổ biến công cụ lao động bằng sắt đã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, như thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nhiều thành thị buôn bán khá sầm uất đã lần lượt ra đời như Hàm Dương, Hàm Đan, Lâm Tri... Hoạt động thương nghiệp, buôn bán trong thời Xuân Thu - Chiến quốc phát triển đã dẫn đến sự ra đời đội ngũ nhà buôn lớn có nhiều tiền. Tiền tệ đã làm xuất hiện nạn cho vay nặng lãi, trao đổi hàng hóa, trả công lao động bằng tiền, nộp thuế bằng tiền.

Sản xuất phát triển đã dẫn đến những biến đổi to lớn trong các quan hệ xã hội, giai cấp. Thời Tây Chu, đất đai dưới gầm trời Trung Quốc, đâu đâu cũng là đất của thiên tử nhà Chu. Nhưng do sản xuất kinh tế phát triển, nhiều thế lực xã hội giàu mạnh lên, không hoàn toàn chịu sự ban cấp đất đai của vua thiên tử như trước nữa. Họ đã chiếm dụng đất đai của thiên tử cho riêng mình,

đồng thời thôn tính lẫn nhau để giành đất, giành dân. Không chỉ các chư hầu thôn tính lẫn nhau mà có những vua chư hầu thế lực suy yếu dần, các đại phu có thế lực nổi lên tranh giành, tiếm quyền, chiếm đất, biến thành đất đai riêng của họ.

Chế độ đất đai trong xã hội cũng có sự thay đổi lớn do nền sản xuất, kinh tế phát triển. Trước đây, toàn bộ ruộng đất là của vua, vua ban cho bề tôi tùy theo công lao, chức tước. Nay, nhiều người trở nên giàu có do sản xuất, buôn bán, cho vay lấy lãi nên có điều kiện mua đất đai làm tài sản sở hữu riêng. Trước đây trong xã hội có chế độ tỉnh điền. Tức là ruộng đất được chia cắt ra giống như chữ “tỉnh” gồm hai nét ngang, một nét phẩy và một nét sổ, được chia ra thành 9 phần, thì 8 phần xấu xung quanh chia cấp cho thường dân, phần thứ 9 ở giữa tốt đẹp nhất dân phải cấy trồng, thu hoạch rồi cống nộp cho các quan chức trong xã hội, gọi là cho việc công. Chế độ tỉnh điền thời kỳ này đang đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. Lúc này ruộng đất ngày một vào tay những địa chủ lớn, tiền của nhiều, nông dân càng lúc càng mất dần ruộng đất, có người không còn thước đất cắm dùi.

Xã hội Trung Quốc cổ đại thời Xuân Thu, Chiến quốc đã có sự phân hóa rõ và trở nên đối cực. Trước đây cùng là hạng người dân lao động, vai trò vị trí ngang bằng nhau, thì bây giờ số đông dân chúng trở nên cùng đinh; nhiều người có sự thay đổi cực lớn và nhanh, họ thành những đại địa chủ, do thông thạo, khéo mua bán đất và trao đổi hàng hóa, họ còn là những thương nhân thật sự, làm thành tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân trong xã hội. Số đông dân nghèo không có ruộng đất phải lĩnh canh đất của địa chủ để cấy trồng, phải phụ thuộc vào giai cấp, tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân ấy. Sản xuất, kinh tế phát triển, hàng hóa nhiều lên là tiền đề dẫn đến lưu thông hàng hóa phát triển, do đó, xuất hiện tầng lớp những nhà buôn lớn trong xã hội: “Cuối thời Chiến quốc, nhà buôn kiêm địa chủ nổi tiếng nhất là Lã Bất Vi ở nước Triệu, một người đã bỏ ra một nghìn cây vàng để buôn vua, và về sau trở thành thừa tướng của nước Tần” [100, tr.144].

Thời kỳ Xuân Thu, Chiến quốc, giai cấp nô lệ ở Trung Quốc cũng ít nhiều thay đổi. Nô lệ phạm tội hoặc phá sản phải bán vợ con, hoặc bản thân mình làm nô lệ. Nô lệ vẫn bị áp bức, bóc lột, bị đánh đập tàn nhẫn như trước, nhưng hiện tượng chôn sống nô lệ theo chủ chết vào thời này bị cho là phi lý nên đã giảm đi nhiều, giá nô lệ cũng đắt hơn thời trước.

Về chính trị, xã hội, thời Xuân Thu - Chiến quốc trên đất nước Trung Quốc cổ đại cũng có nhiều biến cố, sự kiện trọng đại. Nhà Chu trong khoảng 4 thế kỷ, từ thế kỷ XI trước công nguyên đến năm 771 trước công nguyên đóng đô ở phía Tây là thời kỳ cường thịnh. Đến thời Đông Chu thì ngày càng suy yếu. Ngược lại, một số nước chư hầu của nhà Chu trước đây vốn nhỏ yếu buộc phải thần phục, triều cống nhà Chu, thì nay ngày một lớn mạnh, họ tiến hành chiến tranh nhằm giành quyền làm bá chủ.

Lịch sử có sự diễn tiến theo quy luật của nó. Nước Tần trước đây đến đầu thời Chiến quốc còn là nước tương đối lạc hậu. Nhưng vua Tần với chủ trương tăng cường trật tự trị an, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, làm cho quốc gia ngày một cường thịnh, phát triển. Thêm nữa, ông khuyến khích quân, tướng lập công. Bất cứ ai chém lấy được một đầu giặc thì đều được thưởng tước một cấp, được cấp lương bổng. Ông cho quan, tướng được nô lệ, được hưởng nhiều hay ít, cao hay thấp, mặc quần áo sang, đẹp như thế nào đều dựa vào chức tước. Nhờ thưởng phạt rõ ràng mà pháp lệnh của vua được thi hành nghiêm minh. Nước Chu ngày càng nhỏ bé và đến giữa thế kỷ III trước công nguyên, cùng với nhiều nước nhược tiểu khác như Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề đều bị nước Tần hùng mạnh tiêu diệt. Đến năm 221 trước công nguyên, nước Tần hùng mạnh đã thống nhất Trung Quốc, kết thúc một thời đại hỗn loạn.

Có thể nói, từ thế kỷ XI đến thế kỷ VIII trước công nguyên, xã hội Trung Quốc cổ đại còn tương đối ổn định. Nhưng các nước chư hầu ngày một phát triển mạnh vì thế, đến thời Xuân Thu, từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ V trước

công nguyên đã có biểu hiện, hành động chống lại nước lớn, quyền hành của vị vua nước lớn được mệnh danh là thiên tử, trong xã hội có nhiều hoạt động tranh giành, chém giết nhau để đoạt được ngôi vị, bổng lộc. Những hiện tượng như bề tôi giết vua, con giết cha, em giết anh thường xuyên xảy ra. Đây là thời kỳ trật tự xã hội có nhiều biến đổi, đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, các quy chế của xã hội thời Tây Chu bị phá hoại. Đời sống của nhân dân trong một đất nước bất ổn định về chính trị, xã hội và đạo đức như thế, đã trở nên vô cùng cực khổ. Các nhà nghiên cứu sử học đã nhận định: “Chính hoàn cảnh lịch sử xã hội ấy đã sản sinh ra những nhà tư tưởng muốn làm thay đổi tình hình, trong đó tiêu biểu nhất là Lão Tử và Khổng Tử” [100, tr.147].

Tóm lại, những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội thời kỳ này cho thấy, trật tự xã hội được tổ chức theo mô hình thể chế nhà Chu đã lỗi thời, mất sức sống, không thích ứng nổi trước những diễn biến phức tạp của lịch sử. Trước thực tế đó, nhiều trào lưu tư tưởng đương thời hướng đến việc lý giải nguyên nhân trật tự xã hội rối loạn, từ đó tìm kiếm mô hình xã hội lý tưởng và con đường ổn định trật tự xã hội đương thời. Tư tưởng trị quốc Nho giáo ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động đó.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 32 - 35)