Quan niệm của Nho giáo về “gia”, “quốc” và “trị quốc”

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 38 - 41)

Trong các kinh điển Nho giáo, mặc dù nó bàn nhiều về việc trị quốc nhưng không thấy một định nghĩa cụ thể nào về “quốc” (nước). Các nhà sáng lập Nho giáo có bàn về qui mô lớn nhỏ của nước, như “nước có ngàn cỗ xe”, “nước có sáu, bảy chục dặm”... nhưng ý niệm về nước chưa thực sự rõ ràng. Đôi khi, khái niệm đó còn được dùng thay thế bằng những khái niệm khác tương tự, như khái niệm “bang”... Tuy nhiên, qua sự so sánh về mối tương quan giữa nước với nhà và thiên hạ trong các kinh truyện Nho giáo, có thể hiểu trong quan niệm của các nhà nho, gia (nhà), quốc (nước) và thiên hạ là những loại hình đồng dạng, giống nhau về bản thể và tính chất, chỉ khác về phạm vi và qui mô lớn nhỏ. Nước là sự mở rộng qui mô của nhà, thiên hạ là sự mở rộng về qui mô của nước. Điều đó đã được Mạnh Tử khái quát: Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia) [trích theo Mạnh Tử, Ly lâu, thượng]. Do đó, muốn bình thiên hạ phải trị được quốc, muốn trị được quốc trước hết phải yên được nhà. Điều này được Phan Bội Châu phân tích và giải thích khá rõ trong Khổng học đăng: “Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to”, và “tề, trị chỉ có một lẽ, “gia”, “quốc” chung nhau một gốc” [13, tr.171].

Nho giáo bàn về nước nhưng không bàn từ góc độ sản xuất vật chất mà chủ yếu bàn từ góc độ chính trị, đứng trên phương diện đạo đức, chính trị để nhìn nhận, phán xét. Vì thế, về thực chất, nó chủ yếu quan tâm đến vấn đề trị quốc, cố gắng đi tìm con đường, cách thức cai trị đất nước và đào tạo chủ thể làm nhiệm vụ đó nhằm hướng đến mục tiêu là xây dựng một mô hình xã hội lý tưởng. Điều đó được thể hiện khá rõ trong ba cương lĩnh và

bát điều mục của sách Đại học, một tác phẩm quan trọng cấu thành bộ Tứ thư

của Nho giáo.

Ba cương lĩnh đó là, thứ nhất, “Minh minh đức”, tức là “phát huy đức sáng, tính tốt, tính thiện của nhân dân, yêu cầu giai cấp thống trị phát huy quan niệm đạo đức, luân lý truyền thống Nho gia để duy trì trật tự xã hội” [37, tr.13]. Thứ hai là “Tân dân”, tức là “đổi mới lòng dân, đổi mới cách suy nghĩ của dân, bỏ cũ thay mới, bỏ ác theo thiện, yêu cầu mọi người thực hiện đạo đức của Nho gia” [37, tr.13]. Thứ ba, thực hiện “Chỉ ư chí thiện”, tức là “đạt đến đạo đức hoàn thiện nhất”. Vì, theo Nho gia, “chỉ khi nào việc tu dưỡng đạo đức của con người đạt đến mức độ hoàn thiện nhất, thì nước mới được hưng thịnh, phát đạt, không còn tiềm ẩn nguy cơ bị diệt vong” [37, tr.13-14].

Bát điều mục là tám bước phải thực hiện, cụ thể: Một là “cách vật”, nghĩa là phải nghiên cứu thấu đáo sự vật. Hai là “trí tri”, nghĩa là hiểu biết phải sâu sắc, có kiến thức rõ ràng. Ba là “thành ý”, tức là ý nghĩ thành thật với chính bản thân mình. Bốn là phải “chính tâm” giữ cho lòng dạ ngay thẳng. Năm là phải “tu thân”, sửa chữa mình trở thành người tốt. Sáu là phải “tề gia”, tức là chỉnh đốn, sắp xếp tốt việc nhà. Bảy là “trị quốc”, tức là làm cho đất nước yên ổn. Tám là “bình thiên hạ”, tức là làm cho thiên hạ thái bình [37, tr.13-14].

Những chi tiết, quan niệm, chủ trương kể trên của Nho giáo, chứng tỏ học thuyết này dùng khái niệm “gia” với nghĩa là nhà, khái niệm “quốc” với nghĩa là một nước dưới gầm trời, tức là một nước trong “thiên hạ”; “thiên hạ” là dưới gầm trời, gồm nhiều nước; “quốc”, chỉ là một phần trong “thiên hạ”, chứ không phải là toàn bộ “thiên hạ”. Theo Nho giáo, muốn bình thiên hạ, tức là làm cho thiên hạ thái bình thì trước hết phải trị được nước mình (trị quốc). “Trị quốc”, theo Nho giáo, là làm cho đất nước yên ổn, an bình. Đấy là quan niệm, đồng thời là chủ trương của Nho giáo. Muốn trị quốc được thì trước đó phải tề gia, tức là sửa sang, chỉnh đốn việc nhà. Nho giáo lý giải tiếp: muốn tề gia thì phải tu thân, tức là sửa mình thành người tốt.

Khổng Tử còn bàn kỹ về trị quốc. Theo ông, trị quốc là hoạt động tổng hợp gồm nhiều hoạt động theo những khuôn mẫu của đạo Nho. Khi Nhan Uyên hỏi thầy về đạo trị nước, Khổng Tử giảng giải: “Dùng lịch pháp của nhà Hạ, ngồi xe nhà Ân, đôi mũ miện của nhà Chu, âm nhạc thì theo nhạc Thiều Vũ. Cấm triệt để âm nhạc của nước Trịnh, xa lánh kẻ tiểu nhân nịnh hót; vì âm nhạc của nước Trịnh dâm dật, kẻ tiểu nhân rất nguy hiểm” [37, tr.437]. Theo Khổng Tử năm vấn đề trên đây, đó là (về lịch pháp, về giao thông, về lễ nhạc và phép trị nước, về văn hóa lối sống, về con người) có ý nghĩa rất lớn đến sự hưng thịnh hoặc suy vong của một quốc gia. Và, một quốc gia có ổn định hay không, chính quyền được củng cố hay không, mấu chốt là ở chỗ dùng người. Nếu dùng người tài đức, ngay thẳng thì nước hưng thịnh, dùng kẻ tiểu nhân mưu mô quỷ kế thì đất nước sẽ lâm nguy.

Về nhân tố, vai trò của con người trong việc trị quốc, Mạnh Tử đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển quan điểm, chủ trương của Khổng Tử. Mạnh Tử nói, trong công việc trị quốc, “người hiền tài được tôn trọng, người tài giỏi được sử dụng, người kiệt xuất được ở vị trí xứng đáng thì mọi nhân sĩ trong thiên hạ đều thỏa mãn, phục vụ triều đình hết lòng” [37, tr.599]. Trong việc trị quốc, Mạnh Tử rất coi trọng vấn đề đạo đức. Ông nói “lấy nhân nghĩa mà đối đãi với nhau”, làm được như vậy thì quốc gia sẽ hưng thịnh [37, tr.757].

Công việc trị quốc, theo Nho giáo, không chỉ chú trọng vấn đề đạo đức và các công việc nói trên, mà còn phải quan tâm thực thi cả pháp luật. Thầy trò Khổng Tử chủ trương làm theo lời chỉ giáo trong Kinh Thi và được dẫn lại trong Đại học như sau: “nếu được lòng dân là được nước, mất lòng dân là mất nước”, nếu “để sơ suất một phân ly, không noi theo khuôn phép, tất sẽ bị nhân dân loại bỏ ngay” [37, tr.32]. Theo đây thì khuôn phép, tức là pháp luật cần được thực hiện đúng để không mất lòng dân trong hoạt động trị quốc, không chú trọng khuôn phép, luật pháp, sẽ mất lòng dân, vì thế, tất yếu sẽ mất nước.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 38 - 41)