KHÁI QUÁT KẾT QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ TỔNG QUAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 28 - 32)

NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

Trên đây là những công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến đề tài luận án. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác mà trong khuôn khổ có hạn, tác giả luận án không có điều kiện phân tích hết.

Về những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo, các tác giả trong và ngoài nước đã nghiên cứu ở nhiều phương diện với những cách tiếp cận khá đa dạng. Có những công trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc thể hiện qua những đại biểu cụ thể, riêng biệt, như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử...; hoặc theo các giai đoạn nhất định trong tiến trình phát triển của Nho giáo, như: Nho giáo sơ kỳ, Hán Nho, Tống Nho... Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định của nó. Trong luận án, tác giả lựa chọn cách tiếp cận của riêng mình, đó là theo chiều dọc của vấn đề. Nội dung của tư tưởng trị quốc Nho giáo được tác giả luận án xem xét trên ba lát cắt chủ đạo: Mục tiêu trị quốc, đường lối trị quốc và chủ thể trị quốc.

Về những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng có những quan niệm và đánh giá khá đa chiều từ những góc độ khác nhau. Nhiều công trình xuất phát từ việc nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo trong lịch sử phong kiến Việt Nam để nhận định về những ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay trên một số phương diện, trong đó có vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhìn chung, các công trình đều khẳng định ảnh hưởng có tính hai mặt của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc nói riêng đến xã hội và con người Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số lượng những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền chưa nhiều và chưa hệ thống. Kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tác giả luận án tập trung phân tích ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay trên một số phương diện chủ yếu, đồng thời luận giải những nguyên nhân của hiện trạng đó.

Về những công trình nghiên cứu liên quan đến phương hướng, giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, có công trình xuất phát từ việc nhấn mạnh các giá trị của Nho giáo nên đề cao việc kế thừa, phát huy những ảnh hưởng tích cực của nó; có nhà nghiên cứu xuất phát từ việc chỉ ra những hạn chế, lạc hậu của học thuyết này nên nhấn mạnh việc lọc bỏ hạn chế, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với tiến trình xây dựng đất nước và con người Việt Nam. Tác giả luận án quan niệm, tư tưởng trị quốc Nho giáo vừa có giá trị nhất định song cũng mang không ít hạn chế nên sẽ có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, phải tính đến tác động hai mặt của nó trong việc đề xuất phương hướng và giải pháp để có thể phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, với những tài liệu đã được tổng quan ở trên cho thấy, do nhiệm vụ, mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau, nên các nhà nghiên cứu đã có sự quan tâm tìm hiểu những nội dung khác nhau trong học thuyết Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc trong học thuyết đó nói riêng, nhưng chưa có công trình nào tập trung bàn luận có hệ thống và chuyên sâu về ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đó là những công trình nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học đi trước, giúp tác giả luận án có thêm những tư liệu, những cơ sở khoa học để tiếp tục đi sâu nghiên cứu những nội dung thuộc chủ đề luận án của mình. Trên cơ sở kế thừa những yếu tố hợp lý trong các công trình của những nhà khoa học đi trước, luận án tập trung đi sâu nghiên cứu và giải quyết những vấn đề sau:

Một là, khái quát một cách có hệ thống về cơ sở hình thành, nội dung chủ yếu trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo Trung Quốc; sự du nhập và biến đổi nội dung của nó trong Nho giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử tiêu biểu.

Hai là, phân tích ảnh hưởng mang tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay cùng những nguyên nhân của thực trạng đó.

Ba là, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Tác giả luận án hy vọng, với việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, luận giải những vấn đề trên, luận án sẽ góp thêm một cách tiếp cận và có thêm những đóng góp mới về một khoảng trống trong nghiên cứu về Nho giáo và ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 28 - 32)