Mục tiêu trị quốc trong quan niệm của Nho giáo

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 41 - 47)

Xuất phát từ thực tiễn xã hội rối loạn “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con” của thời Xuân Thu - Chiến Quốc, như Khổng Tử đã từng than: “Cô bất cô, cô tai! Cô tai!” (Cái bình cũng không còn ra cái bình!). Vì vậy, cũng giống như nhiều học thuyết đương thời, mục tiêu cao nhất của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng là nhằm tìm kiếm mô hình xã hội lý tưởng để thay thế cục diện đương thời. Nghĩa là, mục tiêu trị quốc của Nho giáo thể hiện tập trung qua quan niệm về mô hình xã hội lý tưởng. Trong quan niệm của các nhà sáng lập đạo Nho, mô hình xã hội lý tưởng với tư cách là mục tiêu trị quốc của Nho giáo mang những nét đặc trưng cơ bản sau:

Một là, xã hội ổn định, có trật tự tôn ti theo đúng chuẩn mực của từng mối quan hệ.

Xuất phát từ quan niệm cuộc đời vô cùng hỗn độn, không “chênh bên này” thì “lệch bên kia”, nên Nho giáo hướng đến việc lập lại kỷ cương, củng cố trật tự xã hội, làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Mặt khác, các nhà sáng lập Nho giáo muốn xây dựng nước giống mô hình của nhà, tạo lập các mối quan hệ xã hội tương tự các mối quan hệ gia đình với những tôn ti, trật tự, thứ bậc chặt chẽ.

Trong cách nhìn của các nhà sáng lập Nho giáo, mỗi người trong xã hội đều ở một vị trí, một thứ bậc nhất định và mọi người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt trật tự đó. Tất cả các mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú, được Nho giáo khái quát và nhấn mạnh năm mối chính (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn) - tức “ngũ luân”. Trong từng mối quan hệ, Nho giáo có những qui định khá chi tiết và chặt chẽ:

Đối với quan hệ vua tôi thì: Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung (vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi phụng sự vua phải trung) [trích theo Luận ngữ, Bát dật]. Đến Mạnh Tử, ông nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều vua - tôi

với một tinh thần khá dũng cảm trong bối cảnh xã hội đương thời: Vua coi tôi như tay chân thì tôi coi vua như lòng dạ; vua coi tôi như chó ngựa thì tôi coi vua như người dưng; vua coi tôi như cỏ rác thì tôi coi vua như thù địch [trích theo Mạnh Tử, Ly lâu, hạ]. Tư tưởng đó được tiếp nối ở Tuân Tử. mặc dù Tuân Tử vẫn chủ trương tôn quân, nhưng nếu vua là kẻ tàn ác vô đạo thì sẽ được quyền trừ bỏ, bởi trong quan niệm của ông “giết một ông vua tàn bạo cũng như giết một đứa thất phu mà thôi”. Điều đó có nghĩa là, quan hệ vua tôi trong quan niệm của Nho giáo sơ kỳ không phải là quan hệ một chiều từ trên xuống dưới khắt khe, nghiệt ngã mà đó là mối quan hệ có tính hai chiều, đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận có đi có lại của cả hai bên.

Trong quan hệ cha con, Nho giáo yêu cầu “phụ từ tử hiếu” (cha từ, con hiếu). Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy, chăm lo cho con cái, do đó mà có đức từ, đức nhân và ngược lại, con cái phải có hiếu với cha mẹ. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, trong các học thuyết cổ đại phương Đông, không học thuyết nào bàn về chữ “hiếu” một cách rõ ràng, đầy đủ, chi tiết như Nho giáo. Các nhà nho quan niệm, trong các hành vi của con người, không gì lớn bằng hiếu và trong các tội cũng không tội nào lớn bằng tội bất hiếu. Chữ hiếu của Nho giáo mang những nội dung phong phú, như “vô vi”, “vô cải”, “sự thân”, “thủ thân”, phụng dưỡng khi sống và tế tự khi chết theo đúng “lễ”…

Trong quan hệ vợ chồng, Nho giáo nhấn mạnh “phu nghĩa phụ thính” (chồng có nghĩa, vợ nghe theo). Tuy nhiên, trong quan niệm Nho giáo vai trò và địa vị của người vợ nói riêng, người phụ nữ nói chung thường được đánh giá thấp hơn. Điều đó ngày càng thể hiện rõ trong quan niệm của các nhà nho ở những thời kỳ lịch sử sau này. Trong quan hệ anh em, trên dưới thì “anh lành em đễ”, “trưởng có ân, ấu ngoan ngoãn”. Trong quan hệ bạn bè, Nho giáo đề cao chữ “tín”.

Khổng Tử sống trong thời “lễ giáo suy vi, cương thường đổ nát”, vì vậy suốt cuộc đời ông trăn trở với việc lập lại kỷ cương xã hội, khôi phục

trật tự tôn ti, quay về với lễ chế nhà Chu, quy định danh phận rõ ràng cho từng người (chính danh), bởi ông tin rằng nếu “chính” được “danh” thì thiên hạ sẽ thái bình và ngược lại: Danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc làm không thành, việc làm không thành thì lễ nhạc không hưng thịnh, lễ nhạc không hưng thịnh thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết làm thế nào cho phải [trích theo Luận ngữ, Tử Lộ].

Chính danh của Khổng Tử nói lên danh phận cụ thể của mỗi con người. (Danh là tên gọi, chức vụ, địa vị, thứ bậc của một người; phận là quyền lợi, nghĩa vụ - tức phận sự của người đó tương ứng với danh). Quan niệm đó có những hạn chế nhất định, thể hiện tính bảo thủ song nó cũng có ý nghĩa nhất định trong bối cảnh đương thời, đòi hỏi con người phải tuân thủ đúng phận, vị của mình, không được tiếm quyền, việt vị. Vấn đề xây dựng xã hội ổn định, trật tự, mỗi người thực hiện đúng vai trò, bổn phận trong từng mối quan hệ cụ thể cũng là điều mà Mạnh Tử xem như mục đích của việc trị quốc: Cha con phải có tình thương yêu nhau, vua tôi phải có nghĩa, vợ chồng phải kính nể nhau, già trẻ phải có thứ bậc trên dưới, bạn bè phải có tín [trích theo Mạnh Tử, Đằng Văn Công, thượng].

Nhìn chung, trong Nho giáo sơ kỳ, những yêu cầu trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội không phải một chiều theo trục trên - dưới mà nó mang tính hai chiều, ràng buộc với nhau: vua nhân - tôi trung, cha từ - con hiếu, anh lành - em đễ, trưởng có ân - ấu ngoan ngoãn, chồng có nghĩa - vợ nghe theo… Mọi suy nghĩ, hành vi của con người trong các mối quan hệ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những chuẩn mực ấy. Chỉ trên cơ sở thực hiện đúng danh phận của mỗi người mới có được một xã hội yên bình, thịnh trị theo mong ước của các nhà nho. Tuy nhiên, do không nhận thấy những biến đổi sâu sắc của những điều kiện kinh tế xã hội, của hoàn cảnh lịch sử nên những người sáng lập Nho giáo coi những chuẩn mực ấy là bất biến, muôn

thuở hợp đạo trời và tất cả những gì trái với nó, không phù hợp với nó đều là biểu hiện của sự suy vi và vô đạo. Trong quan niệm của các nhà sáng lập đạo Nho, nếu thực hiện tốt những mối quan hệ ấy tất yếu sẽ dẫn đến chỗ “thiên hạ vi công” và có thể đạt đến “xã hội đại đồng” mà sách Lễ ký miêu tả: Đạo lớn được thi hành thì thiên hạ là của chung, chọn người hiền đức, cử người tài năng, giảng giải điều tín, trau dồi hòa mục, cho nên người ta không thân quí riêng cha mẹ mình, không yêu dấu riêng con mình, khiến cho người già có nơi yên nghỉ cuối đời, lớp người tráng niên có chỗ được dùng, lớp tuổi thơ ấu có nơi khôn lớn, những người góa vợ góa chồng, những kẻ mồ côi, những người già nua không có con cái, những người phế tật đều có chỗ nuôi dưỡng… [trích theo Lễ ký, Lễ vận].

Những người sáng lập Nho giáo còn cho rằng: Của cải bỏ rơi vãi là điều đáng ghét song không cần giấu cho riêng mình; sức làm việc không phải chính từ bản thân mình ra là điều đáng ghét, song bất tất là cứ làm cho mình. Cho nên các mưu toan được chặn lại chứ không nổi lên, trộm cướp giặc giã không có. Bởi vậy cổng có mà không đóng. Thế gọi là đại đồng [trích theo Lễ , Lễ vận].

Nhà nghiên cứu Quang Đạm cho rằng, mô hình xã hội lý tưởng đó trong quan niệm của Nho giáo chính là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa xã hội không tưởng phương Đông thời cổ đại: “Lý tưởng ấy là gì, nếu không phải là chủ nghĩa xã hội không tưởng của những nhà đạo đức thời Đông Chu ngày đêm mơ mộng phục hưng triều đại nhà Chu đã suy tàn và đang mục đổ” [13, tr.119]. Mơ ước đó của Nho giáo về xã hội lý tưởng còn ảnh hưởng khá sâu sắc đối với các nhà nho của những triều đại phong kiến sau này. Trong những giai đoạn lịch sử nhiều biến động và khủng hoảng, không ít nhà tư tưởng lại ước mơ về một xã hội có phần hư cấu, như: “cửa không cần phải đóng”, “của rơi ngoài đường không ai nhặt”...

Hai là, xã hội lý tưởng phải đảm bảo cho con người có đời sống vật chất tương đối đầy đủ, thực hiện nguyên tắc phân phối quân bình.

Nho giáo đề cao sự ổn định và trật tự, không thích sự đổi thay và xáo trộn, không nhấn mạnh vai trò của sản xuất vật chất. Tuy nhiên, không hẳn Nho giáo phủ nhận vai trò của đời sống vật chất và cũng không đến nỗi đối lập tuyệt đối giữa nghĩa và lợi, giữa đạo đức và làm giàu. Nho giáo chủ yếu phản đối sự giàu sang do bất nhân bất nghĩa mà nó đòi hỏi giàu phải hợp với đạo, coi “giàu sang mà không đúng đạo thì không nên hưởng”, xem “giàu sang do bất nghĩa như đám mây nổi”. Sau khi đề cao nhân nghĩa, khẳng định vị trí, vai trò của đạo đức, những người sáng lập Nho giáo cũng cho rằng “nếu nước nhà có đạo mà nghèo hèn là điều đáng xấu hổ”. Bản thân Khổng Tử từng nói, “giàu sang ai cũng muốn, nghèo hèn ai cũng ghét” và nếu được giàu sang thì dẫu phải cầm roi đánh xe cho người khác ông cũng vẫn làm. Bản thân các nhà nho cũng đã nhận thấy vai trò phần quan trọng của đời sống vật chất trong thực tế. Vị Á thánh đạo Nho là Mạnh Tử đã phải thừa nhận, vào những năm đói kém mất mùa nhiều người trở nên hung bạo, còn những năm được mùa no đủ thì nhiều người trở thành lương thiện. Từ đó, ông chủ trương, nhà cầm quyền phải tạo sản nghiệp cho dân, đảm bảo cho người dân có tài sản riêng (hằng sản) bởi theo ông, chỉ khi dân có “hằng sản” thì họ mới có “hằng tâm” (thiện tâm vững bền) và ngược lại. Vì thế, ông khuyên những kẻ cầm quyền trị nước đương thời phải làm sao cho mọi người “trông lên đủ thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi vợ con, năm được mùa thì no nê đầy đủ, năm mất mùa không đến nỗi chết đói chết rét”. Có thực hiện được điều đó thì khi sai khiến họ, họ mới dễ dàng nghe theo. Ngược lại, “nếu họ lo cho khỏi chết đói còn không đủ sức thì đâu còn thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến chuyện lễ nghĩa”.

Để đảm bảo cho sự ổn định của xã hội, người dân có đời sống vật chất tương đối đầy đủ, các đại biểu sáng lập Nho giáo cũng nêu phương châm: Việc làm ra của cải có đạo lớn của nó. Người làm ra thì đông mà người ăn

tiêu thì ít; việc làm ra thì nhanh chóng mà việc tiêu dùng thì thư thả, như vậy của cải sẽ luôn luôn đủ. Mặc dù vậy, để cho xã hội nằm trong khuôn khổ đạo đức, các nhà nho khuyên con người nên an phận với hoàn cảnh của mình, không nên oán trời, cũng chẳng nên trách người. Do đó, giàu không nên kiêu căng, nghèo không nên oán trách. Hơn nữa, nếu “nghèo mà vui, giàu mà chuộng lễ” thì càng được biểu dương. Về sự phân phối của cải tiêu dùng trong xã hội, Nho giáo đề cao nguyên tắc quân bình với phương châm “bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an” (Không sợ thiếu, chỉ sợ không đều; không lo nghèo, chỉ lo không yên ổn).

Ba là, xã hội lý tưởng phải là xã hội có đạo đức, coi trọng giáo dục đạo đức cho mọi người.

Xã hội lý tưởng trong quan niệm của Nho giáo phải là xã hội có đạo đức, mà biểu hiện cơ bản của nó là vua thánh tôi hiền, mọi người tuân thủ theo đúng những qui phạm đạo đức mà Nho giáo nêu lên. Coi những phẩm chất đạo đức như trung, hiếu, nhân, nghĩa… là những phẩm chất con người cần học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách; xem đạo đức là yêu cầu cơ bản của mẫu người lý tưởng, là điều kiện cần thiết để có thể tạo lập và duy trì xã hội lý tưởng nên vấn đề giáo dục đạo đức được các nhà nho đặc biệt coi trọng.

Ra đời trong bối cảnh xã hội suy vi, cương thường đổ nát và coi nguyên nhân của hiện trạng đó là bởi nhân tâm chao đảo nên các nhà Nho quan niệm, muốn ổn định trật tự xã hội thì phải sửa trị nhân tâm. Vì thế, vấn đề “tính người” (nhân tính) và việc sửa trị nhân tâm được Nho giáo rất chú trọng. Khi bàn về vấn đề tính người, quan điểm của các nhà nho trong mỗi thời kỳ là không giống nhau (có người xem tính người là thiện, có người coi tính người là ác, có người cho rằng tính người không thiện không ác, có người lại khẳng định tính người từ lúc sinh ra đã là thiện ác lẫn lộn…) nhưng cuối cùng đều thống nhất ở chỗ cho rằng tính người không bất biến mà có thể cải hóa được.

Vì thế, họ hướng đến mục đích giáo dục, giáo hóa con người theo những chuẩn mực đạo đức Nho giáo nhằm ổn định trật tự, kỷ cương xã hội theo những yêu cầu của chế độ xã hội đương thời.

Trong quan niệm của các nhà Nho, giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ làm cho con người khác với cầm thú. Điều đó đã được các thánh hiền Nho giáo khẳng định, “nếu con người chỉ ăn no, mặc ấm, ở yên mà không được giáo hóa thì cũng chẳng khác gì cầm thú”. Muốn tạo ra những con người cần thiết cho xã hội đương thời, tạo ra những mẫu hình nhân cách lý tưởng, nhất là những chủ thể trị quốc của một xã hội lý tưởng theo mong ước của các nhà nho thì không thể không thông qua giáo dục. Về cách thức và phương pháp giáo dục, Nho giáo còn để lại những bài học tham khảo có giá trị, song về nội dung giáo dục của Nho giáo lại thể hiện sự phiến diện. Nó hầu như không đề cập đến những tri thức về tự nhiên, về khoa học kỹ thuật, về sản xuất mà nội dung chủ yếu của nó chỉ dừng lại ở những nguyên tắc, những tiêu chuẩn đạo đức nhằm tạo ra những mẫu người lý tưởng về đạo đức theo những chuẩn mực của các thánh hiền đạo Nho.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Quốc Hưng (Trang 41 - 47)