Xây dựng nhà văn hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình Truyền thông và vận động xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 66 - 70)

Mục tiêu:

- Kiến thức: Trình bày được các việc cần thực hiện để xây dựng nhà văn hóa tại cộng đồng dân cư.

- Kỹ năng: Thực hiện được các việc trong xây dựng nhà văn hóa tại cộng đồng dân cư.

- Thái độ: Rèn luyện thái độ tích cực, chủ động trong quá trình học tập; và thực hành các hoạt động truyền thông phát triển văn hóa cộng đồng.

3.1. Khái niệm nhà văn hóa * Định nghĩa

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa.

Trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhà văn hóa có vai trò quan trọng đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Mạng lưới nhà văn hóa làng, thôn, ấp, bản phát triển rộng khắp trong cả nước.

Nhà văn hóa là một cơ quan giáo dục xã hội chủ nghĩa ngoài nhà trường, là một trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa xã hội có nhiệm vụ chuyển tải những giá trị tinh hoa nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cho nhân dân hưởng thụ, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật; để gìn giữ bảo lưu và xây dựng các nền văn hóa dân chủ mới để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình trong thời gian nhàn rỗi.

Nhà văn hóa là một đơn vị nằm trong hệ thống tổ chức của ngành Văn hóa thông tin, trung tâm sinh hoạt văn hóa của địa phương, dùng các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt chính trị, thời sự phổ thông, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, qua đó mà giáo dục lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, yêu nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động văn hoá, hiểu theo thuật ngữ kinh tế học, là hoạt động sản xuất bảo quản, phân phối trao đổi và tiêu dùng những giá trị văn hoá do loài người sáng tạo ra trong tiến trình lao động xã hội. Nhà khoa học tìm tòi những quy luật vận động trong thiên nhiên, trong xã hội và trong tư duy của con người. Nhà nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, đó là hoạt động sản xuất văn hoá. Viện bảo tàng, thư viện lưu trữ những sản phẩm văn hoá của nhân loại, đó là hoạt động bảo quản văn hoá. Người thầy thuốc chữa bệnh, nhà giáo truyền thụ kiến thức cho thế hệ tương lai, diễn giả thuyết trình trước cử toạ, nghệ sĩ biểu diễn trước công chúng… đó là sự phân phối văn hoá. Những người tham gia trao đổi, thảo luận, toạ đàm tại câu lạc bộ, tham dự các ngày lễ hội, các cuộc thi tài, cung cấp cho nhau những thông tin mới, đó là hoạt động trao đổi văn hoá. Công chúng tham dự các buổi chiếu phim, xem biểu diễn nghệ thuật, đọc sách báo, xem triển lãm, bảo tàng, đi chơi công viên hoặc tham quan du lịch, đó là sự tiêu dùng các giá trị văn hoá.

* Đặc điểm

- Thiết chế đa năng tổng hợp

Nhà văn hoá là nơi tổ chức các cuộc họp dân làng, nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể ; là nơi tổ chức các

buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể; là nơi tổ chức tuyên truyền thông tin khuyến nông, khuyến lâm, học tập kiến thức nâng cao cho mọi người; là nơi tổ chức các hoạt động tiêu dùng các sản phẩm văn hoá như đọc sách báo, xem văn nghệ, xem truyền hình, xem phim...; là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ... Tính đa năng của thiết chế Nhà văn hoá còn được thể hiện ở sự phong phú về phương pháp hoạt động với mục đích phổ biến những hoạt động có hàm lượng văn hoá cao tới đông đảo quần chúng nhân dân. Những giá trị văn hoá đó đến với chủ thể sử dụng một cách tự nhiên.

- Thiết chế sử dụng thời gian rỗi

Thời gian rỗi, là một phần tất yếu của cuộc sống của mỗi con người. Thời gian rỗi là thời gian không tham gia lao động sản xuất vật chất, là khoảng thời gian con người nghỉ ngơi và khôi phục thể lực sau một ngày làm việc vất vả. Con người ngay từ xa xưa đã biết sử dụng thời gian rỗi cho hoạt động văn nghệ đó là lời ca, tiếng hát, đó là các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngay trong chính thời gian rỗi này con người đã không ngừng sáng tạo, tạo ra các giá trị văn hoá bất hủ, những giá trị văn hoá đó trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hoá Việt Nam.

- Thiết chế hoạt động tự nguyện và vận dụng phương thức xã hội hoá

Nhà văn hoá tổ chức các hoạt động văn hoá phục vụ quần chúng nhân dân và mọi người dân tham gia các hoạt động đó một cách tự nguyện, tham gia theo nhu cầu của bản thân và gia đình. Quá trình tham gia là quá trình lựa chọn hoạt động phù hợp với sở thích.

3.2. Chức năng, nhiệm vụ nhà văn hóa * Chức năng

- Chức năng giáo dục

Là hình thức giáo dục ngoài nhà trường; với tính chất tự do, tự giác và tự nguyện thông qua các hình thức tổ chức tham gia các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, với đặc trưng ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật tác động vào nhận thức con người bằng cảm xúc thông qua cảm thụ chủ quan như một giá trị tự tại mục đích tự nó điều chỉnh mình thể hiện mình đạt tới mức chung của xã hội.

- Chức năng giao tiếp

Giao tiếp là sự giao lưu tiếp xúc nhằm đón nhận thông tin trao đổi và xử lý thông tin với mục đích tự hoàn thiện mình của mỗi người. Ngôn ngữ giao tiếp được

chia thành ba loại: giao tiếp truyền thống, giao tiếp chức năng và giao tiếp tự do (giao tiếp tự do là giao tiếp của văn hóa). Giao tiếp được xem là chức năng đặc thù của hoạt động Nhà văn hoá, nó biểu hiện thông qua hoạt động của các hiệp hội câu lạc bộ.

- Chức năng sáng tạo không chuyên

Sáng tạo là thuộc tính của văn hóa, là bản chất và quyền năng của con người. Đây là sự sáng tạo mang tính ngẫu hứng của quần chúng nhân dân thông qua sự sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của mình đồng thời tạo ra các giá trị góp phần xây dựng các nền văn hóa mới. Hoạt động sáng tạo không chuyên không chỉ nhằm vào hoạt động văn nghệ, mà còn thể hiện trong nghiên cứu khoa học, khoa học ứng dụng và trong lĩnh vực hoạt động xã hội nữa. Dẫu sao hoạt động văn nghệ không chuyên vẫn được xem có vai trò chủ chốt trong hoạt động sáng tạo của Nhà văn hoá.

- Chức năng nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí

Một trong những đặc điểm của thời đại công nghiệp là lao động được chuyên môn hoá, tức là mỗi người làm việc khẩn trương trong một hệ thống thao tác nhất định. Do lao động với tiết tấu dồn dập dẫn đến sự mệt mỏi. Căng thẳng về tinh thần. Tổ chức nghỉ ngơi giải trí là nhằm đáp ứng nhu cầu giải tỏa căng thẳng, lập lại thế cân bằng cho mỗi người và cho toàn xã hội. Toàn bộ khung cảnh, nhịp điệu hoạt động bề nổi của Nhà văn hoá phải tạo ra được không khí vui tươi thoải mái, góp phần tạo ra tâm lí lạc quan, yêu đời. Đó là Nhà văn hoá thực hiện chức năng tổ chức nghỉ ngơi giải trí cho quần chúng.

- Chức năng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật

Nhà văn hóa là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện cơ chế “lấy thu bù chi”. Phát huy ưu thế chuyên môn, khai thác triệt để nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có. Tổ chức các hoạt động kinh doanh ấn phẩm văn hóa, các hoạt động dịch vụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, theo đúng đường lối, chính sách và pháp luật, quy định của Đảng, nhà nước đã ban hành.

* Nhiệm vụ

- Tổ chức hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, chiếu phim video.

- Hoạt động xây dựng nếp sống, tổ chức lễ hội.

- Hoạt động mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, các câu lạc bộ sở thích.

- Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí. - Tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

3.3. Tổ chức hoạt động * Nội dung hoạt động

- Hoạt động hội, họp, sinh hoạt.

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền – cổ động. - Hoạt động văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao. * Phương thức hoạt động

- Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên tuyền trực quan phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương và các thông tin liên quan đến người dân.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục – thể thao thường xuyên.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa – xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội.

- Triển khai thực hiện phong trào “ Toàn dân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “ấp văn hóa”, “xây dựng xã văn hóa nông thôn mới”…

- Tổ chức các buổi sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Một phần của tài liệu Giáo trình Truyền thông và vận động xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)