Tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật

Một phần của tài liệu Giáo trình Truyền thông và vận động xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 55 - 60)

Mục tiêu:

- Kiến thức: Trình bày được các nội dung công việc cần lưu ý trong quá trình triển khai tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật theo một chủ đề nhất định.

- Kỹ năng: Triển khai được một kế hoạch truyền thông bằng nghệ thuật theo chủ đề nhất định.

- Thái độ: Rèn luyện thái độ tích cực, chủ động trong quá trình học tập; và thực hành kế hoạch tuyên truyền vận động xã hội vì mục đích nâng cao đời sống của cộng đồng.

2.1. Tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật trong một cuộc họp, mít tinh

Trong buổi mít tinh, cuộc họp đông đảo quần chúng với những chủ đề nội dung xác định, tiến hành hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Thiết kế chương trình khoa học, sáng tạo và có tính giáo dục. Trong đó, tuyên bố lý do, diễn văn, tham luận chiếm vị trí quan trọng, phục vụ mục đích truyền thông; chương trình văn nghệ kết hợp làm không khí lễ hội vui vẻ, sống động, tác động tới tình cảm của người dự.

- Trang trí, biểu ngữ, tranh ảnh, âm nhạc, cờ, hoa, trang phục phù hợp với sự kiện.

- Chuẩn bị chu đáo kịch bản tổng thể chương trình, bài giới thiệu, người dẫn chương trình, người đọc diễn văn; đặc biệt là lựa chọn địa điểm, thời gian hợp lý, đảm bảo cho mọi người có thể tham dự đầy đủ cũng góp phần không nhỏ vào thực hiện thành công mục tiêu của chương trình.

2.2. Tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật trong một lễ hội

Lễ hội cũng có thể coi là một cuộc họp đông đảo quần chúng, tuy nhiên trong lễ hội ranh giới giữa đoàn chủ tịch và khối quần chúng bị xóa nhòa. Họ hòa nhập với nhau trong hoạt động. Lễ hội được đông đảo quần chúng tham gia và rất lôi cuốn tầng lớp trẻ. Do vậy việc tổ chức sao cho phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, sao cho họ tham gia thuận lợi và nhiệt tình hưởng ứng thì lễ hội mới đạt kết quả.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi, sống động. Không gian và thời gian lễ hội phải lựa chọn hợp lý, các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ như âm thanh, ánh sáng… phải được chuẩn bị chu đáo, nếu không chỉ một sơ suất nhỏ cũng ảnh hưởng tới sự thành công của lễ hội. Do đó, mọi hoạt động của lễ hội phải chịu sự chỉ huy của đạo diễn.

2.3. Tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật trong một hoạt động văn hóa dân gian

Ở mỗi vùng miền, địa phương có những loại hình văn hóa dân gian đặc trưng: ca dao, quan họ, hát đối, hát trầu văn, tuồng, chèo… Loại hình văn hóa này thu hút đông đảo người xem và cũng được nhiều người dân yêu thích. Do vậy, cán bộ truyền thông nên đưa ra các nội dung lồng ghép trong các buổi hội diễn văn nghệ để nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật. Đồng thời, nội dung của các hoạt động văn hóa này còn hướng vào ca ngợi, tôn vinh những tấm gương, mô hình tích cực, lên án, bài trừ những thói hư tật xấu, thói quen lạc hậu trong phong tục, tập quán của người dân.

Truyền thông qua các hoạt động dân gian la hình thức thông tin tuyên truyền rất sống động. Thông điệp ngắn gọn dễ đi vào tâm trí người dân thông qua cách thể hiện hành động, hình ảnh thực tế và do đó có sức thuyết phục, có tác động mạnh tới

cảm xúc người xem. Hoạt động này nên tổ chức vào những thời gian nhàn rỗi, ngày nghỉ, buổi tối để người dân có cơ hội tham gia.

2.4. Tổ chức hoạt động truyền thông bằng nghệ thuật trong một hội thi

Truyền thông qua các hội thi như tìm hiểu các chủ đề “Quân đội nhân dân”, kiến thức về giới và gia đình, các cuộc thi sáng tác thơ ca, thi hát, thi vẽ tranh, thi hùng biện về các đề tài phòng chống tệ nạn xã hội… Thông qua đó, người tham gia thu thập được những thông tin bổ ích, được chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, được bày tỏ những cả xúc, trải nghiệm của mình và từ đó có thể tác động tới người dân.

3. Thu ý kiến phản hồi và đánh giá

Mục tiêu:

- Kiến thức: Trình bày được các nội dung công việc cần thực hiện trong thu ý kiến phản hồi và đánh giá kế hoạch truyền thông bằng nghệ thuật theo một chủ đề nhất định.

- Kỹ năng: Thực hiện được việc thu ý kiến phản hồi và đánh giá việc thực hiện kế hoạch truyền thông bằng nghệ thuật theo một chủ đề nhất định.

- Thái độ: Rèn luyện thái độ tích cực, chủ động trong quá trình học tập; và thực hành kế hoạch tuyên truyền vận động xã hội vì mục đích nâng cao đời sống của cộng đồng.

Đánh giá là một hoạt động định kỳ của quản lý, nhằm so sánh kết quả đạt được với mục tiêu mà kế hoạch đặt ra và xác định tính hợp lý, kết quả, hiệu quả của kế hoạch truyền thông.

Cần đánh giá các vấn đề sau:

+ Đánh giá tác động của kế hoạch truyền thông với đối tượng + Đánh giá hiệu quả của các nguồn lực đầu tư

+ Đánh giá tiến độ và thời gian thực hiện Để thu thập thông tin cho đánh giá cần:

+ Phân công người sử dụng công cụ và phương pháp.

+ Chuẩn bị đầy đủ công cụ cần thiết: số lượng phiếu điều tra, biểu mẫu phỏng vấn, thảo luận nhóm, quan sát; chuẩn bị máy ảnh, máy quay, máy ghi ấm...

+ Chuẩn bị các thủ tục cho việc thu thập số liệu (công văn, giấy giới thiệu), dự kiến phương tiện đi lại.

+ Sử dụng các phương pháp đánh giá.

BÀI 6

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA QUẦN CHÚNG Ở TUYẾN CƠ SỞ VĂN HÓA QUẦN CHÚNG Ở TUYẾN CƠ SỞ

Mã bài: MĐ15_B06 Giới thiệu:

Bài học này cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản và cơ hội thực hành kỹ năng nghề về các hoạt động vì mục tiêu xây dựng chương trình phát triển văn hóa quần chúng ở tuyến cơ sở tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hành nghề nghiệp sau khi ra trường.

Mục tiêu:

- Trình bày được nội dung các hoạt động cơ bản cần tiến hành trong tổ chức văn hóa quần chúng ở cơ sở.

- Rèn luyện cho sinh viên thực hiện được tiến trình tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng ở tuyến cơ sở.

- Viết và trình bày được báo cáo về các vấn đề của cộng đồng.

- Thái độ: Rèn luyện thái độ tích cực trong học tập và trong tổ chức, tham gia các hoạt động truyền thông phát triển văn hóa cộng đồng.

Nội dung chính:

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do vậy, hoạt động văn hóa quần chúng là một trong những hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, ví dụ như Chỉ thị số 45- Ttg của Thủ tướng chính phủ về công tác và tổ chức văn hóa quần chúng ở nông thôn ngày 9/4/1962; Nghị quyết Đại hội VI của Đảng xác định “Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa văn hóa văn nghệ đến các vùng kinh tế mới,

vùng có căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số và các vùng xa xôi, hẻo lánh”; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Đại hội X của Đảng tiếp tục xác định: Phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng và hoàn thiện nên giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế…; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:…

* Nội dung các hoạt động văn hóa cơ sở hiện nay gồm:

- Truyền bá và cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống.

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên phạm vi cả nước nhằm thực hành tiết kiệm.

- Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng, huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng.

- Duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội.

- Phát động phong trào thể dục thể thao; chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình.

* Mục đích của tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở là làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự gia tăng phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Sau đây trình bày một số công việc cơ bản cần thực hiện trong xây dựng chương trình phát triển văn hóa quần chúng ở tuyến cơ sở.

Một phần của tài liệu Giáo trình Truyền thông và vận động xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 55 - 60)