Nam. Nội dung này phù hợp với một số nước thuộc liên minh Châu Âu, Trung Quốc… cũng không có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại. Bên cạnh đó, khi áp dụng pháp luật về hình ảnh tổng thể thương mại cũng cần có các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hỗ trợ, năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên viên xét duyệt hồ sơ, các cơ quan chức năng và toà án trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là những vấn đề cần phải hoàn thiện dần trong thời gian dài. Qua thực tế cho thấy, hình ảnh tổng thể thương mại có thể bảo hộ tương đương với các đối tượng là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, hay pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh… Mặc dù chưa có sự tương thích hoàn toàn, nhưng thông qua những điểm tương đồng giữa hình ảnh tổng thể thương mại và các đối tượng của quyền SHTT, có thể hoàn thiện các quy định này, để đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên liên quan trong quá trình thực thi pháp luật.
4.2.3 Hoàn thiện các quy định có liên quan với bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại mại
Theo khái niệm, hình ảnh tổng thể thương mại có thể bao gồm: kí tự, con số, màu sắc, kiểu dáng, hình dạng của một sản phẩm, nhãn hàng hay bao bì, đóng gói của hàng hóa; hoặc cách trang trí, sắp xếp, bố cục của nơi cung cấp dịch vụ… hoặc kết hợp của các yếu tố này. Chính vì nội hàm tương đối rộng như vậy nên hình ảnh tổng thể thương mại khi đăng ký bảo hộ quốc tế tại các quốc gia không có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại thì có thể chọn bảo hộ là: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, hay pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh… (nếu đáp ứng các điều kiện luật định). Nhưng xét về sự tương đồng thì hình ảnh tổng thể thương mại có nhiều điểm chung với nhãn hiệu nhất, chúng đều có chức năng chỉ nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ và khi được cấp Giấy chứng nhận thì hình ảnh tổng thể thương mại sẽ được hưởng các quyền tương đương với nhãn hiệu. Bên cạnh đó, pháp luật cạnh tranh không lành mạnh cũng có một số quy định bảo hộ cho những đối tượng
chưa đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Như vậy, đây là hai nội dung pháp luật có liên quan tương đối trực tiếp với hình ảnh tổng thể thương mại.
Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thường xảy ra khi có dấu hiệu tương tự có khả năng gây nhầm lẫn với dấu hiệu của chủ thể sử dụng trước. Đặt chủ thể sử dụng dấu hiệu trước vào tình huống bị động, lúc này họ mới thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh quyền sở hữu của mình; trong quá trình giải quyết tranh chấp có thể họ cũng sẽ gặp phải một số khó khăn khi chứng minh quyền sở hữu. Chính vì vậy, nếu pháp luật Việt Nam mở rộng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với các dấu hiệu mới (thuộc hình ảnh tổng thể thương mại) so với nhãn hiệu truyền thống, như: dấu hiệu âm thanh, dấu hiệu ba chiều, cách trang trí cửa hàng…, cũng như quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điều kiện bảo hộ, tiêu chí đánh giá hành vi vi phạm thì các chủ sở hữu hợp pháp dấu hiệu có thể chủ động hơn trong kinh doanh hoặc khi có hành vi vi phạm. Do đó, cần thiết phải rà soát và sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan để tạo thuận lợi cho việc thực thi pháp luật.