Có nhiều dòng tế bào có thể sử dụng để nuôi cấy virus như: Đại thực bào phế nang lợn Porcine Alveolar Macrophage (PAM), dòng tế bào CL 2621, tế bào MA 104, tế bào Marc 145.
PAM là môi trường tốt nhất cho phân lập virus vì nó có độ nhạy cao nhất, virus có thể nhân lên với số lượng lớn và có thể nuôi cấy tất cả các chủng virus PRRS lưu hành trên thế giới. Nhược điểm của PAM là phải chuẩn bị môi trường từ những con lợn khỏe mạnh và PAM không phải là tế bào dòng nên sự nhân lên của tế bào là có giới hạn do đó không thể lưu giữ virus trong thời gian lâu dài (Kim et al., 1993).
Với các dòng tế bào như: MA-104, Marc 145, CL-2621 hiện đang được sử dụng nhiều hơn và khắc phục được nhược điểm của tế bào PAM. Trong đó Marc 145 có thể phân lập được 11 dòng virus của cả 2 chủng Châu Âu và Bắc Mỹ, hơn nữa thời gian và mức độ gây bệnh tích tế bào, số lượng virus thu được sau khi phân lập đều đảm bảo yêu cầu nên dòng tế bào này đang được ứng dụng nhiều cho chẩn đoán và nghiên cứu.
Hiện nay, nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đang dùng loại tế bào Marc 145 để phân lập virus PRRS, sau 12, 24, 36, 72 giờ nuôi cấy, quan sát các CPE (Cytopathic effect hay cytopathogenic effect) để đánh giá sự nhân lên của virus, đã có công bố về những nghiên cứu tác động của virus PRRS lên tế bào Marc 145.
Virus xâm nhập vào tế bào bằng con đường nội bào (endocytosis) qua trung gian receptor. Người ta đã xác định heparan sulfate là thụ thể của đại thực bào phế nang đối với virus và trên Marc 145 là vimentin. Vimentin là một yếu tố quan trọng trong việc làm ổn định cấu trúc của tế bào chất trong nhiều loại tế bào khác nhau.
Những thay đổi có tính thoái hoá do apoptosis gây ra trong tế bào bao gồm nhân tế bào cô đặc lại, vỡ ra, không bào bị thoái hoá, tế bào chất cô đặc, nhiễm sắc thể bị đứt ra từng mảnh.
Quá trình nhân lên của virus PRRS trên môi trường tế bào Marc 145, hiệu giá virus có thể đạt tối đa 108,5 TCID50/0,1ml sau 48-72 giờ nuôi cấy. Hiệu giá virus đạt đỉnh cao lúc 24-48 giờ và có thể duy trì tới 60-70 giờ sau nuôi cấy (Kim et al., 1993).