Sở dĩ vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước và chiếm trên 95% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là do vùng này có những lợi thế mà các vùng khác không có. Đó là:
Một là, Lợi thế tự nhiên - điều kiện tự nhiên
Cây lúa - cây trồng chủ lực, là sản phẩm chuyên môn hóa cao nhất của vùng. Lợi thế về sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL do các yếu tố sau đây:
Vị trí địa lý thuận lợi, đất đai màu mỡ là điều kiện tốt cho sản xuất lúa gạo, hơn thế ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết cũng rất quan trọng đối với sản xuất nông sản (có lúa). Thời tiết, khí hậu tốt tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, góp phần tăng năng suất, bội thu mùa màng. Trái lại, thời tiết, khí hậu bất lợi (hạn hán, lũ lụt, bão tố…) sẽ làm giảm năng suất cây trồng, giảm sản lượng và chất lượng lúa gạo, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng lúa nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, khí hậu, thời tiết, bệnh dịch phát sinh phá hoại mùa màng.
ĐBSCL nhìn chung có khí hậu, thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (trong đó có trồng lúa). ĐBSCL, có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa, nhiệt độ trung bình hơn hơn miền Bắc. Vì vậy nông dân vùng ĐBSCL có thể trồng 3 vụ lúa trong năm, trong khi đó miền Bắc chỉ có thể trồng 2 vụ trong một năm, do nhiệt độ trong mùa đông thấp.
(2) Nguồn nước ngọt dồi dào và phong phú
Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng có nguồn nước dồi dào kể cả nước mặt ở trên và nước dưới đất. Tài nguyên nước dồi dào là một lợi thế nổi bật trong nghề trồng lúa nước ở ĐBSCL và Việt Nam nói chung. Sự ưu đãi về nguồn nước từ thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng trong việc thâm canh tăng vụ và tăng sản lượng lúa gạo. Lợi thế về nguồn nước còn có ý nghĩa đảm bảo cho lợi thế của tài nguyên đất phát huy đầy đủ trong quá trình sản xuất lúa.
(3) Đất đai phì nhiêu, màu mỡ
ĐBSCL là vùng đất phù sa bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu. Khoảng 1,5 triệu ha gồm các phần đất nằm dọc hai bên sông Hậu, bao gồm một phần tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Các vùng hữu ngạn sông Hậu, nơi ven sông gồm các loại đất tương đối nhẹ, dễ tiêu nước, ít phèn và tầng hữu cơ khá sâu.Đây là lọai đất rất phù hợp cho việc trồng lúa và các lọai cây trồng khác.
Do được thiên nhiên ưu đãi nên mỗi năm vùng ĐBSCL có thể trồng được 3 vụ lúa:
Vụ Mùa:Bắt đầu vào mùa mưa (tháng 5-6) và kết thúc vào cuối mùa mưa (tháng 11), gồm các giống lúa địa phương dài ngày và thích nghi với nước sâu. Gieo từ ngày 5/5 - 30/5. Sử dụng các giống lúa VND 404, VND 95- 19, MTL 250, MTL 392, MTL 449, OM 4498, OM 4495, OM 2395, OM 2517, OM 3405, Khao 105, Nàng thơm Chợ Đào 5, Nàng Hương 2... Vụ lúa mùa có diện tích khoảng 1,5 triệu ha;
Vụ Đông Xuân: Là vụ lúa mới, ngắn ngày, diện tích khoảng 70-80 vạn ha, bắt đầu vào cuối mùa mưa tháng 11 - 12 và thu hoạch đầu tháng 4. Gồm gồm 5 giống chủ lực (OM 6162, OMCS 2000, OM 5472, OM 6677 và OM 4218) và 9 giống lúa được đánh giá có triển vọng (OM 6976, OM 6916, OM 5451, OM 8232, OM 4101, OM 3995, OM 6018, OM 6677 và OM 8923).
Vụ Hè Thu: Vụ hè thu là một vụ lúa mới, ngắn ngày, bắt đầu từ tháng 4 và thu hoạch vào trung tuần tháng 8 và có diện tích khoảng 1,1 triệu ha. Gieo đầu tháng 4 đến 25/4. Sử dụng các giống lúa OMCS2000, OMCS21, TNĐB100, ML48, OM1706, OM1633, VND404, VND95 - 19, MTL250, MTL392, MTL449, OM4498, OM4495, OM2395, OM2517, OM3405...[34]. Không chỉ có lợi thế về mùa vụ, mà còn có lợi thế là năng suất lúa cao. Chẳng hạn, năm 2007 năng suất lúa đạt bình quân 3 vụ là 49,8 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với năm 2006.
Hai là, sự tinh thông, am hiểu về nghề trồng lúa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long
Lịch sử sản xuất lúa nước ở Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm. Người nông dân ĐBSCL đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng, thâm canh lúa qua nhiều thế hệ. Mặt khác, nông dân ĐBSCL, cần cù, chịu khó, có sự tinh thông và am hiểu khá tường tận nghề trồng lúa. Đây là lợi thế
không nhỏ để ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất, XKG chất lượng cao. Hơn nữa, trong những năm gần đây, người nông dân miền Tây cònđược chuyển giao, áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng thực hành tốt (VIETGAP) trên cơ sở các kỹ thuật đãđược ứng dụng rộng rãi, như “ba giảm, ba tăng”. 3 giảm: lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu. 3 tăng: năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hoặc “1 phải, 5 giảm”, một phải là gieo sạ đúng một loại giống xác nhận; 5 giảm: ngoài 3 giảm trên, còn thêm 2 giảm: giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Kết quả là giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và tăng lợi nhuận của nông dân so với kiểu sản xuất lúa truyền thống.
Ba là, giao thông thuận lợi
Đặc điểm của vùng là sông nước, kênh rạch chằng chịt nên giao thông trước đây chủ yếu là đường thủy. Gần đây, kinh tế- xã hội phát triển, nhu cầu về giao thông tăng nhanh nên đã có hàng loạt các công trình cầu đường mới được xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh... tạo điều kiện cho việc mở rộng lưu thông hàng hóa trong và ngoài vùng.
Trong tương lai, xây dựng thêm các cảng nội địa (cảng sông, cảng biển); Hệ thống giao thông huyết mạch từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL đang được mở rộng, nâng cấp và thông suốt bằng những cây cầu lớn qua các sông lớn trong vùng sẽ giảm được ách tắc giao thông liên tỉnh, liên vùng.
Ý nghĩa của lợi thếvề giao thông đưa hàng hóa đến nơi tiêu dùng một cách nhanh chóng, giảm chi phí lưu thông góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Và nói rộng ra là mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh.