CHỈ SỐ TRONG THỐNG KÊ 6.1 Khái niệm, ý nghĩa, phân loại chỉ số

Một phần của tài liệu Bài giảng Thống kê doanh nghiệp (2019): Phần 2 - TS. Vũ Trọng Phong (Trang 36 - 37)

6.1 Khái niệm, ý nghĩa, phân loại chỉ số

6.1.1 Khái niệm chỉ số

Chỉ số trong thống kê là một loại chỉ tiêu tương đối biểu hiện mối quan hệ so sánh giữa hai mức độ nào đó của một hiện tượng kinh tế.

Chỉ số được tính bằng cách so sánh 2 mức độ của hiện tượng ở 2 thời gian khác nhau nhằm nêu lên biến động của hiện tượng theo thời gian. Chỉ số này được biểu hiện bằng số tương đối giống như số tương đối động thái. Trong những mục đích so sánh khác, các chỉ số tính được cũng là số tương đối, có thể là số tương đối kế hoạch, số tương đối so sánh.

Như vậy trong thống kê khái niệm chỉ số tương đối rộng rãi; nó là phương pháp biểu hiện các quan hệ so sánh khác nhau. Trong thực tế, đối tượng chủ yếu của phương pháp phức tạp bao gồm nhiều đơn vị, nhiều phần tử có tính chất khác nhau về tên gọi, về giá trị sử dụng, đơn vị tính…v.v. Muốn so sánh các mức độ của hiện tượng kinh tế phức tạp, cần biến đổi các đơn vị, các phần tử có tính chất khác nhau trở thành dạng đồng nhất.

6.1.2 Đặc điểm của chỉ số

Để đáp ứng yêu cầu so sánh các mức độ của hiện tượng phức tạp, chỉ số có đặc điểm là khi muốn so sánh các mức độ của hiện tượng kinh tế phức tạp, cần phải chuyển các đơn vị hoặc phần tử có tính chất khác nhau thành dạng giống nhau, để có thể cộng trực tiếp với nhau. Như khi các đơn vị có các sản phẩm dịch vụ khác nhau không thể trực tiếp cộng với nhau do đó phải chuyển về dạng giống nhau (dạng giá trị). Như vậy dễ dàng so sánh hai chỉ tiêu giá trị để tính ra chỉ số giá trị Ngoài ra, chỉ số còn có đặc điểm là khi có nhiều nhân tố cùng tham gia vào việc tính toán số, phải giả định chỉ có một nhân tố thay đổi, còn các nhân tố khác không thay đổi.

6.1.3 Tác dụng của chỉ số

Chỉ số là một phương pháp không những có khả năng nêu lên biến động tổng hợp của hiện tượng phức tạp, mà còn có thể phân tích sự biến động này. Trong thống kê chỉ số có tác dụng:

- Chỉ số biểu hiện biến động của hiện tượng theo thời gian. Các chỉ số tính theo mục đích này được gọi là chỉ số phát triển. Nó được tính bằng cách so sánh mức độ của hiện tượng ở hai thời gian khác nhau.

- Biểu hiện sự biến động của hiện tượng theo không gian khác nhau giữa hai đơn vị, doanh nghiệp, hai địa phương. Chỉ số này gọi là chỉ số không gian.

- Biểu hiện nhiệm vụ và thực hiện kế hoạch của chỉ tiêu kinh tế nào đó. Chỉ số này gọi là chỉ số kế hoạch.

Một phần của tài liệu Bài giảng Thống kê doanh nghiệp (2019): Phần 2 - TS. Vũ Trọng Phong (Trang 36 - 37)