Thực hiện động tác giao bóng, đánh, đỡ bóng bàn là sự phối hợp nhiều cử động của các bộ phận cơ thể trong các tình huống khác nhau với mục đích mang
lại hiệu quả tốt nhất về sức nhanh, sức mạnh, tốc độ, sức xoáy và độ c huẩn xác của bóng, lại tốn ít sức lực nhất. Muốn thực hiện được điều đó đòi hỏi người đánh bóng phải phối hợp nhịp nhàng, hợp lí và phù hợp giữa các hệ thống, các bộ phận cơ thể.
Do vậy có thể coi kỹ thuật bóng bàn là tập hợp tất cả các cử động, các động tác hợp lí nhằm đánh bóng sang bàn đối phương đạt hiệu suất cao nhất, tốn ít sức nhất. Mỗi một kỹ thuật đều dựa trên nguyên lý chung, dựa trên mối liên hệ có tính quy luật tương đối ổn định của vận động đánh, đỡ bóng. Cấu trúc của động tác dựa trên các đặc tính không gian, thời gian, tư thế cơ thể, quỹ đạo chuyển động, tần số và nhịp điệu động tác…
Để tiện cho việc nghiên cứu, học tập người ta chia kỹ thuật đánh bóng cơ bản thành các giai đoạn:
- Giai đoạn chuẩn bị: Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực hiện các giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn cơ bản: là giai đoạn phối hợp các hoạt động các bộ phận cơ thể thực hiện động tác đánh bóng như tung bóng, vung vợt, điều chỉnh góc độ vợt, phát lực và điều chỉnh điểm tiếp xúc vào bóng.
- Giai đoạn kết thúc: là giai đoạn nhằm đưa cơ thể về tư thế ổn định chuẩn bị cho các động tác tiếp theo.