Đã có lúc, các DNNN giữ vai trò gần như độc tôn trong nền kinh tế quốc dân. Vào thời điểm đó, những đóng góp của khối doanh nghiệp này vào sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, phần lớn các DNNN đã không thể thích ứng kịp với những thay đổi của cơ chế mới. Vì vậy chủ trương cổ phần hoá DNNN là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Chặng đường 13 năm thực hiện cổ phần hoá đã qua bước đầu gặt hái được những thành công, có thể chia thành 4 giai đoạn:
Thời kỳ thí điểm cổ phần hoá từ 1992 đến 1996:
Trong thời kỳ này, các DNNN thuộc diện vừa và nhỏ, kinh doanh có hiệu quả và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, tập thể công nhân viên tự nguyện tham gia thí điểm cổ phần hoá được xem xét cho thí điểm cổ phần hoá bằng Chỉ thị số 202/CT- TTg ngày 8/6/1992 và Chỉ thị 84/TTg ngày 4/8/1993 của Thủ tướng chính phủ. Qua 5 năm thực hiện chủ trương này, cả nước mới chuyển được 5 DNNN thành công ty cổ phần.
Thời kỳ mở rộng thí điểm cổ phần hoá từ năm 1996 – 1998
Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm sau 4 năm thực hiện (1992-1996), Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/1996/NĐ-CP ngày 7/5/1996 về chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần. Kết quả đã có thêm 25 DNNN cổ phần hoá thành công.
Thời kỳ thực hiện cổ phần hoá từ 1998 đến 6/2002:
Ngày 29/6/1998, Chính phủ ra Nghị định số 44/1998/NĐ-CP thay thế Nghị định số 28/CP nhằm giải quyết chủ trương cổ phần hoá một cách thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành cổ phần
hoá. Nghị định 44/CP đã kết thừa, phát triển, bổ sung và sửa đổi nghị định 28 nhằm đáp ứng yêu cầu mới mà thực tế công tác cổ phần hoá đặt ra. Nghị định 44 đã quy định cụ thể các chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá; đồng thời có sự phân cấp quản lý trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hoá. Đến tháng 6/2002 cả nước đã chuyển được khoảng 1000 DNNN thành công ty cổ phần.
Thời kỳ đẩy mạnh công cuộc cổ phần hoá từ 2002 đến nay:
Ngày 19/6/2002 Chính phủ đã ban hành nghị định số 64/2002/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần thay thế cho nghị định 44/CP, nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá. Nghị định 64 đã được thể chế hoá về một số tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong Nghị quyết hội nghị trung ương 3 ban chấp hành trung ương Đảng khoá IX. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 đã nêu lên những định hướng quan trọng và chỉ ra những lĩnh vực mà Nhà nước vẫn giữ 100% vốn, những lĩnh vực mà Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối hoặc 100% vốn, quy định chi tiết đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.
Trong tiến trình thực hiện cổ phần hoá, nghị định 64/CP đã bộc lộ những hạn chế như việc bán cổ phần được tiến hành theo cách: phân chia – tính giá - hội đồng định giá và bán theo giá của cổ phần đã chia nên có thể xẩy ra tiêu cực. Vì vậy nghị định 187/2004/NĐ-CP được ban hành đã khắc phục được những kẻ hỡ của nghị định 64.
Cuộc cách mạng tại các DNNN - thực hiện cổ phần hoá đã luôn được Đảng và Nhà nước bám sát sườn, luôn có những chỉ đạo kịp thời để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Các nghị định, thông tư của chính phủ luôn được hoàn thiện và sửa đổi để phù hợp với yêu cầu mới trong quá trình cổ phần hoá. Kết quả là trong những năm gần đây, tốc độ cổ phần hoá tăng nhanh đáng kể, năm 2002 có 164 DN được cổ phần hoá, đến năm 2003 con số này tăng lên tới 611 DN, chín tháng đầu năm 2004 cổ phần hoá 751 doanh nghiệp, năm 2005 cổ phần hóa 693 doanh nghiệp. Đến hết năm 2005, cả nước đã cổ phần hoá được 2996 doanh nghiệp (Số liệu: Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương).
Bên cạnh những điểm sáng còn những mảng tối: Số DNNN cổ phần hoá tuy nhiều, nhưng số vốn chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn nhà nước tại
các doanh nghiệp. Hầu hết các DNNN được cổ phần hoá trong thời gian qua là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong gần 3000 DN đã được cổ phần hoá chỉ có khoảng 30% là có quy mô vốn trên 5 tỷ đồng. Tình trạng độc quyền của Nhà nước trong quản trị doanh nghiệp vẫn chưa được xoá bỏ. Tiến trình cổ phần hoá vẫn khá ì ạch, mang tính chất “khép kín”.