Vai trò của lễ hội truyền thống đối với du lịch

Một phần của tài liệu nghiên cứu lễ hội truyền thống đông đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 32 - 35)

7. Bố cục đề tài

1.3.3. Vai trò của lễ hội truyền thống đối với du lịch

 Khi đánh giá lễ hội phục vụ mục đích du lịch cần chú ý những đặc điểm sau đây: - Thời gian của lễ hội: các lễ hội không phải diễn ra quanh năm, mà chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Có lễ hội được tiến hành trong khoảng một hai tháng, nhưng cũng có lễ hội diễn ra trong một vài ngày. Trong thời gian lễ hội, khách hành hương tới rất đông với nhiều mực đích khách nhau, trong đó có cả mục đích du lịch.

- Qui mô của lễ hội: các lễ hội có qui mô lớn nhỏ khác nhau, có lễ hội diễn ra trên địa bàn rộng, thậm chí có qui mô quốc tế. Ngược lại, có lễ hội chỉ bó hẹp trong một địa phương nhỏ hẹp. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và nhất là khả năng thu hút du khách.

- Địa điểm diễn ra lễ hội: các lễ hội thường được tổ chức tại những di tích lịch sử văn hóa, điều đó cho phép khai thác tốt hơn cả di tích lẫn lễ hội vào mục đích du lịch. Di tích và lễ hội là hai loại hình tài nguyên du lịch nhân văn luôn sóng đôi và đan xen lẫn nhau. Lễ hội gắn với di tích và không tách rời di tích. Có thể nói, di tích là tinh hoa truyền thống được kết tinh lại ở dạng cứng, còn lễ hội là cái hồn chuyển tải tinh hoa ấy đến với đời thường.

Khách du lịch thường có nhu cầu tham dự các lễ hội và thường cảm thấy có sự hòa đồng mãnh liệt, say mê nhập cuộc. Những cuộc hội hè như vậy đã được gắn chặt vào đời sống văn hóa của cả khu vực hay mỗi quốc gia. Chính tại đây, tình cảm cộng đồng, sự hiểu biết giữa các dân tộc được bộc lộ rõ ràng nhất.

Nhìn một cách trực quan thì lễ hội và du lịch có một điểm chung là do con người tạo nên và vì con người, đều phải dựa vào đám đông và đáp ứng nhu cầu của đám đông để tồn tại và phát triển.

Lễ hội là một điểm sáng, hội tụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của nhân dân, một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống tinh thần mỗi thành viên trong cộng đồng, của cộng đồng và toàn xã hội. Lễ hội thường được tổ chức vào những thời điểm nhất định trong một không gian là danh lam thắng cảnh, di tích hoặc ở những thiết chế văn hóa phù hợp với tính chất lễ hội. Các trò vui chơi giải trí, những hoạt động văn hoá, xã hội khác như thi hát, thi thổi cơm, chọi gà, dệt vải, đấu vật, đánh đu, ném còn,... không chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội lớn mà còn là một trò vui chơi dân dã ở khắp các làng xã. Chính sự gắn kết giữa cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như vậy đã tạo nên sự hấp dẫn du lịch.

Lễ hội thu hút khách du lịch và đến lượt mình khách du lịch, hay nói chính xác hơn là hoạt động du lịch thúc đẩy cộng đồng bảo tồn và phát triển lễ hội. Có thể nói, bất cứ thành viên nào trong cuộc đời cũng tham dự ít nhất một lần lễ hội của cộng đồng mình. Lễ hội thấm sâu và lan toả rộng ra khắp nơi, tác động lên các hoạt động của con người, trở thành động lực và mục tiêu của mọi hoạt động xã hội cũng như sự phát triển văn hóa, kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch.

Mỗi dân tộc có những sự khác nhau trong ăn mặc, nói năng, sinh sống, đi lại, lễ nghi, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng,... Cùng một dân tộc, nhưng ở các vùng, miền khác nhau thì tính chất, kết cấu, mô thức văn hoá cũng đã khác nhau. Sự khác nhau đó dẫn đến sự khác nhau trong lễ hội, ngay cả những lễ hội có cùng tên gọi và chính sự khác nhau đó là sự hấp dẫn du lịch, tạo ra loại hình du lịch lễ hội đậm nét bản sắc đặc trưng của cộng đồng, dân tộc. Như vậy lễ hội là một loại tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc của đất nước. Sự tồn tại của lễ hội quyết định sự tồn tại và phát triển của loại hình du lịch lễ hội.

Có thể khẳng định rằng: Du lịch có mối quan hệ mật thiết đối với lễ hội. Lễ hội tạo ra sức hấp dẫn du lịch. Lễ hội đã tạo ra sự gắn kết giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân văn, thống nhất trong hệ thống văn hoá hoàn chỉnh nên có sức hấp dẫn du lịch lâu dài và bền vững. Cộng đồng dân cư nơi có lễ hội, những người tổ chức cho khách du lịch đến với lễ hội đều cần phải có trình độ văn hoá nhất định nào đó, phải hiểu biết về lễ hội mới có thể phục vụ được khách du lịch, mới có thể tạo ra được môi trường du lịch lễ hội tốt.

Được hình thành trên nền văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng, phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa, lễ hội, nhưng du lịch lễ hội không thụ động mà có những tác động trở lại lễ hội, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của lễ hội. Bên cạnh sự giao lưu ngày càng tăng giữa các nền văn hoá trên thế giới nhờ vào sự phát triển của giao thông, thông tin liên lạc, ngoại giao và thương mại, thì hoạt động du lịch lễ hội thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hoá một cách trực tiếp và nhanh nhất, làm cho lễ hội mở rộng quy mô và loại hình.

Như vậy, du lịch lễ hội là một hoạt động văn hoá mang tính tổng hợp và xã hội hoá cao. Mọi hoạt động của nó đều theo đuổi hoặc chứa đựng một hình thức văn hoá nào đó. Dù ý thức hoặc vô thức từ phía người làm du lịch, văn hoá đều phải xuyên suốt các mặt hoạt động của du lịch lễ hội. Tham quan và vui chơi giải trí là nhu cầu đặc trưng của chuyến đi du lịch lễ hội thể hiện rõ nét tính văn hoá. Khách du lịch trải nghiệm những giá trị văn hóa trong lễ hội theo hai cách:

- Một là trải nghiệm thụ động, chỉ tham gia lễ hội với tư cách người “xem hội”, tham quan, đứng “ngoài” chiêm nghiệm.

- Hai là trải nghiệm chủ động, tham gia lễ hội với tư cách như một thành viên của cộng đồng ấy, hay nói chính xác hơn là hóa thân thành người của động đồng để tham gia lễ hội.

Du lịch lễ hội đáp ứng thoả mãn được các nhu cầu tìm đến cái mới, cái khác biệt của nơi họ đến du lịch so với nơi ở thường ngày của mình thông qua lễ hội. Hoạt động du lịch lễ hội sẽ góp phần giới thiệu giá trị lễ hội của đất nước, của một vùng, của một địa phương, một cộng đồng, một bản làng nào đó thông qua xúc tiến du lịch lễ hội, tổ chức tạo sản phẩm phục vụ khách và tổ chức các chương trình du lịch lễ hội. Tuy nhiên không phải chỉ có ngành Du lịch giới thiệu lễ hội Việt Nam với khách, mà các ngành, địa phương và nhân dân nơi khách đến đều phải có trách nhiệm và truyền tải được giá trị độc đáo của lễ hội của làng, bản mình, cộng đồng mình, địa phương mình đến với du khách nội địa và quốc tế.

Trong chuyến du lịch lễ hội, khách du lịch không phải chỉ có tham quan hoặc tham gia các sự kiện gắn với lễ hội mà còn sử dụng các dịch vụ, hàng hoá và tiếp xúc với cư dân địa phương. Thông qua giao tiếp đó, văn hoá của cả khách du lịch và của cộng đồng dân cư nơi khách đến được trau dồi và nâng cao. Du lịch lễ hội tạo khả năng cho con người mở mang và tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hoá, phong tục tập quán, đạo đức, chế độ xã hội,... của đất nước, một vùng, một địa phương. Như vậy du lịch lễ hội là một kênh giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua chuyến du lịch lễ hội, khách du lịch nội địa được làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử, văn hoá dân tộc, qua đó càng thêm yêu đất nước mình; cộng đồng dân cư địa phương cũng thấy được sự hấp dẫn của lễ hội, của văn hoá bản địa, nhận thức ngày một sâu sắc việc bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể địa phương mình, góp phần khai thác, bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và xã hội. Du lịch lễ hội sẽ góp phần giáo dục tinh thần quốc tế, làm cho mọi người thấy cần thiết phải phát triển và củng cố các mối quan hệ quốc tế, làm cho các dân tộc gần gũi nhau hơn, góp phần bình thường hoá quan hệ, giữ gìn, củng cố hoà bình và tăng thêm tình hữu nghị giữa các dân tộc, tăng cường sự hợp tác, hội nhập trên mọi lĩnh vực vì lợi ích phát triển chung.

Về mặt kinh tế rất khó thống kê chính xác được nguồn lợi kinh tế mà du lịch lễ hội mang lại do khó tách rõ ai là khách du lịch lễ hội theo đúng nghĩa chỉ đi du lịch lễ hội, khó phân biệt khách du lịch, khách tham quan trong ngày đến với một lễ hội. Nhưng có thể khẳng định được rằng lợi ích kinh tế mà du lịch lễ hội và lễ hội mang lại mang rất lớn và

ngày càng tăng. Nguồn thu từ việc đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch tham quan lễ hội chủ yếu bao gồm vận chuyển, phục vụ ăn uống, lưu trú, mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí là con số không nhỏ. Nhờ thế tạo thêm các điều kiện và nguồn lực cho giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản, lễ hội. Đây là một hiệu ứng rất quan trọng mà các cấp, các ngành, các cộng đồng cần nắm để khai thác tốt hơn.

Một phần của tài liệu nghiên cứu lễ hội truyền thống đông đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)