Khái quát lễ hội truyền thống ở Việt Nam

Một phần của tài liệu nghiên cứu lễ hội truyền thống đông đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 35 - 38)

7. Bố cục đề tài

1.3.4. Khái quát lễ hội truyền thống ở Việt Nam

Trên khắp đất nước ta, đâu đâu cũng có lễ hội. Lễ hội diễn ra quanh năm, mỗi ngày bình quân có đến 22 lễ hội và đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống nhằm thỏa mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Lễ hội nước ta có thể chia thành nhiều loại. Theo tiêu chí địa chính trị có thể chia lễ hội thành lễ hội quốc gia, lễ hội vùng, lễ hội địa phương, hội làng. Theo cách chia này có những lễ hội mang tính toàn quốc như Lễ hội Đền Hùng là Quốc Giỗ của dân tộc Việt Nam, lại có những lễ hội mang tầm vóc của một làng, một bản như hội vật, hội ném còn,... Để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia ra lễ hội theo 2 cách, một là theo cấp quản lý (lễ hội cộng đồng quản lý, lễ hội do cấp tỉnh quản lý và lễ hội do cấp bộ quản lý) và hai là theo đối tượng lễ hội (có lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lịch sử cách mạng, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và Lễ hội khác). Theo cách chia thứ hai thì lễ hội Văn hóa du lịch, lễ hội văn hóa thể thao đưa vào nhóm các lễ hội khác.

Theo thống kê của Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (BộVH – TT & DL), cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 25 lễ hội nhập từ nước ngoài vào,... trong đó ít nhất có 24 tỉnh, thành phố có từ 100 lễ hội trở lên.

Với sự phong phú của hệ thống lễ hội tại Việt Nam, với sự trải dài cả về không gian và thời gian của các lễ hội (ở mọi miền đất nước, ở mọi thời điểm), sức hấp dẫn với du khách quốc tế do chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội dân gian truyền thống của Việt Nam là một tài nguyên vô giá đối với sự phát triển của du lịch. Lễ hội như một “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian, lối ứng xử,... của từng dân tộc, tạo nên bản sắc độc đáo và rất riêng của nền văn hóa Việt Nam. Lễ hội dân gian của đồng bào các dân

tộc thiểu số thường gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nông lịch sản xuất, nghi lễ vòng đời,... với nhiều nghi thức, lễ thức, trò diễn độc đáo. Chẳng hạn như: Lễ hội Tịch điền, Lễ hội Thánh Gióng, Hội chợ Viềng, Lễ Cầu ngư ở Quảng Bình, Hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Hội đền Hùng, Hội Chùa Hương, Hội Phủ Giầy,... Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Vài năm gần đây, nhiều lễ hội của Việt Nam thu hút khá đông du khách quốc tế như hội chợ Viềng (Nam Định), chợ âm dương và hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội Cổ Loa (Hà Nội), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Hương (Hà Nội),... Họ đến đây vừa cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên để tìm thấy những giây phút thanh thản trong tâm hồn.

Hơn nữa, chính sự phát triển của du lịch cũng góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn các lễ hội truyền thống cũng như khôi phục một số lễ hội đã bị mai một của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mặt khác, giao lưu, khám phá nhằm hiểu biết truyền thống, bản sắc văn hóa của các cộng đồng, các dân tộc, các quốc gia khác nhau là nhu cầu không thể thiếu của khách du lịch hiện nay.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia du lịch từ năm 2000, để phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành du lịch đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng, miền, các dân tộc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Trần, lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam,…. để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của du khách.

Năm 2010, lễ hội đền Hùng đã đón 5,5 triệu lượt khách, lễ hội Chùa Hương hơn 1 triệu lượt, lễ hội Yên Tử khoảng 3 triệu,… Đặc biệt, mới đây Hội Gióng được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại đã trở thành động lực lớn để ngành du lịch đưa vào khai thác, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho du khách khám phá, tìm hiểu di sản.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, lễ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Sinh hoạt lễ hội đã góp phần làm cho sản phẩm du lịch Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch, thì sinh hoạt lễ hội cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Du lịch gắn liền với lễ hội là một xu hướng tất yếu và cũng là một cách khai thác hiệu quả những lợi thế vốn có của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, làm như thế

nào và mức độ ra sao thì rất cần sự cân nhắc và định hướng đúng đắn của những cơ quan chức năng, những nhà quản lý văn hóa. Nếu làm một cách khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao đối với văn hóa thì chẳng những không bị mang tiếng là tầm thường hóa lễ hội mà còn góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một và biến tướng.

CHƯƠNG 2. TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG Ở ĐBSCL TRONG PHÁT TRIỂN DU

LỊCH

  

Một phần của tài liệu nghiên cứu lễ hội truyền thống đông đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 35 - 38)