7. Bố cục đề tài
2.1.3. Đặc điểm kinh tế xã hội
2.1.3.1. Dân cư, dân tộc
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số vùng ĐBSCL là 17.191.470 người sinh sống trên diện tích 40.519 km2, chiếm 20,5% dân số cả nước. Đây là khu vực có mật độ dân số cao thứ hai trong cả nước, sau vùng đồng bằng sông Hồng. Mật độ dân số bình quân của vùng là 436 người/km2. Mật độ dân số cao nhất tại Cần Thơ (849 người/km2
), sau đó là Vĩnh Long, Tiền Giang; Cà Mau là tỉnh có mật độ dân cư thấp nhất chỉ 226 người/km2 (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2009). Ở khu vực này dân cư ở độ tuổi dưới 40 chiếm tới hơn 80% dân số, trong đó nữ chiếm hơn 52%.
Ở ĐBSCL, tỉ lệ dân cư đô thị chiếm 22,8% thấp hơn so với mức 29,2% của vùng đồng bằng sông Hồng và 29,6 % của cả nước hiện nay. (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2009). Như vậy có thể thấy, tính chất nông thôn, nông nghiệp ở vùng ĐBSCL thể hiện rất rõ ở chỉ số dân cư.
Thành phần dân cư chủ yếu ở ĐBSCL là dân tộc Kinh (86%), còn lại là các dân tộc ít người (chiếm tỉ lệ khoảng 14% dân số toàn vùng) như Hoa, Khmer, Chăm,… Trong đó, người Khmer có số lượng đông nhất trong các dân tộc ít người (10,5%), phân bố chủ yếu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; tiếp theo là bộ phận người Hoa, rồi đến Chăm,…
2.1.3.2. Kinh tế - xã hội
Đối với vùng ĐBSCL, hoạt động kinh tế diễn ra hết sức sôi động trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tại đây giữ vai trò quan trọng, vùng là vựa thóc chính của cả nước, góp phần chủ yếu vào việc đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, hai tỉnh có sản lượng nông nghiệp lớn nhất là Kiên Giang và An Giang. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ phát triển công nghiệp của vùng đã gia tăng nhanh chóng với đầu tàu là Cần Thơ, đặc biệt với sự hình thành của cụm khí – điện – đạm Cà Mau.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP của khu vực ĐBSCL bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 10-12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 17,8 triệu đồng /năm; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt 6,2 tỷ USD. Hiện tại, ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, trên 50% sản lượng thủy sản; 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước,...
Mặc dù khối công nghiệp – xây dựng và dịch vụ du lịch phát triển mạnh nhưng nông nghiệp vẫn là khối kinh tế chủ đạo của vùng, trong đó hình thức kinh tế miệt vườn cũng là một nét đặc thù, độc đáo.