1.4.1.1. Doanh nghiệp nhà nước
Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”. [Luật DNNN năm 2003, tr. 15].
DNNN có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn doanh nghiệp quản lý. DNNN có tên gọi, có con dấu riêng, có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ của DNNN được quy định theo luật DNNN ở các điều từ điều 12 đến điều 20 [Luật DNNN, 2003].
DNNN có các nhiệm vụ sau:
+ Kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và mục đích thành lập doanh nghiệp.
+ Bảo toàn và phát triển vốn được giao;
+ Thực hiện các nhiệm vụ và nghĩa vụ đối với nhà nước.
+ Thực hiện phân phối theo lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bồi dưỡng và nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và chuyên môn cho công nhân viên chức.
+ Bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc phòng.
Theo Luật DNNN 2003, giám đốc là người điều hành doanh nghiệp, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước người bổ nhiệm, người ký hợp đồng thuê và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền, nhiệm vụ được giao.
Giám đốc do người quyết định thành lập doanh nghiệp quyết định việc tuyển chọn để bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật hoặc ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng (đối với các DNNN không có hội đồng quản trị); hoặc do tổng giám đốc quyết định việc tuyển chọn để bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật hoặc ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng (đối với DNNN có hội đồng quản trị).
Như vậy, giám đốc DNNN là người quản lý điều hành doanh nghiệp sẵn có và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả.
Ngày nay, giám đốc được coi như một nghề, nghề giám đốc là nghề quản lý Trong các DNNN, giám đốc là một chức vụ do cấp trên bổ nhiệm, làm việc theo chế độ một thủ trưởng; các phó giám đốc và kế toán trưởng là những người giúp việc cho giám đốc; văn phòng và các phòng ban chức năng là người thừa hành giúp giám đốc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Lao động của người giám đốc rất đa dạng và phức tạp, có thể nói giám đốc là nhà quản trị kinh doanh, nhà sư phạm và là nhà họat động xã hội. Giám đốc phải là người có đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện, như được quy định trong Luật DNNN 2003, tr.36 là:
+ Có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp; có trình độ đại học; có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành nghề chính của doanh nghiệp.
+ Có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật; thường trú tại Việt Nam.
Thời kỳ trước đây ở Việt Nam, giám đốc được coi như là một chức danh quyền lực nên thường được tiến cử từ các nhà hoạt động chính trị, quân sự và các lĩnh vực khác nên việc điều hành sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Nhiều giám đốc có trình độ văn hóa chuyên môn thấp. Theo tài liệu điều tra các DNNN năm 1990 cho thấy, trong số 4585 DNNN thua lỗ trong năm 1989 có 2630 đơn vị, giám đốc không có bằng cấp chuyên môn.
Hiện nay, đặc biệt từ khi nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì quan niệm coi giám đốc là một nghề lại càng được khẳng định. Nghề giám đốc cần phải được tuyển chọn và đào tạo một cách cơ bản khoa học. Trong các DNNN, số giám đốc có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hiểu biết về quản lý kinh tế chiếm tỷ lệ ngày càng tăng và họ đã phát huy tác dụng trong thực tiễn công tác của mình.
Giám đốc DNNN có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
+ Nhận và sử dụng có hiệu quả vốn do nhà nước đầu tư và các tài sản, đất đai, tài nguyên, các nguồn lực khác do nhà nước giao, cho vay, cho thuê.
+ Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, kế hoạch dài hạn và hàng năm của doanh nghiệp, dự án đầu tư liên doanh, đề án tổ chức quản lý của doanh nghiệp trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
+ Tổ chức điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
+ Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương phù hợp với quy định của nhà nước.
+ Trình người ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật phó giám đốc, kế toán trưởng.
+ Báo cáo người quyết định thành lập doanh nghiệp và cơ quan tài chính về kết quả hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Quyết định tuyển chọn, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các trưởng phòng, phó phòng chuyên môn,
nghiệp vụ và các chức vụ tương đương của doanh nghiệp; quyết định lương và phụ cấp đối với người lao động trong doanh nghiệp, kể cả cán bộ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình.
+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
+ Được hưởng chế độ lương theo năm. Mức tiền lương và tiền thưởng tương ứng với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, do người người quyết định bổ nhiệm quyết định hoặc theo hợp đồng đã ký.
+ Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại điều lệ của doanh nghiệp.
Tóm lại, nhiệm vụ và quyền hạn của giám đốc được quy định bởi Luật DNNN. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp người giám đốc phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng đề ra các quyết định về nhân sự. Có thể nói, ra quyết định nhân sự là một trong những chức năng quan trọng của người giám đốc. Hoạt động ra quyết định nhân sự của người giám đốc doanh nghiệp sẽ được phân tích ở phần sau.