T ên đơn vị
2.3.2. Nguyên nhân của việc phát huy nguồn nhân lực các dân tộc
thiểu số Điện Biên
* Nguyên nhân thành công:
Trước hết, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo và công tác dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm cải thiện không ngừng và nâng cao mức sống dân cư.
Hai là, Tây Bắc Điện Biên đã phát huy được nội lực của địa phương, tranh thủ cao sự hỗ trợ của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư bên ngoài (vốn, công nghệ, thị trường) thông qua các chương trình, dự án đầu tư lớn tạo ra sự chuyển đổi về cơ cấu và bứt phá về tốc độ phát triển.
Ba là, cơ chế quản lý mới phù hợp đã giải phóng sức sản xuất, phát huy vai trò của yếu tố con người đồng thời tăng cường vai trò điều hành vĩ mô của chính quyền địa phương. Do vậy bước đầu đã huy động được các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
Điện Biên là một tỉnh vùng cao biên giới, 80% diện tích đồi trọc, độ dốc lớn, 2/3 dân số sống phân tán ở vùng cao, sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên, trình độ văn hoá - xã hội thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, giao thông chậm phát triển, ngân sách chủ yếu dựa vào Trung ương.
Tàn dư của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cộng với tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả làm cho nhân lực miền núi Điện Biên thiếu tính năng động theo cơ chế thị trường dẫn đến sự chuyển biến kinh tế - xã hội
chậm so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc phân công và sử dụng lao động còn kém hiệu quả, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ dân tộc, công nhân có tay nghề cao thiếu nghiêm trọng, đầu tư cho con người chưa đáp ứng được đòi hỏi hiện nay.
Công tác giáo dục - đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém: kế hoạch giáo dục đạt thấp, nhất là vùng cao biên giới, bổ túc văn hoá chưa thành phong trào, công tác xoá mù còn lúng túng, đội ngũ giáo viên đang thiếu và mất cân đối nghiêm trọng; việc xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, người dân tộc rất chậm, cơ sở vật chất của ngành giáo dục, các trường tập trung còn thiếu thốn nhất là các huyện, xã vùng cao biên giới. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế và bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm nên công tác phát triển, đào tạo nhân lực gặp nhiều khó khăn.
Mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tế, học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao trong các kỳ thi, đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số đủ điều kiện để được cử tuyển vào đại học của các địa phương trong năm qua chưa vượt qua chỉ tiêu được tuyển.
Công tác giáo dục lao động - hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh phổ thông còn nhiều hạn chế. Tâm lý phổ biến của học sinh và cha mẹ học sinh là chỉ cần học biết cái chữ là đủ, có gia đình còn phó thác cho nhà trường, Nhà nước (Trung ương) hoặc không muốn con cái đi học xa. Nhưng cũng có những gia đình gần đây cha mẹ học sinh chủ yếu vẫn mong muốn học đại học, cao đẳng chứ không muốn học nghề trung học chuyên nghiệp. Công tác phản luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông còn khó
khăn, bất cập do điều kiện giáo viên và trường lớp không đầy đủ và chưa chuẩn.
Với địa hình của tỉnh Điện Biên là phức tạp, nhiều núi cao, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 0,87% tập trung chủ yếu ở Tuần Giáo, Điện Biên, việc mở rộng diện tích đất canh tác bị hạn chế. Hơn thế các cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước hạn chế về quy mô nên đã không thu hút được lực lượng lao động, không kích thích được nhu cầu đào tạo nghề của lực lượng lao động.
Mức thu nhập ở khu vực miền núi thấp không đủ khả năng chi phí cho đào tạo nghề. Đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực từ ngân sách nhà nước của các huyện miền núi chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo. Tỷ trọng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nhân lực chưa cao, chưa tận dụng được các nguồn kinh phí từ liên doanh, liên kết đầu tư nước ngoài. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng lao động có thu nhập thấp vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và không thường xuyên.
Từ sự phân tích những hạn chế, yếu kém nêu trên cho thấy, sự nghiệp đào tạo, phát huy nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Điện Biên nói riêng và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung đang đứng trước những thách thức lớn.
Nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn quá cao làm cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động rất khó đẩy lên tốc độ nhanh hơn. Nếu không kịp thời khắc phục, tình trạng này sẽ làm cho nguy cơ tụt hậu ngày càng đến gần, không đủ khả năng thực hiện phương châm "miền núi tiến kịp miền xuôi".
Yêu cầu chất lượng đã qua đào tạo ngày càng cao, nhưng năng lực của nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa tương xứng, cơ sở vật chất và sự chi phối của cơ chế thị trường trong đào tạo luôn biến độnglàm cho lực lượng lao động
không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Đây chính là câu hỏi đang đặt ra cho các cấp, các ngành của các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước phải giải quyết đồng bộ và có hiệu quả.
Chương 3
Phương hướng và giải pháp phát huy
nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới
hiện nay