Bất cứ một nền giáo dục nào cũng phải xuất phát từ mục đích giáo dục để xây dựng chương trình học riêng cho mình. Chương trình học mà các nhà giáo dục hiện sinh xây dựng cũng được xác định từ mục đích của việc giáo dục. Với mục tiêu giáo dục thuần túy là việc của cá nhân, hướng đến cá nhân, làm cho mỗi người nhận thức được sự tồn tại của mình và hình thành cách sống riêng cho mình, nên chương trình học mà các nhà giáo dục hiện sinh xây dựng được dựa trên nhu cầu thực tế của người học [93].
Theo các nhà giáo dục hiện sinh, việc quy định một chương trình học cố định bất biến, với những môn học bắt buộc, nội dung môn học được xây dựng và dùng chung cho mọi người học là không thích hợp, vì nó không xét tới thái độ của người học đối với tri thức. Bởi vì, trên thực tế, mỗi người học được sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, sống ở những không gian địa lý, môi trường khác nhau, đặc biệt là ý nghĩa cuộc sống mà mỗi người muốn xây dựng cho mình cũng khác nhau, nên mục đích mà mỗi người muốn giáo dục đem lại là không như nhau. Mặt khác, mỗi người luôn bị “giới hạn bởi một thân xác có những khả năng, sức khỏe hữu hạn, sức chịu đựng có hạn, v.v.; bị giới hạn bởi những khả năng suy nghĩ có hạn, nhớ có hạn, chú ý có hạn, v.v..” [16, tr.226]. Sartre viết: “Chẳng bao giờ hơn hôm nay tôi cảm thức mạnh mẽ rằng tôi không có những chiều hướng bí mật, và luôn bị giới hạn
vào thân thể của mình, vào những tư tưởng nhẹ bổng sủi lên từ thân thể đó như những bọt nước” [75, tr.86]. Vì vậy, nếu áp dụng một chương trình học cố định sẽ khó thích ứng với tình hình và nhu cầu thực tế của người học, không đáp ứng được mục đích mà giáo dục đề ra.
Với mục tiêu hướng đến con người hãy là chính mình, con người được tự do lựa chọn và đầy sáng tạo, việc áp dụng một chương trình học cố định không những không có lợi cho việc phát triển của của người học mà còn làm cho người học cảm thấy bị gò bó, bị ép buộc, gây ra sự ức chế, và cảm giác nhàm chán. Không những thế, hoàn cảnh sống của con người luôn biến đổi, bản chất của con người cũng thay đổi sau những sự lựa chọn trong mỗi hoàn cảnh ấy, sau mỗi lần như vậy, con người lại kiến tạo ra mình, làm cho mình mới hơn, hoàn thiện hơn, vì vậy, không có gì là cố định, tuyệt đối. Do đó, chương trình học cần phải hướng đến việc phát huy khả năng sáng tạo của người học, đáp ứng được yêu cầu thực tế mà mỗi người cần.
Nếu mục đích mà giáo dục đặt ra chỉ là cung cấp kiến thức thì khi nói đến môi trường giáo dục, người ta chỉ nghĩ đến nhà trường và vai trò chủ yếu là người truyền đạt tri thức. Thế nhưng, giáo dục hiện sinh lại hướng đến phát triển con người cá nhân, giúp họ thấy được giá trị của sự tồn tại làm người của mình để qua đó lựa chọn, quyết định thái độ sống thích hợp, do đó, môi trường giáo dục không chỉ được hiểu là nhà trường mà là tất cả những điều kiện, hoàn cảnh ở đó con người sinh sống, trải nghiệm.
Khi nói đến vai trò của giáo dục và sự tác động của môi trường sống thay đổi đến con người, J.P.Sartre nhận xét rằng, mỗi con người khi sinh ra trên trái đất đều chưa có khuôn mặt rõ nét, chưa mang nét riêng của mình. Ví dụ, khi chúng ta quan sát các trẻ sơ sinh, có thể thấy ở chúng ba đặc tính: một là, đứa trẻ chưa mang nét cá nhân nên nhìn đứa nào cũng giống đứa nào; hai là, các nét của đứa trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, nên chưa thể nói được tính tình nó ra sao; ba là, vẻ đẹp của đứa trẻ thuần tuý là vẻ đẹp thể lý, chưa có vẻ đẹp tri thức và tinh thần. Qua thời gian, cùng với kinh nghiệm và nỗ lực hoàn thiện bản thân mình, khuôn mặt mỗi người đã được định hình rõ nét hơn. Khi
đến tuổi 40, khuôn mặt mỗi người đã được hình thành và nói lên cá tính của họ. Tuy nhiên, vẻ đẹp con người không còn là vẻ đẹp thể lý mà là vẻ đẹp tinh thần, tâm hồn toát ra từ bên trong. Với nghĩa đó, giáo dục không nên áp dụng một chương trình học chung, bắt buộc cho tất cả mọi người.
Cần phải xác định rằng, chương trình học không phải là bản thân hệ thống tri thức khách quan mang tính áp đặt cho người học mà phải là những tri thức có khả năng khơi dậy nhu cầu, khả năng tự thực hiện của người học. Việc xây dựng nội dung chương trình mang tính chuẩn tắc, hay quá cụ thể các tri thức sẽ làm cho người học lệ thuộc vào tài liệu giảng dạy, người học sẽ bị tài liệu chi phối cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá mà không kích thích được những suy nghĩ độc lập mang tính chủ quan của cá nhân. Do đó, cần đưa vào chương trình các tài liệu, kiến thức mà ở đó người học được trở thành chủ thể nhận thức và chi phối.
Về nội dung chương trình giáo dục, các nhà giáo dục hiện sinh quan niệm có hai loại kiến thức. Loại thứ nhất là những kiến thức căn bản của đời sống, đó là những kiến thức về thế giới vật chất tự nhiên. Loại thứ hai là kiến thức về chính con người chúng ta với tư cách một nhân vị sống trong một thế giới do chính ta quyết định chọn lựa.
Với loại kiến thức thứ nhất, kiến thức căn bản của đời sống, con người chỉ có thể chấp nhận và sử dụng trong cuộc sống của mình, chứ không thể làm khác hơn được. Loại thứ hai, đối với những người theo phái hiện sinh, những kiến thức về chính con người chúng ta với tư cách một nhân vị sống trong một thế giới do chính ta quyết định chọn lựa, quan trọng hơn nhiều và có tính cách chủ quan. Do đó, giáo dục nên phát triển những kiến thức mà ở đó người học có thể phát huy được tính chủ quan của mình đến mức tối đa.
Việc dành ưu tiên cho những kiến thức nghiên cứu về đời sống của con người không có nghĩa là sẽ bỏ qua hoặc xem thường những kiến thức căn bản. Mà ở đó, việc giáo dục cả hai loại kiến thức này là cần thiết, giúp người học có được những hiểu biết toàn diện, là cơ sở để đưa ra các lựa chọn và quyết định chính xác. Tuy nhiên, giáo dục cũng phải hướng đến những nội dung cơ
bản và mang tính trọng điểm, nhằm phát huy cao nhất khả năng của mỗi người. Chương trình học có trọng điểm mà các nhà giáo dục hiện sinh hướng đến là “thế giới nhân cách” của người học [93].
Là một trường phái triết học đề cao đời sống nội tâm nơi con người với những đau khổ, vui sướng, lo âu, v.v., chủ nghĩa hiện sinh cho rằng, mỗi cá nhân có một định mệnh độc đáo riêng, không ai giống ai. “Có bao nhiêu con người trên hành tinh thì có bấy nhiêu nhân vị. Giống như vân tay, nhân vị không lặp lại ở người thứ hai”[88, tr.547]. Mỗi người là một hiện sinh cá biệt, độc đáo và duy nhất. Mỗi người là một thế giới tâm hồn riêng biệt, phong phú, sâu lắng, phức tạp. Do vậy, các nhà giáo dục hiện sinh hướng xây dựng con người thành những con người mang cái Tôi cá nhân, chân thành, dám lựa chọn và dám chịu trách nhiệm.
Muốn làm được điều đó thì các môn học nhân văn có mối liên hệ bản chất với sự tồn tại của con người, với đời sống tinh thần của con người phải được đề cao. Các nhà giáo dục hiện sinh coi các môn học nhân văn như lịch sử, văn học, nghệ thuật, tôn giáo chiếm địa vị quan trọng trong chương trình giáo dục. Bởi, những môn học này đề cập đến mối quan hệ giữa con người với con người, sự vui buồn hợp tan, sự viển vông và ý nghĩa của cuộc đời, sự sa đọa và cao thượng của tính người. Qua đó, giáo dục cho người học các đức tính nhân bản như tự do, trách nhiệm, lương tâm, v.v., để người học hình thành thái độ “làm người”, có trách nhiệm với mình và với cả tha nhân. “Không phải ai cũng có khả năng tìm ra một cách sống thích hợp với địa vị cao quý của con người, nhưng ai cũng có thể và phải sống tự do và tự chủ, nếu không thì không đáng gọi là người” [16, tr.284]. Không những thế, người học có thể suy tư về giá trị cuộc sống, về đời sống nội tâm sâu xa, giáo dục họ thức tỉnh lương tâm làm người của mình để có những quyết định đúng đắn.