Thực chất khủng hoảng tinh thần của con người phương Tây hiện đại là sự nô lệ về tinh thần và đánh mất tự do cá nhân của con người. Con người sống buông xuôi, không có cái Tôi độc đáo. Do đó, hệ quả tất yếu của tha hóa tinh thần chính là sự xuất hiện của con người đại chúng trong xã hội.
Điểm đặc trưng của thời hiện đại là sự lệ thuộc hoàn toàn của cá nhân vào nhà nước, nhà nước bộc lộ khả năng khống chế tất cả mọi phương diện tồn tại của cá nhân và qua đó là toàn bộ dân cư. Các quyền của công dân bị xâm phạm trong những tình huống đa dạng nhất và dưới chế độ dân chủ nhất. “Điều này chứng tỏ, với tư cách cơ quan quyền lực, nhà nước trở thành một vấn đề đặc biệt và bao hàm trong mình xu hướng khống chế, “đồng hóa”, “hấp thụ” cá nhân và xã hội” [44, tr.24]. Cá nhân trở thành nô lệ của quyền lực nhà nước trước hết là về mặt tinh thần (thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng) và sau đó là về phương diện thực tiễn. Do vậy, phế phẩm, sản phẩm của xã hội là “con người đại chúng”, là hậu quả, là tác nhân của sự đại chúng hoá.
Con người đại chúng là con người không đánh giá cao hiểu biết, thay thế quyền uy của hiểu biết bằng quyền uy của quyền lực và sức mạnh, có thái độ thờ ơ đối với bất kỳ vấn đề quan trọng nào, hoặc là tiếp nhận những đánh giá, sở thích và ham muốn mang tính chuẩn mực do ai đó hình thành và được phương tiện truyền thông gán cho, chứ không phải tự mình xây dựng, không dám nói ra ý kiến riêng và độc đáo của mình, từ đó, họ đánh mất thói quen tư duy có phương pháp, có trách nhiệm. Họ quen thuộc với những khuôn mẫu phổ biến và bị sốc về tâm lý khi có ai cố gắng phá hủy chúng. Con người đại chúng không thể đánh giá mình từ mặt tốt cũng như từ mặt xấu, là người cảm thấy mình “như tất cả mọi người” và hoàn toàn không thấy đau khổ vì điều đó. Họ không tự đòi hỏi nhiều ở mình, không cố gắng tự hoàn thiện, không tự
làm cho cuộc sống trở nên phức tạp. Họ thích sống kiểu nước chảy bèo trôi, không có thói quen dựa vào một quyền uy nào kể cả quyền uy của bản thân. “Xét từ góc độ trí tuệ, con người đại chúng là người khi giải quyết một vấn đề trí tuệ nào đó thì thỏa mãn với tư tưởng đầu tiên nảy sinh trong đầu” [44, tr.31]. Kỷ luật tinh thần, yêu cầu cao và tính nghiêm khắc đối với bản thân là xa lạ đối với họ. Con người đại chúng không muốn thừa nhận lẽ phải của người khác, song cũng không muốn thừa nhận bản thân mình là người có lý. Chân dung “con người đại chúng” nêu trên cho thấy họ xuất hiện do chưa được chuẩn bị về mặt văn hóa tinh thần để đón nhận những cơ hội và khả năng do cách mạng tư sản đem lại, do vậy, họ bị biến thành nô lệ tinh thần của những chính khách thực hiện chính sách mị dân.
Những người ưa chuộng tự do không thuần phục cách quản lý trên đã cùng các nhà cải cách cố gắng phá vỡ bức tường quyền lực để xây dựng một xã hội mới dựa trên công bằng xã hội và bình đẳng chính trị. Ở xã hội đó, con người không bị nô dịch về tinh thần, bị cầm tù về nội tâm, nhân cách cá nhân con người không bị bóp nghẹt, bị giam hãm bởi những giá trị, những chuẩn tắc tuyệt đối, định sẵn mà tồn tại người được tự do, đột biến, đầy sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao.
Trước sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và sự lãng quên về thế giới nội tâm nơi con người, việc tìm lại và bảo vệ nhân cách con người được đặt ra gay gắt. Các nhà hiện sinh nói riêng và con người nói chung, cần phải tỏ thái độ đối với sự phát triển tiếp theo trên bình diện nhân cách con người, nếu không, con người không còn năng lực đồng cảm và sẽ uỷ thác mọi vấn đề về nhân tính, nhân phẩm cho khoa học.
Có thể nói, xã hội hiện đại đang làm nảy sinh các lực lượng thù địch với bản thân nhân cách con người. Do vậy, hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ giải phóng con người khỏi sự áp bức ngoại tâm, thực tiễn xã hội hiện đại còn đặt ra một cách gay gắt vấn đề tự do nội tâm của con người. Đây chính là vấn đề tha hóa tinh thần và chính nó cũng trở thành chủ đề chủ yếu trong triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh.
Như vậy, thực tế cho thấy con người phương Tây bị nô dịch chính về tinh thần, ý thức là cái khu biệt con người với con vật, do vậy, thực tế ấy đòi hỏi triết học phải chỉ ra con đường giải phóng tinh thần cho con người.
Nhưng để hoàn thành sứ mệnh của mình, triết học trước tiên cần phải trả lời cho câu hỏi “ý thức, bản chất của nó là gì?”. Triết học hiện sinh nỗ lực giải quyết vấn đề này nhờ xây dựng “bản thể luận của ý thức” nhằm thay thế cho “bản thể luận của khoa học” căn cứ trên hiện tượng học Husserl như tiền đề lý luận trực tiếp của mình.