Quan niệm về mục đích giáo dục

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 118 - 123)

Ở mỗi thời kỳ lịch sử, với những yêu cầu đòi hỏi của thực tế xã hội khác nhau, mỗi nền giáo dục sẽ đặt ra cho mình một mục đích cụ thể riêng. Tuy nhiên, bất cứ nền giáo dục nào trong lịch sử cũng có mục đích hướng đến con người, vì con người, vì sự tồn tại và phát triển của con người. Triết học giáo dục hiện sinh cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Xuất phát từ quan điểm về nhân học triết học ở trên, các nhà giáo dục hiện sinh cho rằng, khác với các loài vật khác, bản chất con người không được định sẵn, con người sinh ra lúc đầu là hư vô, con người bị quẳng vào thế

giới, do đó con người hoàn toàn tự do, con người bị kết án tự do. Vì thế, con người phải tự mình lựa chọn, tự quyết định số phận đời mình, có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình và phải làm cho cuộc đời mình luôn có ý nghĩa. Với ý nghĩa đó, theo các nhà giáo dục hiện sinh, giáo dục thuần túy là việc của cá nhân, hướng đến cá nhân. Mục đích của giáo dục là làm cho mỗi người nhận thức được sự tồn tại của mình và hình thành cách sống riêng cho mình [93].

Không giống với sự tồn tại của các vật, tồn tại của con người ở đây được hiểu là tồn tại hiện sinh. Con người được coi như một nhân vị. Nhân vị của con người chính là hiện sinh của mỗi người mang một bộ mặt riêng biệt, đặc thù, xa lạ với mọi tính cách phổ quát. Hiện sinh là một tư chất, một đặc ân dành riêng cho con người. Khi con người nhận thức được sự hiện sinh của mình, con người sẽ thấy được ý nghĩa về sự hiện diện của mình trong thế giới, từ đó, họ sẽ lựa chọn cho mình một cách sống riêng thông qua những lựa chọn. Để làm được điều đó, giáo dục phải ủng hộ tự do cá nhân, tạo điều kiện và cơ hội để con người tiến hành lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó.

Theo các nhà giáo dục hiện sinh, triết học truyền thống trước đây cũng xoay quanh vấn đề con người, nhưng đó là con người phổ quát, trừu tượng, vì vậy, sai lầm của giáo dục truyền thống là luôn xác định các giá trị tuyệt đối cho bản chất người, định hướng và thậm chí áp đặt giá trị sống cho mỗi cá nhân, không nhấn mạnh đến những con người cụ thể và sự tồn tại của con người với tư cách là một hiện sinh thể độc đáo. Chủ nghĩa hiện sinh đặt trọng tâm duy nhất vào biểu hiện của nhân tính, vào nhân cách của cá thể người, do đó, các nhà hiện sinh nhấn mạnh kết quả tốt nhất của giáo dục là trau dồi cho học sinh thái độ đúng đắn đối với cuộc đời mình, biết lựa chọn và hướng đến cuộc sống đầy ý nghĩa. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là giáo dục cho học sinh lòng chân thành, sự tự lựa chọn và quyết định, tinh thần trách nhiệm.

Thứ nhất, muốn có con người chân thành, giáo dục không nên nhấn mạnh sự phục tùng ngoan ngoãn và tuân theo quy củ. Bởi, con người là tự do, tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó của mình. Nên giáo dục không được hướng đến sự áp đặt những giá trị sống được coi là khuôn

mẫu, mực thước mà mọi người trong xã hội phải tuân theo. Không có một quy tắc, một chuẩn nhất định nào bắt người học phục tùng. Làm như thế sẽ đánh mất tự do, bóp méo nhân cách của mỗi người. Con người không còn là mình nữa, mà trở thành tha nhân. Khi đó, giáo dục sẽ không có những con người chân thành, sống theo lương tâm của mình, làm những gì mình muốn, nói những gì mình nghĩ mà xuất hiện những kẻ đạo đức giả, sống như người ta, sống thừa ra trong xã hội. Các nhà giáo dục hiện sinh phản đối mạnh mẽ sự ức chế con người, sự ngăn cản con người hướng đến tự do. Tự do của con người là tuyệt đối. Do đó, con người phải được sáng tạo, mà trước hết là sự sáng tạo ra bản thân con người độc đáo của mình. Giáo dục phải làm cho học sinh không sợ cô lập, không sợ sự phân biệt đối xử của tập thể. Họ phải là những con người bản lĩnh, dám lựa chọn, sáng tạo và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn và ý nghĩa cuộc đời do mình tạo nên.

Thứ hai, lựa chọn và quyết định, giáo dục cần trau dồi cho người học thói quen tự lựa chọn và quyết định trong mọi tình huống. Giúp họ hiểu được rằng, con người là tự do - tự do lựa chọn và quyết định.

Ngay từ khi ra đời, con người đã bị quẳng vào thế giới của tự do, vì vậy, con người bắt buộc phải lựa chọn và quyết định sự hiện diện của mình, ý nghĩa cuộc đời mình, mà không ai có thể làm thay được. Con người không thể trốn tránh sự lựa chọn và quyết định đó. Ngay cả khi con người quyết định rằng, mình không lựa chọn thì cũng đã là một sự lựa chọn rồi.

Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi những lựa chọn và quyết định liên tiếp, do đó, giáo dục cần dạy, và khuyến khích người học đưa ra những lựa chọn có ý thức, bởi khi tiến hành lựa chọn, con người không chỉ lựa chọn cho mình mà còn lựa chọn cho tất cả mọi người.

Thứ ba, muốn xây dựng tinh thần trách nhiệm, giáo dục nên giúp người học hiểu được trách nhiệm của mình, chịu trách nhiệm về mọi lựa chọn. Vì con người là tự do lựa chọn, tự do tạo dựng nên con người và cuộc sống của mình, nên trách nhiệm cũng là tuyệt đối giống như tự do.

Trước hết, con người phải có trách nhiệm về sự hiện hữu của mình, về lựa chọn bản chất của mình trong xã hội. Đồng thời, con người phải có trách nhiệm trước bản thân mình, trước người khác và với toàn xã hội khi đưa ra sự lựa chọn đó. Con người tự mình lựa chọn bản chất, lựa chọn thái độ sống và hành vi ứng xử của mình. Do đó, với các nhà giáo dục hiện sinh, trách nhiệm là việc phục tùng những giá trị mà bản thân mình lựa chọn, không phải phục tùng quyền uy hay bất cứ giá trị định sẵn nào của xã hội hay của người khác, sắp xếp trước theo lợi ích của họ vì bất cứ lý do gì. Người có trách nhiệm phải nhất quán gắn liền hiện tại với tương lai, coi hiện tại là cái cần phải mở ra một viễn cảnh cho tương lai. Đó là người biết coi giá trị cuộc đời là của mình, do mình lựa chọn là thế này mà không phải là thế khác, do đó, không ai có thể thay thế, không thể đẩy trách nhiệm của mình cho hoàn cảnh, cho gia đình, cho người khác, hay cho sức ép từ bên ngoài, hoặc các quy luật khách quan. Không những thế, người có trách nhiệm là người luôn thức tỉnh lương tâm trước mỗi quyết định lựa chọn hành động. Biểu hiện của ý thức trách nhiệm là tâm trạng lo âu, phiền não, sợ hãi, gây ra bởi sự đối kháng giữa tự do với các nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa, nhất là đối kháng giữa tự do với cái chết. Lo âu là trạng thái của con người đã gánh vác trách nhiệm. Sợ hãi không phải là biểu hiện của sự run sợ của con người trước một cái gì cụ thể, mà là cái sợ hãi siêu hình, cái sợ hãi bản thể luận. Bởi vậy, giáo dục cần giúp người học thấy rõ tính bi kịch của cuộc đời, thấy cuộc đời là ngắn ngủi, đau khổ và không tránh khỏi cái chết. Các nhà giáo dục hiện sinh cho rằng, nhà trường phải giáo dục để người học hiểu rõ về ý nghĩa của cái chết, qua việc giáo dục về cái chết người học hiểu được chết vì lý tưởng còn tốt hơn giữ mạng sống [93].

Tuy nhiên, cái chết mà các nhà giáo dục hiện sinh muốn nói tới ở đây, không phải là cái chết vật lý, cái chết sinh học mà là cái chết hiện sinh. Chỉ có những người quen suy tư mới hiểu rõ ý nghĩa rất mực hiện sinh của cái chết. Sartre viết: “Vào cùng giờ này, sau bữa ăn thịnh soạn và dài dặc ngày chúa nhật, họ đang đứng dậy khỏi bàn, và đối với họ, một cái gì đó đã chết đi. Ngày chúa nhật đã làm mòn tuổi thanh xuân nhẹ nhàng của họ. Họ phải tiêu

hóa thịt gà và bánh ngọt, vận y phục để ra phố” [75, tr.128]. Theo Jaspers, chúng ta được sinh ra làm người, nghĩa là chúng ta có tự do hiện sinh. Khi đó, chúng ta có ý thức về mình và định mệnh của mình, nhất là chúng ta có linh tính rằng, chúng ta là bất tử. Như vậy, cái chết mà chúng ta tin tưởng hàng ngày có một ý nghĩa cao cả. Heidergger quan niệm, con người là “bản thể cho cái chết”. “Cái chết gắn liền với nhân vị. Nếu cái sống là của riêng tôi thì cái chết cũng là của riêng tôi”[12, tr.183]. Chết không phải là hết, là tan vào hư vô, mà phần tinh thần, hiện sinh người vẫn tồn tại, vượt lên trên thời gian của vũ trụ vật lý. “Sartre quả quyết chỉ có sự chết mà thôi, không thể nói tôi chết” [16, tr.342]. Nietzsche cho rằng: “cái chết trong những trường hợp đáng khinh bỉ nhất, một cái chết không tự do, một cái chết không đúng lúc, một cái chết của kẻ hèn nhát. Vì lòng tha thiết yêu cuộc đời, người ta phải ao ước một cái chết khác hẳn: tự do, ý thức, không tình cờ, không đột ngột” [70, tr.140]. Vì vậy, cái chết sẽ đưa chúng ta đến sự lựa chọn làm con người với cuộc sống đầy ý nghĩa.

Con người hiện sinh là người dám làm và dám chịu trách nhiệm, con người dám hành động theo sự mách bảo của lương tâm, dám nói tiếng nói của riêng mình, có cái Tôi cá nhân độc đáo và duy nhất. Do đó, theo các nhà hiện sinh, những người bán rẻ lương tâm, chạy trốn trách nhiệm, sống theo kiểu nước chảy bèo trôi, phó mặc cuộc đời cho xã hội đưa đẩy, nhào nặn, bóp méo, sống như người ta, nịnh bợ, luồn cúi là những kẻ đang sống thừa trong xã hội, đánh mất bản sắc riêng đích thực của mình. Khi đó, con người không còn là mình nữa, là tha nhân. Con người trở nên xa lạ với xã hội, xa lạ với chính mình. Sự hiện hữu của con người trở thành vô nghĩa, con người không phải sống theo nghĩa là NGƯỜI mà là đang chết, cái chết hiện sinh.

Các nhà hiện sinh thống thiết kêu gọi con người “hãy là chính mình”, hãy là chủ nhân của chính mình. Con người cần phải quay trở về với bản thân, với những bản năng bẩm sinh để là chính mình. Con người không nên cam chịu sự yếu đuối, hèn kém, cào bằng, không nên ràng buộc mình vào những cái gọi là đạo đức, đó chỉ là những bịa đặt trống rỗng. Con người không được

làm nô lệ của bất cứ điều gì, nó phải luôn sáng tạo ra chính mình, luôn dấn thân, vươn lên không dừng lại, hãy tạo ra ý nghĩa cuộc đời, sống có chút sắc cạnh, để lại dấu ấn riêng của sự hiện hữu của mình. Khi đó, con người không bao giờ chết, bởi phần tinh thần, phần hiện sinh nơi con người sẽ còn mãi với thời gian.

Thông qua việc giáo dục về cái chết, người học thấy được cái chết là điều không tránh khỏi của mỗi con người, nhưng cũng chính cái chết sẽ thức tỉnh con người sống đúng lương tâm của mình, nhận thức được sự hiện sinh của mình, từ đó, họ cần phải sống như thế nào cho có ý nghĩa, cần phải không ngừng sáng tạo nên những giá trị mới để ghi dấu ấn của mình vào cuộc đời.

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 118 - 123)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w