Thực chất của tha hóa tinh thần

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 53 - 56)

Có thể nói, khủng hoảng tinh thần của con người phương Tây hiện đại đã làm tha hoá và phi nhân vị con người. Thực chất của sự tha hóa đó là việc con người bị nô lệ về mặt tinh thần, đánh mất mình để hóa thành người khác, đánh mất tự do cá nhân. “Chủ nghĩa hiện sinh ít nói đến sự tha hóa của con người trong lao động, hoạt động chính của con người” [14, tr.107]. Chủ nghĩa hiện sinh chủ yếu bàn đến sự tha hóa tinh thần của con người ở hai mặt. Thứ nhất, người ta bị tha hóa vì người ta quá suy tôn một thứ đạo đức có sẵn, thụ động tôn thờ một mẫu người lý tưởng, không dám sống thực với mình mà sống giả đạo đức. Thứ hai, “người bị tha hóa vì đã đồng hóa mình với cơ năng

để hành động. Có nghĩa là không những nó hành động như một cái máy không hồn, nó đánh mất nhân vị của mình, “ăn theo” tư tưởng của người khác, của một tập đoàn người nào đấy không sao dứt ra được” [44, tr.107]. Con người hiện đại bị tha hóa, bị nô lệ về tinh thần.

Mà nô lệ tinh thần còn đáng khinh bỉ và đáng thương hơn cảnh nô lệ về thân thể nhiều. Theo Nietzsche, tất cả những ai nhắm mắt tuân theo những thể lệ và cách sống của xã hội, đều là người nô lệ tinh thần: bọn này sinh ra để phục vụ xã hội, mang thân làm những viên gạch cho người hùng xây dựng xã hội… [16, tr.137]. Việc tuyệt đối hóa vai trò của khoa học, sùng bái kỹ thuật, hạ thấp, bỏ rơi con người; đề cao các giá trị vật chất, xem nhẹ đời sống tâm hồn, tình cảm nơi con người đã đẩy con người vào tình trạng tha hóa cùng cực, làm phi nhân tính, nhân vị con người, lấy đi của họ cái vị thế làm người đích thực. Con người bị máy móc hóa, trở thành yếu tố đơn giản của kỹ thuật, tồn tại như một rôbốt được lập trình sẵn, được điều khiển bởi một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Con người vô tình đã đánh mất thế giới nội tâm mà cao hơn là đánh mất nhân cách của mình trong guồng máy kỹ thuật khổng lồ đó, không còn những đức tính của riêng mình.

Sự sụp đổ của truyền thống tôn giáo, cùng với những tàn phá khủng khiếp của hai cuộc thế chiến do chủ nghĩa đế quốc gây ra và những tệ nạn xã hội của nó để lại, đã đẩy con người vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong đời sống tinh thần. Con người trở nên tê liệt, bần cùng và kiệt quệ về tinh thần trong xã hội đầy hỗn loạn và bất an đó. Những giá trị sống trước đây của con người có nhiều thay đổi, thay vì việc đề cao, quan tâm đến đời sống tinh thần, đến miền sâu thẳm của thế giới nội tâm của mỗi người, xã hội lại quan tâm đến quyền lực chính trị và của cải vật chất. Vai trò của con người không những bị xem nhẹ, mà còn bị bỏ rơi, bị nhà nước hấp thụ và đồng hóa. Nhân cách của con người bị bóp méo bởi những chuẩn mực và những quy định khắt khe của xã hội.

Sống trong xã hội bất an đó, tâm trạng con người là một sự xáo trộn về lo âu xen lẫn những buồn phiền, bi quan. Khi con người biết lo âu là khi người ta cảm thấy cô đơn, cô độc. Tất cả trở thành “xa lạ” với con người. Đồng loại đã trở thành “tha nhân”, trở thành “địa ngục”. Con người cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ trong thế giới, không có điểm tựa, chơi vơi. Điều đó, làm con người phó mặc cuộc sống của mình cho xã hội, cho những áp lực vô danh đưa đẩy, buông trôi tất cả, cuộc sống đầy “lo âu”, “chán nản”, “phi lý”, “buồn nôn”. Trong trạng thái mất cân bằng đó, con người sẽ không khỏi trăn trở về đời sống, về thân phận của mình, về sự hiện diện và ý nghĩa cuộc đời mình trong thế giới.

Khủng hoảng tinh thần của con người phương Tây hiện đại đưa đến sự suy sụp của con người cá nhân. Biểu hiện rõ nhất của sự suy sụp con người cá nhân chính là việc con người ngày càng quay lưng lại với cuộc sống hiện tại, là sự suy đồi những thang bậc giá trị đạo đức xã hội. Con người vô tình có thể đánh mất những giá trị nhân văn, như năng lực thấu hiểu và đồng cảm với người thân, khái niệm về cái thiện, cái ác, v.v., điều này kéo theo sự phi văn hoá giữa các cá nhân với nhau.

Khi con người bị tha hóa là khi con người đánh mất mình, không còn thấy mình như một nhân vị, do đó, con người cũng không còn khả năng nhận ra sự tồn tại đặc hữu của mình. Vì vậy, đứng trước hiện thực, đứng trước những vấn đề, người ta chỉ có thể phản ứng như nhau. Chính điều đó đã san bằng con người, phủ nhận bản chất con người là tự do.

Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh ra đời thể hiện sự nổi loạn từ trong lòng xã hội tư bản nhằm lên án nó, chống lại nó. Sự ra đời triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh là lời kêu gọi thống thiết con người hãy trở về chính mình, sống bằng con người thực của mình, đừng vì bất cứ lý do gì mà đánh mất mình, đánh mất cái tôi cá nhân và ý nghĩa cuộc đời mình. Không ai khác, chính mỗi người phải thức tỉnh lương tâm làm người của mình, phải tự cứu lấy mình, phải giải phóng tinh thần của mình để đưa đến một cuộc sống với ý nghĩa tự do thực sự. Xuất phát từ thực tế đó, triết học thực tiễn của chủ

nghĩa hiện sinh đề cao việc chỉ ra con đường và biện pháp khắc phục tha hóa tinh thần đó, đưa con người về với cuộc sống tự chủ, tự do, sáng tạo, đầy ý nghĩa của mình.

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 53 - 56)