Phê phán triết học duy lý

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 58 - 61)

Như đã rõ, mỗi triết học mới ra đời đều bắt đầu từ việc phê phán hệ giá trị văn hóa tinh thần đang thống trị, nhưng đã trở nên lỗi thời, đánh mất bản chất nhân văn của mình do bị lạm dụng làm phương tiện nô dịch con người. Triết học hiện sinh ra đời cũng trên cơ sở phê phán những hệ quả phản nhân văn của chủ nghĩa duy lý.

Chủ nghĩa duy lý cho rằng, lý tính là nguồn gốc duy nhất của tri thức đúng đắn. Từ đó, họ hình thành thái độ duy lý với cuộc sống. Chủ nghĩa duy lý đặc biệt thịnh hành và chi phối trong sinh hoạt của xã hội phương Tây nhất là thời kỳ cận hiện đại - thời kỳ mà khoa học, kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, dẫn đến những thay đổi lớn lao trong lịch sử. Chủ nghĩa duy lý khẳng định rằng, lý tính của con người có sức mạnh toàn năng, khả năng nhận thức của lý tính không có giới hạn. Nhờ có lý tính, con người hoàn toàn có thể nhận thức được các quy luật của thế giới, chinh phục thế giới, bắt thế giới phải phục tùng những lợi ích của con người.

Việc đề cao lý tính và xem nó là nguyên nhân của tiến bộ xã hội làm cho xã hội phương Tây tôn sùng các thành tựu khoa học - kỹ thuật. Người ta coi khoa học là đỉnh cao của cái hợp lý. Do đó, người ta muốn xây dựng, tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ đời sống xã hội, đời sống cá nhân theo chuẩn mực của khoa học với mọi lý lẽ khác nhau, bất chấp những giá trị khoa học đó có thể dẫn đến sự tha hoá con người. Xét về phương diện này, lập trường triết

học của S.Kierkegaard và N.Berdyaev là rất tiêu biểu và, do vậy, có ảnh hưởng rất đáng kể đến sự ra đời triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh.

Triết học của Kierkegaard là sự phản ứng của con người trước sự bành trướng của chủ nghĩa duy lý đã và đang đưa xã hội vào cuộc khủng hoảng làm tha hoá và phi nhân vị con người. Khác với các tác phẩm triết học đặc trưng cho thời cận hiện đại được xây dựng theo khuôn mẫu của khoa học trừu tượng, triết học của Kierkegaard lấy sự sinh tồn của cá nhân làm xuất phát điểm của mình. Triết học của ông tập trung vào những gì diễn ra trong nội tâm của con người với cái tôi đích thực của mỗi người gắn liền với những lo âu, sợ hãi của cuộc sống hiện thực.

Triết học duy lý cận hiện đại coi “bước ngoặt quay lại với con người” là đóng góp và chức năng cơ bản của nó. Song, Kierkegaard cho rằng, tuy triết học duy lý bàn nhiều về con người, về cái Ngã trong con người, nhưng đó không phải là cái Ngã đích thực, nó không mang sắc thái cá nhân. Con người trong triết học truyền thống là con người bị “tha hóa”, sống cuộc sống của “tha nhân”. Con người trong triết học của Hegel là con người mất đi tính tự chủ, độc lập, mất đi khả năng lựa chọn và đưa ra quyết định, mất đi tự do và cá tính của mình, từ đó quên luôn trách nhiệm của mình về những gì đã xảy ra. Ông phê phán triết học duy lý truyền thống dựa vào khoa học, nhân danh khoa học, vay mượn những thành tựu của khoa học để giải quyết những vấn đề không thuộc quyền khoa học. Nhà triết học phải xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân, từ kinh nghiệm nội tâm, tinh thần để đưa ra cái nhìn về con người, về thế giới nội tâm trong con người.

Kierkegaard bắt đầu xây dựng triết học hiện sinh nhờ đặt ra và giải quyết những vấn đề của cái Ngã đích thực. Cái Ngã với tư cách trung tâm của triết học - đó là con người sống hiện thực và điều cơ bản đối với nó trong cuộc sống là nỗi sợ hãi, là việc khắc phục nỗi sợ hãi và tội lỗi, tồn tại, sự lựa chọn, cái chết. Như vậy, có thể nói, con người mà triết học Kierkegaard hướng đến là con người có cá tính độc đáo của mình, con người có cái tôi với tư cách là một cá nhân sống hiện thực. Con người cá nhân đó không bị chi

phối bởi điều kiện bên ngoài, mà hành động theo nguyện vọng của mình, tự lựa chọn và tự đưa ra quyết định. Cá nhân ở đây là con người bị chi phối bởi trạng thái tâm lý sợ hãi, run rẩy, lo âu và cô độc, v.v., những trạng thái tâm lý này làm cho con người hành động, tiến hành lựa chọn.

Theo Kierkegaard, để hiểu rõ bản thân cá nhân và thế giới có liên quan, phải xuất phát từ mỗi cá nhân độc đáo. Bất cứ nhà tư tưởng nào nếu trong hoạt động của mình quên nghĩ rằng mình là một cá nhân sống động, thì tuyệt nhiên không thể giải thích đời sống.

Như vậy, các tư tưởng triết học của Kierkegaard đã thể hiện được tinh thần của triết học hiện sinh hiện đại, định hướng chống chủ nghĩa duy lý truyền thống và nhấn mạnh kinh nghiệm sống vô cùng phong phú và hoàn toàn không chỉ mang tính hợp lý của cá nhân sống cụ thể.

Những hệ quả phản nhân văn của triết học lịch sử duy lý được N.Berdyaev vạch ra nhờ phê phán triết học lịch sử Hegel. Theo ông, quan điểm thiên hựu luận đặc trưng cho triết học lịch sử Hegel như đỉnh cao của triết học duy lý. Quan điểm này khẳng định lịch sử nhân loại không phải là một quá trình ngẫu nhiên, hỗn loạn, mà là một quá trình đơn tuyến, là một đường thẳng biểu thị sự tiến bộ và tính có quy luật lịch sử. Theo Hegel, tiến bộ lịch sử không thể vận động quay ngược lại. Do đó, những thế hệ sau không thể đánh mất những thành tựu quá khứ. Những thành tựu lịch sử của các thế hệ trước sẽ được giữ lại và có những vai trò nhất định trong lịch sử thời hiện đại. Do vậy, tiến bộ lịch sử được bản thân lịch sử bảo đảm. Những thảm họa và những chấn động lịch sử, sự chết chóc và cảnh đau khổ của con người, chiến tranh và những sự kiện bi đát khác xét đến cùng đều phục vụ cho sự hiện thực hoá kế hoạch thiên hựu (tiền định), do vậy, không có ý nghĩa quan trọng trong triển vọng lịch sử lâu dài. Đây là nội dung phản nhân văn, vì nó không coi trọng mạng sống của con người, coi con người chỉ là phương tiện nhằm đạt tới mục đích định sẵn của lịch sử.

Quan niệm thiên hựu về lịch sử có liên hệ mật thiết với tư tưởng về tiến bộ. Học thuyết về tiến bộ giả định các nhiệm vụ của lịch sử sẽ được giải

quyết trong tương lai. Cần phải xuất hiện một thời điểm trong lịch sử nhân loại khi mà con người đạt tới trạng thái hoàn hảo nhất, giải quyết được mọi mâu thuẫn, mọi vấn đề trong số phận của lịch sử loài người. Hiện tượng “sùng bái tiến bộ” hay “tiến bộ giáo” dần dần xuất hiện thay thế cho niềm tin tôn giáo đang dần suy yếu do ảnh hưởng của quyền uy khoa học và kỹ thuật ngày một gia tăng. Sự sùng bái tương lai là cơ sở cho tôn giáo này. Triết học hiện sinh đặt ra một cách gay gắt vấn đề cần phải phê phán tiến bộ giáo và tư tưởng về tiến bộ nói chung.

Khiếm khuyết căn bản của học thuyết về tiến bộ, theo Berdyaev, là nó thần thánh hoá tương lai bằng cách hy sinh quá khứ và hiện tại. Theo lôgíc của tiến bộ giáo, một thế hệ trong vô số thế hệ người thay thế nhau sẽ được hưởng thụ mọi thành quả lao động của những thế hệ trước đó. Những thế hệ đi trước phải hy sinh mình cho tương lai. Điều đó làm cho thế hệ sau không quan tâm tới sự bắt đầu của tương lai ấy một cách nghiêm túc, vì tiến bộ được xem đã được bảo đảm. Niềm tin vào tính tất yếu của tương lai như vậy không thể không làm cho mọi người nhụt chí trong việc chống lại cái ác hiện thực. Để tương lai trở nên tốt đẹp hơn hiện tại thì phải lo lắng về tương lai ấy, còn niềm tin mù quáng, lạc quan hời hợt vào tiến bộ tất yếu tước mất của con người trách nhiệm về tương lai.

Một khiếm khuyết cơ bản nữa của tiến bộ giáo là đưa đến mối thù hằn giữa các thế hệ. Vì thế hệ đi sau sẽ tự cho mình là tốt hơn thế hệ trước đó chỉ đơn giản vì chúng ra đời ở thời đại muộn hơn, tiến bộ hơn. Những thế hệ trước bị các thế hệ sau xem là các thang bậc chuẩn bị, là cơ sở và giá đỡ cho thế hệ tiếp sau. Xung đột như vậy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, muốn xóa bỏ xung đột phải xóa bỏ niềm tin mù quáng vào tương lai.

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 58 - 61)