Hiện tượng học Husserl

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 61 - 68)

Từ việc phê phán cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy lý, Husserl đã xây dựng phương pháp hiện tượng học, với phương pháp này ông được coi là nhà tiền khởi của chủ nghĩa hiện sinh. Hiện tượng học quan tâm đến vấn đề cơ bản là vấn đề quan hệ giữa tồn tại và ý thức, quan tâm đến việc phân tích ý

thức và nghiên cứu “thế giới sống”, coi trọng ý nghĩa và giá trị nhân sinh, mục đích của lịch sử con người và cho đó là các chủ đề vĩnh hằng của việc nghiên cứu triết học.

Hiện tượng học đã được Kant, Hegel đề cập đến, nhưng người có công trong việc làm cho hiện tượng học trở thành cơ sở trực tiếp cho sự ra đời triết học hiện sinh là Husserl. Husserl cho rằng, các quan điểm triết học trước đây có nguy cơ làm cho triết học trở nên “xa lạ” với đời sống xã hội. Đặc biệt, đây là thời đại mà con người thay vì ở trong tình trạng bị nô dịch về vật chất lại lâm vào tình trạng lệ thuộc vào thông tin, là nguy cơ dẫn đến nô dịch về tinh thần. Trong bối cảnh khoa học đang phát huy mạnh mẽ khả năng thâm nhập vào thế giới cùng với hệ phương pháp vô cùng đa dạng và linh hoạt của nó, vấn đề về vị trí của triết học càng trở nên nan giải. Do đó, Husserl đặt ra nhiệm vụ phải làm cho triết học trở thành một khoa học, coi triết học là “khoa học thứ nhất”. Để thực hiện được điều đó, ông tiến hành khai phá triết học trên cả hai phương diện đối tượng và phương pháp.

Chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm lâm vào bế tắc trong việc xác định đối tượng và phương pháp đặc thù của triết học. Chủ nghĩa duy lý đồng nhất nhân tính đích thực của con người với lý tính, khẳng định sự tồn tại của các quy luật trong thế giới và coi cái bất biến ấy là đối tượng của triết học. Chủ nghĩa duy lý xuất phát từ cái chung để lý giải cái riêng, sử dụng những chân lý do khoa học cung cấp để chứng minh mọi chân lý khác, nhưng không bao giờ lý giải được bước chuyển từ cái chung đến cái riêng, từ những quy luật của lôgíc học sang bản thân tồn tại. Ngược lại, chủ nghĩa duy nghiệm đi từ cái riêng đến cái chung, khái quát dữ liệu của khoa học thực nghiệm để rút ra những nguyên tắc chung của tồn tại, nhưng nó cũng thất bại trong việc lý giải bước chuyển từ cái riêng sang cái chung. Nhận xét về triết học truyền thống, Husserl cho rằng, triết học này đã “nhận thức luận hoá triết học", thổi phồng hệ vấn đề nhận thức luận và cách tiếp cận thuần tuý tri thức luận, xem xét khái niệm "chủ thể" và tính tích cực của con người chủ yếu trên phương

diện nhận thức luận. Cả chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm đều mắc phải hạn chế là đã bỏ qua tính chủ quan người.

Husserl xây dựng bản thể luận mới, luận chứng sự tồn tại của bản thể luận văn hoá, tức bản thể luận ý thức, trong đó, ý thức không bao giờ trở thành đối tượng khách quan của nhận thức, mà nó là một thực tại đặc biệt, thực tại mà thế giới được đem lại cho con người dưới các hình thức của nó. Như vậy, triết học sẽ không tranh giành với bất kỳ bộ môn khoa học tự nhiên hay lĩnh vực tri thức nhân văn nào về đối tượng lẫn phương pháp.

Hiện tượng học đã giải quyết được mối quan hệ nhập nhằng giữa triết học và các khoa học khác, phủ nhận thứ triết học sống dựa vào khoa học, gán cho khoa học những nhiệm vụ không nằm trong quyền của nó. Theo Husserl, đối tượng của triết học là ý thức con người nhưng không phải theo nghĩa ý thức là sự phản ánh khách thể mà ý thức như một thực tại đặc biệt. Thực tại ấy khác hẳn với tính thực tại của mọi khách thể tự nhiên khác. Thông qua các hình thức hiện hữu của ý thức mà nghĩa, hay sự hiện hữu của thế giới được đem lại cho cá nhân con người.

Theo Husserl, không có vũ trụ tuyệt đối và cũng không có chủ thể tuyệt đối. Nghĩa là, trong nhận thức, ông không thừa nhận vai trò tuyệt đối của thế giới bên ngoài cũng như của lý trí. Ông cho rằng, một mặt lý trí tinh thần không có giá trị tuyệt đối; nhưng mặt khác, thế giới khách quan bên ngoài cũng không phải là mô phạm mà lý trí phải tuân theo. Husserl thừa nhận vai trò của cả hai phía thế giới bên ngoài và lý trí tinh thần, từ đó ông đi đến quan điểm cho rằng, bản chất của của ý thức là tính ý hướng. Tính ý hướng có nghĩa là, ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì đấy và đối tượng không bao giờ là đối tượng thuần tuý; đối tượng bao giờ cũng chỉ là đối tượng cho ý thức. Ý thức không thể tự nó mà có được. Nó nhất định phải hướng đến một cái gì không phải là nó. Ý thức là “ý hướng”, là hướng đến một đối tượng, ý thức chỉ tồn tại bằng cách hướng đến một đối tượng nào đó. Vì vậy, nghiên cứu thế giới là nghiên cứu hoạt động tạo nghĩa của ý thức, là sự thâm nhập vào tồn tại người, vào nhân cách cá nhân - cái quyết định những kết quả hiện hữu khác nhau của

cùng một khách thể. Từ quan điểm có tính cách bản lề này, hiện tượng học đưa ra khái niệm thế giới sống - thế giới nội tâm của con người. Hoạt động của ý thức có thể ban cho khách thể một sự hiện hữu độc đáo, cá tính, có nhân cách hay không phụ thuộc vào thế giới sống của cá nhân đó.

Husserl đã dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu phương pháp hiện tượng học. Ông cho rằng, phương pháp hiện tượng học sẽ trở thành cơ sở để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất mà con người đã cố gắng giải quyết một cách không có kết quả, nhất là ở lĩnh vực tinh thần, lĩnh vực nội tâm của con người phương Tây trong bối cảnh văn hoá hiện đại. Xuất phát từ nhận thức đó, hiện tượng học có tham vọng trở thành một hệ thống đáp ứng hai nhiệm vụ, một là chống triết học duy lý như là phương tiện nô dịch tinh thần con người, hai là giải phóng tinh thần, đem lại tự do nội tâm cho con người.

Phương pháp hiện tượng học quan trọng nhất là quy giản và kiềm chế phán đoán. Quy giản hiện tượng học thực chất là khước từ tâm thế tự nhiên, tạm thời gạt sang một bên, bỏ vào trong ngoặc tất cả những định kiến về đối tượng. Quy giản hiện tượng học là thao tác làm sạch ý thức, tẩy rửa ý thức khỏi mọi tiền đề. Kiềm chế là thuật ngữ diễn tả nguyên tắc ứng xử trong hoàn cảnh xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng tinh thần, tình trạng loạn ngôn: không phát ngôn, hạn chế phán đoán. Với thao tác này, Husserl muốn mọi phát ngôn phải diễn tả đúng thực tại tinh thần, đúng với nhân tính, nội tâm của cá nhân. Khi phương pháp hiện tượng học thâm nhập vào các khoa học xã hội nhân văn, người ta gọi chung nó là phương pháp mô tả hiện tượng học. Điều phải làm là mô tả chứ không giải thích hay phân tích. Khi coi hiện tượng học như là tiền đề lý luận cho mình, triết học hiện sinh đồng thời sử dụng phương pháp hiện tượng học với ý nghĩa phi tiền đề hoá nhận thức, đưa sự vật trở về với bản thân chúng, coi kinh nghiệm sống là khởi nguyên của mọi tri thức của con người.

Hiện tượng học đã xác định ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều lĩnh vực khoa học, tri thức nhân văn. Nếu “hiện tượng” theo triết học truyền thống là sự biểu hiện ra bên ngoài của một bản chất thì “hiện tượng” của Husserl là “cái-

tự biểu hiện mình- thông qua chính mình”. Cần phải mô tả trực tiếp về đối tượng y như nó xuất hiện trước ý thức, mô tả tất cả những gì mình đã sống thực và chỉ mô tả những cái đó mà thôi. Mô tả hiện tượng không cho phép ta “nghĩ ra” hay “suy diễn” mà phải “trở về với chính sự vật”, phải mô tả đối tượng y như nó đã xuất hiện trước ý thức. “Quay trở lại bản thân sự vật” là Husserl muốn nói tới việc quay từ những bản chất tư tưởng trừu tượng đã làm cho khoa học và triết học truyền thống quan tâm đến với những cảm xúc, những thực tại trực tiếp của ý thức, với sự trực giác các bản chất, với tính thực tại (được đem lại) của các sự vật thông qua ý thức khởi thuỷ. “Quay về với bản thân sự vật” là khẩu hiệu được Husserl nêu lên nhằm làm cho tư tưởng triết học thoát khỏi bước đi lệch lạc để nhìn thẳng vào những thách thức của hiện thực.

Không chỉ dừng lại ở việc khai phá quan niệm triết học trên cả hai phương diện đối tượng và phương pháp, hiện tượng học còn là chìa khoá đối với đạo đức học, mà một trong những nội dung cơ bản của nó là: cần sống như thế nào? Tiềm năng đạo đức học của hiện tượng học đã được Husserl trình bày rõ nhất trong việc phân tích sự khủng hoảng của khoa học châu Âu. Sau khi đem lại địa vị toán học cho khoa học tự nhiên và đạt được những thành tựu to lớn trong việc nhận thức bản chất của những vật thể vật chất, các nhà khoa học đồng thời cũng đã xa rời thế giới sống của con người. Giữa thế giới sống của con người và thế giới những bản chất đã xuất hiện một sự tách rời. Một sự không phù hợp rất nguy hiểm đã xuất hiện, nó không thể được đền bù bằng những thành tựu của các khoa học và của sản xuất. Đây là những quy trình tạo dựng nghĩa ban đầu trong đó con người tự kiến tạo bản thân mình. Husserl khẳng định những quy trình đó, xét về thực chất, là những quy trình hiện tượng học.

Hiện tượng học của Hussserl đem lại sắc thái hoàn toàn mới cho tư tưởng con người thế kỷ XX, trở thành trào lưu tư tưởng nhân văn quan trọng nhất, là cơ sở lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh nói chung và đạo đức học hiện sinh nói riêng. Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh mang

dấu ấn của hiện tượng học về cả đối tượng và phương pháp. Triết học hiện sinh bác bỏ hành vi công thức hoá hoạt động của con người, kiên quyết từ chối việc biến con người thành đối tượng của các khoa học khách quan. Con người theo các nhà hiện sinh, phải được biểu hiện ra, được cảm nhận bởi kinh nghiệm và hoàn cảnh cá nhân của nó. Con người phải là các cá nhân riêng lẻ, độc đáo và duy nhất.

Hiện tượng học của Husserl với phương pháp mô tả và những quan điểm đạo đức của ông được chủ nghĩa hiện sinh kế thừa khi mô tả tính chủ quan của con người. Người là ai? Muốn biết ta phải trở về với con người cụ thể, con người hiện thực, tức những con người đang suy nghĩ, đang cảm nhận, đang hành động với tất cả những cá biệt, riêng tư của nó. Theo các triết gia hiện sinh, con người không thể bị khách thể hoá để trở thành đối tượng cho những phân tích duy lý, khách quan. Con người chỉ có thể được đạt đến, được biết đến bằng những phương tiện khác, mà có thể gọi bằng một cái tên chung đó là phương pháp mô tả hiện tượng học của Husserl.

Nếu hiện tượng học Husserl phê phán cơ sở lý luận của triết học duy lý, thì các triết gia hiện sinh lại đặt trọng tâm nhiều hơn vào nội dung thực tiễn của triết học duy lý, chỉ ra những hệ quả phản nhân văn của nó. Tiêu biểu nhất về phương diện này là lập trường triết học của S.Kierkegaard và N.Berdyaev.

Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện như là kiểu phản ứng chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa duy lý đã đẩy con người đến sự tha hoá. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh hay trào lưu phi duy lý là tiếng nói đấu tranh giành lại nhân vị, tự do cho con người, kêu gọi con người quay trở về với đời sống nội tâm của cá nhân. Đời sống nội tâm của cá nhân con người, tồn tại người, không thể đạt tới bằng tư duy duy lý. Chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng về việc chủ nghĩa duy lý đã dập tắt mọi nhu cầu và nguyện vọng của con người. Chủ nghĩa duy lý không những không đem lại cho quần chúng nhân dân niềm hạnh phúc mà lại còn tạo ra sự tha hoá, sự bất hạnh. Những phương tiện mà chủ nghĩa duy lý tạo ra không phải để phát triển các khả năng và giá

trị nhân đạo mà để thống trị và nô dịch con người. Chủ nghĩa duy lý đã tước hết những gì xưa nay được con người coi là thiêng liêng, được trọng vọng và tôn sùng, nó dìm tất cả những tình cảm của con người xuống dòng nước giá lạnh, biến phẩm giá của con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần.

Chủ nghĩa hiện sinh là một trường phái triết học phi duy lý, nó không chống lại triết học duy lý nói chung mà chống lại sự tuyệt đối hoá, chống lại sự bành trướng vai trò của tư duy duy lý. Chủ nghĩa hiện sinh chống lại triết học duy lý đã bị chính trị hoá, bị biến thành phương tiện nhân danh khoa học để giải quyết mọi vấn đề của xã hội và của con người. Đó là một lối tư duy, lối sống muốn xây dựng, tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ đời sống xã hội, đời sống cá nhân con người theo chuẩn mực của khoa học. Khoa học là đỉnh cao của cái hợp lý. Do đó, khi quan tâm đến thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, của con người, chủ nghĩa duy lý chỉ quan tâm đến năng lực nhận thức, năng lực lý luận, tư duy lôgíc của con người. Năng lực nhận thức ấy được thể hiện ra là năng lực khoa học, chủ nghĩa duy lý lại lấy khoa học để giải thích, hiện thực hoá năng lực nhận thức ấy. Bản thân khoa học, bản thân lý tính cũng là hiện tượng lịch sử văn hoá, được chế định bởi các hiện tượng văn hoá khác.

Thực tiễn cuộc sống cho thấy, thực thể người, tồn tại người gồm nhiều thành tố mà không thể quy giản về các thành tố hợp lý, đó là những thành tố, những vấn đề có liên quan đến đạo đức, niềm tin của con người. Do đó, không thể tuyệt đối hoá vai trò của tư duy duy lý, vai trò của khoa học để giải quyết mọi vấn đề của xã hội và của con người, trong đó đặc biệt là đời sống, thế giới nội tâm phong phú của con người.

Khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa hiện sinh quan tâm đến các chiều cạnh, các phương diện khác trong thế giới nội tâm của con người, như sự sống, cái chết, tự do, trách nhiệm, lương tâm, bổn phận, v.v.. Khác với các triết học trước đó, triết học hiện sinh đặt trọng tâm duy nhất vào biểu hiện của nhân tính, nhân cách của cá thể người, tức các hiện sinh thể. Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện nhằm thức tỉnh con người, nhắc cho

mỗi người biết rằng, mỗi người đều là một nhân cách độc đáo và phải hoàn thành định mệnh độc đáo của mình.

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 61 - 68)