Điều kiện kinh tế xã hội và chính trị

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 40 - 45)

Có thể nhận thấy, trong các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh, khi đề cập tới điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa cho sự ra đời của nó, các tác giả thường thiên về hai quan điểm sau đây: hoặc là quy tất cả mọi nguyên nhân xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh về các điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị của chủ nghĩa tư bản, hoặc là coi nhẹ các điều kiện ấy. Chúng tôi cho rằng, đúng là nhiều trào lưu tư tưởng triết học khác nhau, thậm chí đối lập nhau, đã xuất hiện và phát triển trong cùng các điều kiện kinh tế -

xã hội và chính trị của chủ nghĩa tư bản, song, điều này hoàn toàn không có nghĩa các điều kiện ấy không đóng vai trò quyết định đối với chúng. Và, chủ nghĩa hiện sinh nói chung, đặc biệt là triết học thực tiễn của nó không phải là ngoại lệ.

Bối cảnh sau thế chiến I và hơn nữa là sau thế chiến II là nhân tố trực tiếp góp phần làm cho chủ nghĩa hiện sinh được hưởng ứng rộng rãi trong xã hội, trở thành “mốt thời thượng” của tầng lớp trí thức bị thất vọng sâu sắc về xã hội tư sản, cảm thấy cô đơn, mất phương hướng. Song, nguyên nhân sâu xa của não trạng ấy bắt nguồn từ bản chất của xã hội tư sản, từ những hệ quả tiêu cực xét trên phương diện văn hóa nhân văn của xã hội công nghiệp.

Sau hơn 10 thế kỷ sống cuộc sống khắc kỷ, duy đạo đức, người phương Tây đã được thỏa mãn những nhu cầu bình thường nhất của con người thế tục nhờ cách mạng tư sản và tiến bộ khoa học - kỹ thuật được triết học duy lý cận hiện đại luận chứng và minh biện dưới khẩu hiệu mang đậm sắc thái nhân văn “tự do, bình đẳng, bác ái”. Khoa học - kỹ thuật đã làm thay đổi căn bản sinh hoạt của xã hội và của con người. Máy móc trở thành công cụ lao động quan trọng hàng đầu, thay thế dần lao động chân tay, đem lại năng suất lao động lớn gấp bội phần. Từ nay trở đi, khoa học, tư duy khoa học, lối sống khoa học trở thành giá trị lớn nhất đối với xã hội công nghiệp, đối với con người sống trong xã hội này. Đúng như R.Descartes nói “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.

Nhưng, ngay lập tức xã hội công nghiệp ấy đã bộc lộ những mặt trái của mình chính từ góc độ văn hóa nhân văn, từ góc độ bảo vệ và phát triển nhân cách con người. Chính kinh tế tư sản đã làm thay đổi tận gốc tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã ghi nhận thực tế này:

Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn

xưa đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế, những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trì trệ đều tan biến như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo [54, tr.601].

Như vậy, chế độ kinh tế tư sản làm đảo lộn toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của con người, mọi người có cái nhìn duy thực, vị lợi về thế giới và tha nhân.

Tất nhiên, những biến đổi do kinh tế tư sản gây ra trong đời sống xã hội, chính trị và văn hóa không thể không kéo theo sự thay đổi giá trị đạo đức và thân phận con người. Giai cấp tư sản đã “tước hết vòng hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng, nó dìm tất cả tình cảm của con người xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ, nó biến phẩm giá của con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần” [54, tr.600].

Chính nền kinh tế tư sản cùng với ưu tiên hàng đầu chạy theo lợi nhuận, lợi ích vật chất đã làm cho những giá trị tinh thần của Kitô giáo, mọi giá trị văn hóa truyền thống bị tàn phai và biến mất trong bối cảnh khoa học tự nhiên và kỹ thuật phát triển trên nó, tạo ra tệ sùng bái những giá trị vật chất và bản thân khoa học (chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa duy kỹ thuật). Chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm triết học luận chứng cho lập trường thế giới quan sùng bái khoa học. Sự thiếu hụt những giá trị tinh thần, đạo đức làm cho con người không tìm thấy điểm tựa tinh thần, định hướng giá trị, lối sống nhân văn. Tình trạng dư thừa của cải vật chất do sản xuất công nghiệp tư sản đem lại ngày một tăng lên lại đi liền với tình trạng nghèo nàn về tinh thần. Tính duy lý thái quá trong tổ chức sản xuất kinh tế, đời sống chính trị - xã hội và văn hóa làm cho con người bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần, xã hội bị lâm vào khủng hoảng tinh thần. Trong bối

cảnh đó, cuộc chạy đua nhằm tranh giành thị trường tài nguyên và thị trường tiêu thụ giữa các cường quốc đã làm bùng nổ hai cuộc thế chiến. Sự tàn khốc của hai cuộc thế chiến làm cho con người phương Tây hiện đại càng trở nên bi quan hơn, lo âu hơn, đánh mất nhiều hơn nữa niềm tin và định hướng sống. Chính chiến tranh đã làm tăng thêm sắc thái bi quan của chủ nghĩa hiện sinh, làm cho các triết gia hiện sinh hướng nhãn quan của mình vào những vấn đề thực tiễn của con người sống trong điều kiện xã hội tư sản nhiều hơn và sâu sắc hơn. Các triết gia hiện sinh nhìn nhận chính trị tư sản chính từ góc độ làm suy đồi nhân tính, đạo đức của họ. Nhân tính của con người đã bị thay thế bằng thú tính trong quân đội phát xít. Con người sống trong tâm trạng lo âu, thất vọng, họ cảm thấy bất lực trước những thế lực xa lạ đang chế ngự họ và biến họ thành công cụ phương tiện của chính sách tàn bạo. Chủ nghĩa hiện sinh nỗ lực truy tìm căn nguyên của tình cảnh vô nhân tính này.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các chủ sở hữu sử dụng chính trị như công cụ hữu hiệu nhằm thu lợi nhiều nhất, nhanh nhất và tinh vi nhất. Chúng “biến tất cả thành chính trị còn chính trị thì bị biến thành địa bàn của những kẻ đầu cơ chính trị” [47, tr.104]. Nhà nước từ công cụ quản lý xã hội đã bị biến thành công cụ áp bức cá nhân. Nhà nước bộc lộ khả năng khống chế tất cả mọi phương diện tồn tại của cá nhân và qua đó là toàn bộ dân cư. Minh họa cho thực tế đó là nhà nước chuyên chế: Hitle, v.v. Điều này chứng tỏ, với tư cách cơ quan quyền lực, nhà nước trở thành một vấn đề đặc biệt và bao hàm trong mình xu hướng khống chế, “đồng hóa”, “hấp thụ” cá nhân và xã hội. Tiến bộ kỹ thuật cho phép các chế độ cực quyền tạo ra bộ máy thông tin - tuyên truyền cực mạnh. Chính sự gia tăng chưa từng thấy sức mạnh của nhà nước và các khả năng thông tin - tuyên truyền của nó cho phép lý giải các trường hợp gây cho đại trà quần chúng nhiễm phải các hệ tư tưởng và phổ biến rộng rãi tệ sùng bái cá nhân [44, tr.46]. Như vậy, vì lợi ích kinh tế mà nền chính trị tư sản đã biến cá nhân thành công cụ, “chiếc đinh vít”, “chức năng” của cỗ máy nhà nước hoạt động vì lợi ích của các chủ sở hữu tư nhân.

Cá nhân trở thành con người phiến diện, “một chiều” (J.Marcuse), bị tha hóa, đánh mất “tính chỉnh thể”, “toàn vẹn” khởi thủy của mình.

Hơn nữa, hai cuộc thế chiến, đặc biệt là thế chiến II, là những sự kiện chính trị quan trọng dẫn tới sự bùng nổ và phổ biến rộng rãi của triết học hiện sinh, vì chúng là nguồn gốc đưa đến tâm trạng bi quan, thất vọng của phần lớn con người ở châu Âu. Trên thực tế, chiến tranh chính là điều kiện, nhân tố chính trị trực tiếp động chạm tới đời sống tinh thần thực tiễn, dẫn tới khủng hoảng tinh thần hiện thực của con người phương Tây hiện đại, là nguyên nhân thúc đẩy chủ nghĩa hiện sinh trở thành một trào lưu tư tưởng có sức lan tỏa nhanh và mạnh nhất sau chiến tranh.

Thật vậy, hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra gần như liên tục trong một thời gian ngắn, vô cùng tàn khốc, đã làm cho tình trạng bất an ngày càng gia tăng ở châu Âu. Ở Đức, sau cuộc chiến tranh thế giới, cơ cấu xã hội bị lung lay. Những ưu tư, lo lắng của con người ngày càng tăng, xoá bỏ tâm trạng lạc quan, làm mất đi niềm tin hy vọng vào những gì tốt đẹp. Tâm trạng ấy, những ưu tư lo lắng ấy, lại càng gia tăng hơn ở Pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Đằng sau thất bại nhục nhã của dân tộc là nỗi khiếp sợ những cuộc khủng bố, tra tấn của bọn phát xít, là phản ứng với những lăng mạ nhân phẩm con người, với các cuộc đàn áp tự do của cá nhân. Trong guồng máy chiến tranh đó, con người thấy mình biến thành “con số vô danh” hay “những tấm thẻ vô hồn". Thú tính đã thay thế cho nhân tính. Thanh niên không muốn nghĩ đến những gì nghiêm chỉnh, đa số tìm thú vui buông trôi trụy lạc, bù lại những kìm hãm khắt khe, bó buộc, vô nghĩa của những tháng ngày loạn ly. Luật pháp, chính trị là những trò rối trá, lừa đảo. Luân lý, tôn giáo không còn được kiêng nể nữa.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh ở Đức đã phản ánh sự thay đổi sâu sắc về mặt ý thức hệ của một dân tộc vốn được coi là anh hùng. Con người Đức từ chỗ lạc quan nay rơi vào trạng thái tâm lý mơ hồ về lịch sử, cảm giác lo âu, sợ hãi luôn hiện hữu. Người Đức không dám đối diện với

cuộc sống hiện tại, lại càng không dám nghĩ về tương lai. Tất cả đều là vô vọng, tinh thần dường như rơi vào ngõ cụt, không lối thoát. Chủ nghĩa hiện sinh là một cái phao cứu sinh về tinh thần, nó đưa người Đức vào một “giấc ngủ trẻ thơ” để mau chóng lãng quên thất bại, khủng hoảng. Chủ nghĩa hiện sinh đã thổi vào con người Đức một sức sống mới, trở thành một trào lưu tư tưởng ảnh hưởng sâu rộng toàn bộ đời sống xã hội.

Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh ở Đức đã lan sang các nước phương Tây. Người ta mô tả sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp như sau:

Ấy là một buổi sáng mùa Đông (1946), vừa tỉnh giấc, cả thành phố Paris thấy mình “hiện sinh”, sách báo đầy hiện sinh quyến rũ tràn khắp phố phường, những “đám thanh niên nam nữ vui vẻ” kéo đến những căn nhà hầm ở Saint Germany, ầm vang điệu nhạc Jazz trong những trang phục mới lạ với mái tóc xõa, quần túm ống và ăn nói chào mời phóng túng. Người ta bảo đó là một lối sống mới, là một phong trào mốt đã trở thành như một huyền thoại [14, tr.10-11].

Như vậy, chiến tranh là điều kiện thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh như một thứ triết học chủ yếu và duy nhất nỗ lực tìm kiếm chiếc chìa khoá để mở toang cánh cửa vào thế giới nội tâm của cá nhân con người. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh trong xã hội lúc đó là một tất yếu, một độc đáo. Do đó, những quan điểm về triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh cũng mang đặc thù riêng.

Một phần của tài liệu Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w