III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ.
1. Đối với Chính phủ.
1.2. Cơ chế tỷ giá linh hoạt có sự điều chỉnh của Nhà nước.
Trong hai năm 1999 đến 2000 đã có hàng loạt các văn bản về tỷ giá hối đoái ra đời. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đến thị trường ngoại hối. Cơ chế tỷ giá và điều hành tỷ giá của nước ta đã thay đổi cơ bản, vai trò kiểm soát của Nhà nước về tỷ giá chặt chẽ hơn. Tỷ giá do Nhà nước công bố đã phần nào đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của các NHTM và sát với tỷ giá trên thị trường. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá này vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Năm 2002 tỷ giá tăng 2%, thấp nhất trong nhiều năm qua, cho đến ngày 31/12/ 2002 tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố chỉ tăng 1,97% so với cuối năm 2001. Tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,1-0,3%. Tính chung cả năm tỷ giá USD tăng 2,1% thấp hơn hai năm liền kề trước đó (năm 2000 tăng 3,4%, năm 2001 tăng 3.9%). Từ thực tế ấy có thể nhận xét giá trị đối ngoại của VND cũng không giữ được thế chủ động khi nền kinh tế thế giới vẫn chao đảo và giá vàng tăng đột biến: năm 2001 tăng 5%, năm 2002 tăng 19,4% so với năm 2000 (âm 1,7%). Từ phân tích trên, để cơ chế điều hành tỷ giá phát huy hơn nữa, NHNN cần tập trung vào hoàn thiện các vấn đề:
- Củng cố và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng một cách căn bản để phát triển thị trường ngoại hối ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tham gia vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng đưa các nghiệp vụ mới vào hoạt động.
- Nâng cao dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và khối lượng ngoại tệ đang có trên thị trường nước ta. Có như vây, NHNN mới đảm bảo là người mua cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, giúp các NHTM yên tâm hơn trong kinh doanh ngoại tệ.
- Trong thời gian tới, việc đa dạng hoá các loại ngoại tệ trong giao dịch sẽ được mở rộng, đặc biệt áp dụng đồng EUR vào trong thanh toán. Do đó, NHNN nên đưa ra một cơ chế tỷ giá linh hoạt, thích hợp, để tạo điều kiện cạnh tranh giữa các loại ngoại tệ, tạo khả năng thu hút nhiều loại ngoại tệ khác nhau cho hoạt động của các NHTM.
- Trong việc ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ có kỳ hạn trong các giao dịch kỳ hạn chưa phù hợp với điều hành tỷ giá. Hiện nay, mức gia tăng tỷ giá đã giảm từ 0,58% xuống 0,2% ngay từ kỳ hạn giao dịch đầu tiên trong khi tỷ giá công bố của Nhà nước có tháng điều chỉnh tăng liên tục và tăng trưởng khoảng 1%/tháng. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và NHTM trong việc mua bán kỳ hạn. Mặt khác, việc quy định cách tính tỷ giá kỳ hạn bằng cách khống chế mức tối đa được phép dựa trên tỷ giá giao ngay cộng với tỷ lệ % nào đó tuỳ theo từng kỳ hạn là hết sức cứng nhắc, không linh hoạt và không phản ánh đứng bản chất của tỷ giá kỳ hạn. Tuy nhiên, tỷ giá kỳ hạn thực chất được tính dựa trên chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền và tỷ giá giữa chúng tại thời điểm ký hợp đồng. Vì vậy, để hoàn thiện cơ chế tính tỷ giá kỳ hạn thì NHNN nên dựa vào chênh lệch lãi suất thay vì cách tính hành chính hiện nay.
Tỷ giá do NHNN công bố đôi khi chưa đánh giá đúng bản chất cung cầu USD trên thị trường, nó gần như một hình thức ép giá đối với các NHTM, gây khó khăn cho các NHTM khi thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi trên thị trường.
Để trong thời gian tới hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM trên thị trường ngoại hối phát triển và có hiệu quả hơn thì đòi hỏi NHNN phải xem xét và đưa ra những văn bản pháp luật mới, hoàn chỉnh hơn về tỷ
giá dựa trên sự đánh giá thực tế diễn biến của thị trường ngoại tệ và những thay đổi của đồng tiền diễn ra liên tục. Việc đưa ra những văn bản mới, hoàn thiện là rất quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường ngoại hối của nước ta và tạo điều kiện để thị trường ngoại hối của nước ta hoà nhập với thị trường ngoại hối quốc tế.