III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ.
1. Đối với Chính phủ.
1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho kinh doanh ngoại tệ.
Kinh doanh ngoại tệ là một hoạt động đặc thù, vì hàng hoá trong thị trường này có tính hấp dẫn cao và rủi ro trong thị trường này cũng rất lớn. Là một lĩnh vực hoạt động kinh doanh trên thị trường mà đặc biệt là thị trường quốc tế, tạo tiền đề cho mở cửa và cho hội nhập nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ luật cụ thể về quản lý ngoại hối. Để chuẩn bị cho bộ luật mới ra đời thì trước mắt yêu cầu tất cả các ngân hàng thực hiện tốt các quy định, nghị định, thông tư… đang có.
Quản lý ngoại hối là một công việc liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia. Vì vậy, việc ban hành các văn bản quản lý, các thông tư hướng dẫn phù hợp, sát với thực tế là hết sức quan trọng.
Hiện nay, nhiều điều khoản quy định còn gây khó khăn, chưa sát với thực tế như: quy định về tỷ giá, lượng ngoại tệ mua bán và việc mua bán ngoại tệ với người cư trú là tổ chức, điều này gây khó khăn cho các NHTM và doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ.
Theo quy định hiện hành của NNHVN – QĐ101/ 1999 ngày 26/3/1999
mỗi giao dịch phải có giá trị ít nhất là 50.000 USD. Như vậy đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động kinh doanh nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giá trị ngoại tệ cho mỗi lần giao dịch là không lớn, quy định trên gây khó khăn trong việc thu hút ngoại tệ quy mô nhỏ và các doanh nghiệp là khách hàng nhỏ đến với ngân hàng. Nên chăng các NHTM cần đề nghị với NHNN giảm giá trị tối thiểu phù hợp với quy mô nhỏ của các NHTM. Việc này ngoài đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn giúp cho các doanh nghiệp tự bảo hiểm các khoản thu, chi ngoại tệ có giá trị lớn khỏi rủi ro ngoại hối.
Gần đây việc triển khai nghị định 61/2001/ NĐ - CP ngày 25/4/2001 của Chính phủ là điều hành tỷ lệ kết hối của các khoản thu ngoại tệ vãng lai của các tổ chức kinh tế xã hội từ mức 50% xuống còn 40%, và bây giờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ 46/2003/QĐ-TTg ngày 2/4/2003 là tỷ lệ kết hối đối với nguồn thu ngoại tệ vãng lai là 0% đã làm cho nguồn ngoại tệ của ngân hàng giảm sút, ảnh hưởng đến mức cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế quốc dân trong thời gian qua. Việc quản lý ngoại hối còn bộc lộ nhiều yếu kém và sơ hở làm cho nguồn ngoại tệ vãng lai trôi nổi trên thị trường ngày một gia tăng và chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, nên chưa thể hội đủ điều kiện để chấm dứt tình trạng “ đô la hoá nền kinh tế”.
Việc ban hành các văn bản sát với thực tế đã khó nhưng việc thực hiện của các NHTM còn khó khăn hơn nhiều, nhất là trong lĩnh vực ngoại hối, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, phải tăng cường công
tác đào tạo, tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ nhận thức các văn bản của cán bộ, nhân viên các NHTM. Với những câu hỏi, kiến nghị về việc khó khăn trong quá trình thực hiện, NHNN cần sớm nghiên cứu trả lời hoặc có thể tập hợp các trường hợp để nghiên cứu ban hành cẩm nang cho hoạt động này như phòng Thương mại quốc tế vẫn làm hàng năm.