7. Cấu trúc của luận văn
1.3. Tổng quan thơ Kiên Giang sau 1975
1.3.1. Vài nét về bối cảnh lịch sử
Trong thập niên đầu, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hòa với bối cảnh chung của khu vực và cả nước, Kiên Giang rạo rực khí thế xây dựng quê hương với ý chí ngất trời: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, tinh thần, ý chí là cần thiết nhưng chưa đủ để đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn lạc hậu. Sự kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp, tâm lí chủ quan nóng vội đã cản trở công cuộc xây dựng quê hương. Ấy là chưa nói đến thù trong giặc ngoài, thiên tai tàn phá: Lụt Bắc lụt Nam máu đầm biên giới/ Tay chống trời tay giữ nước căng gân (Tố Hữu). Là một tỉnh ở cực Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang vừa buông tay súng đánh Mỹ chưa được bao lâu lại phải tiếp tục chiến đấu chống giặc Pônpốt diệt chủng từ bên kia biên giới tràn sang. Hơn mười năm ròng rã, trên mảnh đất này, thời chiến và thời bình đan xen, máu vẫn đổ, người vẫn ra chiến trường, và tình trạng hậu phương và tiền tuyến vẫn tiếp diễn. Rồi bước sang những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới và hội nhập, như một Việt Nam thu nhỏ, Kiên Giang cũng đứng trước những cơ hội và thách thức, hầu như chẳng có gì là ngoại lệ.
Thơ ca mang âm hưởng thời đại, thơ Kiên Giang sau 1975 tái hiện khá sinh động sắc diện một vùng quê trong mấy chục năm trở mình, vươn dậy và đi lên dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Với tư cách là loại hình nghệ thuật thuộc hiện tượng xã hội - thẩm mĩ, thơ ca Kiên Giang vừa nằm trong dòng chảy chung của thơ ca dân tộc vừa có những nguồn mạch riêng tương hợp với tâm hồn, cốt cách của con người trên mảnh đất vốn có sự giao thoa giữa các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer - Chăm. Sách Ngữ văn địa phương Kiên Giang, PGS. TS. Trần Hữu Tá (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục 2010, viết:
Văn học Kiên Giang có sự hội tụ, kết tinh chung tay góp sức sáng tạo của bốn dân tộc Việt, Hoa, Khmer và Chăm cư trú trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nên rất giàu sắc thái dân tộc, đa dạng mà thống nhất [111; 6].
Thời đại mới thổi vào thơ ca những sinh khí mới, trên cái nền tinh hoa của thơ ca bản địa (Tao đàn Chiêu Anh Các như dấu son đậm nét), thơ Kiên Giang sau năm 1975, có thể nói đã có những khởi sắc rất đáng trân trọng:
Kiên Giang là xứ sở của văn chương nghệ thuật; vẫn sừng sững còn đó Tao đàn Chiêu Anh Các, một trong hai tổ chức nghệ thuật lớn nhất ở nước ta trong ngót nghìn năm văn học Trung đại (bên cạnh Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông). Ngày nay, tuy chưa thể so tầm với những trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nền thơ ca đương đại ở địa phương xa xôi này vẫn tỏ ra dồi dào sức sống [56; 58, 59]. Bước vào kỉ nguyên hội nhập, cũng như những vùng miền khác, tâm lí vọng ngoại ở giới trẻ có xu hướng “lên ngôi”, trong khi đây đó vẫn xuất hiện những sản phẩm tinh thần ngay chính trên quê hương, không thua kém gì thơ ca ở xứ người; ấy mà lại dễ bị lãng quên: Ta vẫn có thói quen đi tìm sản phẩm tinh thần ở tận những đâu đâu mà quên rằng bên cạnh ta, ngay trong ao nhà của ta cũng có những món ăn ngon không kém phần thú vị [59; 36].
1.3.2. Lực lượng sáng tác
Chủ thể sáng tạo thẩm mỹ sản sinh ra văn bản thẩm mỹ, qua cộng hưởng của người đọc mà chuyển thành tác phẩm. Một nền thơ ca khởi sắc trước hết phải nói đến tài năng của lực lượng sáng tác.
Sau 1975, ngay từ những năm đầu bước sang thời đại mới, ở Kiên Giang, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng đã có sự định hướng sáng tác theo đường lối văn nghệ của Đảng, chấm dứt tình trạng phân hóa phức tạp về tư tưởng trong giới văn nghệ sĩ như thời đất nước chiến tranh. Ấy là nền thơ ca cách mạng thống nhất, được quy tụ xung quanh Tiểu ban Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên Huấn (nay gọi là Ban Tuyên Giáo) Tỉnh ủy.
Đến năm 1978, được sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh, Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang ra đời. Để đến tháng 4- 1981, Hội Văn nghệ Kiên Giang chính thức được thành lập. Đây là tổ chức chính trị nghề nghiệp tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh. Chỉ riêng Phân hội văn học lúc bấy giờ đã có hơn 40 người trên tổng số gần 70 hội viên của toàn Hội (trong đó có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam); đến nay Phân hội Văn học đã gần 70 hội viên trên tổng số hơn 200 người gia nhập Hội Văn nghệ Kiên Giang. Phần lớn đều tham gia sáng tác khá đều đặn, thể loại “chủ lực” vẫn là thơ ca, kế tiếp mới đến truyện ngắn, kí. Số người “chuyên canh” trên cánh đồng thơ ít hơn số người “xen canh” cùng lúc sáng tác nhiều thể loại, ai nổi trội ở thể loại nào thì gắn tên họ với thể loại đó. Chẳng hạn, nhà văn Anh Động, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (thực ra cả hai đều có thơ được đưa vào giảng trong nhà trường). Hay như nữ thi nhân Mộng Tuyết, bà vừa là tác giả của Phấn hương rừng, Mười khúc đoạn trường (thơ) nổi tiếng; vừa là chủ nhân của Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết), Đường vào Hà Tiên (tùy bút) gây được tiếng vang. Ngoài những tác giả đã trở thành “đại thụ” (Mộng Tuyết, Hưởng Triều, Hà Huy Hà) còn xuất hiện thêm một số người “chơi thơ” tỏ ra đã có “đẳng cấp” (Thanh Ngọc, Linh Phương, Thương Hoài Thương, Hồ Bá Thâm, Tiết Tâm Linh, Thu Minh Hợp, Giang Hà, Nguyễn Văn Minh, Thụy Nhã, Uông Văn Kỳ...).
Đội ngũ người làm thơ ở Kiên Giang sau năm 1975 lại càng đông đảo nhờ có sự phát triển của các tổ chức văn nghệ đến cấp chi hội ở một số huyện, thị như: Chi hội Văn nghệ Hà Tiên (thị xã Hà Tiên), Chi hội Văn nghệ Phú Quốc (huyện Phú Quốc), Chi hội Văn nghệ Gò Quao (huyện Gò Quao), Chi hội Văn nghệ Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp)...
Những cây bút trưởng trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khoảng hơn thập niên đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ là lực lượng chủ lực trên thi đàn thơ ca địa phương. Nhà thơ
Kiên Giang - Hà Huy Hà (tên khai sinh Trương Khương Trinh), tác giả bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím nổi tiếng, sau 1975, tuy định cư ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn nặng tình với quê hương xứ sở. Bút danh Kiên Giang
như tấm lòng tri ân của ông. Tuyển tập Thơ Kiên Giang, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 1996, tập hợp những sáng tác kể từ khi ông mới bước vào thi đàn cho đến khi tuổi đã xế chiều, gần như “gác bút”. Trước sau, thơ Kiên Giang vẫn là tình cảm đôn hậu, tự nhiên, thủy chung như tiếng lòng của con người vùng sông nước Nam Bộ. Nét bình dị, mộc mạc, chân quê trong thơ ông làm nên vẻ đẹp đặc trưng, có thể liên tưởng đến thơ Nguyễn Bính như là sự gặp gỡ của hai hồn thơ ở hai miền đất nước. Nếu sáng tác của những nhà thơ trẻ trong vườn thơ Kiên Giang sau 1975 ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà cũng là điều dễ hiểu.
Thuộc thế hệ thơ kháng chiến, những cây bút được coi là tiên phong trong chuyển hướng, gây dựng nền thơ ca cách mạng ở địa phương ngay từ khi mới giải phóng như Anh Động, Xuân Triều, Cù Lao Bảo, Bá Diệp, Trần Dũng Chiến, Triều Ba, Việt Thanh... thực sự sung sức về cảm hứng trữ tình chính trị. Thực ra với họ, sáng tác thơ như nhu cầu tự thân, trong kháng chiến họ hoạt động ở lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; làm thơ, viết văn cũng cốt để phục vụ cách mạng hơn là làm nghệ thuật thuần túy (Trần Dũng Chiến bộc bạch: Yêu thơ từ thuở học trò/ Lớp ba, lớp bốn tự mò làm thơ/ Thơ tôi chỉ cỡ i tờ/ Siêng làm hay dở vẫn thơ của mình). Quan niệm thì như vậy nhưng khi đã sáng tác thì thơ họ đi đến tận cùng của tấm lòng chân thực, chân thực cả trong những khát khao về viễn cảnh ở tương lai mà sau mấy chục năm mới ngộ ra là không giản đơn như những điều đã nghĩ.
Bên cạnh những nhà thơ từng trực tiếp tham gia kháng chiến, sau năm 1975, thơ Kiên Giang lại “Chiêu Anh”, bổ sung thêm những cây bút mới: Nguyễn Bá, Linh Phương từ Cà Mau về; Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy, Dương Văn Cầu, Thu Minh Hợp, Xuân Huy, Tạ Đình Chiến... từ miền Bắc
vào, Hồ Bá Thâm, Nguyễn Minh Phúc, Tâm Nhiên, Giang Hà, Nguyễn Văn Minh từ miền Trung tới, Phạm Thường Gia từ An Giang qua... Đội ngũ sáng tác thơ ở Kiên Giang không ngừng lớn mạnh. Những tác giả như Anh Động, Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy, Phạm Thường Gia đều là những tài năng đã được khẳng định, họ hành nghề gần như chuyên nghiệp ở lĩnh vực văn chương, thành công nổi trội của họ là ở thể loại văn xuôi nhưng những bài thơ được viết ra cũng không kém phần sinh động. Cùng thế hệ còn có sự “đầu quân” của những nhà thơ ít nhiều đã thành danh ở vùng đô thị miền Nam trước giải phóng (Thương Hoài Thương, Trần Đông Sơn, Trịnh Long Tuyền…). Ở những nhà thơ này, dưới thời chế độ Việt Nam cộng hòa, nghề chính là dạy học, họ có tinh thần dân tộc, ghét ngoại xâm. Sau giải phóng họ sớm hòa nhập vào xã hội mới, tiếp tục dạy học và làm thơ. Thơ họ có thế mạnh về trữ tình riêng tư, ngôn từ mềm mại, nhiều gợi cảm.
Bổ sung thêm còn là những “cây tự mọc” ở địa phương như: Thanh Ngọc, Giá Khê, Đoàn Công Thiện, Tiết Tâm Linh, Dạ Thi Các, Nguyễn Xuân Viên, Thụy Nhã… đều “sáng giá” trên thi đàn. Trong đó, thơ Thanh Ngọc đạt đến mức gần như điêu luyện: Người đọc khó mà quên Thanh Ngọc, thơ anh “mấp mé” đến đỉnh cao và đã bắt đầu bước vào sân chơi của nó [59; 36].
Theo quy luật “tre già măng mọc”, một thế hệ thơ trẻ xuất hiện từ sau 1975, nhất là từ nửa cuối thập niên 80 trở đi, đã đem đến cho thơ Kiên Giang những sắc điệu mới, tiếng nói mới. Tuy chưa thể so tầm với sáng tác của những tài năng ở những trung tâm lớn trong khu vực và cả nước, nhưng trong số những người làm thơ trẻ trên đất Kiên Giang xuất hiện những gương mặt tỏ ra tích cực tìm tòi để cách tân, đổi mới thơ: Nguyễn Ngọc Hồng Phong khá nhuần nhuyễn về cấu tứ, Nguyễn Tấn Kiệt bóng bẩy về ngôn từ nhưng nếu không dè chừng dễ bị sáo, Uông Văn Kì thâm trầm có chiều sâu, Trương Anh Sáng nhiều xúc cảm... Ở mảng sáng tác trong nhà trường, một số tác giả bước đầu tạo được dấu ấn: Trịnh Kiều Trang mượt mà, Lâm Thu Quỳnh đằm thắm,
Hàn San chân tình, Nguyễn Thị Cẩm Bình nhỏ nhẹ, Trần Văn Khương tinh tế nhẹ nhàng...
Lực lượng sáng tác như thế, có thể nói là hùng hậu, không thua kém địa phương nào trong khu vực. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ có mặt mạnh và mặt yếu riêng, tất cả hợp lại, bổ sung ưu thế cho nhau, tạo nên một nền thơ Kiên Giang đa sắc điệu, nhiều chân dung. Được sự quan tâm của Đảng, Hội Văn nghệ Kiên Giang không ngừng được đầu tư, củng cố, trở thành cơ quan “đầu mối” về sáng tạo thơ ca, nghệ thuật của tỉnh nhà.
1.3.3. Tình hình xuất bản thơ ca Kiên Giang sau 1975
Văn học thành văn tồn tại dưới dạng văn bản viết. Sáng tác thơ ca hướng tới người đọc như quá trình đồng sáng tạo, chuyển từ văn bản sang tác phẩm. Hơn nữa, theo lẽ thường, ai đó được gọi là nhà thơ, tối thiểu nhất cũng phải có những sáng tác được công bố bằng văn bản (dĩ nhiên là chính thống); nghĩa là sản phẩm của họ đã được thừa nhận (nhà xuất bản như người đọc đầu tiên). Rộng hơn, sáng tác phải có xuất bản, tổ chức nghệ thuật nào cũng cần đến xuất bản; xuất bản để lưu hành, phổ biến tác phẩm. Nói gọn lại, xuất bản là một khâu trong quá trình “sản xuất” thơ ca, là phương tiện để phát triển thơ ca. Ở Kiên Giang sau 1975, thơ là thể loại được xuất bản nhiều hơn cả, nhất là kể từ khi Hội Văn nghệ chính thức ra đời và đi vào hoạt động (1981). Thơ được công bố, lưu hành trên các tờ báo, tạp chí ở trong tỉnh, khu vực và cả nước (nhiều nhất là tờ Văn nghệ Kiên Giang, sau được nâng lên, đổi thành tạp chí Chiêu Anh Các). Đồng thời, những tuyển tập thơ của từng tác giả (in riêng) và nhiều tác giả (in chung) lần lượt được ấn hành, trong đó có những nhà xuất bản lớn, uy tín (Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Văn nghệ, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, Nhà xuất bản Phương Đông...). Cụ thể như sau:
1.3.3.1. Những tập thơ in chung của nhiều tác giả (xếp theo trình tựthời gian) thời gian)
- Thơ Kiên Giang I, Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1979 - Thơ Kiên Giang II, Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1980 - Hoa Biển, Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1989
- Gửi nắng cho mưa, Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1991 - Ước mơ xanh, Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1994
- Thơ học trò, Hội Văn học nghệ thuật - Sở Giáo dục & Đào tạo Kiên Giang, 1996
- Mắt bão, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau - Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang, 1998
- Niềm tin (3 tập), Câu lạc bộ Hưu trí thị xã Rạch Giá - Kiên Giang, Xí nghiệp in Hồ Văn Tẩu ấn hành, 2003
- Quê Xép, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau - Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang, 2004
- Thơ Kiên Giang, Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang - Nhà xuất bản Phương Đông, 2006
1.3.3.2. Những tập thơ in riêng của các tác giả (xếp theo tên tác giả)
- Cù Lao Bảo, Lặng lẽ, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang - Nhà xuất bản Phương Đông, 2005
- Dương Văn Cầu, Nhớ nguồn, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau - Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1997
- Trần Dũng Chiến, Tình lính, Hội Văn học Nghệ thuật, 2007
- Trần Dũng Chiến, Vườn quê, Hội Văn học Nghệ thuật - Nhà xuất bản Phương Đông, 2007
- Anh Động, Tóc, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1990
- Dương Xuân Định, Hơi thở trong trong thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1993
- Thu Minh Hợp, Có một ngày để nhớ, Nhà xuất bản Văn học, 2006 - Xuân Huy, Yêu thương, Nhà xuất bản Trẻ, 2012
- Tiết Tâm Linh - Dạ Thi Các, Thời gian và Bóng xưa, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, 2012
- Nguyễn Văn Minh, Cho con, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2007 - Hà Văn Nam, Rạng đông, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1987 - Thanh Ngọc, Biển ru tình ta, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1993 - Thanh Ngọc, Như lá còn bay, Nhà xuất bản Trẻ, 2012
- Linh Phương, Lời ru của gió, Nhà xuất bản Thanh niên, 2000
- Xuân Tấn, Chiếc cầu, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, Xí nghiệp in Chiến Thắng ấn hành, 1982
- Hồ Bá Thâm, Không gian tình yêu, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 1996
- Hồ Bá Thâm, Gửi nhớ gửi thương, Nhà xuất bản Thanh niên, 2011 - Hà Văn Thùy, Thời gian gom nhặt, Nhà xuất bản Kiên Giang
- Thương Hoài Thương, Những bến bờ, Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang, 2000
- Thương Hoài Thương, Thơ tình, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 2001 - Nguyễn Anh Tổng, Quê mẹ, Nhà xuất bản Phương Đông - Hội Văn