Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 93 - 99)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Thời gian nghệ thuật

Theo từ điển Thuật ngữ văn học thì thời gian bao gồm hai yếu tố: Thể hiện sự miêu tả trần thuật xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Cái được trần thuật diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật [31; 26].

Còn trong cuốn Thi pháp học hiện đại, GS. Trần Đình Sử quan niệm:

Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật [108; 62].

Và cũng theo GS. Trần Đình Sử: Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tư tưởng bằng phương diện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được, hoặc hồi hợp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Thiếu sự thụ cảm tưởng tượng của con người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện(…) Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ [108; 63].

Như vậy, ta có thể khẳng định thời gian nghệ thuật có một vị trí rất quan trọng trong tác phẩm văn học. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, và hơn mọi loại hình nghệ thuật khác nhau, văn chương thực sự trở thành nghệ thuật

thời gian. Tính thời gian thể hiện ở sự nối tiếp của văn bản, sự vận động của các sự kiện, cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Ngoài việc tái hiện thời gian khách quan, nhà nghệ sĩ còn sáng tạo ra thời gian nghệ thuật trong tác phẩm cùa mình. Thời gian trong thơ ca tuy cũng có độ dài, nhịp độ, có quá khứ - hiện tại - tương lai, nhưng là một phạm trù nghệ thuật mang đầy tính ước lệ, chủ quan của tác giả. Thời gian nghệ thuật cũng là một hoạt động nhận thức, nhờ đó nó cũng thoát khỏi quy luật vận động một chiều của thời gian. Thời gian nghệ thuật là thời gian được cảm nhận bằng tâm lí qua chuỗi liên tục những biến cố, có ý nghĩa thẩm mĩ xảy ra trong thế giới nghệ thuật. Do chịu sự chi phối của tâm lí nên thời gian nghệ thuật rất linh động và đa chiều. Nó có thể bị đảo ngược từ hiện tại hồi tưởng lại quá khứ.

Thơ Kiên Giang giai đoạn sau 1975 là bức tranh xã hội của địa phương trong hơn 35 năm sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước. Bên cạnh một số tác giả vẫn tiếp tục đề tài về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thì một số tác giả lại viết về công cuộc xây dựng quê hương trong thời kì đổi mới. Những kỉ niệm, những mảnh hồi ức đã qua, những chuyển biến đang diễn ra trong cuộc sống và những tâm tư tình cảm của con người khi nghĩ về tương lai. Tất cả những điều đó đã được gửi đến cho người đọc thông qua yếu tố thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Và hoài niệm về quá khứ là một trong những quãng thời gian được các tác giả ở Kiên Giang tập trung thể hiện.

Chiến tranh đã đi qua, dù cuộc sống đời thường có bao sự lo toan, bề bộn nhưng kí ức vẫn còn tồn tại trong đời sống tinh thần của mỗi người. Dường như sau chiến tranh, các nhà thơ có thời gian để tái hiện lại hiện thực cuộc chiến, cảm nhận lại những gì họ đã trải qua, đã từng gửi lại một phần đời người - tuổi trẻ. Khoảng mười năm sau mốc 1975, thơ Kiên Giang lúc này hầu như đều hướng về những kí ức, những kỉ niệm trong những năm tháng chiến tranh. Tất cả không chỉ còn là khía cạnh của cuộc đời mà đã trở thành điều sâu thẳm trong tâm hồn họ. Tuy chiến tranh đã kết thúc nhưng dư ba của

chiến tranh vẫn réo rắt lòng người. Một đội ngũ thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Mỹ vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi không khí hào hùng của cuộc chiến nên họ vẫn tiếp tục viết về chiến tranh, ngợi ca chiến thắng của quê hương, của dân tộc. Hàng loạt tác phẩm ra đời trong thời gian này. Bằng những tác phẩm của mình, các nhà thơ Kiên Giang đã chuyển tải những tình cảm mà người lính muốn đưa đến với bạn đọc. Nhưng dù ở thế hệ nào, xuất hiện sớm hay muộn, họ luôn ý thức viết về những năm tháng đã qua là trách nhiệm thiêng liêng của người cầm bút đối với dân tộc, với những người đã ngã xuống, với những người trở về sau chiến tranh và với cả thế hệ mai sau.

Trước hết đó là sự ý thức, ghi nhận chân dung tinh thần thế hệ cầm súng. Nhà thơ Dương Văn Cầu đã phác họa hình ảnh của người con gái tuổi đôi mươi - một bức chân dung đầy quả cảm khi người nữ chiến sĩ ấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình bởi những ngày tháng tù đày nơi Côn Đảo:

Khuôn mặt hằn roi vọt Chân lành kéo chân rê.

(Dòng sông phù sa và nước ngọt - Dương Văn Cầu)

Thời gian thật đúng là yếu tố quan trọng, tạo khoảng cách cần có cho những người cầm bút. Các nhà thơ đã tạo dựng lại cả một thế hệ trong chiến tranh với biết bao khó khăn gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng và dũng cảm:

Bao đoàn người anh dũng quyết xung phong Đưa dân tộc ra khỏi vùng đau khổ

(Niềm tin - Hoàng Đình Thưởng)

Hiện thực chiến tranh đã qua vẫn còn tác động sâu sắc đến người viết (nhất là những tác giả mặc áo lính). Thời gian hoài niệm về quá khứ ở đây chính là cảm xúc của người viết về mặt trận, về chiến dịch, về con đường hành quân, về mặt trận… Con người hôm nay hoài niệm về quá khứ để càng thấm thía hơn nỗi buồn sau chiến tranh. Có thể nói viết về chiến tranh trong đời sống hôm nay đã mang một nét tư tưởng mới. Bằng con mắt của những

người trực tiếp cầm súng, những sự kiện đời sống chiến tranh mang nặng sức biểu cảm và có giá trị thuyết phục bởi tính chân xác của nó qua những trải nghiệm thực sự của người lính. Cảm hướng về chiến tranh vẫn như là cảm hứng cội nguồn, cứ lay trở, day dứt khôn nguôi trên trang viết của họ. Và điều nhức nhối ở đây là những con người anh dũng đã hy sinh trọn cuộc đời mình cho đất nước quê hương nhưng giờ đây họ đã không được nằm yên nghỉ ở quê nhà hay cùng đồng đội ngủ yên nơi nghĩa trang liệt sĩ. Người còn lại dù cố công tìm kiếm vẫn không khỏi ngậm ngùi:

Hòa bình khói súng đã tan Đi tìm đồng đội lệ tràn ướt mi!

(Đi tìm đồng đội - Trần Dũng Chiến)

Thời gian hoài niệm về quá khứ được thể hiện ở những góc, khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Những con người hoài niệm về quá khứ không phải để đau xót rên rỉ, để khóc than mà qua đó, khi thấy được lẽ mất còn, thấy được hạnh phúc tự do từ trong khổ đau mất mát, thì con người đang sống và những con người được sống trong cuộc sống hòa bình hôm nay phải luôn biết kính trọng, tri ân về những người đã mất, quan tâm cho số những phận bất hạnh trở về sau chiến tranh. Và điều quan trọng hơn hết, con người hôm nay cần phải sống xứng đáng với những gì mà cha anh ngày trước đã hi sinh xương máu để đánh đổi cho chúng ta. Ánh lửa của cuộc chiến tranh hôm qua vẫn còn soi sáng cho cuộc sống hôm nay và đồng thời nhắc nhở con người đừng bao giờ lãng quên hôm qua, lãng quên quá khứ hào hùng mà bi tráng của dân tộc.

Các sáng tác của thơ Kiên Giang giai đoạn sau 1975 không chỉ hướng người đọc quay về quá khứ để tưởng nhớ, được bồi hồi xúc động trước những mất mát đau thương và tự hào với những chiến công oanh liệt trên mảnh đất Kiên Giang. Các tác giả Kiên Giang sáng tác trong giai đoạn này cũng tập trung đề cập đến những vấn đề của hiện tại. Vùng đất mới Kiên Giang giờ đây

đã đổi thịt thay da. Cuộc sống thời bình mang đến cho thơ ca hơi thở mới, một luồng sinh khí mới, cảm hứng mới.

Trong những năm đầu từ sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc, cảm hứng xây dựng, lao động trở thành một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ Kiên Giang giai đoạn này. Hầu hết các nhà thơ đều hướng ngòi bút vào những mặt sống mới của hiện thực. Diện mạo của quê hương đất nước dần đậm nét trong thơ, vừa tự hào, vừa rạng rỡ, vừa điềm tĩnh, vừa tự tin trước những thử thách không nhỏ của cuôc sống thời bình. Tất cả đều đi vào thơ một cách cụ thể, sống động. Với Giá Khê, Hòn Đất mùa nước nổi đã gợi lên trong lòng ký ức về một Hòn Đất với biết bao nét văn hóa. Trong những điểm sáng của bài thơ vẫn là hình ảnh của cuộc sống mới hôm nay:

Con lộ nhựa xuyên ngang vùng nước nổi Tiếng tàu xe rộn rã suốt đêm ngày

(Hòn Đất mùa nước nổi - Giá Khê)

Cảm nhận về thời gian hiện tại trong sự đổi mới của quê hương, các nhà thơ đã giúp chúng ta thấy yêu mến và tin hơn vào những đổi thay của cuộc sống:

Đảo lên đèn, đời vui bừng ánh điện

Sự thật đang mỉm cười bừng sáng trong thơ!

(Đôi điều Kiên Hải - Dạ Thi Các)

Nói đến xứ hòn, ta thường nghĩ đến khung cảnh mộc mạc của làng quê thôn dã với rặng cây, bãi biển, xóm tranh nghèo. Những đường nét đó kết hợp lại tạo thành một bức tranh tuyệt tác nhưng có biết đâu đó lại là cảnh cơ cực của dân nghèo xóm chài bên mái tranh, ngọn đèn dầu không đủ sáng. Cuộc sống giờ đã đổi thay, điện đã trở về từng thôn xóm. Đó mới là cảnh làm nên cảm hứng cho thi nhân. Bởi hơn ai hết, các tác giả ở Kiên Giang họ rất vui mừng khi quê hương phát triển và với cảm xúc vui sướng hân hoan họ đã vẻ lên bức tranh đổi mới của quê mình. Và Đặng Quốc Hoàng cũng cùng chung tâm trạng như thế khi chứng kiến quê hương đang thay đổi hằng ngày:

Đã qua rồi khói lửa của chiến tranh, Cuộc sống mới đang từng ngày thay đổi.

(Quê mình - Đặng Quốc Hoàng)

Cuộc sống mới với bao điều thay đổi. Vui mừng đó, hân hoan đó nhưng lòng vẫn không thể nào quên được những thàng ngày từng gian nan, vất vả. Có như vậy con người càng thêm trân trọng cuộc sống hiện tại của mình. Tác giả Nguyễn Huy đã thay lời nói lên điều đó:

Non nước thanh bình chiều biển lặng Lòng son càng nhớ thuở gian nan…

(Hoàng hôn trên biển - Nguyễn Huy)

Sau 1975 thơ nói chung, thơ Kiên Giang nói riêng đã trở lại cái nắng, cái gió của đời thường, thời gian được cảm nhận ở góc mới mẻ hơn, cảm nhận về thời gian trong thơ trở nên thô ráp hơn và cũng đầy khúc trắc hơn. Trong sự nhập cuộc với đời sống bộn bề phức tạp, nhà thơ tỏ ra nhạy cảm trước những “biến động” của cái thường nhật, hàng ngày. Thơ ca giai đoạn này đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lí và đã dũng cảm nhìn thẳng vào mặt trái của sự phát triển. Dường như những người lính trở về với cuộc sống hôm nay đã phải đón nhận những thử thách mới không kém phần gay go và ác liệt đối với số phận của cá nhân và gia đình:

Đi giữa đường đời đầy bão táp Đâu khác Đường Tăng đi thỉnh kinh

(Tản mạn Tây du kí - Thanh Ngọc)

Hiện thực cuộc sống sau 1975 muôn màu, muôn sắc, mỗi người mỗi cảnh đời. Con người luôn suy ngẫm, trăn trở về hiện tại của cuộc đời mình. Hiện thực diễn ra với bao bộn bề trong cuộc sống, bao nỗi lo toan vất vả của con người. Tuy xã hội lên ngôi nhưng chưa hẳn cuộc sống con người đã thăng hoa. Nhà thơ nhạy cảm trước thời cuộc cho nên thấu hiểu hết tất cả sự phức

tạp của cuộc sống mà con người phải chấp nhận. Và nhà thơ cũng dũng cảm đương đầu với nó:

Khi tội lỗi còn ẩn sau nhiều mặt nạ

Anh không thể biến mình thành kẻ vô tâm

(Có thể và không thể - Tiết Tâm Linh)

Những dòng thơ là mạch cảm xúc của tác giả khi chứng kiến những bộn bề của cuộc sống. Sự phức tạp vốn có của xã hội thời phát triển. Nhà thơ có dịp nhận thức những gì đã xảy ra để thể hiện sự suy ngẫm về nhân sinh, về lựa chọn quan điểm sống. Có thể nhận thấy, khai thác các vấn đề về quá khứ để nhìn lại mình hôm qua, sống tốt hơn cho hôm nay và hướng tới ngày mai là một trong những điểm chung những cây bút thơ Kiên Giang giai đoạn sau 1975.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 93 - 99)