Lực lượng sáng tác

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 41)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Lực lượng sáng tác

Chủ thể sáng tạo thẩm mỹ sản sinh ra văn bản thẩm mỹ, qua cộng hưởng của người đọc mà chuyển thành tác phẩm. Một nền thơ ca khởi sắc trước hết phải nói đến tài năng của lực lượng sáng tác.

Sau 1975, ngay từ những năm đầu bước sang thời đại mới, ở Kiên Giang, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng đã có sự định hướng sáng tác theo đường lối văn nghệ của Đảng, chấm dứt tình trạng phân hóa phức tạp về tư tưởng trong giới văn nghệ sĩ như thời đất nước chiến tranh. Ấy là nền thơ ca cách mạng thống nhất, được quy tụ xung quanh Tiểu ban Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên Huấn (nay gọi là Ban Tuyên Giáo) Tỉnh ủy.

Đến năm 1978, được sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh, Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang ra đời. Để đến tháng 4- 1981, Hội Văn nghệ Kiên Giang chính thức được thành lập. Đây là tổ chức chính trị nghề nghiệp tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh. Chỉ riêng Phân hội văn học lúc bấy giờ đã có hơn 40 người trên tổng số gần 70 hội viên của toàn Hội (trong đó có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam); đến nay Phân hội Văn học đã gần 70 hội viên trên tổng số hơn 200 người gia nhập Hội Văn nghệ Kiên Giang. Phần lớn đều tham gia sáng tác khá đều đặn, thể loại “chủ lực” vẫn là thơ ca, kế tiếp mới đến truyện ngắn, kí. Số người “chuyên canh” trên cánh đồng thơ ít hơn số người “xen canh” cùng lúc sáng tác nhiều thể loại, ai nổi trội ở thể loại nào thì gắn tên họ với thể loại đó. Chẳng hạn, nhà văn Anh Động, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (thực ra cả hai đều có thơ được đưa vào giảng trong nhà trường). Hay như nữ thi nhân Mộng Tuyết, bà vừa là tác giả của Phấn hương rừng, Mười khúc đoạn trường (thơ) nổi tiếng; vừa là chủ nhân của Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết), Đường vào Hà Tiên (tùy bút) gây được tiếng vang. Ngoài những tác giả đã trở thành “đại thụ” (Mộng Tuyết, Hưởng Triều, Hà Huy Hà) còn xuất hiện thêm một số người “chơi thơ” tỏ ra đã có “đẳng cấp” (Thanh Ngọc, Linh Phương, Thương Hoài Thương, Hồ Bá Thâm, Tiết Tâm Linh, Thu Minh Hợp, Giang Hà, Nguyễn Văn Minh, Thụy Nhã, Uông Văn Kỳ...).

Đội ngũ người làm thơ ở Kiên Giang sau năm 1975 lại càng đông đảo nhờ có sự phát triển của các tổ chức văn nghệ đến cấp chi hội ở một số huyện, thị như: Chi hội Văn nghệ Hà Tiên (thị xã Hà Tiên), Chi hội Văn nghệ Phú Quốc (huyện Phú Quốc), Chi hội Văn nghệ Gò Quao (huyện Gò Quao), Chi hội Văn nghệ Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp)...

Những cây bút trưởng trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khoảng hơn thập niên đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ là lực lượng chủ lực trên thi đàn thơ ca địa phương. Nhà thơ

Kiên Giang - Hà Huy Hà (tên khai sinh Trương Khương Trinh), tác giả bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím nổi tiếng, sau 1975, tuy định cư ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn nặng tình với quê hương xứ sở. Bút danh Kiên Giang

như tấm lòng tri ân của ông. Tuyển tập Thơ Kiên Giang, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 1996, tập hợp những sáng tác kể từ khi ông mới bước vào thi đàn cho đến khi tuổi đã xế chiều, gần như “gác bút”. Trước sau, thơ Kiên Giang vẫn là tình cảm đôn hậu, tự nhiên, thủy chung như tiếng lòng của con người vùng sông nước Nam Bộ. Nét bình dị, mộc mạc, chân quê trong thơ ông làm nên vẻ đẹp đặc trưng, có thể liên tưởng đến thơ Nguyễn Bính như là sự gặp gỡ của hai hồn thơ ở hai miền đất nước. Nếu sáng tác của những nhà thơ trẻ trong vườn thơ Kiên Giang sau 1975 ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà cũng là điều dễ hiểu.

Thuộc thế hệ thơ kháng chiến, những cây bút được coi là tiên phong trong chuyển hướng, gây dựng nền thơ ca cách mạng ở địa phương ngay từ khi mới giải phóng như Anh Động, Xuân Triều, Cù Lao Bảo, Bá Diệp, Trần Dũng Chiến, Triều Ba, Việt Thanh... thực sự sung sức về cảm hứng trữ tình chính trị. Thực ra với họ, sáng tác thơ như nhu cầu tự thân, trong kháng chiến họ hoạt động ở lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; làm thơ, viết văn cũng cốt để phục vụ cách mạng hơn là làm nghệ thuật thuần túy (Trần Dũng Chiến bộc bạch: Yêu thơ từ thuở học trò/ Lớp ba, lớp bốn tự mò làm thơ/ Thơ tôi chỉ cỡ i tờ/ Siêng làm hay dở vẫn thơ của mình). Quan niệm thì như vậy nhưng khi đã sáng tác thì thơ họ đi đến tận cùng của tấm lòng chân thực, chân thực cả trong những khát khao về viễn cảnh ở tương lai mà sau mấy chục năm mới ngộ ra là không giản đơn như những điều đã nghĩ.

Bên cạnh những nhà thơ từng trực tiếp tham gia kháng chiến, sau năm 1975, thơ Kiên Giang lại “Chiêu Anh”, bổ sung thêm những cây bút mới: Nguyễn Bá, Linh Phương từ Cà Mau về; Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy, Dương Văn Cầu, Thu Minh Hợp, Xuân Huy, Tạ Đình Chiến... từ miền Bắc

vào, Hồ Bá Thâm, Nguyễn Minh Phúc, Tâm Nhiên, Giang Hà, Nguyễn Văn Minh từ miền Trung tới, Phạm Thường Gia từ An Giang qua... Đội ngũ sáng tác thơ ở Kiên Giang không ngừng lớn mạnh. Những tác giả như Anh Động, Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy, Phạm Thường Gia đều là những tài năng đã được khẳng định, họ hành nghề gần như chuyên nghiệp ở lĩnh vực văn chương, thành công nổi trội của họ là ở thể loại văn xuôi nhưng những bài thơ được viết ra cũng không kém phần sinh động. Cùng thế hệ còn có sự “đầu quân” của những nhà thơ ít nhiều đã thành danh ở vùng đô thị miền Nam trước giải phóng (Thương Hoài Thương, Trần Đông Sơn, Trịnh Long Tuyền…). Ở những nhà thơ này, dưới thời chế độ Việt Nam cộng hòa, nghề chính là dạy học, họ có tinh thần dân tộc, ghét ngoại xâm. Sau giải phóng họ sớm hòa nhập vào xã hội mới, tiếp tục dạy học và làm thơ. Thơ họ có thế mạnh về trữ tình riêng tư, ngôn từ mềm mại, nhiều gợi cảm.

Bổ sung thêm còn là những “cây tự mọc” ở địa phương như: Thanh Ngọc, Giá Khê, Đoàn Công Thiện, Tiết Tâm Linh, Dạ Thi Các, Nguyễn Xuân Viên, Thụy Nhã… đều “sáng giá” trên thi đàn. Trong đó, thơ Thanh Ngọc đạt đến mức gần như điêu luyện: Người đọc khó mà quên Thanh Ngọc, thơ anh “mấp mé” đến đỉnh cao và đã bắt đầu bước vào sân chơi của nó [59; 36].

Theo quy luật “tre già măng mọc”, một thế hệ thơ trẻ xuất hiện từ sau 1975, nhất là từ nửa cuối thập niên 80 trở đi, đã đem đến cho thơ Kiên Giang những sắc điệu mới, tiếng nói mới. Tuy chưa thể so tầm với sáng tác của những tài năng ở những trung tâm lớn trong khu vực và cả nước, nhưng trong số những người làm thơ trẻ trên đất Kiên Giang xuất hiện những gương mặt tỏ ra tích cực tìm tòi để cách tân, đổi mới thơ: Nguyễn Ngọc Hồng Phong khá nhuần nhuyễn về cấu tứ, Nguyễn Tấn Kiệt bóng bẩy về ngôn từ nhưng nếu không dè chừng dễ bị sáo, Uông Văn Kì thâm trầm có chiều sâu, Trương Anh Sáng nhiều xúc cảm... Ở mảng sáng tác trong nhà trường, một số tác giả bước đầu tạo được dấu ấn: Trịnh Kiều Trang mượt mà, Lâm Thu Quỳnh đằm thắm,

Hàn San chân tình, Nguyễn Thị Cẩm Bình nhỏ nhẹ, Trần Văn Khương tinh tế nhẹ nhàng...

Lực lượng sáng tác như thế, có thể nói là hùng hậu, không thua kém địa phương nào trong khu vực. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ có mặt mạnh và mặt yếu riêng, tất cả hợp lại, bổ sung ưu thế cho nhau, tạo nên một nền thơ Kiên Giang đa sắc điệu, nhiều chân dung. Được sự quan tâm của Đảng, Hội Văn nghệ Kiên Giang không ngừng được đầu tư, củng cố, trở thành cơ quan “đầu mối” về sáng tạo thơ ca, nghệ thuật của tỉnh nhà.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 41)