7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Ngợi ca phong cảnh Kiên Giang
Nhìn tổng thể, Kiên Giang có ba cụm phong cảnh gắn với ba vùng văn hóa (cũng là ba trung tâm du lịch). Thứ nhất: cụm Phú Quốc - Kiên Hải (biển đảo); thứ hai: cụm U Minh và lân cận (rừng ngập mặn - căn cứ địa kháng chiến); thứ ba: cụm Rạch Giá - Hà Tiên (đô thị). Trong đó, Hà Tiên (nơi ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các) được coi như đỉnh của tam giác phong cảnh. Số lượng thi phẩm ngợi ca nơi đây ngày càng tăng lên, nhất là kể từ khi Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức đều đặn hàng năm vào đêm Rằm tháng Giêng. Tao nhân mặc khách bốn phương tụ họp về đây làm thơ soạn nhạc, thả tâm hồn với thiên nhiên, khó nơi nào sánh kịp:
Đêm Nguyên tiêu Thi tứ vắn dài Nghe ấm áp
Nỗi niềm thao thức...
(Đêm Nguyên tiêu - Bích Duy)
Nói Hà Tiên là xứ thơ cũng không quá lời. Phong cảnh Hà Tiên vốn dĩ đã nên thơ, người Hà Tiên có truyền thống yêu thơ, quý thơ, thích làm thơ và dẫu có đi xa vẫn không nguôi nhớ về xứ sở:
Tôi nhớ Hà Tiên đến não lòng Nhớ vườn đào lí nếp nho phong
Trải những năm tháng dài sống nơi đất khách, sau ngày giải phóng (30-4-1975) một thời gian, nữ thi nhân Mộng Tuyết trở về định cư hẳn tại quê nhà, nơi bà và văn sĩ Đông Hồ mấy chục năm trước đã ra đi. Kể từ đây bà chuyển sang viết văn xuôi (hồi kí Núi Mộng gương Hồ 3 tập, Nhà xuất bản Trẻ, 1998), nhưng thi thoảng vẫn có thơ và trong thơ không bao giờ trống vắng cảnh Hà Tiên. Hà Tiên trong thơ Mộng Tuyết có nét cổ kính, gắn với bóng xưa:
Thạch Động, Châu Nham mờ khói sớm Trúc Thành từng đợt núi xa trông
(Về Hà Tiên - Mộng Tuyết)
Nhà thơ Thanh Ngọc cũng có một số bài viết về Hà Tiên khá hay. Có lẽ là người bản địa, được thẩm thấu mạch văn chương trong vườn nhà từ thuở nhỏ nên với Thanh Ngọc, thơ và Hà Tiên là một. Bài Tản mạn với Hà Tiên
của ông là bức tranh họa hình độc đáo:
Dưới chân núi Đá Dựng Rực hồng bông súng nở
Tản mạn với Hà Tiên - Thanh Ngọc)
Điều đáng lưu tâm là nhiều nhà thơ ngợi ca phong cảnh nơi quê nhà thường gắn với những di sản văn hóa bản địa như hồn xưa vọng về. Chẳng hạn, mười cảnh đẹp Hà Tiên một thời nổi tiếng trong Hà Tiên thập vịnh cảnh, nay cảnh sắc ở một số địa danh tuy có ít nhiều thay đổi nhưng trong thơ thì vẫn tái hiện gần như đầy đủ, khơi gợi niềm tự hào:
Đất trời càng ngắm càng yêu Lòng say như đợt sóng triều đang lên
(Một lần đến Hà Tiên - Lâm Thành Tấn) Hay như Giá Khê, ông nhìn Hòn Đất từ giác quan của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, Hòn Đất vào
mùa mưa, nước ngập trắng đồng. Từ cảnh sống chung với lũ của cư dân nơi đây, tác giả tái hiện lại bức tranh quê thật đặc sắc:
Bông điên điển vẫn vàng bông điên điển Dậy trong lòng nước nổi mãi không thôi.
(Hòn Đất mùa nước nổi - Giá Khê) Phú Quốc được mệnh danh là “đảo ngọc”, có không ít bài thơ ngợi ca cảnh sắc và con người nơi đây như: Bây giờ Phú Quốc - Lê Chí, Phú Quốc mùa xuân - Anh Động, Tiếng sóng biển Phú Quốc - Xuân Triều, Nhớ đảo - Dương Thị Thu Vân, Thăm Phú Quốc - Trần Dũng Chiến, Ngọc của biển - Đông Nam, Đảo ngọc - Thái Hồng… Viết sớm về Phú Quốc sau ngày giải phóng phải nói đến nhà thơ Nguyễn Bá:
Đảo hiền hậu như vườn tiêu ít nói Tóc dừa xanh, xanh mát bãi Dương Tơ.
(Tiếng Phú Quốc - Nguyễn Bá)
Không như Nguyễn Bá, Nguyễn Xuân Viên nhìn cảnh vật bằng tư duy của người làm kinh tế. Ông ngợi ca thiên nhiên đồng nghĩa với ngợi ca sắc diện mới, đổi thay trên quê nhà; cảnh quan cũng là tiền là bạc:
Những khách sạn sang, những khu du lịch Nhiều công trình sinh thái chất lượng cao
(Xuân Phú Quốc - Nguyễn Xuân Viên) Âu đó cũng là xu hướng gắn thơ ca nghệ thuật với phát triển kinh tế. Thơ giới thiệu, quảng bá Những khách sạn sang, những khu du lịch nhằm thu hút du khách, mời gọi đầu tư. Phú Quốc đang và sẽ là trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới.
Ấy là thơ của những người từng trải ngợi ca Phú Quốc. Đây mới là thơ của tuổi trẻ sinh ra và lớn lên từ đảo ngọc, thời quê hương đổi mới. Thơ của họ hồn nhiên, ngọt ngào, giàu yêu thương và cũng không kém phần rắn rỏi:
Khen ai khéo tạc nước non mình
(Phú Quốc hôm nay - Trịnh Kiều Trang) Nếu Phú Quốc được ngợi ca là đảo ngọc chân trời (thơ Lê Chí) thì viết về địa danh U Minh, thơ lại tái hiện khúc bi tráng về một thời kháng chiến gian khổ. Ngợi ca phong cảnh gắn với ân nghĩa uống nước nhớ nguồn. Cảnh sắc nơi đây có hồn thiêng sông núi:
Rừng oằn mình từng vết thương máu chảy Đuổi quân thù, rừng che chở nhân dân
(Về U Minh - Uông Văn Kì)
Ngợi ca U Minh đồng nghĩa với ngợi ca những chiến công hiển hách; về với U Minh là về với đời sống dân dã, đậm bản sắc của một vùng quê cùng trời cuối đất:
Về U Minh giữa một ngày rực nắng Mà trong lòng mát rượi cánh cò bay
(Về với U Minh - Giá Khê)
Không những thế, U Minh với tuổi trẻ lớn lên giữa thời bình cũng không kém phần đáng yêu. Một U Minh tươi xanh, mượt mà, lãng mạn:
U Minh ơi! Phải đâu miền đất lạ
Những rặng tràm thoang thoảng chiếm hồn ai
(Quê hương tôi - Hàn San)
Nhà cách mạng - nhà thơ Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) là người con của quê hương Kiên Giang (tên gọi thân mật: chú Tư Ánh), tình yêu đất mẹ luôn là cảm xúc nồng thắm trong thơ ông. Những địa danh như:Rạch Giá, Gò Quao... gợi nỗi niềm thổn thức, nhớ thương:
Chưa hiểu cội nguồn quê Bến Bạ như chưa hiểu Gò Quao, Rạch Giá cuối Trường Sơn vét biển hóa đất liền.
Trên đây, chúng tôi chỉ điểm luận một số bài thơ tiêu biểu có nội dung ca ngợi cảnh đẹp Kiên Giang sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Số lượng còn nhiều nữa, không thể viết ra hết tất cả. Nghiên cứu, chúng tôi thấy, ngoài những nhà thơ địa phương còn thêm một số tác giả ở nơi khác, trong đó có những thi nhân đã thành danh cũng sáng tác về Kiên Giang, ngợi ca phong cảnh Kiên Giang. Chẳng hạn, Tạ Hữu Yên: Sẽ có những dòng sử thi, Phan Thị Thanh Nhàn: Đêm Rạch Giá, Nguyễn Thái Vận: Rạch Giá, Xuân Hoàng: Qua Hà Tiên nghĩ về Chiêu Anh Các. Những bài thơ này đều in trong tập Hoa Biển, Hội Văn nghệ Kiên Giang, 1984. Hay Trần Mạnh Hảo: Ghi chép trên đảo Phú Quốc (chùm thơ) đăng trong Thơ Kiên Giang II, Ban vận động thành lập hội Văn nghệ Kiên Giang, 1980. Điều đó chứng tỏ cảnh sắc nơi đây rất xứng để thơ ca hướng tới.