Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 93)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Không gian nghệ thuật

Theo giáo trình dẫn luận thi pháp học của GS. Trần Đình Sử thì: Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật trong một khoảng cách, một góc nhất định.(…)Không gian nghệ

thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, do đó không thể quy nó về không gian địa lí hay không gian vật lí, vật chất [108; 88, 89].

Và từ điển Thuật ngữ Văn học của GS. Lê Bá Hán chủ biên khẳng định:

Không gian nghệ thuật chính là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó [31; 160].

Như vậy ta có thể thấy không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình thượng nghệ thuật. Bất cứ hình tượng nghệ thuật nào cũng đều phải được đặt trên nền của một không gian nghệ thuật. Qua đó có thể nhận thấy không gian nghệ thuật thơ Kiên Giang giai đoạn này đã mô hình hoá các mối quan hệ của bức tranh trong đời sống như xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự,…

Xét trong mối quan hệ mật thiết với yếu tố thời gian nghệ thuật, đồng thời theo từng mảng đề tài của thơ trong giai đoạn này, ta có thể nhận thấy cách xây dựng không gian nghệ thuật của các nhà thơ Kiên Giang cũng có những điểm tương đồng nhất định. Các nhà thơ hầu như đều tập trung xây dựng một không gian cụ thể về vùng đất Kiên Giang với những danh lam thắng cảnh, với những làng xóm yên bình mộc mạc đáng yêu. Đó là vùng đất U Minh anh dũng, vùng biên giới xa xôi, vùng đảo, vùng biển của tỉnh Kiên Giang. Tất cả đều có ý nghĩa trong việc khẳng định giá trị của thơ Kiên Giang, nó giúp người đọc nhận ra đặc điểm của mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc đầy ánh nắng và gió biển với những con người sống mặn mà tình nghĩa. Nhìn chung, thơ Kiên Giang sau 1975 có nhiều chuyển biến và phát triển với tốc độ khá nhanh. Một lực lượng làm thơ mới xuất hiện khá đông đảo với nhiều giọng điệu khác nhau. Thơ hiện nay mang tiếng nói đa thanh của từng người khác nhau… nhưng đều hướng về mục đích là cuộc sống và con người. Thơ dẫu là cảm xúc trữ tình vẫn là tấm gương phản ánh cuộc sống. Và Kiên Giang nay đang trên đường đổi mới, cuộc sống đã có sự phát triển. Các nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình để ngợi ca cuộc sống. Một trong những yếu tố của cuộc sống được ngợi ca, đó là cảnh vật quê hương, đó là căn

nhà góc phố, đó là những gì tồn tại cụ thể… Nói chung đó là không gian vật thể của một tác phẩm văn học.

Đến với thơ của Thanh Ngọc, ta có thể cảm nhận được một không gian xanh mát, thoáng đãng của từng góc nhà với hình ảnh luỹ tre, rặng dừa, bờ cát dài gió lộng, biển rộng mênh mông:

Biển trời lồng lộng quê ta

Thuyền giăng khói sóng giang hà sớm hôm

(Bài thơ quê nhà - Thanh Ngọc)

Thu Minh Hợp thì đưa ta về với một không gian của vùng biên giới xa xôi - Hà Tiên yêu dấu. Một không gian thanh tịnh đầy chất thơ:

Như giọt ngọc thiên đường rớt xuống Thạch Động quây quần mây trắng bay.

(Về Hà Tiên - Thanh Ngọc)

Nói tới Hà Tiên bao giờ người ta cũng nói tới cái đẹp. Qua những vần thơ của mình các tác giả đã phô bày vẻ đẹp của Hà Tiên qua những tầng nấc, những khía cạnh khác nhau. Hà Tiên với vẻ đẹp vừa cổ kính rêu phong, vừa trẻ trung năng động. Hà Tiên với cái đẹp vừa lộng lẫy mơ mộng, vừa hào tráng kêu hùng.

Nói về không gian của thơ Kiên Giang giai đoạn này, Dương Văn Cầu đã đưa ta đến một nơi rất đặc trưng của thôn quê Nam Bộ:

Dòng phù sa nước ngọt Cây vườn trái sum suê

(Dòng sông phù sa và nước ngọt - Dương Văn Cầu) Và cũng là một vùng quê, cũng là không gian của nông thôn, nhưng dường như khung cảnh ấy rộn rã hơn bởi có niềm vui của sự phát triển:

Trên con đường rộn rã xóm thôn Trên dòng kinh màu xanh cây trái

Trước niềm vui sướng hân hoan về sự đổi thay, phát triển của cuộc sống thì các tác giả của Kiên Giang giai đoạn này vẫn không quên về những người đã hi sinh thầm lặng. Những con người ấy đã nằm lại chiến trường để giờ đây, đứng ở một góc rừng mà chạnh lòng, đau nhói khi nhìn thấy hài cốt của những liệt sĩ vô danh:

Lòng nhói đau một nắm mồ quên lãng Nơi góc rừng… xe ủi đất đi qua.

(Nơi đây ngàyấy - Dạ Thi Các)

Không gian mà Dạ Thi Các đã vẽ lên dù chỉ là một góc rừng lúc chiều tà nhưng thật mênh mang tình đời, tình người, thấm một nỗi niềm sâu nặng. Cùng mạch cảm xúc tưởng niệm về những người anh hùng bất tử, những con người đã dâng cả đời mình cho Tổ quốc quê hương.

Nhớ đến và biết ơn những người đã góp xương máu của mình để xây dựng quê hương, ta càng thêm yêu thương và tự hào trước sự phát triển của cuộc sống mới hôm nay. Kiên Giang giờ đây đã thay da đổi thịt. Đời sống nhà nhà ấm no hạnh phúc. Kiên Giang lại được thiên phú những danh lam thắng cảnh. Một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Kiên Giang đó là đảo Phú Quốc. Tự hào và say mê trước cảnh đẹp của quê hương Trần Dũng Chiến đã giới thiệu về một Phú Quốc không chỉ đẹp về thắng cảnh mà còn đẹp ở tình người:

Đất son, non biếc, bạc rừng

Rượu sim chưa ngấm bừng bừng men say Dùng dằng về, ở… chia tay

Ngọt ngào đọng lại, ngất ngây tình người

(Phú Quốc - Trần Dũng Chiến)

Có thể thấy một điểm quan trọng trong cách xây dựng yếu tố không gian của thơ Kiên Giang trong giai đoạn này, đó là những vùng không gian gắn liền với đất biển Kiên Giang, những hòn đảo to nhỏ, những bãi biển đầy nắng và gió, thưa thớt bóng người. Chính yếu tố này đã giúp người đọc nhận

ra những đặc điểm về địa hình của nơi đây. Đồng thời, người đọc cũng có cơ sở để hiểu rõ hơn về cách sống, lối sống của người vùng biển. Ta có thể nhận thấy đây đều là những không gian thực nhưng dưới bàn tay của các nhà thơ nó đã trở nên đẹp hơn, cuốn hút hơn. Bởi lẽ chính người viết đã rất tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Sự xen kẻ giữa không gian thực tại và không gian hồi tưởng thường xuất hiện trong nhiều sáng tác của các tác giả Kiên Giang giai đoạn này. Chính điều này đã làm nên chiều sâu lắng đọng trong mạch cảm xúc mà nhân vật trữ tình bộc lộ trong tác phẩm. Sự liên kết đan xen giữa hai không gian này đã được các nhà thơ Kiên Giang thể hiện rõ nét và sinh động. Trước thực tế của cuộc sống hối hả bộn bề con người thường nghĩ về những cái đã qua, những cảnh người trong quá khứ.

Thụy Nhã với Cảm nhận người lính đã đưa ta về không gian của thời kỳ khốc liệt. Những con người anh dũng rạng rỡ tuổi đôi mươi nhưng đã làm nên biết bao điều cao đẹp cho quê hương đất nước để thế hệ hôm nay mãi ghi khắc công ơn:

Có nụ cười nghe như tiếng khóc

Có nỗi đau trong hạnh phúc ngọt ngào

(Cảm nhận người lính - Thụy Nhã)

Bằng cảm xúc tận đáy lòng mình nhà thơ đã nêu ra những đều tưởng chừng như là một triết lí. Con người hôm nay luôn có những hồi ức, tưởng niệm về sự hi sinh vô giá của người chiến sĩ.

Cùng nghĩ về người lính, cùng nghĩ về một thời đã qua trong quá khứ của mảnh đất Kiên Giang, Dương Văn Cầu đã phác hoạ vài nét về Xẻo Rô - địa danh di tích lịch sử của Kiên Giang:

Một đêm sóng cuộn dòng sông Lửa hồng kinh Xáng, cờ hồng tung bay

(Ngang qua Xẻo Rô - Dương Văn Cầu)

Kinh Xáng Xẻo Rô đã đi vào lịch sử của quê hương. Thế hệ trẻ của Kiên Giang hôm nay mãi tự hào về đều đó. Dương Văn Cầu đã thay lời tuổi trẻ nhắc đến lịch sử hào hùng của nơi đây.

Được sống trong một cuộc sống thanh bình, ấm no hạnh phúc, những con người của thế hệ hôm nay luôn phải nghĩ về quá khứ như để nhắc nhở, tự răn mình sống sao cho xứng đáng. Vì vậy, không chỉ ngang qua Xẻo Rô

mới nhớ đến tiền nhân mà nhìn bất cứ nơi đâu cũng cảm nhận được sự hy sinh quý báu của thế hệ cha anh. Đặc biệt là mỗi khi có dịp trở về quê thì điều đó càng rõ nét. Nhà thơ Xuân Triều đã tái hiện một không gian của quá khứ hào hùng:

Mảnh đất này

Xanh một màu thương nhớ Bồi hồi qua những dòng kinh

(Thăm lại một vùng quê - Xuân Triều) Kí ức về những năm tháng đi qua như những đợt sóng ngầm dội vào trái tim người lính, tạo nên một thứ tình cảm kì diệu, để hôm nay người lính ấy trở lại chiến trường xưa, lòng bỗng dâng lên một niềm thương nhớ, bồi hồi với kí ức.

Nhà thơ Nguyễn Văn Minh cũng đưa ta trở về với quá khứ, trở về với không gian của chiến tranh, của bom đạn. Đó là chốn quê xưa một thời chìm trong lửa đạn. Và tất cả những đau thương mất mát đó không phải kết tụ lại để gây nhức nhối trong lòng người ở lại mà đã lên men thành bài ca bất diệt:

Những nỗi đau chiến tranh chống chất Đã lên men thành nhạc, thành văn.

(Thăm lại một miền quê - Nguyễn Văn Minh) Trong văn học nghệ thuật khi tác giả chọn lựa các yếu tố không gian và thời gian để đưa vào tác phẩm của mình thì đều mang một mục đích nào đó.

Chính sự lựa chọn đó đã giúp nhà thơ bộc lộ những đều mình muốn gửi gắm giãi bày. Cách tổ chức không gian nghệ thuật của thơ Kiên Giang giai đoạn này dù không có những điểm đặc sắc và nổi bật nhưng qua đó đã giúp cho người đọc gần xa nhận ra mảnh đất Kiên Giang, con người Kiên Giang trong quá khứ và hiện tại. Đó là mảnh đất của truyền thống bất khuất khi có giặc ngoại xâm, là mảnh đất của những con người luôn sống nghĩa tình và chan hoà, mảnh đất của sự thay da đổi thịt rất nhanh chóng của khu vực phía Nam. Đó có lẽ là điều đáng ghi nhận nhất khi khảo sát trên phương diện không gian của thơ Kiên Giang giai đoạn này.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w