Hình ảnh những con người chiến đấu dũng cảm, kiên cường

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 51)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Hình ảnh những con người chiến đấu dũng cảm, kiên cường

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là một bộ phận cách mạng của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Kiên Giang đã phát huy tổng lực sức mạnh của toàn dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đánh giặc khắp mọi mặt trận. Thơ ca được sử dụng như vũ khí tinh thần hữu hiệu trên mặt trận tư tưởng.

Bước sang thời kì hậu chiến, thơ không đủ sức để “tổng kết lịch sử” nhưng lại có lợi thế về tái hiện sinh động những con người chiến đấu dũng cảm, kiên cường, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ trong chiến tranh. Từ đó mà gieo vào lòng người, nhất là thế hệ trẻ những rung cảm thẩm mỹ, những nhận thức - ý thức xây dựng và cống hiến cho quê hương, xứng đáng với máu xương của những người đã ngã xuống.

Trong thơ Kiên Giang sau 1975, những người chiến đấu dũng cảm kiên cường có thể là chân dung có tuổi có tên và cũng có thể là chân dung của số đông Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm). Họ gặp nhau ở lòng yêu quê hương, xả thân cho quê hương:

Các anh về đây từ Tân Hiệp, An Biên từ Hà Tiên, Phú Quốc...

(Tiểu đoàn Hai lẻ bảy -Triều Ba)

Ở mảng cảm hứng này, Triều Ba là nhà thơ viết khỏe, viết kịp thời, viết với tư cách là người trong cuộc, nhiều trải nghiệm. Không chỉ tái hiện số đông những anh hùng thời chống Mỹ mà đến cuộc chiến tranh biên giới (1978) chống giặc Pônpốt xâm lược, những hình ảnh ấy tiếp tục được Triều Ba ghi lại bằng những câu thơ mà ngày nay, có thể nói như là “của hiếm”, thơ ca địa phương càng hiếm:

Chưa hưởng trọn một mùa lúa chín

Bọn bành trướng lại xúi giặc Cămpuchia đánh vào biên giới

(Về Phú Mỹ sau một trận chiến thắng - Triều Ba) Cầm súng bảo vệ quê hương trong những năm chiến tranh biên giới đồng nghĩa với gian khổ hy sinh. Những người lính trên tuyến tiền tiêu trong thơ Bùi Văn Bồng trẻ trung yêu đời, giàu lòng dũng cảm:

Thức với súng những đêm dài không ngủ Mà nụ cười vẫn rất trẻ trung.

(Về những căn hầm - Bùi Văn Bồng)

Cũng viết về số đông những anh hùng thời chống Mỹ nhưng Xuân Triều lại tập trung vào hình ảnh những người mẹ, người vợ, người em gái... toàn là phụ nữ chân yếu tay mềm, mà lẽ ra họ cần được chở che hơn là tham gia chiến đấu. Nhưng ở một đất nước Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh thì khi cần, Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ tạo thế trận chiến tranh nhân dân “thiên la địa võng”, không một kẻ thù nào khuất phục nổi. Trở lại chiến khu xưa, nhà thơ bồi hồi xúc động:

Mảnh đất này

Xanh một màu thương nhớ Bồi hồi qua những dòng kinh

(Thăm lại một vùng quê - Xuân Triều )

Viết về nữ giao liên trẻ trung yêu đời, dũng cảm và mưu trí, góp phần giải phóng quê hương, vốn là nhà văn nhưng Anh Động vẫn tỏ ra có duyên qua dòng thơ trữ tình mộc mạc:

Cô gái giao liên! Người chiến sĩ dạn dày Da hơi rám qua những ngày mưa gió

Kiên Giang thời chống Mỹ có con đường IC (“Một xê”) đi qua. Đấy là con đường đầy máu lửa, ngời lên như huyền thoại. Trên con đường ấy tập hợp nam nữ thanh niên xung phong ngày đêm tải đạn, bất chấp sự đánh phá ác liệt của quân thù. Mấy mươi năm sau họp mặt, kẻ còn người mất, cuộc sống đời thường lắm lo toan, mỗi người một số phận... Nhưng kỉ niệm về những năm tháng ấy thì tất cả vẫn tươi nguyên:

Anh mở đường ra chiến dịch

Em tải đạn tải lương mang nặng một tình thương

(Thanh niên xung phong gặp gỡ - Hồ Bá Thâm) Nhưng lắng đọng trong thơ Kiên Giang giai đoạn này vẫn là hình tượng Mẹ. Mẹ hiên ngang và điềm tĩnh, Mẹ làm nên sắc diện quê hương:

Xin cảm ơn bà mẹ đất Kiên

Gót chân nhỏ băng qua ngày bão táp

(Tiểu đoàn Hai lẻ bảy - Triều Ba)

Người mẹ U Minh trong thơ Hà Văn Thùy nhân hậu, bao dung. Mẹ nuôi giấu, chở che bộ đội thời kháng chiến, mẹ thương cán bộ cùng dân dựng xây cuộc sống mới khi đất nước thanh bình:

Mắc màn cho tôi má nhắc hoài các anh Thằng Hai Thái Bình, thằng Năm Hà Bắc

(Nơi tôi đến - Hà Văn Thùy)

Người mẹ chiến sĩ trong thơ Nguyễn Văn Minh đi suốt cuộc kháng chiến, đến cận ngày đại thắng, mẹ anh dũng hi sinh, không được chứng kiến cảnh đất nước thống nhất:

Ngày chiến thắng cũng là ngày mẹ mất Lũ giặc hung tàn bắn mẹ lúc bình minh

(Thăm lại một miền quê - Nguyễn Văn Minh) Nổi lên trong số đông những người con anh dũng kiên cường bảo vệ quê hương là tấm gương những anh hùng xả thân cứu nước. Họ có tuổi có tên đi

vào lịch sử, đi vào văn chương với tất cả tấm lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Ấy là liệt sĩ Mai Thị Hồng Hạnh, liệt sĩ Phan Thị Ràng (nhân vật Sứ trong tác phẩm

Hòn Đất của nhà văn Anh Đức), liệt sĩ Tư Sách, liệt sĩ Trần Văn Thái...; là Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Quang Mẫn, Phạm Văn Nhờ (Tư Mao), Phạm Văn Tư (Tư nhà mới), Bùi Thị Thêm, Hồ Thị Phức (Má Gấm)... Họ trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca Kiên Giang không chỉ hôm nay mà còn cả mai sau:

Dâng trong em, niềm tôn kính tự hào Người anh hùng:

Sống - chết

Thanh cao!

Bài thơ viết bên mộ Chị Sứ - Tạ Đình Chiến)

Trong hai cuộc cuộc kháng chiến, người Việt và Khmer chung sức chung lòng đấu tranh để giải phóng quê hương. Hình ảnh thầy giáo Danh Sách (thường gọi Tư Sách - người dân tộc Khmer) bám làng, bám trường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng được Minh Thiện khắc vào thơ qua những dòng rất ấn tượng:

Chặt tay súng! Anh tiến lên phía trước Bảo vệ làng. Bảo vệ mái trường đây

( Anh! Người giáo viên - Minh Thiện)

Có lẽ duy nhất trên đất Kiên Giang mới có gái giả trai để được tòng quân chiến đấu trong lực lượng chính quy. Cả thời gian dài cầm súng ngoài mặt trận, lập được nhiều chiến công, từ chiến sĩ lên làm chỉ huy mà đồng đội vẫn cứ tưởng “Thủ trưởng” là đàn ông! Câu chuyện về nữ anh hùng Trần Quang Mẫn cứ như huyền thoại:

Chị là Sáu Mẫn Cải trang làm đàn ông

Những chiến công vang dội trên đất Kiên Giang như Ngã ba Cây Bàng (Vĩnh Thuận), Ngã ba Đình và khu vực Ngã ba Tàu trên sông cái lớn (U Minh Thượng), Vàm Bàu Môn - kinh Thầy Cai (An Biên), trận tiến công tiêu diệt chi khu Kiên An (Xẻo Rô - An Biên), trận Ba Hòn (Hòn Đất), trận Moso (Kiên Lương), trận diệt tàu chiến trên sông Cái Lớn (Gò Quao), trận Xà Xía - Thạch Động (Hà Tiên) đẩy lùi quân Pônpốt xâm lăng... Tất cả đều gắn với máu xương của vô số những anh hùng liệt sĩ có tên và không tên trong sử sách. Họ nối tiếp truyền thống và tạo ra truyền thống để mãi mãi về sau con cháu tự hào. Đồng thời họ cũng là nguồn cảm hứng thiêng liêng, bất tử cho văn chương nghệ thuật.

Thơ ca Kiên Giang sau 1975 tái hiện sinh động hình ảnh những con người chiến đấu dũng cảm, kiên cường, xả thân cho quê hương xứ sở. Ngợi ca là âm hưởng chính, tôn kính - cảm phục là thái độ bao trùm, trân trọng - phát huy là tư tưởng chủ đạo.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 51)