Ngợi ca những con người lao động, cống hiến quên mình

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 61 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Ngợi ca những con người lao động, cống hiến quên mình

Cuộc sống mới trên quê hương là công sức của toàn dân gây dựng. Trong đó có nhiều tập thể, nhiều cá nhân làm việc quên mình, năng suất và hiệu quả, đóng góp của họ là nổi bật. Họ đủ các thành phần, lứa tuổi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, địa vị xã hội cũng không như nhau. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở ý chí, nghị lực, sức sáng tạo. Và có những người tảo tần, thầm lặng lao động, học tập, giúp ích cho đời, góp phần tô điểm cho cuộc sống, cống hiến cho quê hương.

Thơ ca Kiên Giang sau 1975 viết về họ theo khuynh hướng ngợi ca nhưng cũng giống như ngợi ca cuộc sống mới, mức độ và cách nhìn ở mỗi chặng, mỗi nhà thơ có khác nhau. Ở chặng đầu, hầu hết hình ảnh những người phấn đấu quên mình xây dựng quê hương đi vào thơ đều được lãng mạn hóa. Họ sống theo triết lí tất cả vì mọi người, không mảy may trăn trở, suy tư, không có khoảng lặng cho riêng mình. Âu đó cũng là sự kéo dài tư duy thời chiến. Nghĩa là “cái tôi” vẫn được đại đa số tự nguyện đặt dưới “cái ta”, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Với họ mệnh lệnh cấp trên là tuyệt đối đúng, không được phép hoài nghi. Nhìn lại, ta không khỏi cảm kích với một thời hồn nhiên như bông lúa củ khoai, lòng sạch trong như nước suối; ai cũng nghĩ, đánh thắng được giặc Mỹ rồi thì xây dựng quê hương chẳng mấy hồi mà giàu đẹp, mọi người đều được hạnh phúc, ấm no chỉ trong nay mai. Những cán bộ lãnh đạo, Bí thư, Chủ tịch trong nhãn quan của nhà thơ đều là hình mẫu chuẩn nhất để ngợi ca:

Ngư dân gọi anh là “ông Bí thư của tôi” chẳng phải bàn thêm bởi tính anh vốn vậy

Trong văn bản chúng tôi thấy tác giả đề Tặng anh Năm S, nay không rõ anh Năm S là ai (mà tác giả cũng qua đời đã lâu). Nhưng chức vụ thì có thể đoán ra được. Chắc chắn đó là một Bí thư Huyện ủy huyện Kiên Hải. Phạm Thường Gia ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của đồng chí Bí thư: giản dị, khiêm tốn, hết lòng hết dạ lo cho dân cho nước, được mọi người tin yêu, kính trọng và Ngư dân gọi anh là “ông Bí thư của tôi”.

Cũng cảm xúc tương tự, Việt Chính viết bài ngợi ca Bác Chủ tịch với những câu thơ cảm động:

Bác Chủ tịch tự về làm đội trưởng, Quần xoắn cao bám ruộng đêm ngày!

(Bác Chủ tịch - Việt Chính) Còn đây là anh Trưởng ấp trong thơ Nguyễn Triệu:

Yêu sao anh trưởng ấp Thấu hiểu hết lòng dân

(Anh Trưởng ban đại diện ấp - Nguyễn Triệu) Đọc những sáng tác trên, ta ngẫm nghĩ đến hình tượng Anh Chủ nhiệm

trong bài thơ cùng tên của cố thi nhân Hoàng Trung Thông. Ngẫm về xưa và nghĩ đến nay. Cán bộ thuở ấy tìm gian nguy mà giành, từ Chủ tịch xã tự nguyện xuống làm Đội trưởng đội sản xuất, không chút kèn cựa, bởi họ quan niệm: Giá trị đâu ở chức trọng quyền cao,/ Giá trị ở làm sao dân giàu nước mạnh. Chắc chắn thời của ông Bí thư, ông Chủ tịch, ông Trưởng ấp trên chưa được Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có bài bản, thành hệ thống như cán bộ bây giờ. Tuy nhiên, dù không học qua sách vở (chưa ai tổ chức) nhưng họ lại thực hành rất nhuần nhuyễn, rất tự giác, tự họ đã là tấm gương rồi. Nhà thơ có thể lãng mạn thêm đôi chút, nhưng quả thực, trong kháng chiến và những năm đầu hậu chiến, hình mẫu lãnh đạo như Phạm Thường Gia, Việt Chính, Nguyễn Triệu ngợi ca, có thể nói là phổ biến. Đó là sự thật không thể bóp méo, thơ ngợi ca họ như lẽ đương nhiên.

Đồng thời, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhiều người không giữ chức nọ quyền kia nhưng đóng góp của họ cho quê hương là không thể không ghi nhận. Tác giả Xuân Tấn viết về cô gái làm thủy lợi hồn nhiên, yêu đời, tiếng hát theo cô ra đồng:

Chỉ vài câu thôi lại nhìn sóng lúa Em hát với dòng kinh mát xanh

(Tiếng hát cô gái làm thủy lợi - Xuân Tấn) Đều là thời của mô hình Hợp tác xã, của Cửa hàng quốc doanh, nếu Xuân Tấn quan tâm đến tiếng hát của cô gái làm thủy lợi thì Thanh Nhã lại cảm thông với cô mậu dịch viên ở một cửa hàng ăn uống (của nhà nước):

Công việc bộn bề khách lạ khách quen Ai trước ai sau hàng giao đúng chỗ

(Niềm vui - Thanh Nhã)

Người dựng xây phải có người canh giữ biên cương. Họ đứng đầu sóng ngọn gió, đối mặt với quân thù. Hình ảnh chiến sĩ biên phòng trong thơ Thanh Phương thật đáng tự hào:

Anh vẫn bước tuần tra Giữa rừng sâu biên giới

(Biên phòng - Thanh Phương)

Kiên Giang bước sang thời kì đổi mới, nhịp sống trở nên năng động, khởi sắc hơn. Nhiều dự án, công trình được triển khai, đô thị hóa được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn đã khác xưa... Nhìn chung là có một bước phát triển đáng ghi nhận. Bối cảnh như vậy xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân lao động, học tập, cống hiến hết mình để xây dựng quê hương. Thơ thỏa sức ngợi ca. Nghiên cứu mảng này, chúng tôi thấy, bên cạnh nhiều nhà thơ vẫn sử dụng bút pháp lãng mạn như xưa (ngợi ca gần như tuyệt đối), thì đã xuất hiện một số cây bút đưa thơ về gần hơn với đời sống thực tại. Con người trong thơ họ được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng. Gương người tốt, việc tốt thì ngợi

ca nhưng trong lời ngợi ca có bao điều trăn trở. Chẳng hạn, Kim Khuê là người tinh tế khi viết về một chị lao công:

Ôi con đường thấm mồ hôi của chị

Những giọt long lanh, lặng lẽ xót xa lòng

(Chị lao công - Kim Khuê)

Được biết Kim Khuê sáng tác bài thơ này khi đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kiên Giang. Bài thơ đăng trên báo, khi vừa mới phát hành thì đã có mấy chị lao công đến sẻ chia và nhiều người đọc thuộc. Không cần phân tích cũng có thể nắm bắt được tinh thần nhân văn của nó. Tác giả ngợi ca nhưng không tô hồng đối tượng, không đưa đối tượng đi gió về mây như những nhà thơ khác. Và người ta có quyền suy ra nhiều vấn đề phía sau hành động quét rác của chị lao công. Nhưng có lẽ, theo chúng tôi, Kim Khuê không có ý sâu xa như Tố Hữu khi ông viết bài thơ Tiếng chổi tre:

Nhớ em nghe/ Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!. Không thể đặt Kim Khuê bên Tố Hữu (dĩ nhiên là thế). Nhưng hành động quét rác của hai chị lao công trong hai bài thơ thì chẳng khác gì nhau. Có điều “rác” mà Tố Hữu nhắm tới chưa hẳn đã là “rác” hữu hình, mà có thể là “rác” tư tưởng, “rác” xã hội; chỉ tầm như Tố Hữu thì mới lên giọng “nghiêm”, “răn đe” đến như thế: Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!

Thơ Tạ Đình Chiến cũng thuộc “trường phái” thơ ngợi ca theo hướng lãng mạn hóa. Thơ ông nhìn chung là ướt át “mùi mẫm”, “anh anh - em em” hơi dày. Tuy nhiên trong bài Mưa đầu mùa lại tỏ ra có chiều sâu hướng nội. Nhân vật trữ tình mà tác giả ngợi ca là cặp vợ chồng trẻ: người lính đảo và cô giáo nơi quê nhà. Họ thủy chung, giàu nhiệt huyết xây dựng quê hương nhưng mùa mưa về, nỗi âu lo cho tổ ấm riêng tư là có thật:

Những giọt mưa nghiêng theo chiều gió Dạ bồn chồn em bỗng thấy âu lo...

Viết những dòng thơ trên có thể Tạ Đình Chiến chỉ tập trung vào tâm điểm tình yêu: lòng nôn nao của người vợ ngóng chồng. Thế nhưng người đọc lại nghĩ đến chuyện khác: chuyện cái nghèo “bủa vây” đôi lứa. Họ, một người ngày đêm cầm súng canh giữ biển đảo với một người sáng chiều tảo tần trên bục giảng, gom góp vào sự nghiệp trồng người. Cả hai đều cống hiến, rất xứng đáng để thơ phú ngợi ca. Và ngợi ca theo khuynh hướng lãng mạn pha đôi chút hiện thực như Tạ Đình Chiến ở bài thơ này là hợp lí và đáng trân trọng.

Đến Xuân Huy thì có cả một chùm thơ tặng người thầy thuốc. Mà thực chất là viết về những y bác sĩ trong đơn vị của tác giả (Bệnh viện đa khoa Kiên Giang). Bản thân là bác sĩ điều trị từng làm công tác quản lí nhiều năm, Xuân Huy hiểu tường tận nỗi vất vả của những người làm nghề y trong cơ chế thị trường trắng đen lẫn lộn, tốt xấu đan xen. Nhưng gương sáng thì thời nào cũng có. Thơ Xuân Huy chan chứa niềm vui nghề nghiệp, ngợi ca những con người thầm lặng, tận tụy trong công việc cứu người:

Những người áo trắng ngày đêm bận Với những lo âu, nặng nghĩa tình

(Mai Vàng - Xuân Huy)

Tìm hiểu thơ Nguyễn Minh Hồng chúng tôi thấy ông có bài tặng cán bộ công nhân viên Công ty Tư vấn Xây dựng Kiên Giang. Đây là sáng tác ngợi ca một tập thể có nhiều đóng góp cho quê hương trong thời kì đổi mới:

Đang vươn tới những công trình thế kỉ Nâng tầm cao vóc dáng quê hương

(Vóc dáng tầm cao - Nguyễn Minh Hồng) Hình ảnh cô giáo ở vùng quê U Minh biếc xanh tràm đước được Trần Văn Khương cảm nhận trung thực và sinh động. Thường ngày cô sống chan hòa giản dị gắn bó với bà con làng xóm. Khi tới lớp thì vui tươi, nhiệt tình dạy bầy em nhỏ. Em - cô giáo U Minh thật là xinh đẹp. Cô được soi mình trong rừng xanh nước biếc của quê hương trường lớp:

Áo màu xanh dịu lung linh đước tràm

(Cô giáo U Minh - Trần Văn Khương)

Trên là những bài thơ ngợi ca tập thể và cá nhân lao động quên mình, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang giàu đẹp. Và còn nhiều nữa những bài thơ như thế. Tất nhiên nó cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi thơ không thể ôm hết mọi mặt của đời sống.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 61 - 66)