Suy tư, trăn trở về những tổn thất, mất mát do chiến tranh

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 58)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Suy tư, trăn trở về những tổn thất, mất mát do chiến tranh

Chiến tranh đồng nghĩa với cảnh bom cày đạn xới, chết chóc tang thương. Điều mà không một ai trông đợi. Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng (Hồ Chí Minh). Nhưng điều không mong muốn vẫn cứ xảy ra. Hết đế quốc này đến đế quốc khác, rồi thế lực bành trướng, phản động... nối nhau gây chiến, xâm lăng. Binh lửa kéo dài, nhịp sống đời thường bị xáo trộn, trạng thái tinh thần luôn căng thẳng; có thể nói, sức chịu đựng của một đất nước như Việt Nam trong hơn 30 năm chiến tranh là ngoài tưởng tượng.

Thơ Kiên Giang sau 1975 tái hiện sinh động, chân thực những năm tháng ác liệt, hào hùng mà đầy tang tóc đau thương ấy:

Một loạt B52

Không còn xương máu thịt da

(Thương nhớ các em Thanh niên xung phong - Trần Dũng Chiến) Thơ Trần Dũng Chiến được coi là chân thực nhất trong những nhà thơ chân thực, chân thực không chỉ ở hiện thực được miêu tả mà quý hơn, đáng trân trọng hơn còn là chân thực trong xúc cảm, chân thực ở cõi lòng. Ông tham gia kháng chiến từ khi mới mười hai mười ba tuổi, rong ruổi khắp mọi miền. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trần Dũng Chiến trở về quê hương công tác trong quân đội nhưng vẫn mê làm thơ, đọc thơ, vẫn ăm ắp “máu” làm thi sĩ. Ai đến với thơ Trần Dũng Chiến sẽ bắt gặp tiếng lòng chơn

chất, mộc mạc của Tình lính, Vườn quê (tên hai tập thơ), thơ ông gần với thơ “phong trào” hơn là thơ “đỉnh cao” nhưng vẫn được phổ biến. Phổ biến bởi dễ nhớ, dễ thuộc và phổ biến còn bởi những hoài niệm da diết, xót xa; với người khác thì có thể “giấu nhẹm” hoặc lờ đi, còn ông thì cứ nói thẳng ra, không cần phải “màu mè” gì cả. Ông cũng chẳng cần né tránh những tổn thất hy sinh trong chiến tranh. Trở lại cảnh tượng B52 rải thảm. Những thanh niên xung phong mới độ tuổi trăng tròn bỗng tan vào bụi đất được tác giả ghi lại bằng những lời thơ thảm thiết:

Ba đợt B52

Vùi em giữa đêm đi tải đạn

(Thương nhớ các em Thanh niên xung phong - Trần Dũng Chiến) Và đến cả nỗi buồn chia li trong đợt tập kết (1955) cũng đi vào thơ Trần Dũng Chiến bằng những dòng hồi ức bâng khuâng:

Ngày ra đi tập kết Dòng bờ sông Cái Lớn Mẹ, chị, em tiễn đưa

(Nhớ ngày đi tập kết - Trần Dũng Chiến) Với người cán bộ kháng chiến, chuyện chia li chẳng có gì lạ lẫm. Gặp nhau đó rồi xa nhau đó và không ai dám chắc rằng không có chuyện xa nhau mãi mãi. Họ đã chuẩn bị tất cả, dám chịu đựng tất cả. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi cảnh chia li là cứ mỗi lần bịn rịn nhớ nhung. Sau mấy mươi năm gặp lại, kỉ niệm xưa ùa về, nhà thơ Cù Lao Bảo tâm sự:

Một cốc: thằng còn sống Một cốc: thằng đi xa Cấm không đứa nào khóc Biệt li? Quen quá mà!...

Theo dòng hoài niệm về một thời kháng chiến gian khổ, trong số cán bộ bị giặc cầm tù nơi Côn Đảo, Bá Diệp tưởng nhớ một đồng chí hy sinh bằng những vần thơ bi tráng, đầy âm vang:

Côn Đảo về khuya Không gian im lìm Tiếng kêu tha thiết Vang vọng đồi thông

(Nhớ đồng chí Cường - Bá Diệp)

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng hi sinh nơi ngục tù Côn Đảo gợi cảm hứng sáng tạo và cũng là tâm điểm nghệ thuật của cả bài thơ. Có lẽ để có được tứ thơ này tác giả không chỉ dừng lại ở trí tưởng tượng mà còn phải có cuộc trải nghiệm sâu sắc.

Ba mươi năm kháng chiến để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, hơn mười năm cầm súng chống giặc bành trướng ở biên giới phía Bắc và giặc Pônpốt diệt chủng ở biên giới Tây Nam, Kiên Giang nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đã chịu đựng quá nhiều những tổn thất hy sinh. Không ai nói đó là bi kịch lịch sử. Nhưng nhìn lại, có thể khẳng định, lịch sử của đất nước này, của mảnh đất Kiên Giang này, đã trải qua một thời gian dài nhuốm máu. Nói Việt Nam chống đế quốc khổng lồ, chống thế lực bành trướng, phản động hung bạo, giành được thắng lợi vẻ vang là một trong những sự kiện lớn của nhân loại thế kỉ XX cũng không có gì lạ. Thơ ca tuy chưa đủ sức bao quát tổng thể sắc diện của một vùng đất tận cùng Tổ quốc, nhưng những gì ghi lại cũng phần nào làm sống dậy âm hưởng của một thời hào hùng, bi thương, sáng ngời sức quật khởi.

Tái hiện một thời gian khổ hi sinh, thơ Kiên Giang sau 1975 có thêm chiều sâu bởi nó còn bộc lộ những suy tư trăn trở từ góc nhìn phía sau cuộc chiến. Ấy là, đã mấy chục năm chiến tranh đi qua, rất nhiều nấm mồ liệt sĩ vẫn còn rải rác biên cương, hay ở nơi cánh đồng hoang vắng, nơi núi thẳm

rừng sâu chưa quy tập hết được. Có khi trong một số công trình tái thiết quê hương, thi hài các anh hiện hình, gợi lên nhiều suy ngẫm. Đó là hiện thực ở những vùng đất bom cày đạn xới, hậu quả chiến tranh quá nặng nề. Đến với bài thơ Nơi đây ngày ấy của Dạ Thi Các người đọc thu nhận nỗi ám ảnh khắc sâu và không khỏi ngậm ngùi. Được biết bài thơ là kết quả của chuyến hành hương về vùng kháng chiến U Minh Thượng. Tác giả trực tiếp chứng kiến một cách tình cờ, ngẫu nhiên: chiếc xe ủi vô tình làm bật dậy thi hài một liệt sĩ vô danh đã mấy chục năm thất lạc giữa cánh rừng hoang vắng:

Một bộ xương khô với đôi dép lốp Trồi lên lạnh buốt chiều tà

(Nơi đây ngày ấy - Dạ Thi Các)

Sức ám gợi ở đây không phải ở sự vô tình của chiếc xe ủi kia mà chính ở cách cảm, cách nghĩ của tác giả. Nhà thơ đánh thức nơi cõi lòng sâu thẳm để rồi suy tư, ngậm nghĩ không thôi:

Gạt nước mắt thấm bờ môi mặn chát Câu hỏi quặn lòng, quê anh ở đâu?

(Nơi đây ngày ấy - Dạ Thi Các)

Chẳng có nhà ngoại cảm nào ở đây, ai trả lời giùm anh bây giờ? Chắc quê anh là một đất nghèo đâu đó? Chắc đã mấy chục năm ròng bóng mẹ già mòn mỏi trông con? Giặc gieo rắc quá nhiều mất mát đau thương mà dẫu khi tiếng súng đã lùi xa, tiếng lòng vẫn chưa hề nguội lạnh. Nhà thơ cảm thông sâu sắc với người đồng chí, đồng đội vô tình bị quên lãng dưới ba tấc đất và cũng mở lòng sẻ chia với nỗi đau thân nhân của họ.

Cũng suy ngẫm về những tổn thất trong chiến tranh, bài Hoa của đất

(giải nhì Giải thi thơ viết về Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang năm 2009) của Uông Văn Kì tạo được hai tiêu điểm nghệ thuật rất đáng chú ý. Đó là hai hình tượng nhân vật trữ tình - thân nhân các Liệt sĩ (Mẹ và Em):

lưng còng, bóng đổ dài ôm lên phần mộ Em quỳ xuống thắp cho anh nén nhang khói thơm từng phần đất

(Hoa của đất - Uông Văn Kỳ)

Cả hai đều trĩu nặng bao điều mất mát đau thương. Tính hướng nội rất đậm, mạch cảm xúc toả vào chiều sâu. Và người đọc cứ men theo đó mà nghẹn ngào qua từng câu, từng nhịp. Mô típ người Mẹ, người Em vốn đã trở nên quen thuộc trong thơ ca viết về chiến tranh, li biệt: Mẹ thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say (Thâm Tâm). Tuy nhiên đến thơ Uông Văn Kỳ thì vẫn có sức ám gợi riêng: các anh yên nghỉ dưới ba tấc đất, nỗi đau trên đời thì lòng Mẹ nặng mang.

Lại có bài thơ triết lí về sự hi sinh. Tác giả đứng trước tượng đài người đã khuất mà bâng khuâng nghĩ về họ, triết lí về lẽ mất còn của họ:

Đừng hỏi vì sao chiếc lá xanh rơi? Hay thầm trách mùa xuân đi quá vội!

(Cảm nhận người lính - Thụy Nhã)

Phải! Xin đừng hỏi vì sao? và cũng đừng thầm trách một cái gì cả! Chiến tranh là thế! Dẫu rằng đời ta thích hoa hồng nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng; ôm cây súng giữ nước giữ làng tức là tự nguyện chấp nhận hy sinh. Nào có ai đòi hỏi gì! Lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng như nốt trầm của khúc bi ca. Như lẽ thường của người lính trong chiến tranh giữ nước: vô tư, phi vụ lợi, không mảy may toan tính thiệt hơn. Tuy nhiên, trở lại với đời thường, không ít người vẫn sống trong cảnh đạm bạc, đơn sơ. Họ không đòi hỏi, bình thản, vô tư, tự an ủi mình:

Mình còn sống, thế là sung sướng Để xây đời hạnh phúc, yêu thương

Không chờ đến khi chiến tranh đã lùi xa, người lính mới trăn trở băn khoăn trước cuộc đời thường bon chen, phức tạp. Mà họ đã ngẫm nghĩ ngay từ khi chiến trường vừa im tiếng súng. Ngày xửa ngày xưa (trong truyền thuyết), Gióng đánh tan giặc, hoàn thành bổn phận thì “thăng” thẳng lên trời không màng danh lợi. Ngày nay, tàn chiến tranh, người lính chẳng “thăng” đi đâu cả, họ lại trở về với mái trường xưa, bãi mía luống cày (thơ Giang Nam) và gặp được nhau đây là quý lắm rồi (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Tâm trạng người lính giải ngũ sau chiến tranh được Giang Hà “nói giùm” bằng những câu thơ giàu chất hướng nội:

Anh trở về

Mang theo nỗi xót thương Đong đầy khoé mắt

(Trở về - Giang Hà)

Như vậy, cái trăn trở của người lính từ trận mạc trở về cũng là trăn trở của nhiều nhà thơ nặng lòng với hai chữ Nhân văn. Nhìn từ phía sau cuộc chiến, từ thân phận con người, thơ khám phá tầng sâu, tầng chìm của đời sống nội tâm thì mới là tiếng nói tri âm của những người trong cuộc.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 58)