Cảm hứng về Đảng và Lãnh tụ

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 87)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3. Cảm hứng về Đảng và Lãnh tụ

Cảm hứng về Đảng và Lãnh tụ là cảm hứng mới mẻ trong nền thơ ca Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Từ cuộc kháng chiến chống pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ viết về Đảng và Lãnh tụ ngày càng nhiều, có sức khái quát, có độ sâu nhuần nhị, liên tưởng phong phú và triển khai nhiều mặt, gợi được nhiều suy nghĩ. Sau ngày đất nước thống nhất, bước sang thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nguồn cảm hứng này tiếp tục được gia tăng. Cảm hứng về Đảng và Lãnh tụ là cảm hứng về sự hồi sinh, tái tạo, là ân nghĩa, đùm bọc, là gắn bó thiêng liêng. Tuy nhiên đây là nguồn cảm hứng không dễ thành công đối với các nhà thơ, nhất là những nhà thơ thuộc “đẳng cấp” địa phương. Bởi vì, cảm hứng này đòi hỏi nhà thơ phải tự nâng mình lên để một mặt thể hiện cho được sự chân tình trong cảm xúc, mặt khác lại cần có chiều sâu trong suy nghĩ, có nhận thức đúng đắn và những sáng tạo mới mẻ. Nếu không thì rất dễ rơi vào tình trạng “diễn nôm” ý tứ, hình ảnh khô khan, dễ nhàm chán, thậm chí có người làm thơ như hô khẩu hiệu, lời lẽ lên gân, khó đi vào lòng công chúng.

2.3.1. Cảm hứng về Đảng

Cảm hứng về Đảng cũng như mọi cảm hứng khác, đều là sự rung động tự nhiên trong tâm hồn, là xúc cảm mãnh liệt khiến nhà thơ không thể không nói ra bằng lời. Hơn nữa, đây lại là nguồn cảm hứng đã được nâng lên ở một tầm nhận thức mới, được soi sáng bởi lý tưởng cách mạng. Các nhà thơ lớn đều có những thi phẩm tiêu biểu dâng lên Đảng: Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng, Chế Lan Viên - Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Xuân Diệu - Gánh, Huy Cận - Tặng Đảng, Tế Hanh - Lời dặn, Hoàng Trung Thông - Bài thơ tặng Đảng, Anh Thơ - Đảng đã cho tôi, Phạm Hổ - Dọc đường theo Đảng… Xuyên suốt các thi phẩm trên là lòng biết ơn chân thành đối với Đảng. Đảng hồi sinh dân tộc và cuộc đời nghệ sĩ (Tố Hữu, Chế Lan Viên). Đảng là người tiếp tục sự nghiệp vất vả, gian khổ, dũng cảm của cha ông (Huy Cận); là người gánh trên vai mọi trách nhiệm, lo lắng mọi việc trong cuộc sống (Xuân Diệu); là người định hướng cho mọi cảm xúc thơ và tạo nên những phẩm chất mới (Tế Hanh).

Thơ Kiên Giang viết về Đảng gần như hiện hữu đầy đủ những phẩm chất trên (dĩ nhiên, về nghệ thuật thì không thể “so dây” với những nhà thơ đại thụ trong nền văn chương hiện đại). Kì thực thơ ngợi ca Đảng vốn đã phổ biến trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ. Có chăng chỉ khác là, thời chiến tranh, ở Kiên Giang (và Nam Bộ) thơ viết về Đảng và Lãnh tụ không được phổ biến (công khai) rộng rãi như sau ngày giải phóng. Vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát (vùng “kềm” - chủ yếu ở đô thị), tất cả những văn bản liên quan đến cách mạng đều bị truy tìm và tiêu hủy. Những ai sáng tác, tàng trữ, phát hành thì bị chúng bắt bớ giam cầm, khép vào tội “tiếp tay cho Việt cộng”. Bởi thế, những bài thơ ngợi ca Đảng khó đến được với đông đảo công chúng, dù lòng dân thì luôn luôn sắt son tin tưởng, sẵn sàng che chở đùm bọc.

Bước sang thời kì đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo toàn quân toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương; Đảng khởi xứng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Những thành tựu mà quân dân Kiên Giang đạt được đều gắn với công sức và trí tuệ của Đảng. Viết về Đảng, các nhà thơ địa phương tập trung vào khuynh hướng ngợi ca:

Chào xuân mới tươi xanh lộc mới Đảng quang vinh bảy chục năm tròn

(Mừng xuân mừng Đảng - Trần Dũng Chiến) Ở Kiên Giang, nhà thơ Trần Dũng Chiến có nhiều sáng tác về Đảng và Bác Hồ. Với ông đây là rung cảm chân tình của một người hơn 60 năm theo Đảng, thanh sạch tấm lòng, sáng trong phẩm chất.

Mẫu đề Đảng - Mùa xuân vốn trở nên quen thuộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Mùa xuân biểu trưng cho sự sống và sức sống. Đảng hồi sinh Mùa xuân cho đất nước và chính Đảng cũng là Mùa xuân, Đảng trong lòng Đất nước. Hồn của Đảng lồng trong hồn của Nước (Chế Lan Viên); Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà thơ viết về Mùa xuân là hướng về Đảng, nói đến Mùa xuân là nói đến Đảng:

Mừng Đảng đã vào tuổi bảy ba Vui với Mùa xuân đến mọi nhà

(Mừng Đảng 73 Mùa xuân - Cao Bình Đẳng) Tiếp đến là mẫu đề Đảng - Niềm tin. Niềm tin ở đây bao hàm nhiều định nghĩa: tin vào tương lai; tin vào chân lí (Mặt trời chân lí chói qua tim - Tố Hữu); tin vào trí tuệ - tầm nhìn; Dân tin Đảng - Đảng tin Dân... Có những tập thơ, bài thơ lấy mẫu đề này làm tên gọi. Chẳng hạn, Câu lạc bộ Hưu trí Thành phố Rạch Giá có tập thơ Niềm tin; Tạ Đình Chiến với bài thơ Đảng là niềm tin. Và Nguyễn Văn Trư cũng có bài thơ Niềm tin với những câu thơ khẳng định mạnh:

Đã bao thế kỉ thiếu niềm tin Có Đảng cho ta rõ hướng nhìn

(Niềm tin - Nguyễn Văn Trư)

Được biết tác giả bài thơ nguyên là Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang - một lão thành cách mạng trải qua hai cuộc kháng chiến “nằm gai nếm mật”. Chất Cộng sản trong ông vẫn thắm đỏ như thuở nào. Những câu thơ, ấy là tiếng lòng của một người trung kiên với Đảng, sắt son, tin tưởng vào con đường mà bản thân đã chọn.

Đối với nhà thơ Nguyễn Minh Hồng niềm tin với Đảng lại được biểu hiện dưới hình thức hồi tưởng về ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, khắc sâu lời tuyên thệ dưới lá cờ vinh quang của Đảng:

Trước Đảng kỳ lời tuyên thệ hô vang Nơi đầu sóng biên cương Tổ quốc.

(Với Đảng - Nguyễn Minh Hồng)

Còn có một hình thức ngợi ca khác, đó là triển khai theo mẫu đề: Đảng ta là..., Đảng là... Có lẽ mẫu đề này được vận dụng từ văn bản khoa học (để định nghĩa khái niệm). Từ 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nổi tiếng:

Đảng là đạo đức, là văn minh. Nói đó là định nghĩa về một chính đảng cách mạng, tiến bộ cũng hoàn toàn chuẩn xác. Những bài thơ ngợi ca Đảng theo mẫu đề như thế, thường có chiều sâu, có khả năng khái quát hóa.

Hồ Bá Thâm đã triển khai mẫu đề trên khá nhuần nhuyễn, lời thơ gọn, có chiều sâu, khái quát hóa rất rõ. Sự lặp lại cấu trúc câu (điệp tu từ cú pháp) tạo nên âm hưởng thiết tha:

Đảng là chân lí đời ta

Đảng là hương nhụy, là hoa cho đời

Có thể nói đây là sáng tác hay nhất về Đảng trong thơ Kiên Giang sau 1975. Với tư duy của nhà khoa học (Tiến sĩ Triết học), Hồ Bá Thâm có chủ ý gia tăng triết lí cho thơ nhưng vẫn giữ cho được tính sinh động, mượt mà.

Cũng nói thêm, Hồ Bá Thâm khẳng định: Đảng là cha mẹ, là tôi, là mình (Đảng mến yêu) và tái khẳng định: Đảng là lòng mẹ bao la nhân từ

(Đảng là mùa xuân trong mỗi bước ta đi). Cách so sánh như thế thường gặp ở những nhà thơ giàu sức liên tưởng: Đảng và Mẹ; Đảng nhân từ, độ lượng như là lòng Mẹ. Khó có một diễn đạt nào sâu sắc hơn. Tuy nhiên, với Hồ Bá Thâm, ở đây Mẹ nghĩa là Mẹ theo cách hiểu thông dụng Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa (ca dao), Đi khắp bốn phương không ai thương con bằng Mẹ (Thánh ca). Để khái quát hóa, Mẹ ở trong thơ không dừng lại ở nghĩa “phổ cập” như thế, mà phải được nâng lên thành hình tượng khái quát: Mẹ là Mẹ nhưng Mẹ cũng là đất nước, là quê hương: Đất quê ta mênh mông, lòng Mẹ rộng vô cùng

(Dương Hương Ly). Cùng mô típ liên tưởng, đến Chế Lan Viên trong Kết nạp Đảng trên quê Mẹ thì hình tượng Mẹ được hiểu cả hai nghĩa: Mẹ sinh thành ra con: Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ! Và Mẹ là đất nước, là quê hương: Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát/ Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào? Ẩn ý suy ra: Đảng như lòng mẹ (nghĩa 1) và Đảng cũng chỉ là con của Mẹ (nghĩa 2). Tầng sâu ngữ nghĩa trong thơ ca đỉnh cao là vậy, tạo ra nó và tiếp nhận nó đều không dễ. Nhưng đọc lên thì nhiều người cảm thấy hay, thấm thía.

So với thơ trữ tình phong cảnh, thơ viết về Đảng trên thi đàn Kiên Giang sau 1975 số lượng ít hơn. Ít hơn bởi như trên đã lí giải, nguồn cảm hứng này không dễ chuyển thành văn bản thi ca. Và không riêng gì Kiên Giang, diễn trình sáng tác thơ của cả nước cũng thế. Số thi phẩm viết về Đảng được gọi là thành công vẫn thuộc về các thi nhân bậc thầy. Tuy vậy những gì đã có trong vườn thơ Kiên Giang đương đại là cần ghi nhận và rất trân trọng.

Cùng với Đảng, Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận đối với các nhà thơ. Hầu như nhà thơ nào cũng có thơ dâng Bác. Bác là người sáng lập ra Đảng, là kết tinh tư tưởng, tình cảm, đạo đức cao đẹp nhất của dân tộc. Cảm hứng về Bác đồng nghĩa với cảm hứng về Đảng và ca ngợi Bác cũng có nghĩa là ca ngợi Đảng. Ý này ở Liên Xô (cũ), khi viết về Đảng và Lãnh tụ, nhà thơ Maiakôpxki có câu nổi tiếng: Tôi nói Lênin là nói Đảng; tôi nói Đảng là nói Lênin [26; 329]. Ở Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh cũng có câu tương tự:

Bác không chỉ là Bác. Bác với Đảng thân yêu là một. Bác với chế độ ta là một. Bác với Tổ quốc của chúng ta là một [113; 1140].

Có thể nói, trên trái đất này chưa có một nguyên mẫu anh hùng cứu nước nào lại trở thành hình tượng sinh động trong thơ ca như Bác Hồ vĩ đại. Sở dĩ như vậy, ngoài lòng biết ơn Bác, chính cuộc đời Bác vốn đã rất nên thơ, rất huyền thoại khiến cho các thi nhân không thể không cất thành lời ca, tiếng hát về Bác.

Cũng như những nhà thơ ở địa phương khác và cả nước, khi thể hiện cảm hứng về Lãnh tụ, các nhà thơ Kiên Giang thường sử dụng môtíp tình cảm gia đình. Biểu tượng Lãnh tụ được chuyển sang biểu tượng người thân trong gia đình. Cách xưng hô Bác - cháu, Bác - con gợi lên cái gì đó vừa gần gũi thân thương lại vừa thành kính, tôn thờ:

Bao con tim giữa cuộc đời Còn in đậm nét hình người Cha xưa

(Ngày sinh nhật Bác - Hà Thanh Cảnh)

Lối diễn đạt mộc mạc đơn sơ, thể lục bát quen thuộc đúng với dòng thơ đại chúng. Không có gì để mà suy tưởng ở đây nhưng đổi lại, ấy là tấm lòng tôn kính rất chân tình của một cựu chiến binh “theo chân Bác” qua mấy mùa kháng chiến. Với họ, nghỉ hưu rồi, thơ là gan là ruột, là bạn hiền thân thiết. Họ chỉ sáng tác khi trong lòng xao động, xúc cảm dâng đầy, mượn thơ để kí thác và siêu thoát tâm hồn, không màng chi vụ lợi.

Ngợi ca Bác là ngợi ca công đức trời biển của Bác, thật khó nói hết tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác và tấm lòng Bác hướng về miền Nam: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha (Tố Hữu). Trong kháng chiến gian khổ, đồng bào miền Nam sắt son với Bác, nhớ ơn Bác; đất nước thống nhất, vắng Bác, lòng kính yêu và tưởng nhớ Bác lại càng da diết, dâng trào:

Nắng xuân tỏa ấm lòng người Bác Hồ tỏa ấm cuộc đời khổ đau

(Ơn Bác đời đời - Xuân Triều)

Nhớ ơn Bác và kiên định đi theo con đường Bác đã chọn. Bác về với thế giới người hiền nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác thì sống mãi. Cảm hứng về Bác là cảm hứng về độc lập tự do, về hòa bình thống nhất, về những chiến công:

Chúng con làm một Điện Biên Và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

(Bác vẫn đi như ngày tháng ấy - Triều Ba) Hòa quyện trong dòng thơ ngợi ca Lãnh tụ, Thu Minh Hợp tiếp cận Bác từ góc độ đời thường nhưng giàu ý nghĩa nhân văn. Ấy là chi tiết có thực:

Bác Hồ mình trước giờ phút đi xa Vẫn tặng hoa hồng cho mấy cô y tá Bác Hồ mình trước lúc đi xa

Lại thăm hỏi mực nước sông mùa lũ

(Tất cả đều gọi Người là Bác - Thu Minh Hợp) Những chi tiết trên được công bố đã lâu; chuyện những ngày cuối tháng Tám, đầu tháng Chín năm 1969, Bác Hồ lâm bệnh nặng, sau những cơn hôn mê sâu, có lúc Bác tỉnh. Bác tỉnh, mối quan tâm là miền Nam, là lũ lụt sông Hồng (những ngày ấy nước sông Hồng dâng cao). Và chi tiết cũng có thực: Bác muốn nghe khúc dân ca, người ca xong được Bác vẫy lại để nhận hoa từ

tay Bác. Những chi tiết đầy cảm động này đã được lưu lại trong lòng người, trong thơ và nhạc.

Một nguồn xúc cảm khác gợi cho các nhà thơ, nhất là những nhà thơ miền Nam, đó là nơi Bác Hồ yên nghỉ. Khát khao được gặp Bác từ lâu nhưng do chiến tranh kéo dài, đất nước chia cắt nên niềm khát khao ấy chưa thể thực hiện. Đất nước thống nhất, viếng lăng Bác trở thành hiện thực và cũng từ lăng Bác mà nhiều lời thơ điệu nhạc ra đời (Viếng lăng Bác - Viễn Phương: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát...). Viếng lăng Bác thêm kính yêu Bác, thêm hiểu Bác - một Con Người trọn đời vì nước vì dân, trong giấc ngủ ngàn thu vẫn đau đáu một nỗi niềm Dân - Nước. Nhà thơ Thanh Ngọc sau lần đến Viếng lăng Bác, xúc cảm viết bài Lớn lên từ ơn Bác. Bài thơ thể hiện sâu sắc lòng biết ơn Bác và đã “đọc” đúng niềm khát khao trong tâm linh Bác:

Bác mơ gì, bé biết không Mơ sông đầy cá, đầy đồng lúa thơm

Người thôi cơ cực áo cơm Tình yêu là những nụ hôn ngọt ngào

(Lớn lên từ ơn Bác - Thanh Ngọc) Đọc những câu thơ trên, có lẽ nhiều người (nhất là vào thời điểm đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh) sẽ liên tưởng đến bổn phận của mình: ước mơ của Bác cho đến nay vẫn chưa trọn vẹn, dù chiến tranh lùi xa gần 40 năm. Nghĩa là phải phấn đấu nhiều hơn, cán bộ đảng viên phải trong sạch hơn, phải có cái Tâm như Bác, làm như Bác. Chỉ khi nào trên đất nước này thực sự sông đầy cá, lúa thơm đầy đồng; khi không có (hoặc rất ít) người rơi vào cảnh cơ cực áo cơm thì mới có thể nói hoài bão của Bác đã được con cháu làm tròn. Nói cuộc sống vọng vào thơ và thơ chính là cuộc sống quả không quá lời (vấn đề là người ta có chịu đọc và chịu suy ngẫm hay không).

Cảm hứng về Đảng và Lãnh tụ xuất hiện trong thơ ca cách mạng hoàn toàn tự nhiên, tự nguyện. Mấy năm gần đây, khi cuộc vận động Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên sâu rộng, ở Kiên Giang, thơ viết về Đảng, về Bác không bao giờ thưa vắng. Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng nghệ thuật thì vẫn ở mức khiêm tốn, chưa thể vượt những tác phẩm trước đó. Thơ là vậy, nó chín không theo mùa, cũng không thể “sản xuất” theo chỉ tiêu kế hoạch như ở những lĩnh vực khác.

2.4. Cảm hứng đời tư - thế sự

Khi đất nước chuyển sang thời bình, xã hội dân sự ngổn ngang những vấn đề muôn thuở như đạo đức, lối sống, nhân quyền, dân chủ và nhất là chuyện cơm áo thường ngày... thì thơ ca dĩ nhiên sẽ dịch chuyển sang cảm hứng đời tư - thế sự. Nhìn vào diễn trình thơ Việt Nam sau chiến tranh sẽ thấy rõ điều đó.

Thơ ca Kiên Giang sau 1975 chung lộ trình với thơ ca cả nước nhưng cũng có những nét riêng. Chẳng hạn, trong cảm hứng đời tư - thế sự thì nó tập trung ở “đời tư” nhiều hơn. Thơ thế sự ít, chủ yếu biểu lộ những suy ngẫm, trăn trở về cuộc đời, về nhân tình thế thái... còn khuynh hướng phê phán - phản biện thì nhợt nhạt, lác đác đôi ba bài. Một nét khác nữa là ở mảng thơ

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ kiên giang sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w