0
Tải bản đầy đủ (.doc) (130 trang)

Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu DẠY ĐỌC HIỂU CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐỊA TRONG TRƯỜNG THPT ( KHẢO SÁT TRÊNĐỊA BÀN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG TỈNH NGHỆ AN) LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN (Trang 27 -32 )

1.1.2.1. Về vấn đề dạy văn ở trường THPT của GV hiện nay

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với những thay đổi cải cách của chương trình, cùng với những Hội thảo chuyên đề, với sự xuất bản của những tài liệu về PPDH văn, tình hình dạy học văn trong nhà trường phổ thông đã có những tiến bộ đáng kể. Chất văn chương, chất nhân văn của chương trình văn học đã được nâng lên khá rõ. HS ngày càng thông minh, nhạy bén hơn và sớm được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học có giá trị trong và ngoài chương trình SGK. Đội ngũ GV dạy văn đang được bổ sung về số lượng cũng như chất lượng, có rất nhiều GV đầy tâm huyết, có trình độ chuyên môn, luôn có ý thức tìm tòi, tự nghiên cứu để nâng cao tầm hiểu biết của mình. Nhưng nhìn chung, chất lượng dạy học văn trong nhà trường vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được "đơn đặt hàng" của xã hội, việc dạy học bộ môn còn tồn tại một số nhược điểm khiến cho việc dạy đọc - hiểu văn gặp nhiều khó khăn.

Có một sự thật mà mọi người phải cay đắng thừa nhận, đó là một bộ phận không nhỏ HS hiện nay không thích học văn, vô cảm với văn chương. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở cách dạy của các thầy cô giáo. Tác phẩm văn chương là một sinh mệnh nghệ thuật độc đáo, phong phú và đa dạng, quá trình chiếm lĩnh nó phải là một quá trình vận động bên trong của chủ thể để tự mình cảm, tự mình hiểu, tự mình chiếm lĩnh những vẻ đẹp riêng độc đáo kia. Thế nhưng, hiện nay, nhà trường phổ thông vẫn chưa bỏ hẳn được kiểu dạy theo lối truyền thụ kiến thức một cách thụ động, nghĩa là GV tự mình tìm ra cái đẹp, cái hay của tác phẩm rồi đến lớp đọc cho HS chép. GV không quan tâm đến việc HS lĩnh hội được đến đâu và nhất là điều mình thuyết giảng có cần thiết đối với HS hay không. Chẳng biết tự bao giờ, trình tự một tiết giảng văn thường bị quy vào một số bước hình thức đầy gượng ép, thiếu hẳn sự phóng khoáng, đa dạng cần thiết. Điều này khiến cho một tác phẩm giàu giá trị thẩm mĩ khi vào đến nhà trường bỗng thành một "bát canh nhạt nhẽo" làm tê liệt sự hào hứng của HS. Trớ trêu thay, đây lại là một trong

những cách dạy phổ biến ở trường phổ thông. Một số GV vẫn có thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: GV giảng giải, HS lắng nghe, ghi nhớ và biết nhắc lại đúng những điều mà GV đã truyền đạt. GV chủ động cung cấp kiến thức tới HS, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới HS. GV là người độc thoại không quan tâm đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của HS cũng như việc chỉ ra cho HS con đuờng tích cực thu nhận kiến thức. Do đó, có những giờ dạy được GV tiến hành như một giờ diễn thuyết, thậm chí GV còn đọc chậm cho HS chép lại những gì có sẵn trong giáo án. Kết quả là nhiều bài thi na ná giống nhau, có khi còn chép nhầm lời của GV rồi viết lại vào bài thi, dẫn tới những câu chuyện cười ra nước mắt. Hậu quả của lối dạy này trước hết là làm xấu chữ HS. Nhiều HS học cấp I chữ đẹp, nhưng đến cấp II thì xấu, và đến cấp III thì xấu hẳn, vì trên lớp GV đọc nhanh quá nên HS phải viết tắt, viết ẩu. Không chỉ có chữ xấu, mà nguy hiểm hơn cả là sự thụ động, thờ ơ với văn chương ở một số HS, vì không hiểu, không cảm được, dẫn tới chán môn văn - một môn học có tầm quan trọng lớn trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho con người.

Hơn nữa, không ít GV đứng lớp chưa được trang bị kĩ càng, đồng bộ về quan điểm và lí luận PPDH học văn mới. Vấn đề quan điểm và lí luận PPDH văn mới chỉ đến với người dạy qua một số tài liệu thiên về cung cấp lý thuyết hơn là hướng dẫn thực hành. Một số các giáo trình tài liệu về giáo pháp học văn còn mang bệnh lý thuyết và sách vở hoặc chịu tác động từ các PPDH của nước ngoài. GV còn thiếu những thao tác, biện pháp, những phác hoạ về quy trình tổ chức dạy học khả thi để có thể tổ chức hướng dẫn HS tích cực chủ động học tập,… Một số giáo sinh vừa ra trường và GV giảng dạy lâu năm còn mơ hồ trước những khối lí luận PPDH chung chung áp dụng "lúc nào cũng đúng" không chỉ cho riêng bộ môn văn mà còn có ở các bộ môn khác.

Mặt khác, sự thiếu thốn về phương tiện, thiết bị dạy học như: tranh, ảnh, sơ đồ, dụng cụ nghe nhìn để minh hoạ cho bài giảng, tài liệu tham khảo các tác phẩm văn học, nhất là văn học nước ngoài,… cho GV ở nhiều trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa (nơi có điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển), đã khiến cho việc áp dụng PPDH mới gặp nhiều bất lợi, dẫn đến tình trạng dạy chay, học chay. Đó là chưa kể

đến đời sống GV trong thời buổi kinh tế thị trường tuy đã được cải thiện căn bản, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể chuyên tâm cho việc giảng dạy.

Vấn đề dạy học môn văn trong trường phổ thông đang là vấn đề thời sự nóng hổi,

luôn thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới trong xã hội. Theo khảo sát của các nhà giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây, chất lượng học văn của HS THPT ở nước ta phát triển không đáng kể. Môn văn đang mất dần vị thế vốn có của nó. Tình trạng HS không còn hứng thú với việc học văn đã trở thành hiện tượng phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Trong thực tế, những thầy cô giáo dạy văn hay không phải là ít, nhưng để có một thầy cô giáo dạy văn giỏi thì cũng rất hiếm hoi. Một số thầy cô dạy văn đã quá chạy theo phương pháp mới mà quên mất việc kết hợp hài hoà với phương pháp truyền thống, trong đó có việc "bình văn". Những từ ngữ đắt giá mà ta thường gọi là "nhãn tự" (con mắt chữ) hay "những điểm sáng thẩm mĩ" ít được bình giá, người dạy chỉ thiên về mặt mổ xẻ xem đó là động từ hay tính từ, Hán Việt hay Thuần Việt, ẩn dụ hay hoán dụ,… Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận thầy cô giáo trong quá trình đọc - hiểu chưa chú ý đúng mức đến đặc trưng thể loại của từng tác phẩm. Lẽ ra, tác giả sáng tác theo loại thể thì người dạy cũng phải dạy theo loại thể. Nhưng người GV đã quên mất điều đó, nên nhiều HS không phân biệt được loại nào ra loại nào, tiểu thuyết hay truyện ngắn, tuỳ buý hay kí,…

Không những thế, hiện tượng phân tích văn học theo lối "trải mành" cũng xuất hiện nhiều, chỗ nào cũng phân tích mà rốt cuộc chẳng đọng lại được cái gì đặc sắc trong đầu HS. Đó là hiện tượng giảng dạy chỉ thấy "diện" mà không thấy "điểm", chỉ thấy rừng mà không thấy cây. Trong khi, cái làm nên sức sống lâu bền của hình tượng văn học và gây ấn tượng cho HS đôi khi lại là những chi tiết cụ thể, những cái rất riêng. Chính những cái đó cũng góp phần phản ánh một phần phong cách của nhà văn, nó làm sống lại những cảnh, những người hiện lên trước mắt ta như sờ thấy được. Có như vậy, người GV dạy văn mới đánh thức được trí tưởng tượng của HS, khơi dậy những rung động thầm kín trong cõi lòng sâu kín của các em. Với sự nhiệt tình của trí tuệ và tình cảm, GV dạy văn cần phải thổi vào tâm hồn các em tình yêu đời, sự đam mê với văn chương nghệ thuật.

Trước thực trạng đó, đã có nhiều cuộc hội thảo, chuyên đề đổi mới PPDH văn được

tổ chức dưới nhiều cấp độ khác nhau trong phạm vi cả nước. Hàng loạt các phương pháp được đề xuất, thử nghiệm, như: PPDH nêu vấn đề, PPDH tích hợp, PPDH theo nhóm,… để GV có sự nhìn nhận và thay đổi cách dạy. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là ở người GV mà còn phụ thuộc vào cách học, cách nghĩ của HS.

"Văn học là nhân học", một khoa học tác động mãnh liệt vào thế giới vi mô và vĩ mô của con người và xã hội. Người GV phải thông qua những bài văn, bài thơ hay, góp phần đào luyện con người. Chức năng của văn học nghệ thuật vô cùng to lớn. Nhưng tiếc rằng, ngày nay không ít HS của chúng ta chưa "mặn mà" với môn văn. Điều đó có những lí do khách quan và chủ quan mà người thầy, người cô dạy văn cần nặng lòng suy nghĩ để tìm ra một phương hướng tiếp cận với bài dạy tác phẩm văn chương, với HS tốt hơn.

1.1.2.2. Về vấn đề học văn của HS THPT

Về phía HS, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì GV đã giảng. Đa phần HS chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học và lúng túng trong khi độc lập giải quyết vấn đề. Cái hại lớn nhất là nó thủ tiêu tính sáng tạo, suy nghĩ của HS, biến HS thành những người quen suy nghĩ, diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, đáng phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Khi chuẩn bị bài soạn, bài học hay làm bài kiểm tra thì HS còn lệ thuộc, sao chép bài giảng của GV, của những bài làm văn mẫu, không thoát ly khỏi những kiến thức có trong tài liệu. HS thường ngại đọc tác phẩm khi soạn bài, lý do chưa hẳn là vì tác phẩm không hay hoặc HS không thích văn học, đơn giản vì các em phải học quá nhiều môn. Ngoài ra, lối sống thực dụng trong xã hội hiện nay cũng có một tác động không nhỏ đến việc học văn của HS. Kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy, hầu hết HS THPT đều định hướng thi vào các trường Đại học thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ,… Rất ít HS chọn thi vào các trường thuộc khối ngành khoa học xã hội & nhân văn. Học văn, theo đó luôn trong tình trạng đối phó của các em. Tài liệu tham khảo đã trở thành cẩm nang trong mọi tình huống. Số ít những em lựa chọn các khối có thi môn văn thì bài giảng của thầy, những tài liệu phân tích, bình giảng tác

phẩm, những sách văn mẫu, tài liệu luyện thi… sẽ là những vật bất li thân, là "bùa hộ mệnh", bất kể là đề ra yêu cầu phân tích theo khía cạnh nào của bài, trường hợp này nói như dân gian: "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Nếu gặp phải GV nghiêm khắc, HS không nhìn được tài liệu thì các em lại làm bài theo kiểu kể lại tác phẩm một cách đơn giản, suy diễn nội dung, nghệ thuật một cách thô thiển, áp đặt, tách rời, cô lập giữa nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm, không thấy được sự thống nhất, sự chuyển hoá vào nhau giữa chúng.

Mặt khác, khi giảng dạy tác phẩm văn học cho HS, GV thường xuyên quên hoặc chưa chú ý hình thành cho các em kiến thức và kĩ năng đọc - hiểu tác phẩm, nên HS chỉ biết tác phẩm đã được học mà không biết các tác phẩm ngoài chương trình. Rất nhiều GV phàn nàn HS học văn kém, lười suy nghĩ, ỷ lại tài liệu. Có những GV dạy lớp chọn khối C mà cũng tỏ ra rất bi quan trước chất lượng học văn của các em, rằng: "đãi cát tìm vàng" thì cũng chỉ có mươi em có thể gọi là biết học văn. Chính vì thế, HS mặc dù được học rất nhiều bài văn ở các thể loại khác nhau, các thời kì khác nhau, nhưng chỉ biết phân tích và bình giá được các bài đã học trên lớp, nếu đề kiểm tra yêu cầu phân tích một tác phẩm nào đó ở phần đọc thêm thì HS chỉ ngồi "cắn bút" mà thôi.

Ngoài ra, HS thường bị động trong giờ giảng văn, bởi các em không tham gia vào quá trình phân tích, chiếm lĩnh chiều sâu rung cảm của tác phẩm văn chương. Vì vậy, thầy nói đến đâu trò biết đến đó, trò không có được cái nhìn bao quát về hướng đi của giờ học. Việc phụ thuộc vào cách hiểu, cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt của người khác, của tài liệu tham khảo đã hạn chế rất nhiều năng lực chủ động sáng tạo trong các hoạt động nghe nói, đọc, viết của HS. HS chưa có nhu cầu tự thân bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân trước tập thể, nếu phải nói và viết HS cảm thấy khó khăn. Nhiều HS vẫn không viết được một lá đơn cho đúng văn phạm (chẳng hạn đơn xin nghỉ học, đơn xin vào đoàn,…) hay khi đã tốt nghiệp THPT vẫn không thảo nổi một tờ đơn xin việc làm, không có sự tự tin cần thiết khi trình bày ý kiến của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, vì luôn luôn sợ sai.

Hơn nữa, HS ngày nay không say mê văn chương còn bởi một thực tế không kém phần đáng lo ngại, đó chính là tình trạng GV biến giờ học văn thành giờ thuyết giáo đạo đức, suy diễn ngộ nhận mà không giảng, không bình một cách thấu đáo và cặn kẽ. Lẽ ra giờ giảng văn là cơ hội tốt để các em tiếp xúc với cái hay, cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, để từ đó lớn khôn lên về trí tuệ, đặc biệt về tâm hồn, tư tưởng, hình thành một nhân cách cao đẹp, thì có khi nó lại bị biến thành một giờ học hết sức nhạt nhẽo. Các em phải ghi nhớ những nhận định sáo mòn, máy móc về văn chương, hoặc nghe những lời thuyết giảng khô khan về đạo đức. Không hiếm trường hợp người dạy đã phụ công tìm tòi, sáng tạo của tác giả bằng cách quy tất cả cái hay, cái đẹp muôn hình vạn trạng ở nhiều tác phẩm thành những nhận định chung chung, nhàm chán theo lối "đồng phục hoá" bài giảng, mà những nhận định ấy nhiều khi các em đã biết kĩ hơn qua các tiết học khác, nhất là những tiết Giáo dục công dân hay Lịch sử.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở một số lớp của trường THPT Đô Lương 1, Đô Lương 2 và THPT DL Đô Lương 1 để tìm hiểu hứng thú học văn của HS, bằng cách nêu câu hỏi, phát phiếu ở 6 lớp khối 11 (Ban cơ bản), 6 lớp khối 12 (Ban cơ bản), kết quả là mỗi lớp thường chỉ có 15% đến 17% số em yêu thích học văn. Môn văn là một trong những môn học chính, lại có mặt rất lâu đời trong nhà trường thì số lượng HS ham thích trên quả là ít ỏi.

Thực trạng dạy học văn trên không khỏi khiến chúng ta quan tâm, lo lắng. Bởi vì, "đây không phải là chuyện văn chương đơn thuần mà là chuyện đời, càng không phải câu chuyện về những cậu học trò thơ ngây mà chuyện của những con người sắp thay thế cha anh làm chủ thế kỷ XXI" [47, tr.12]. Và "Dạy học văn không còn là việc riêng của nhà giáo và nhà trường, sự trực tiếp liên quan đến chiến lược con người, sinh mệnh chế độ ta và cả đời sống văn học của xã hội" [47, tr.12]. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn, sắc bén hơn về tình hình dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường phổ thông để rồi đi tìm nguyên nhân và có phương hướng khắc phục kịp thời.

Một phần của tài liệu DẠY ĐỌC HIỂU CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐỊA TRONG TRƯỜNG THPT ( KHẢO SÁT TRÊNĐỊA BÀN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG TỈNH NGHỆ AN) LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN (Trang 27 -32 )

×