Tình hình kinh tế văn hoá – xã hội của huyện Đô Lương

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 51)

2.1.2.1. Về kinh tế

Địa hình Đô Lương nghiêng dần về phía Đông. Diện tích đất trồng trọt của huyện được phân bố trên các vùng bán sơn địa, vùng lúa, vùng ven bãi sông Lam và vùng kinh tế mới, vùng rừng đồi và ven theo các bãi sông rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây hoa màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây công nghiệp. Đây là điều kiện tốt để nhân dân phát triển kinh tế vườn đồi và làm hàng xuất khẩu. Vùng lúa của Đô Lương có diện tích là 12.765 ha. Ruộng đất phì nhiêu được trải ra thành cánh đồng vừa rộng, vừa bằng phẳng lại có hệ thống tưới tiêu khá tốt nên rất thuận lợi cho việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Vì vậy, đây là vùng chiếm vị trí quan trọng nhất trong trồng trọt, trong tổng thu nhập kinh tế của huyện, và cũng là một trong những vùng trọng điểm lúa của tỉnh Nghệ An. Bởi thế, xét về lương thực, thực phẩm Đô Lương rất sung túc. Trong dân gian xưa nay vẫn có câu:

Muốn ăn khoai sọ chấm đường,

Xuống đây mà ngược Đò Lường cùng anh. Đò Luờng bến nước trong xanh,

Hay như: Bao giờ Bến Thuỷ hết dầu,

Đô Lương hết gạo anh hết cầu duyên em.

Với lợi thế có nhiều con sông nhỏ chảy từ nhiều vùng khác nhau về, rồi đổ vào sông Lam – con sông lớn nhất của tỉnh Nghệ An, bắt nguồn từ đất Lào chảy qua các huyện vùng thượng rồi đổ về Đô Lương đã phục vụ tưới tiêu, bồi đắp phù sa đem lại sự phì nhiêu cho đồng bãi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội.

Ngoài việc trồng lúa, khoai, ngô, sắn, đậu, lạc, vừng,…từ lâu, Đô Lương đã có những loại cây đặc sản nổi tiếng như vải Thanh Lưu, nhãn Khả Quan, bưởi Lương Sơn,… Đồng thời, vùng quê Đô Lương còn có truyền thống lâu đời về nghề thủ công và buôn bán. Đồ gốm xuất hiện khá sớm và nổi danh như: nồi đất ở Trù Ú (Trù Sơn), gạch ngói ở Phượng Kỉ (Đà Sơn). Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Đô Lương từ lâu đã nổi tiếng về sự bền đẹp. Ngoài ra, Đô Lương còn có các nghề như: mộc, rèn, đan lát, mây tre, làm đá. Các nghề thủ công ở Đô Lương từ xưa đến nay đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của nhân dân.

Do có điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện,… nên con người Đô Lương biết giao lưu buôn bán. Dọc theo tuyến đường số 7 và theo dòng sông Lam, nhiều bến, chợ trao đổi hàng hoá được hình thành khá sớm, chợ Lường từ lâu đã nổi danh về sự trù phú và đô hội, thu hút đông đảo người tứ xứ đi về trao đổi và buôn bán. Những ngày chợ phiên thuyền bè tấp nập ngược xuôi, đường bộ chật ních người, trong đó có cả những du khách vì nghe danh chợ Lường mà tìm đến vãn cảnh. Giờ đây, chợ Lường được hiện đại hoá để phục vụ kịp thời nhu cầu dân sinh nhưng vẫn giữ được vẻ duyên dáng, hữu tình của một thời đã qua.

2.1.2.2. Về văn hoá – xã hội

Đô Lương là huyện có phong cảnh nên thơ và người dân ở đây có một đời sống văn hoá lâu đời. Từ núi Đại Huệ đến đỉnh Truông Dong và ngược dòng sông Lam đến Vòm

Cóc mà trông về phía chân trời thì "Đô Lương giống như một bức tranh thuỷ mạc". Người dân ở đây rất quý trọng thuần phong, mĩ tục và biết sáng tạo ra các giá trị văn hoá. Nhiều đền chùa, miếu mạo,… đựơc xây dựng qua các triều đại với những kiến trúc khá tinh vi, chắc, khoẻ và giá trị. Một trong những nét đặc sắc là phần lớn những di tích này đều gắn với một tên đất, tên người có công trạng với dân, với nước trong đấu tranh để tồn tại và phát triển. Đó chính là đền Mượu (ở Trù Sơn), đình Lương Sơn (ở Bắc Sơn), đình Thái Sơn,… đều gắn với những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.

Đô Lương từ xa xưa cũng đã nổi danh là mảnh đất hiếu học. Nhiều tên đất, tên làng, tên núi như: Văn Khuê, Văn Lâm, Văn Trường, "núi Bút, ngọn Nghiên, hòn Mực" thể hiện thái độ trân trọng của nhân dân đối với việc học hành, khoa cử. Với một quan niệm học để biết và hiểu đạo lí làm người, nhiều gia đình tuy nghèo nhưng vẫn tìm cách cho con ăn học. Vì vậy, ở Đô Lương, nhà nho, những người có học vấn không phải chỉ có xuất thân từ gia đình giàu có. Các bậc nho sĩ, khoa bảng nơi đây đều hay chữ nghĩa, thích văn thơ, khảng khái hào hiệp và trọng khí tiết. Ở các nhà thờ họ hiện nay còn lưu danh nhiều người con của quê hương, của dòng họ với những tài năng công trạng lớn, như: dòng họ Nguyễn Cảnh, dòng họ Thái Ngô, dòng họ Thái Đắc, dòng họ Nguyễn Duy,…

Đô Lương là một huyện đồng bằng có đồng rộng, sông sâu, có đồi núi xen kẽ, tạo nên một vùng quê rất đa dạng về địa lí, hiểm thế về quân sự, thuận lợi về giao thông, phong phú về kinh tế. Mặc dù vậy, dưới chế độ phong kiến thực dân, Đô Lương vẫn là một vùng quê với nền kinh tế tự cung tự cấp, lạc hậu, mà đặc biệt là sự phát triển không đều giữa các vùng. Nơi đây, người dân phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ, phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh quyết liệt, chống mọi thế lực đè nén, áp bức. Trong quá trình đấu tranh ấy, con người Đô Lương đã tự hun đúc cho mình những phẩm chất cao quý, cần cù sáng tạo trong lao động, chịu thương, chịu khó, trọng nhân nghĩa trong cuộc sống, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Truyền thống ấy mãi mãi là tài sản quý báu trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân Đô Lương.

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 51)