Chương trình Ngữ vă nở trường THPT hiện nay được biên soạn theo hướng tích hợp

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 36)

hợp

Như chúng ta đã biết, chương trình và SGK Ngữ văn hiện nay được xây dựng trên

cơ sở kế thừa những thành tựu của ngành văn học, ngôn ngữ học, tâm lý học, giáo dục học, các thành tựu khoa học khác,… đặc biệt là thành tựu của ngành PPDH văn theo những quan điểm mới về giáo dục, nhằm hướng tới sự phát triển của xu thế giáo dục hiện đại và những yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Điểm nổi bật trong việc biên soạn SGK Ngữ văn nói chung là sự vận dụng quan điểm tích hợp các nội dung trong học tập.

Một đất nước văn minh tiến bộ, trước hết đất nước ấy phải có nền giáo dục khoa học hiện đại và ưu việt. Ý thức được vai trò quan trọng của giáo dục trong việc đào tạo nhân tài, góp phần đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế nước nhà, mấy năm gần đây, nước ta đã có sự đổi mới về nội dung, cũng như phương pháp, quan điểm giảng dạy trong nhà trường. Cùng với những bộ môn khác, môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn, trong đó có quan điểm tích hợp được coi là thế mạnh và cũng là ưu điểm lớn để giúp HS hệ thống hoá kiến thức một cách vững chắc. Đây cũng là một nét mới trong việc biên soạn SGK Ngữ văn. Sự đổi mới về cơ chế dạy học văn đã kéo theo sự ra đời của bộ SGK Ngữ văn tích hợp. Đổi mới cơ chế và PPDH văn nhằm mục tiêu phát huy được tính tích cực chủ động của HS trong giờ học, tạo điều kiện cho HS chiếm lĩnh một khối lượng thông tin đồ sộ được cập nhật từ nhiều ngành khoa học trong cuộc sống.

Hiểu một cách chung nhất, tích hợp là tạo ra mối quan hệ liên thông giữa các phân môn bằng cách lựa chọn các đơn vị tri thức, các đơn vị bài học, có thể phối hợp, tương tác lẫn nhau một cách hiệu quả nhất. Tích hợp được thực hiện theo hai dạng, đó là tích hợp theo chiều ngang và tích hợp theo chiều dọc.

Tích hợp theo chiều ngang là sự tích hợp thể hiện mối quan hệ, sự liên thông giữa đơn vị tri thức ở bộ môn này với tri thức ở bộ môn khác. Theo quan điểm này, ta thấy, với chương trình cũ, môn học có tên là: Văn học - Tiếng Việt – Làm văn (tên của ba phân môn

ghép lại), tương ứng với tên gọi trên là ba bộ sách Văn học - Tiếng Việt - Làm văn được biên soạn một cách độc lập, tách rời. Trong khi hiện nay, theo chương trình mới, môn học có tên là Ngữ văn và SGK cũng chỉ còn một cuốn chung cho cả ba phân môn. Có thể thấy rằng, sự thay đổi này đảm bảo sự đồng thuận, nhất quán với chương trình Ngữ văn THCS. Mặt khác, sự thay đổi tên gọi bộ môn cho thấy "hiện tượng ba trong một" trong biên soạn SGK. Đây không phải là sự lắp ghép máy móc, cơ học ba bộ sách với nhau mà là sự phối hợp nhuần nhuyễn theo nguyên tắc tích hợp.

Tích hợp theo chiều dọc là sự tích hợp ở một đơn vị kiến thức và kĩ năng mới với những kiến thức và kĩ năng đã học trước đó theo nguyên tắc đồng tâm. Cụ thể: kiến thức và kĩ năng của lớp trên, bậc học trên bao hàm kiến thức và kĩ năng của lớp học dưới, bậc học dưới nhưng cao hơn và sâu hơn. Đây là giải pháp củng cố và dần dần nâng cao kiến thức, kĩ năng của HS, để các kiến thức và kĩ năng ấy thực sự là của mỗi người học, góp phần hình thành ở các em những phẩm chất mới về nhân cách.

Tiếp xúc với chương trình SGK Ngữ văn hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, khi dạy đọc - hiểu tác phẩm văn học cho HS, nhà trường THPT đã hình thành cho các em năng lực vận dụng tổng hợp các tri thức và kĩ năng không chỉ của văn (lịch sử văn học, lí luận văn học,…) mà còn huy động các kiến thức của Tiếng Việt, Làm văn và các kiến thức lịch sử, văn hoá, nghệ thuật khác nữa. Học Tiếng Việt là để đọc - hiểu văn bản cho tốt, cũng như để viết và nói tiếng Việt cho hay hơn. Nguyên tắc tích hợp này được thể hiện khá rõ trong việc sắp xếp các đơn vị bài học. Các bài học thường được tổ chức để bổ sung, hỗ trợ cho nhau. SGK Ngữ văn được tổ chức thành các cụm bài học và bài học theo thể loại. Phần đọc - hiểu văn bản được sắp xếp đầu tiên. Sau đó, các bài Làm văn và Tiếng Việt được biên soạn sao cho có sự gắn kết với các tri thức có trong phần đọc - hiểu văn bản. Mỗi bài thường được cố gắng khai thác cả ba nội dung: Văn - Tiếng Việt – Làm văn. Ba nội dung này liên quan đến nhau, làm sáng tỏ cho nhau. Bài đầu học một văn bản văn học nào đó theo yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của Văn. Bài hai cũng dựa trên văn bản của phần một để dạy học theo yêu cầu của kiến thức và nội dung Tiếng Việt. Bài ba cũng vẫn trên văn bản đó mà đáp ứng những yêu cầu của tập Làm văn. Vì thế, văn bản được lựa chọn để học chung cho cả ba phân môn vừa tiêu biểu cho thể loại văn học vừa liên quan

chặt chẽ đến các tri thức cần cung cấp của Tiếng Việt và có thể làm "mẫu" cho Làm văn ở một kiểu văn bản hoặc liên văn bản nào đó. Chẳng hạn, trong chương trình Ngữ văn 11, tập 1 (Ban cơ bản), sau bài đọc - hiểu truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam thì có bài Tiếng Việt Ngữ cảnh, lấy văn bản Hai đứa trẻ để phân tích làm dẫn chứng, xác lập khái niệm ngữ cảnh. Hay trong Ngữ văn 12, tập 2 (Ban cơ bản), sau khi HS học bài đọc - hiểu tác phẩm

Vợ chồng A Phủ, có bài làm văn Thực hành về hàm ý, lấy một số đoạn hội thoại của bài đọc

- hiểu Vợ chồng A Phủ làm cơ sở để dạy thực hành về hàm ý.

Chương trình Ngữ văn THPT hiện nay được biên soạn theo hai trục tích hợp chính: đọc - hiểu và làm văn. Đây là hai hoạt động quan trọng nhất mà GV dạy văn cần rèn luyện cho HS khi dạy môn này. Tất cả những tri thức của ba hợp phần trong môn Ngữ văn đều được tích hợp xung quanh hai trục này. Hoạt động đọc - hiểu văn bản cũng cần được trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết có trong hợp phần Làm văn và Tiếng Việt. Hoạt động Làm văn cũng cần được cung cấp các thông tin về Tiếng Việt, văn hoá, lịch sử trong quá trình tạo lập văn bản. Như vậy, xoay quanh hai trục tích hợp: đọc - hiểu và làm văn, các tri thức về văn hoá, văn học, tiếng Việt trở thành những tri thức công cụ có tác dụng giúp HS khám phá và tạo lập được văn bản.

Nếu như chương trình và SGK cũ được biên soạn theo trục lịch sử văn học, bám sát tiến trình lịch sử văn học. Trong đó, mỗi giai đoạn, thời kì HS được học những tác phẩm, tác giả tiêu biểu. Cách lựa chọn tác phẩm văn học như vậy có phần nặng về minh hoạ cho văn học sử. Với mục tiêu và nguyên tắc tích hợp như trên, chương trình và SGK Ngữ văn

mới lựa chọn văn bản tác phẩm theo trục thể loại và tổ chức dạy học theo đặc trưng thể loại. Chương trình vẫn dựa một phần vào tiến trình lịch sử văn học dân tộc và thế giới, nhưng mỗi giai đoạn thay vì lựa chọn các tác giả, tác phẩm tiêu biểu sẽ lựa chọn hệ thống tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại của mỗi giai đoạn văn học. Lấy văn học Việt Nam làm trục chính và bổ sung các tác phẩm văn học nước ngoài cùng thể loại để HS tiện so sánh, đối chiếu. Căn cứ vào thành tựu của mỗi giai đoạn văn học, với hệ thống thể loại đã xác định, sẽ lựa chọn ra một số vấn đề tri thức đọc văn để giúp HS đọc - hiểu các văn bản trong giai đoạn đó. Cũng vì được cấu trúc theo trục thể loại nên trong SGK Ngữ văn mới các tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài được bố trí học xen kẽ nhau (ở chương

trình cũ, phần Văn học nước ngoài và Lí luận văn học được sắp xếp vào quyển Văn học tập 2, học cuối chương trình). Cách biên soạn chương trình và SGK theo tiêu chí thể loại cũng cho thấy khả năng bao quát lịch sử văn học tương đối toàn diện và đầy đủ.

Có thể nói, tích hợp là một quan điểm sư phạm đã trở thành xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến. Qua đó, có thể thấy rằng, biên soạn SGK theo quan điểm tích hợp sẽ tạo điều kiện cho việc dạy và học của GV và HS. Bởi theo quan điểm tích hợp, kiến thức của HS luôn được củng cố. Ngay khi đang tiếp thu kiến thức mới, HS vẫn có thể nhắc lại kiến thức đã qua, kể cả những kiến thức của bộ môn lẫn những kiến thức liên quan.

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 36)