Một số giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng giờ dạy đọc hiểu các tác phẩm VHVN hiện đại trong trường THPT

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 66 - 87)

VHVN hiện đại trong trường THPT

Để nâng cao chất lượng học văn, ngoài những giải pháp chung vừa trình bày ở trên, chúng tôi sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc trưng của giờ dạy đọc - hiểu các tác phẩm VHVNHĐ. Từ đó làm nổi rõ các phương pháp tối ưu mà người GV có thể vận dụng trong giờ dạy đọc - hiểu các tác phẩm VHVNHĐ, cũng như giúp HS chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật văn chương sáng tạo hơn, sâu sắc hơn.

2.3.2.1. Cung cấp kiến thức về thể loại

Dạy học tác phẩm VHVNHĐ phải chú ý đặc trưng về thể loại là một nguyên tắc có yêu cầu và nội dung riêng của nó, đồng thời cũng là nguyên tắc dạy học theo đặc trưng bộ môn. Để hạn chế việc HS hiểu máy móc, sơ lược tác phẩm, trong quá trình giảng dạy người GV phải cung cấp kiến thức về thể loại để HS tìm ra những dấu hiệu cách tân, sáng tạo của nhà văn theo thi pháp thể loại của tác phẩm ấy.

Như chúng ta đã biết, một trong những con đường đi vào tác phẩm văn chương là nhận diện được thể loại, bởi mỗi thể loại có một hình thức nghệ thuật và giá trị thẩm mĩ, giá trị biểu hiện và phản ánh riêng. Nếu HS không phân biệt được đặc trưng thi pháp các thể loại thì việc cắt nghĩa tác phẩm văn chương sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành được biên soạn theo đặc trưng thể loại, mỗi thể loại HS được học một số tác phẩm tiêu biểu, thể hiện rõ đặc điểm chung của thể loại ấy. Trong

quá trình giảng dạy, GV không chỉ cho HS thấy được những cái hay, cái đẹp về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà còn phải hình thành và rèn luyện cho HS kĩ năng tiếp nhận tác phẩm văn học, để HS có thể tự mình đọc, tìm hiểu và khám phá các tác phẩm cùng một thể loại. Chỉ như vậy mới tránh được tình trạng HS mặc dù đã được học rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau nhưng chỉ biết phân tích, bình giảng những tác phẩm mà GV truyền thụ trên lớp. Việc GV cung cấp kiến thức về thể loại sẽ giúp HS không còn băn khoăn, lúng túng khi tiếp nhận những tác phẩm đọc thêm hay những tác phẩm nằm ngoài chương trình học. Với định hướng này, khi tiến hành dạy học văn, điều quan trọng là GV phải hướng dẫn cho HS nắm được những thao tác phân tích phù hợp với đặc trưng thể loại của các văn bản khác nhau. Nói cụ thể hơn, GV phải hướng HS vào việc trả lời thấu đáo các câu hỏi: Văn bản thuộc thể loại này có những đặc điểm gì? Văn bản này hay ở chỗ nào về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật? Cách thức tiếp cận những tác phẩm thuộc thể loại này như thế nào? Có như vậy mới phát huy hết tính tích cực, sáng tạo của người học.

Chẳng hạn, để dạy tốt, học tốt các văn bản thơ trong chương trình VHVNHĐ ở trường THPT, GV cần định hướng cho HS hiểu khái niệm và đặc trưng của thơ. "Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. [28, tr.309]. Trong chương trình Ngữ văn 11, Ngữ văn 12, HS chủ yếu được học thơ trữ tình, đó là những bài thơ có những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống, đồng thời thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm. Trong tác phẩm thơ trữ tình, tính cách con người được thể hiện qua cảm xúc, qua cái "tôi". So với tự sự thì thơ trữ tình mang đậm dấu ấn chủ quan hơn, chú trọng biểu lộ những trạng thái nội tâm của con người. Chính vì vậy hình tượng cái tôi trữ tình mang đầy đủ ý nghĩa khái quát sâu rộng. GV nên khuyến khích HS khi đọc thơ trữ tình cần phải có cảm xúc và làm rõ hình thức tồn tại, sự diễn đạt nghệ thuật của tác phẩm. Tác phẩm trữ tình xuất hiện là biểu hiện một cái nhìn, một nỗi niềm tâm trạng, bởi vậy khi dạy học tác phẩm thơ, GV cần hướng dẫn HS nhận diện và theo dõi sự phát triển về mặt cảm xúc của cái tôi trữ tình, vì cái tôi trữ tình là yếu tố trung tâm của thể loại thơ trữ tình.

Ngoài ra, GV cần hướng dẫn HS khi tiếp cận với thơ trữ tình phải đặt nó trong thời đại văn học. Thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ gắn với cái tôi sử thi, cái tôi công dân. Sau 1975 thơ trữ tình Việt Nam nghiêng về cái tôi thế sự và đời tư, vẫn là những cảm hứng về đời sống nhưng nhà thơ nhân danh mình nói tiếng nói riêng về những điều ẩn khuất, chìm trong số phận cá nhân. Mặt khác, GV cũng cần chỉ ra cho HS thấy đặc trưng, bản chất của thơ là nhịp và giọng điệu. Từ nhịp điệu, ngôn ngữ, HS sẽ cảm nhận được nhịp điệu tâm hồn, nhịp điệu trái tim, những yếu tố này sẽ làm nên sự rung cảm thẩm mĩ trong dạy học thơ. Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu các tác phẩm thơ trữ tình, GV và HS cũng cần lưu ý đặc biệt đến nhà thơ – tác giả khi dạy học tác phẩm trữ tình. Vì chất sáng tạo và tính chủ thể của nhà thơ là những điều kiện quyết định cho sự ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Có thể nói, nắm vững tính chất và đặc điểm độc đáo của thể loại thơ trữ tình là tiền đề quan trọng cho dạy đọc - hiểu các tác phẩm thơ trữ tình hấp dẫn, thú vị. Cũng như khi dạy các tác phẩm thơ, việc cung cấp kiến thức khi dạy các truyện ngắn GV cũng nên chú trọng. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn thường không khắc hoạ những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp tường thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Khi dạy truyện ngắn, GV nên hướng dẫn HS phân tích tính cách nhân vật, bởi tính cách nhân vật không chỉ được làm rõ qua phân tích diện mạo, hành vi, ngôn ngữ mà còn

phải tập trung vào bản sắc chủ thể của nhân vật và thế giới tinh thần của nhân vật đó. Phân tích tính cách nhân vật trong truyện ngắn thực chất là tìm hiểu cách thức tồn tại của nhân vật trong mối tương quan với sự kiện, tư tưởng và những giá trị nhân bản của con người. Ngoài ra, truyện ngắn bao gồm những sự kiện, tình tiết thể hiện trọn vẹn cuộc đời nhân vật chính, miêu tả và kể chuyện là phương thức phản ánh hiện thực quan trọng của truyện ngắn cho nên GV cũng cần lưu ý để HS tập phân tích thấu đáo. Muốn dạy học tốt các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn GV cần hướng dẫn HS men theo cốt truyện với sự biến hoá của nhân vật kể chuyện, của lời kể, thời gian kể và thời gian được kể với những dự báo kết thúc phần lớn là không khép kín.

Cùng với việc cung cấp kiến thức về thể loại truyện ngắn, GV cũng đồng thời cung cấp kiến thức về thể loại tiểu thuyết khi dạy các tác phẩm VHVNHĐ. "Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phán ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức, xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng [28, tr.328]. Đặc điểm tiêu biểu nhất của tiểu thuyết là nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư, yếu tố đời tư càng phát triển thì tính chất tiểu thuyết càng gia tăng. Tiểu thuyết tái hiện cuộc sống bằng chất văn xuôi, không thi vị, lãng mạn, lí tưởng hoá, mà miêu tả cuộc sống như thực tại vốn có. Tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang, bề bộn của cuộc đời bao gồm cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài, những điều này HS có thể nhận thấy qua các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,… Nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải, tư duy, chịu khổ đau, dằn vặt của cuộc đời, con người có sự biến đổi trước hoàn cảnh, mà nói như Trần Đình Sử "nhân vật lớn khôn lên do cuộc đời dạy bảo". Đặc biệt, thành phần chính của của tiểu thuyết không phải chỉ là cốt truyện và tính cách nhân vật. Ngoài hệ thống sự kiện, biến cố tiểu thuyết còn miêu tả sự suy tư của nhân vật trước cuộc đời, phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm, trình bày tường tận tiểu sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ giữa con người với con người. Do đó, khi dạy tiểu thuyết GV phải cho HS khám phá chiều sâu của tác phẩm qua việc phân tích nhân vật, để từ đó làm sáng tỏ tư tưởng của nhà văn gửi vào tác phẩm.

Với những kiến thức về thể loại mà GV cung cấp, HS sẽ dễ dàng đến với các tiểu thuyết trong chương trình học, nắm vững những đặc trưng của tiểu thuyết để từ đó đọc - hiểu và phân tích tác phẩm đúng hướng, chính xác hơn.

Trong chương trình Ngữ văn 11, Ngữ văn 12, HS chủ yếu được học các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng không vì thế GV bỏ qua khâu cung cấp kiến thức về thể loại kịch - một thể loại HS ít được tiếp xúc và khó tiếp nhận hơn. Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, thường được sáng tác thành tác phẩm để diễn (trên sân khấu hoặc trong điện ảnh), nên sức chứa đựng dung lượng nội dung hiện thực không lớn như truyện, và cũng không gây lắng đọng mạch cảm xúc, suy nghĩ như thơ ca. Kịch bao giờ cũng lấy xung đột trong đời sống làm đối tượng miêu tả. Khai thác những góc cạnh của hiện tượng đời sống, kịch tái hiện trước mắt người xem cốt lõi bản chất của hiện thực. Mọi vấn đề thuộc về bản chất của hiện thực quy tụ, dồn nén lại, sau đó được làm nổi bật lên qua hành động kịch. Trong kịch những sự kiện, tình huống, biến cố được sắp xếp theo một trình tự diễn biến logic, chặt chẽ và thống nhất. Diễn biến kịch được thể hiện bởi hành động của các nhân vật. Cũng nhờ có hành động này kèm theo ngôn ngữ, nhân vật kịch được bộc lộ đặc điểm và cá tính của mình. Ngôn ngữ kịch có tính hành động và khẩu ngữ cao, gồm có ba loại: đối thoại, độc thoại và bàng thoại.

Trên cơ sở cung cấp những hiểu biết cơ bản về kịch, GV sẽ định hướng cho HS tìm hiểu tính chất mâu thuẫn xã hội của kịch bởi đây là dấu hiệu khách quan, cơ bản để GV gợi ý cho HS tìm chủ đề và giá trị tư tưởng của kịch. Đồng thời HS nên chú ý cao vào lời thoại và hành động kịch vì lời thoại chính là những tranh luận, phản biện đẩy xung đột kịch lên đến mức kịch tính, còn hành động kịch lại có khả năng làm rõ tính cách của nhân vật kịch qua những tình tiết, biến cố, sự kiện tạo nên xung đột kịch.

Dạy học kịch tốt nhất là phải đi từ sự phân tích kịch bản đến việc tổ chức cho HS xem biểu diễn kịch, vì chỉ có diễn xuất của diễn viên mới tạo cho người xem một biểu tượng đầy đủ và xúc động về nhân vật cũng như nắm rõ tư tưởng mà vở kịch đưa lại.

Như vậy, để cung cấp kiến thức về thể loại chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu, GV trước tiên hướng dẫn cho HS nắm vững được khái niệm, sau khi đã nắm được khái niệm,

GV sẽ cung cấp những đặc trưng thể loại để từ đó HS có thể đi sâu vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm cũng như phân tích và khám phá chiều sâu tư tưởng của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm ấy.

2.3.2.2. Hướng dẫn HS đọc diễn cảm

Từ lâu, trong dạy học Ngữ văn, đọc diễn cảm được xem là một phương pháp đặc thù được các GV chú trọng, bởi qua cách đọc có thể đánh giá tính chất cảm thụ ban đầu của HS. Đúng như tác giả M.A.Rưbnikova (Nga) khẳng định: "Đọc diễn cảm là hình thức đầu tiên và cơ bản của việc giảng dạy văn học một cách trực quan và cụ thể... là hình thức trực quan quan trọng hơn bất kì một hình thức trực quan bằng tri giác nào" [65, tr.26].

Muốn hướng dẫn, rèn luyện HS đọc diễn cảm, trước hết người GV cũng phải biết đọc diễn cảm. Những người GV dạy văn giỏi thường là những người có giọng đọc truyền cảm, ấn tượng, bởi có hiểu tác phẩm mới đọc đúng, đọc hay được. Đọc diễn cảm của GV sẽ gây ấn tượng sâu sắc về tác phẩm văn học cho HS, kích thích hoạt động tưởng tượng của HS, giúp HS hiểu được nội dung biểu cảm của tác phẩm và làm tăng hứng thú học văn của HS. Mặt khác đọc diễn cảm của GV sẽ giúp HS chuẩn bị cho việc phân tích tác phẩm được tốt hơn. Tuy nhiên, khi hướng dẫn HS đọc diễn cảm, GV không nên xem đây chỉ là công việc mở đầu của tiết dạy, là "khoảng trống" để GV ổn định tâm thế, để HS trật tự, ngược lại cũng không nên quá lạm dụng phương pháp đọc diễn cảm khiến thời gian còn lại của tiết học không đủ để tìm hiểu nội dung tác phẩm.

Có thể nói, đọc diễn cảm là chiếc cầu đưa HS đi vào thế giới nhân vật và cuộc sống qua mỗi trang văn, Khi GV đọc mẫu hay cho HS đọc diễn cảm điều cần chú ý nhất chưa phải là sự trôi chảy mà phải xét xem HS có nhập vào cảnh, vào tình trong tác phẩm hay không. Như tác giả Phan Trọng Luận đã nói: "Nghệ thuật đọc diễn cảm chính là nghệ thuật xử lí một cách hợp lí mối quan hệ giữa khách quan phản ánh và chủ quan biểu hiện của tác giả, quan hệ giữa chủ quan người đọc và chủ quan tác giả để truyền đạt được tiếng nói tình cảm của tác giả đến bạn đọc" [51, tr.199]. Bằng sức mạnh riêng của đọc diễn cảm, người GV dẫn dắt HS đi vào thế giới của tác phẩm một cách dễ dàng, phù hợp với quy luật cảm thụ văn học. Nhưng đọc diễn cảm phải là một hoạt động phối hợp chặt chẽ với các phương

pháp khác để giúp HS hiểu và cảm tác phẩm văn học một cách đúng đắn. Trong một thời gian nhất định, GV có thể cho HS đọc dưới những hình thức và mức độ khác nhau, đọc cả bài, đọc từng đoạn, đọc để làm sáng tỏ lời bình, đọc để minh chứng cho lời giảng, đọc đầu giờ và đọc ở cuối giờ học, đọc để kích thích trí tưởng tượng, để tái hiện hình ảnh hay duy

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 66 - 87)