Giải pháp chung

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 59 - 66)

2.3.1.1. Nâng cao vai trò, vị trí của môn văn trong nhà trường

Trong hệ thống giáo dục phổ thông, môn văn có một vị trí rất quan trọng cả về hai mặt "bồi dưỡng văn hoá, khoa học kĩ thuật" và "giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa". Không phải ngẫu nhiên môn văn trong nhà trường là một trong những môn học có số tiết học chiếm tỉ lệ cao so với các môn học khác. Đúng như tác giả Lê Trí Viễn đã nhận định ở bài viết Về vị trí môn văn trong nhà trường phổ thông: "Hai môn Văn và Toán là hai môn có vị trí hàng đầu trong các môn học ở trường phổ thông, trong đó Văn được xếp trước Toán" bởi môn văn được xem là "công cụ cho tất cả các môn, công cụ tư duy, công cụ diễn đạt, công cụ học tập". Do đó, từ trước tới nay, việc dạy học văn trong

nhà trường nói chung, ở các trường THPT nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục - Đào tạo, của các ban ngành và của các nhà nghiên cứu.

Môn văn trong nhà trường vừa là một môn khoa học, đồng thời cũng là môn mang tính thẩm mĩ, đây là một môn học có ưu thế trong việc giáo dục tư tưởng và đạo đức cho HS, có vai trò tích cực trong việc đào tạo thế hệ trẻ thành những "người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt". Có rất nhiều thế hệ trẻ xúc động sâu sắc trước những áng thơ văn bất hủ của dân tộc, say sưa trao đổi với nhau về những giá trị, ý nghĩa của những bài văn, bài thơ để từ đó có ý chí vượt qua thử thách trong cuộc sống. Qua môn văn, GV góp phần bồi dưỡng cho HS những tình cảm nhân văn cao cả, lí tưởng thẩm mĩ đúng đắn, lòng yêu mến, ngưỡng mộ và tự hào với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng cho HS những suy nghĩ, hành động khoa học, một tâm thế chủ động khi mở cánh cửa bước vào tương lai.

Tuy nhiên, theo khảo sát của các nhà giáo dục Việt Nam, chất lượng học văn của HS THPT ở nước ta ngày càng giảm sút, môn văn đang mất dần vị thế vốn có của nó. Tình trạng HS không còn hứng thú với việc học văn trở thành một hiện tượng phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay, nhiều HS tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với môn văn. Thực tế qua các kì thi tốt nghiệp phổ thông và Đại học, Cao đẳng… chất lượng môn văn ở các trường phổ thông đáng cho chúng ta phải suy nghĩ và lo ngại. Nhiều GV trong quá trình giảng dạy nhận thấy HS không ham thích các tác phẩm văn học, không hứng thú mỗi khi đến giờ học văn, dẫn đến việc non yếu về mặt tinh thần và tư tưởng. Đây là kết quả của nhiều nguyên nhân như quan niệm của xã hội, cách tổ chức thi cử, nội dung phương pháp giảng dạy, điều kiện tư liệu, sách vở, môi trường sống… Do đó, những năm gần đây, vấn đề dạy học văn trong nhà trường phổ thông ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong nhiều công trình, tạp chí đã đề cập đến vấn đề dạy học văn và đưa ra những giải pháp để nâng cao vai trò, vị trí của môn văn trong nhà trường. Qua ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy để nâng cao vai trò, vị trí của môn văn trong nhà trường THPT, chúng ta cần phải chú ý những mặt sau:

Thứ nhất, chương trình và nội dung SGK phải được biên soạn công phu, kĩ lưỡng, cung cấp lượng kiến thức đa dạng với nhiều thể loại, tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc, phù hợp với đối tượng HS THPT.

Thứ hai, GV luôn cập nhật thông tin, đổi mới PPDH theo hướng tích cực, có lòng yêu nghề, yêu văn chương và truyền thụ tri thức phong phú, hấp dẫn đến HS, kích thích hứng thú học tập của HS qua mỗi bài giảng của GV. Người GV phải ý thức được rằng dù là giờ Tiếng Việt, Tập làm văn hay giờ đọc - hiểu, GV phải luôn luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, xây dựng nhân cách, bản lĩnh cho HS, tạo điều kiện để HS hiểu rõ và kế thừa những di sản tinh thần quý báu của dân tộc.

Thứ ba, nhà trường nên thường xuyên tổ chức cho HS được giao lưu, toạ đàm với các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Qua những câu chuyện hết sức chân thật, sinh động của nhà văn, nhà thơ về sự ra đời của tác phẩm, ý tưởng xây dựng nhân vật… sẽ khơi dậy niềm đam mê đọc và học những tác phẩm văn học có trong SGK. Đồng thời nhà trường cũng nên tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ văn về các chủ đề khác nhau để HS không những thể hiện được năng lực sáng tác mà còn học hỏi được những giá trị chân thiện mĩ trong cuộc sống.

Như vậy, trên con đường xây dựng, đổi mới và phát triển môn văn ở trường THPT, việc nâng cao vai trò, vị trí môn văn trong nhà trường là một việc làm hết sức đúng đắn và thiết thực, góp phần bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, khơi nguồn sáng tạo và tiếp tục làm phong phú đời sống tâm hồn cao đẹp cho bao thế hệ HS.

2.3.1.2. Nội dung dạy học phải phù hợp với đối tượng HS

Để làm tốt vai trò của người GV trong việc truyền thụ kiến thức văn chương và bồi

dưỡng tâm hồn cao đẹp cho HS, người GV không chỉ chú trọng mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học mà còn phải bám sát vào đối tượng HS để có cách thức giảng dạy cho phù hợp. Đúng như lời của GS Phan Trọng Luận: "Khi nhấn mạnh đến quan điểm người đọc, đến phản ứng và đáp ứng của HS trong giờ văn, chúng ta vẫn không tuyệt đối hoá hay cường điệu hoá thích thú, sở thích của HS. Trong nhà trường luôn luôn kết hợp

hài hoà giữa cảm thụ cá nhân HS với định hướng sư phạm của người GV. Một quan điểm tiếp cận đồng bộ văn bản, ngoài văn bản và đáp ứng của người học là sự kết hợp cân mực hài hoà đồng bộ, bảo đảm hiệu quả vững chắc cho việc nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường" [51, 189].

Tuy nhiên, trong thói quen nghề nghiệp của không ít GV lâu nay, đối tượng giảng dạy thường bị xem nhẹ. Người GV chưa đặt ra cho mình nhiệm vụ và trách nhiệm nghiên cứu, nắm rõ đối tượng trước khi xác định phương hướng, nội dung và lựa chọn phương pháp cho bài giảng. GV khi dạy không quan tâm, để ý đến thái độ, suy nghĩ của HS dẫn đến việc HS thờ ơ, lãnh đạm với số phận các nhân vật, với tác phẩm. GV chỉ quan tâm đến văn bản, đến nghệ thuật truyền giảng mà không chịu tìm hiểu HS có những phản ứng như thế nào về tác phẩm. Thậm chí có nhiều GV sử dụng bài soạn đồng loạt cho nhiều lớp, qua nhiều năm mà không có sự chỉnh sửa, thay đổi. Việc GV không am hiểu, không quan tâm đến đối tượng giảng dạy được xem là "dạy không có địa chỉ", hay nói cách khác là dạy cho xong chuyện, cho hết giờ. Nắm đối tượng giảng dạy văn chương không phải chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết chung chung về tâm lí lứa tuổi mà còn là sự am hiểu phản ứng cụ thể của từng HS trước mỗi bài văn, mỗi tác phẩm văn chương. Bởi vậy, trong quá trình giảng dạy người GV phải chú ý đến phản ứng tâm lí của người học và cũng là những độc giả mà nhà văn muốn hướng đến, từ đó GV sẽ có cách dạy, cách truyền đạt phù hợp với từng đối tượng HS.

Bám sát đối tượng HS trong dạy học nói chung và trong dạy học văn nói riêng là một việc làm hết sức cần thiết. Người GV có hiểu rõ điều này thì mới đưa lại một giờ dạy và học thành công. Bởi đối tượng HS THPT gồm nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều khối học khác nhau, vì vậy đặc điểm tâm sinh lí cũng khác nhau, cho nên việc học văn và khả năng tiếp nhận văn chương ở mỗi HS hoàn toàn không giống nhau. Chính vì thế, khi xác định nội dung dạy học, GV phải xuất phát từ trình độ nhận thức của HS, nếu nội dung giảng dạy quá khó thì HS sẽ học thuộc lòng một cách máy móc và giờ học trở nên nặng nề, căng thẳng, nhưng nếu nội dung bài học dễ quá không đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo của HS thì các em sẽ chủ quan, thụ động và hứng thú học tập lại giảm sút. Chú trọng điều này, người GV phải nắm rõ đặc điểm tâm lí lứa tuổi của HS THPT, nắm rõ trình độ của HS để xây dựng

hệ thống bài dạy, chuẩn bị tiến hành giờ dạy sao cho HS có đủ khả năng và hào hứng tiếp nhận tri thức, đó chính là việc làm góp phần xoá bỏ tình trạng "quá tải" (HS phải học quá nhiều, nội dung bài học vượt tầm suy nghĩ của HS khiến HS không thể tiếp thu được) cũng như hạn chế được tình trạng kiến thức đưa đến cho HS quá ít, không sát với kiến thức chuẩn của khung chương trình định sẵn. Đặc biệt, với HS THPT, GV nên có những tư vấn hướng học và tư vấn hướng nghiệp cho HS, GV có thể tìm hiểu nguyện vọng, sở trường của HS để có chương trình dạy phù hợp với từng đối tượng. Bởi dựa vào những phẩm chất

trí tuệ và hứng thú môn học GV sẽ giúp HS phát huy được những mặt trội nhiều hơn, mạnh hơn.

Có thể nói, để đạt tới những mục đích sư phạm - thực tiễn thì những tri thức về đặc điểm phát triển tâm lí theo lứa tuổi là cần thiết và thậm chí không thể thiếu được. Hiểu HS để dạy HS, hiểu đối tượng để dạy cho đúng đối tượng là một trong những biện pháp, cách thức để người GV văn học gặt hái được những thành công trong sự nghiệp trồng người.

2.3.1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Việc đổi mới mục tiêu và nội dung dạy học đòi hỏi phải đổi mới phương pháp, muốn đổi mới phương pháp cần chú ý tới phương tiện dạy học. Công nghệ thông tin là một trong những phương tiện quan trọng giúp người GV soạn thảo và ứng dụng các phần mềm trong dạy học.

Cho đến thời điểm này, có thể nói không một ai nghi ngờ vai trò to lớn và những ứng dụng kì diệu của công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ở lĩnh vực dạy học, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thu được nhiều kết quả và tạo nên những chuyển biến lớn lao trong dạy và học. Công nghệ thông tin góp phần nâng cao tiềm lực của người GV bằng việc cung cấp những phương tiện làm việc hiện đại. Từ các phương tiện đó, GV khai thác, cập nhật và trao đổi thông tin, bổ sung và tự làm giàu vốn tri thức cho mình. Có thể kể ra một số phương tiện chủ yếu như mạng Internet, các loại từ điển điện tử, … Qua trang web, GV có thể giới thiệu giáo án của mình, trình bày những ý tưởng và cách thức dạy học để trao đổi với các đồng nghiệp. Trong điều kiện SGK và sách tham khảo không thể cập nhật tài liệu, phong phú và sống động như trên mạng Internet, thì việc GV

biết khai thác tri thức chung của nhân loại bằng các công cụ đa phương tiện là hết sức hữu hiệu. Ngoài ra, GV có thể dùng công cụ tìm kiếm Google. Với Google, GV có thể tìm tư liệu về các tác giả, tác phẩm văn học một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, khi cần tìm hình ảnh và các tư liệu về nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… GV sẽ nhập tên nhà văn cần tìm, trong tích tắc máy sẽ giúp GV có được những tư liệu, tranh ảnh liên quan đến nhà văn này. Đồng thời, qua mạng Internet, GV còn có thể đọc báo điện tử, cho đến nay, hầu hết các tờ báo lớn trong nước đã được đưa lên mạng, chỉ một thời gian ngắn, GV có thể truy cập các bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại, Văn hoá và Tuổi trẻ, Ngôn ngữ và Đời

sống… Bên cạnh đó, hình thức thư điện tử cũng rất tiện lợi cho việc liên lạc, trao đổi tư

liệu với các nhà văn, các nhà nghiên cứu và bạn bè đồng nghiệp về những gì GV đang quan tâm.

Đặc biệt, với công nghệ thông tin, GV có thể soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử. Với Power Point, GV không chỉ trình bày nội dung bài học bằng hình thức văn bản mà còn có thể cài đặt thêm tư liệu, hình ảnh minh hoạ đẹp và sinh động. Nhờ đó GV sẽ tiết kiệm được thời gian, không phải viết bảng, cắt bỏ được nhiều thao tác không cần thiết. Chẳng hạn khi dạy bài Tây Tiến của Quang Dũng, ngoài việc tìm những tư liệu, những hình ảnh minh họa đoạn đường gian khổ khi hành quân của các chiến sĩ, GV còn có thể sử dụng lời bài thơ Tây Tiến đã được phổ nhạc, HS nghe và sẽ cảm nhận sâu sắc hơn chất hùng tráng và bi tráng của bài thơ. Hoặc khi dạy Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, GV có thể sưu tầm những tranh ảnh, bài viết về Huế - về sông Hương để HS có thể nhìn thấy qua màn hình dòng sông sáng xanh trưa vàng chiều tím và sẽ cảm nhận được chất thơ của Huế, thấy được bề dày văn hóa Huế và nét riêng của tâm hồn con người Huế. Đồng thời, nhờ có Power Point, việc kiểm tra nhanh HS bằng các câu hỏi trắc nghiệm trở nên khả thi hơn rất nhiều. Đặc điểm của câu hỏi trắc nghiệm thường dài, ít nhất là 2 câu với loại câu hỏi lựa chọn đúng, sai và 4 câu với loại câu hỏi chọn một đáp án đúng nhất. Khi soạn bằng Power Point, GV vừa nói vừa cho câu hỏi và đáp án hiện lên, sau khi HS trả lời, GV chỉ cần click chuột thì đáp án đúng sẽ được đánh dấu.

Rõ ràng, hiệu quả của phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử là điều chúng ta không thể phủ nhận, tuy nhiên công nghệ thông tin không thể thay thế được người GV,

nếu GV quá lạm dụng thì HS sẽ mất đi khả năng cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương. Qua thực tế chúng tôi thấy có khá nhiều bất cập trong soạn giảng bằng giáo án điện tử:

Thứ nhất, khi sử dụng giáo án điện tử, phần lớn GV bị phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình máy chiếu. GV thường không phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung cần ghi chép. GV chiếu kiến thức liên tục lên màn hình mà không có dẫn dắt khơi gợi cho HS nắm bắt kiến thức, điều này dẫn đến tình trạng HS mải miết ghi mà không có chút nhận thức về giá trị tác phẩm.

Thứ hai, nhiều GV quá "phô diễn" tính năng công nghệ thông tin, đưa nhiều tranh ảnh, lời bài hát lên trình chiếu khiến HS bị cuốn hút vào hình ảnh, âm thanh sống động mà quên nội dung chính của bài, không cảm nhận được vẻ đẹp, cái hay, cái tình, cái hồn của văn chương.

Thứ ba, một số GV đã sử dụng công nghệ thông tin một cách máy móc dẫn đến bài nào cũng dạy bằng máy chiếu mà không có sự chọn lựa phù hợp, không nghĩ đến tính năng hiệu quả của công nghệ thông tin đưa lại cho bài học.

Để khắc phục những bất cập trên, theo chúng trong mỗi tiết học, GV nên kết hợp cả phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống, nghĩa là ngoài việc dùng các hình ảnh, đoạn phim ngắn để minh họa, GV nên cho HS thảo luận, tự nhận xét và phát biểu ý kiến để HS được bộc lộ suy nghĩ của mình qua giờ học. Đồng thời không nên sử dụng Power Point đồng đều, ồ ạt mà phải dựa vào đặc trưng thi pháp, thể loại của từng bài học

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu các tác phẩm văn học việt nam hiện địa trong trường THPT ( khảo sát trênđịa bàn huyện đô lương tỉnh nghệ an) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 59 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w