Những điều kiện thuận lợi từ quê hương, gia đình và học vấn bản thân

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 30)

bản thân

Quê hương, gia đình tác động đến mức nào là tùy thuộc vào thời gian gắn bó và khả năng, mức độ thẩm thấu của tâm hồn người. Con người chịu tác động bởi hoàn cảnh sống xung quanh mình, trong đó, gia đình và quê hương có vị trí vô cùng quan trọng với giai đoạn hình thành nhân cách, giai đoạn mà những tiếp nhận có ý nghĩa làm nền tảng, thì khả năng thẩm thấu những giá trị trong đời sống, sẽ chuyển hóa nó thành đời sống tinh thần... và đối với một nhà văn, điều này sẽ vô cùng ý nghĩa.

Quê hương Quảng Bình của Nguyễn Quang Lập mang những nét đặc thù của miền trung: thiên nhiên luôn khắc nghiệt (cát trắng, nắng gió, bão lũ...), trải nhiều năm chiến tranh, bom đạn tàn phá, một miền đất nổi danh vì cái nghèo khổ đeo đẳng, nhưng con người nổi bật phẩm chất đáng yêu: hiền hòa, dung dị, chân chất...

Mang quê hương trên mình, Nguyễn Quang Lập thấm thía nắng gió, bão lũ, nghèo khổ, cũng như tình người của quê hương Quảng Bình, thêm nữa, Ba Đồn, Quảng Trạch, quê hương của Nguyễn Quang Lập là một trong những cái nôi văn hóa của Quảng Bình, nơi thiên nhiên ưu ái hơn, con người tụ hội về đây làm nên một vùng quê có bản sắc văn hóa lâu đời, đời sống đô thị, tâm lý, lề thói của dân “kẻ chợ” (chợ Ba Đồn), hòa lẫn vào đời sống văn hóa làng quê, văn hóa sông biển, làm nên sự đặc biệt và đa dạng.

Quê hương, với nhiều nhà văn, là đề tài, là tư liệu, là cảm hứng... Nguyễn Quang Lập cũng không ngoại lệ. Cảnh sắc, con người, ngôn ngữ, phong tục... của quê hương thấm ngấm, ăn sâu, đã phần lớn làm nên con người Nguyễn Quang Lập, và hiện rõ lên trang viết của ông.

Sống trong một gia đình đông anh em, nơi làng xóm đông đúc tụ hội lâu đời đã cho Nguyễn Quang Lập nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm, từ đó mà

có thêm nhiều suy ngẫm, cảm nghiệm. Mẹ ông là người phụ nữ của gia đình, chợ búa, nội trợ, sống cuộc sống dân giã, mộc mạc giữa cộng đồng làng xã. Người cha lại xây dựng cho gia đình, các con nếp sống bởi tư duy của một trí thức, một nhà giáo, đó là lo cho các con học hành, sớm thông tường chữ nghĩa, kiến thức, học vấn luôn được đắp bồi bởi tủ sách gia đình trên dưới ngàn cuốn, cùng những giảng giải, vun đắp hàng ngày của cha. Gia đình nông dân, thị dân, hay gia đình trí thức... điều đó sẽ có tác động khác nhau lên đời sống tinh thần, lên tư duy, lối viết của một nhà văn.

Nguyễn Quang Lập sớm biểu hiện tư chất thông minh, và cá tính, lên bốn, lên năm đã biết đọc, biết viết, 7 tuổi đã làm thơ thành thạo, là học sinh giỏi cả văn và toán. Học đại học Bách khoa Hà Nội, ra trường lại nhập ngũ, ra quân làm việc tại sở VHTT Bình Trị Thiên. Làm tạp chí Cửa Việt. Ra Hà Nội làm báo Văn Nghệ Trẻ, sang Nhà xuất bản Kim Đồng, viết kịch sân khấu, kịch bản phim...

Trải những cơ cực trong mưu sinh, những bầm dập trong trường văn, nhất là với tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng, những trải nghiệm cuộc đời có khi thuộc về ý thức tự dấn thân, cũng có khi do sự đưa đẩy của duyên phận, tất cả đã làm cho sáng tác của Nguyễn Quang Lập ngày càng mặn mà, chân thực. Khi ở cái tuổi “muối mặn, gừng cay”, vụ tai nạn khiến cho Nguyễn Quang Lập cận kề cái chết, ông thấm thía nhiều hơn những lẽ ở đời, trang văn của ông đời hơn, người hơn. Vốn sống, sự trải nghiệm trường đời là vốn quí, nhất là khi dám sống thẳng, sống thật thì trang viết dựa vào vốn sống đó mới có nhiều giá trị và ý nghĩa, đáng quí vì Nguyễn Quang Lập là một nhà văn như vậy.

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w