Nhìn lịch sử qua những số phận cá nhân

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 44)

Chú ý đi sâu vào những số phận nhỏ bé khuất lấp, những câu chuyện đời tư, đồng thời Nguyễn Quang Lập đã vẽ nên bức tranh thời đại theo góc nhìn của mình. Những bi kịch cá nhân đều có sự góp phần ít nhiều, trực tiếp, hoặc gián tiếp của thời đại, của hoàn cảnh xã hội.

Chiến tranh, hòa bình là bối cảnh lịch sử lớn, từ nó sinh ra vô vàn các hoàn cảnh khác nhau. Viết về chiến tranh, Nguyễn Quang Lập thường viết từ góc nhìn qua hồi ức của nhân vật. Không trực diện, không khốc liệt kiểu địch ta sống mái. Các nhân vật của Nguyễn Quang Lập hầu hết đều từ hòa bình

nhìn về chiến tranh. Có một lớp người Việt Nam, ký ức của họ, bi kịch của họ gắn với chiến tranh, đây là mảng mà Nguyễn Quang Lập tập trung khai thác.

Chuyện ở thung lũng Chớp Ri, trong cái nhìn, suy nghĩ của hai đứa trẻ

gương mặt chiến tranh là: cảnh sống nơi sơ tán, là thằng Nhơn mất hết người thân, là cô Thương phải xa chú Dũng, người lính, và là thần tượng của hai đứa trẻ. Có thể nói sự thần tượng, tình cảm đối với chú Dũng, cũng như việc muốn có súng của hai đứa trẻ đã tô đậm nét tâm lý thời chiến của người Việt. Bi kịch tinh thần mà chiến tranh mang lại, đó là bi kịch của cô Thương, nó lây sang cả hai đứa trẻ.

Tiếng gọi phía mặt trời lặn có đoạn: “Một ngày mưa, đoàn “tải

lương” đang xuống dốc. Mặt mày ai nấy đều méo xệch, họ níu vào các nhành cây thận trọng bước từng bước. Lúc lúc có một người trượt chân, gùi gạo bỗng xoay ngược về phía trước, sau đó là một tiếng kêu đau đớn...”(Tiếng gọi phía mặt trời lặn).

Chỉ cần những dòng như thế là đủ cho ta hiểu, nếu không có những việc làm, những con người như thế thì làm sao có chiến thắng? Nguyễn Quang Lập thường hướng ta vào những góc nhìn khuất, nhưng âm thầm dữ dội, và dễ bị bỏ quên. Điều đó trở thành đặc điểm, phẩm chất của truyện ngắn Nguyễn Quang Lập.

Vọng trắng, bi kịch được nhìn thấu từ phía sau chiến trường, trong góc

tối. Đó là nỗi đau đớn, tủi nhục của người vợ có chồng, người mẹ có con đứng về phía hàng ngũ địch, khi không thể biết chồng, con mình hoạt động tình báo.

Chiến tranh trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập như một cái phông lớn, mà ở đó diễn ra vô vàn tình huống, cảnh ngộ, và theo Nguyễn Quang Lập, chưa cần bom rơi đạn nổ ác liệt thì sức hủy hoại âm thầm, hàng ngày của nó đến với muôn nẻo, cũng đã là ghê gớm rồi.

Cây sến lửa, Tiếng kèn Trompet, Đợi đến mùa hoa phượng, Đường đời không lối rẽ, Ngày xửa ngày xưa, Những giọt rượu cuối đời, Tiếng lục lạc, Hạnh phúc mong manh, Đò ơi, Bốn chín cây cơm nguội... là những truyện viết

về chiến tranh bằng hồi ức nhân vật, bằng cái nhìn gián cách, qua nhiều lớp tâm lý, và chiến tranh chỉ là một đôi dòng ký ức, một góc nhỏ, là một mắt xích của bi kịch. Nguyễn Quang Lập khai thác sâu khía cạnh: chiến tranh đi về theo hòa bình, theo vào mọi ngóc ngách của đời sống riêng tư mỗi thân phận.

Trong truyện Cây sến lửa khốc liệt của chiến tranh và đời sống tâm lý tình cảm của người miền núi như sự chung thủy, chân thật, mộc mạc, sự rạch ròi yêu ghét... được hiện lên qua hồi ức nhân vật.

Ba-Đoong với Cu Muôn là đôi bạn thân, giặc đến, Ba-Đong đi theo giặc làm hại đồng bào, Cu Muôn dận dữ tìm giết Ba- Đoong:

“- Ba-đoong, tau giết mi rồi, vì mi ác. Mi làm sai lời thề xưa: không hại

lũ làng. Mi thành con thú, tau giết. Không giết mi, mi hại nhiều lũ làng nữa, phải giết thôi. Nhưng mi là bạn tau. Tau thương lắm. Tau không muốn mi chết. Mi phải sống với tau. Mi nhập cái hồn mi vào cây sến này đi. Từ nay cây sến chính là mi. Tàu đêm nào cũng đến chơi với mi, nói chuyện với mi, mi bây giờ phải như cấy sến mọc thẳng, Ba-đoong à.

Ít lâu sau thằng Tâng ở đâu tìm về. Nó to lắm, khỏe lắm. Con Bun-xe vừa thấy nó đã ngã lăn ra, ngất lịm. Ta mổ lợn khao nó. Rồi nói:

- Tâng! Mi nghe tau nói đây: Cha mi chết rồi! - Á… Ai giết cha tui?

- Tau!

Nó ngớ ra. Sau, ta kể hết, nó ôm mặt khóc nhiều lắm. Ta uống hết mười bát rượu đầy rồi nói với thằng Tâng:

- Tâng! Người ta nói: Ai giết cha mình, phải giết người đó! Ai giết bạn thân mình, phải giết người đó. Chừ tau có hai tội: Một là giết cha mi, hai là

giết bạn tau. Tau đáng hai lần chết. Mi nghe đây: Cái mác giết cha mi tau vẫn cất đó, đợi mi về. Mi giết tau đi. Giết đi đừng sợ. Tau đáng tội chết rồi. Còn con Bun-xe là của mi, tau với Ba-đoong đã thề rồi, không làm sai được!”( Cây sến lửa)

Đó là đoạn thể hiện được tính chất bi hùng của một mối quan hệ vừa mang tính cá nhân đời tư, vừa thể hiện được tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng, dân tộc trong cuộc chiến.

Cái chung và cái riêng, cái thuộc về cá nhân và cái thuộc về cộng đồng trong truyện này được Nguyễn Quang Lập nhìn nhận, phản ánh hài hòa, chân thực. Là truyện thể hiện cảm hứng sử thi rõ nhất trong số truyện viết về chiến tranh của Nguyễn Quang Lập, nhưng góc riêng tư, tình cảm đời, thường đều được chú ý khai thác mạnh, điều đó cho thấy lý tưởng thẩm mỹ ở thế hệ nhà văn như Nguyễn Quang Lập thực sự chuyển hướng rõ rệt.

Truyện Hạnh phúc mong manh, từ một cảnh ngộ của chiến tranh, hai người lính, một nam một nữ vì lạc đơn vị, lạc đường, đêm mưa lạnh ở rừng, thương nhau, trao thân, họ có với nhau một đứa con trong đêm lạc rừng ấy, rồi thời gian chồng lên nhau, hết chiến tranh, người thì một mình tủi cực nuôi con, người thì đi lấy vợ, cho đến một ngày tìm được nhau, bốn người dưới một mái nhà, bốn người mang bi kịch nặng nề từ đó.

Nguyễn Quang Lập nhìn về chiến tranh từ khoảng cách xa, xa về thời gian, không gian, và ông đã khai thác được những bi kịch âm thầm, có sức tàn phá, hủy diệt dai dẳng loang rộng.

Như thế, viết về chiến tranh, Nguyễn Quang Lập không theo khuynh hướng sử thi, mà nghiêng mạnh về cảm hứng đời tư. Cả trong chiến tranh và sau chiến tranh, nhiều cảnh nước mắt, đổ vỡ, mất mát, chết chóc, những chấn động chiến tranh, cả trực tiếp và gián tiếp, rất dai dẳng, và sâu xa đã tạo nên những số phận người đầy thương cảm, những số phận, cuộc đời ấy không hề ít, họ chính là nét mặt của thời đại.

Hòa bình nhưng vẫn nhức nhối vì vết thương chiến tranh, và hòa bình hay chiến tranh thì thân phận người, những bi kịch tinh thần vẫn là vấn đề hàng đầu của văn chương. Nếu những truyện ngắn thời kỳ đầu của Nguyễn Quang Lập thiên về cảm hứng cảm thương, tâm tình, pha màu sắc lãng mạn, khắc họa những thân phận thua thiệt, những cuộc đời bi kịch, thì những truyện ngắn viết ở thời kỳ sau, Nguyễn Quang Lập phác vẽ bức tranh thời đại ở góc nhìn bao quát, với cái nhìn thâu góp nhiều hiện tượng xã hội, nhất là trực tiếp hơn với hiện tượng tiêu cực, xấu xa, nổi bật cảm hứng phê phán, nổi bật kiểu nhân vật đám đông, và kiểu nhân vật đại diện cho nhà nước, chính quyền, dù đó là anh trưởng thôn… những mâu thuẫn hé lộ, báo hiệu những vấn đề thời đại sẽ tác động lên đời tư, sẽ uốn nắn con người cá nhân cho vừa với khuôn mức của xã hội… Và dù thế nào, với những nhân vật, những câu chuyện được kể ra, Nguyễn Quang Lập cũng góp phần thể hiện thời đại, vì cuộc sống, thân phận con người thế nào thì nói lên thời đại như vậy. Hướng vào đời tư, vào con người cá nhân, nhưng đồng thời nhà văn luôn có ý thức, khát vọng phản ánh lịch sử, thời đại.

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w