Văn chương phản ánh cái xấu, cái tốt, cái tiến bộ văn minh, và lạc hậu... văn chương chia sẻ, xoa dịu, hướng thiện, hướng thượng... nhưng có loại văn chương không dễ hướng thượng, hướng thiện, chỉ khiến cho độc giả thêm ảo tưởng, vì cái lối tùy tiện tô vẽ, uốn nắn khi được phép hư cấu.
Hư cấu thăng hoa trong quá trình sáng tác, làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng quan trọng là nó vì mục đích hướng thượng, hướng thiện, và muốn như vậy thì hư cấu nhưng phải rất thực, “như thật”, không tạo khoảng cách văn với đời. Nhà văn khi sáng tạo nghệ thuật đều khao khát tác phẩm của mình đạt được như thế, và dĩ nhiên họ không ngừng trăn trở, đổi mới để viết ngày càng “đời” hơn.
Loạt truyện đổi mới trong nghệ thuật tự sự giai đoạn sau của Nguyễn Quang Lập đăng trên Blog Quê Choa như Đa phu, Xóm gái hoang, Quê choa
chí dị, Kẻ tàng hình, Đường đời lắm nẻo, Hố xí hai ngăn, Bí mật ngõ nhỏ... cho
thấy nỗi trăn trở về chức năng, nhiệm vụ, tính hiệu lực của văn chương trong những biến đổi của thời đại. Những hoạt động nghệ thuật, những trải nghiệm nghề văn, những nhận thức của một cuộc đời nhiều cọ xát... đã làm nên một giai đoạn mới trong sáng tác của Nguyễn Quang Lập, đó không chỉ là khát vọng làm mới mình, mà quan trọng hơn, đó là ý thức của Nguyễn Quang Lập về sứ mệnh văn chương trong thời kỳ mới, làm được đến mức độ nào chưa biết, nhưng đó là khát vọng của ông về khả năng chiến đấu, sức tác động, tính hiệu lực của văn chương.
“Thử nghiệm”, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thời đại, những cách tân của Nguyễn Quang Lập cho thấy quan điểm mới: học theo vẻ xù xì, thô ráp, nguyên sơ như vốn có của cuộc sống. Như là việc gom nhặt, sưu tầm cái hay, cái đẹp ở đời. Như việc mang từ sông suối, hang động những phiến đá, từ rừng sâu những nhành rễ... rồi nâng niu phủi rửa, lau chùi, đặt lên vị trí xứng đáng, vì nó xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật. Rất tự nhiên và tùy cảm xúc, cảm nhận của người thưởng ngắm.
Thái độ, quan niệm đó thật sự là coi trọng cuộc sống, coi cuộc sống như một kho báu chứa sẵn những tác phẩm nghệ thuật, mà người làm nghệ thuật không nên cho rằng phải tô vẽ nhào nặn cho ra thế này, thế kia mới là nghệ thuật.
Đều phản ánh cuộc sống, phản ánh cái tốt, cái xấu để qua đó gửi gắm thông điệp, khát vọng, nhưng thời kỳ đầu sáng tác, Nguyễn Quang Lập cho thấy rõ dấu vết nhào nặn, chuốt gọt chất liệu cuộc sống, một kiểu “làm văn chương”, như lẽ đương nhiên, là qui luật sáng tạo: lắp ghép, xử lý chất liệu cuộc sống, những gì mà người nghệ sỹ nhìn thấy, nghe thấy, trải qua trong hiện thực. Và đồng thời với qui luật sáng tạo đó, là khát vọng làm nên tác
phẩm nghệ thuật sống động như đời thực, khát vọng có trang văn như trang đời làm nên sự trăn trở của người nghệ sỹ mỗi khi cầm bút, cả đời cầm bút.
Văn chương đã từng xóa bỏ cái tôi cá nhân, đã từng lảng tránh phản ánh chuyện đời tư, tránh xa cái trần tục, từng che dấu những đau thương mất mát... đó chưa phải là văn chương phản ánh cuộc sống. Ai cũng thừa nhận một điều rằng: mới phản ánh một nửa sự thật, thì đó chưa phải là sự thật, vì vậy sự thêm bớt, hư cấu, nhào nặn trong văn chương không cẩn thận sẽ làm cho sự thật bị biến hóa, méo mó. Khả năng con người có giới hạn mà cuộc đời thì luôn vô tận. Người nghệ sỹ luôn thấy lực bất tòng tâm, luôn trăn trở: Viết gì và viết như thế nào? Hầu như họ luôn hết mình mà không thấy thỏa mãn.
Nguyễn Quang Lập cũng là một nhà văn như thế. Gần hai mươi năm ngừng viết truyện, như bất lực, và cũng như nung nấu, ấp ủ, để rồi ông đã có một sự bứt phá, ông đã thể hiện một quan niệm viết mới, một ý thức thẩm mỹ mới. Những chuyển đổi của Nguyễn Quang Lập đã thể hiện sự đa thanh, đa giọng, đa dạng trong hành trình sáng tác của ông. Thử lấy truyện ngắn Đò ơi viết năm 1985:
“...Tiếng hát của ông nhỏ dần, rời rạc dần rồi lịm tắt. Ấy là khi ông đã ngủ say.
Nhưng có rất nhiều đêm, tỉ như đêm nay chẳng hạn, sau khi hát chán chê, ông ngồi bó gối nhìn chăm chăm vào ngọn đèn. Ông nhìn mãi… đột nhiên ngửa cổ cười khậc khậc và gầm lên: “Ngu”. (Đò ơi )
Đoạn truyện muốn diễn giải tâm trạng hiện tại của nhân vật, tâm trạng tự dày vò. Nhưng không đi thẳng mà tác giả vòng thêm một đoạn về trước: Nhân vật chửi mình “Ngu”, nhưng không phải “…về cái thời ca nô Pháp chạy qua sông và cái chết của ba trăm người dân chài lưới… Nhưng không, có một nỗi đau ghê gớm đang gợi thức cho ông. Đúng hơn, ông đang đau xót nhớ về một tội lỗi của mình”.
Nhịp điệu kể, tình tiết chính bị kéo dãn ra, chậm lại, gây chờ đợi, bằng cách chèn vào một sự kiện khác, đây là cách tự sự thường được Nguyễn Quang Lập sử dụng.
Sự kiện cái chết của ba trăm người dân chài lưới cũng làm nhân vật hay hồi nhớ lại, hay tự dày vò, nhưng hiện tại là chuyện khác, chuyện: “Ông có năm mươi hai năm sống lương thiện và một giờ gây tội ác. Ông cho đó là tội ác ghê tởm nhất mà tổng số những điều thiện ông có không sao bù đắp nổi. Chuyện đó xảy ra chính trong túp lều lá mía này”.
Vẫn là những câu dẫn gợi, thông báo phụ có tính bày tỏ thái độ, lương tâm, chưa chịu kể ra cái được gọi là tội ác, tội lỗi.
Gây tội ác như thế nào? Nhân vật nhớ lại, tỉ mỉ: “…Vào khoảng nửa đêm, gió bỗng nhiên chuyển hướng, mạnh dần lên. Và mưa. Và sấm chớp. Người lái đò chui vào lều, lấy chăn trùm kín đầu. Mặc cho mọi đột biến ngoài túp lều, ông rỉ rả hát cái câu hát muôn thủa của ông. Quá quen với rất nhiều cơn bão kiểu này, ông chẳng lo sợ gì, nhưng bao giờ ông cũng buồn.
Ngoài túp lều gió giật từng cơn, mưa dập xuống sông vỡ tan như tiếng nứa ấm âm vỡ. Mái lều làm bằng lá mía rung bần bật, ướt đẫm, nhỏ từng giọt xuống một góc chiếu. Tiếng bìm bịp tắt ngấm, khắp nơi ổn ào một thứ âm thanh hỗn tạp. Bỗng thấy mình trống trải, cô đơn, ông nhắm nghiền mắt thương nhớ về một kỉ niệm xa lắc”.
Sự hồi cố của nhân vật rất tỉ mỉ, nhiều chi tiết được kể tả nhưng vẫn chưa chạm tới chỗ một giờ gây tội lỗi.
Nhân vật mới hồi cố đến chỗ hồi cố. Và vẫn cứ nhịp điệu kể, tả chậm rãi, dềnh dàng. Xét về nhân vật thì con người này đang nâng niu, bẻ từng tí kỷ niệm ra mà nhâm nhi, nhấm nháp. Xét về phong cách tác giả thì cho thấy sự trau chuốt, chăm chút tình tiết, thích lang thang vào nhiều ngõ ngách trước khi đến nơi cần đến:
“Cô gái có khuôn mặt trắng hồng, mái tóc dày buông xuống quá gấu áo, đôi mắt tươi sáng và nụ cười. Ôi chao, cái nụ cười làm cho ngực ông nhói lên… Cô gái ngồi ở mui thuyền, thò tay xuống vốc nước hắt lên áo ông. Cười. Vầng trăng vỡ tan rồi chập lại lấp lánh… “Hò ơi… ví dầu cha mẹ em có đánh
chín chục, một trăm… roi, đánh xong rồi (mà) em đứng dậy… ơ… hờ… một hai (là) em vẫn theo… ơ… chàng!”.
Con thuyền nghiêng ngửa giữa dòng. Bàn tay trắng muốt đặt vào ngực ông. Vầng trăng đảo nửa vòng… “Đừng!… Liều!”. Vầng trăng bỗng trồi lên, bay chơi vơi trên mặt nước sương mù:.. “Có thương không?… Thiệt thương không?” Con thuyền quay vòng tròn, trôi vô hướng… “Ghét ghê… này! Đừng anh…”. Lại một lần nữa vầng trăng chao. Gió nổi. Bao nhiêu là gió. “Thôi anh. kìa…!”.
Thế mà đã qua rồi. Qua lâu rồi. Qua từ lúc nào ông cũng không biết nữa… À ơi… lạnh lùng thay láng giềng ơi… (chứ) Láng giềng lạnh ít… ơi…
à… sao tôi lạnh nhiều…”
Các sự kiện tiếp tục diễn ra trong đêm mưa, nhân vật đang chìm trong hồi ức tình yêu thì:
“- Đò ơi… đò!
Tiếng gọi đò bất chợt mọc lên giữa đêm mưa bão. Người lái đò uể oải chui ra khỏi lều. Gió giật, áo ông bay phần phật. Một bóng người đứng ở mép sông, tấm áo mưa trùm kín từ đầu đến chân.
- Ai đó? Vô đây!
Người lái đò giơ cao đèn bão ngang tầm mắt. Bóng người đó chuyển động chậm chạp về phía ông.
- Cháu ở đường 12 mới về… muốn qua sông…- Tiếng một phụ nữ cất lên trong trẻo. Dưới quầng sáng đỏ quạch của đèn dầu, ông nhận ra một cô gái khoảng hai mươi nhăm tuổi. Khuôn mặt hơi dài, ướt đẫm nước mưa.
- Muốn cũng không được. Chị vào lều trú tạm, khi mô lặng gió tôi đưa qua.”
Và vì mưa to gió lớn, không qua sông được, người phụ nữ đành ở lại túp lều.
“...Mái lều tự nhiên trổ một lỗ nhỏ, những giọt mưa lọt qua rơi đúng vào cổ ông. Ông mở mắt nhìn, chưa hiểu lý do vì sao mình thấy lạnh. Chợt ông thấy một gương mặt phụ nữ đang tươi tắn mỉm cười – có lẽ người khách đang có một giấc mơ vui – những sợi tóc mai rung rung.
Ông quay mặt đi cố nhớ vì sao lại có một gương mặt phụ nữ ở đây? Và lờ mờ nhớ ra. Ông nhắm mắt thở đều. Nhưng bấy giờ ngọn đèn bão lại làm cho ông chói mắt. Ông mở to mắt nhìn chằm chằm ngọn đèn. Ngọn đèn toả ra thứ ánh sáng yếu ớt, vàng nhợt. Khuôn mặt phụ nữ đang cười. Mấy giọt nước mưa còn đọng lại hai bên cánh mũi và đuôi mắt chợt lóng lánh.
Gió thổi ngọn đèn khẽ lay, những giọt nước mưa bỗng chuyển dộng… Phất phơ những sợi tóc mai… Ngọn đèn trước mắt ông bỗng nhoè dần… Tiếng sóng vỗ. Gió. Túp lều như chao đảo. Bỗng mọc lên một vầng trăng vỡ tan ra rồi chập lại, lấp lánh lấp lánh…
Trước mắt ông gương mặt người phụ nữ bỗng nhạt nhoà trong ánh sáng mơ hồ của ký ức xa xôi… Thốt nhiên vọng về tiếng hát “hò ơi… ví dầu chau
mẹ có đánh chín chục, một trăm roi, đánh xong rồi (mà) em đứng dậy… ơ hờ… một hai (là) em vẫn theo… ơ… chàng”.
Vầng trăng vẫn trồi lên bay chơi vơi giữa mặt nước sương mù. Con thuyền vẫn nghiêng ngửa giữa dòng. Vầng trăng đảo nửa vòng, lại nửa vòng trăng chao… Người phụ nữ khẽ cựa mình, đưa tay vuốt nhẹ tóc, rồi ngủ yên. Một giọt nước từ trán lăn xuống khoé môi, sáng vàng lóng lánh… “À ơi…
lạnh lùng thay láng giềng ơi… (chứ) láng giềng lạnh ít… ơi à… sao tôi… mà tôi… ư… lạnh (ơ) nhiều…”.
“Ông lao về phía khuôn mặt tươi tắn đang cười. Ông ghì chặt. Một tiếng kêu thất thanh. Ngoài túp lều mưa bão vẫn đầy trời.” (Đò ơi )
“Một giờ gây tội lỗi” của nhân vật được dẫn dắt qua bao hồi ức tỉ mỉ. Nó muốn giải thích, bào chữa cho hành động tội lỗi của nhân vật, và còn muốn lôi kéo người đọc ghé thêm chỗ này chỗ kia để thêm cảm nghiệm, trải nhiều dư vị. Ý thức làm văn chương khá rõ ở những chỗ đưa đẩy, tô nắn thêm, muốn nghệ thuật hóa cuộc đời. Dĩ nhiên đó là một lối viết, nó cũng thuộc về quan niệm làm nghệ thuật.
Truyện Đa phu, một truyện của thời kỳ sau:
“... Anh nói Lan ơi, có nhà văn Quang Lập, nhà thơ Tiến Đạt đến chơi. Chị nói rứa à rứa à, vội vã chạy vào. Tưởng chị bắt tay mình, nhưng không, chị bế xốc nách anh Kiện lên, tự nhiên như không, hôn chụt chụt mấy cái liền, nói chồng tui giỏi hè, mời cả nhà văn nhà thơ đến chơi.
Chị cười he he he, nói tức cười, sau đêm tân hôn mấy đứa bạn gái xúm lại hỏi răng rồi răng rồi, bằng chừng mô bằng chừng mô. Rồi chị ôm bụng cười rũ. Anh nói hoá ra đàn bà mồm nói con tim, bụng mơ con cặc. Chị sầm mặt, nói anh nói chi nói lại em nghe? Anh cười bẽn lẽn nói anh xin lỗi, anh nói đùa mà. Chị lại hôn anh đánh chụt nói nựng yêu nắm mừ, yêu nắm mừ.
Chị Lan tươi cười nói anh Lập không nhớ chứ hồi học ở Huế em vô nhà anh rồi đó, em đi theo con Oanh. Hoá ra mình gọi bằng chị là trật, cô Lan này còn nhỏ hơn mình bốn tuổi. Lan cười cười nói nói, nhắc vợ chồng thằng Thịnh hàng xóm của mình, nói anh Thịnh ngày xưa học giỏi hung, cô Trần Thuỳ Mai chấm luận văn cho 11 điểm. Mình trợn mắt, hoá ra quen nhau cả.
Lan học trước thằng Đạt hai năm, lứa thằng Thịnh, tức Nguyễn Thế Thịnh, giờ đang làm trưởng chi nhánh miền Trung báo Thanh niên. Lan yêu thằng Tín con một ông to ở Huế. Thằng Tín học đến lớp 9 thì bỏ, suốt ngày chỉ có 3 việc: rượu chè, đua xe và chim gái, không học hành gì cả.
Một đêm thằng Tín ẩn Lan vào gốc cây ngay sát hàng rào sân trường múc đến múc đại, chẳng may bị ông bảo vệ chụp được. Thằng Tín chạy thoát, còn lại Lan đứng trơ, quần bò chật lại hoảng hốt cập rập, kéo mãi không lên, chạy cũng không được. Bảo vệ nói kéo quần lên về ban giám hiệu với tui. Lan đứng trương mắt nhìn, còn vén áo lên, nói con có cái ni, chú muốn làm chi thì làm, đừng méc với nhà trường. Bảo vệ trơn mắt chỉ tay, quát cha tổ mi có đậy lại không. Lan khóc rống lên chú ơi là chú ơi… đã hở ra rồi đậy làm răng đậy mần chi, đây nì đây nì…. chú ơi!
Anh Kiện bày rượu ra, nói uống với tui một ly rồi tui nói với các anh một câu. Mình với thằng Đạt uống với anh hết gần hai chai rồi mà anh vẫn không chịu nói. Thằng Đạt nhắc đi nhắc lại hai ba lần, nói anh nói chi thì nói đi. Anh Kiện cười cái hậc, nói trí thức các anh tởm lắm. Mình hỏi sao. Anh Kiện lại cười cái hậc, nói sao trăng chi hè, trí thức mấy anh cái chi cũng biết mà không chịu nói, ngậm miệng ăn tiền, ngu ngu tởm tởm, còn tởm hơn cái bướm không lông” (Đa phu).
Có tình tiết, chi tiết của hiện tại và của quá khứ, cũng là chuyện tình yêu, chuyện nhục dục nhưng cách kể đã khác nhau, tình tiết, chi tiết được bóc trụi, rát rạt, và ngôn ngữ trần trụi, đời thường, không thích đưa đẩy, chậm rãi, nhẩn nha nữa. Nhịp điệu tự sự nhanh gấp bởi kể nhiều hơn tả, câu văn ngắn, chú trọng việc đưa ra chi tiết, sự việc... những truyện ngắn giai đoạn sau này đều được xử lý theo hướng đó. Lối tự sự mới tạo dấu ấn phong cách mới của Nguyễn Quang Lập.
Khảo sát thêm một đoạn trong Quê choa chí dị để thấy sự chuyển hướng về cách kể chuyện của Nguyễn Quang Lập.
“Thằng Đán thua mình bốn tuổi, chỉ sáu tuổi thôi nhưng khôn hơn rận, chuyện gì cũng biết, nó nói chôông là giống ma đó, mình nói ma chi, nó nói ma l. Mình cười he he he, đá đít nó một phát, nói ba trợn....”
“ Mình không tin, nói láo láo, răng mi biết, thằng Đán nói rình thì biết chơ răng. Mình lạ quá. Anh cu Thái mà rứa a, khi mô anh cũng bỏ áo trong quần, đi dép bốn quai, nói năng toàn văn minh lịch sự. Ai làm chi sai anh phê bình, nói sai anh chỉnh sửa, ai ai cũng nể sợ anh. Có người nói đồng chí Lê Nin lãnh đạo toàn thế giới mà lại có vợ, dở dở, thua Bác mình xa. Anh cu Thái trợn mắt đập bàn, nói tầm bậy, đồng chí Lê Nin lấy vợ là để nêu gương cho đoàn viên thanh niên toàn thế giới biết lấy vợ ra răng, sinh con đẻ cái ra răng. Mọi người nói ua chầu chầu, đồng chí Lê Nin gương mẫu hè. Nhưng có người cãi lại, nói rứa đồng chí Mao Trạch Đông lấy ba vợ là để nêu gương