Vì con người, đó là mục tiêu chung của mọi hoạt động. Văn chương, dĩ nhiên là cũng thế. Con người vốn thế nào thì văn chương sẽ cho thấy con người như thế, văn chương làm nhiệm vụ “mô phỏng”, “phản ánh”, “chụp lại” “ghi lại” cuộc sống, và hơn thế, văn chương còn vì con người ở mức nhân văn nhất.
Những gì thuộc về con người như khả năng, khát vọng, những trải nghiệm, kinh qua, những hiển hiện hay những che dấu, bí ẩn... khi đi vào văn chương sẽ góp phần thúc đẩy quá trình con người đến với văn minh, tiến bộ, về cả vật chất, lẫn tinh thần.
Con người là trung tâm của sự sống. Mô tả, thể hiện đời sống con người, cũng đồng thời mô tả thể hiện xã hội, thời đại. Văn chương cũng lấy con người làm trung tâm, con người đi vào văn chương thông qua khái niệm nhân vật, tuy nhiên, khái niệm nhân vật mang nội hàm rộng hơn, và nhân vật dưới dạng gì cũng đều được xây dựng với ý thức hướng về con người, mang đặc điểm người, tính người...
Nhân vật văn học theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học... là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người... Nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau trong đời
sống. Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người...” [29,162-163].
Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học định nghĩa: “Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhận vật văn học chỉ có thể được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể. Vai trò và đặc trưng của nhân vật văn học bộc lộ rõ nhất trong phạm vi vấn đề “nhân vật và tác giả” [3,250]. Đặc biệt, Lại Nguyên Ân còn nhấn mạnh: nhân vật văn học là “phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc đặc tính của con người” nên nó “có ý nghĩa trước hết ở các thể loại văn học tự sự, kịch” [3,250]. Ở thể loại tự sự, người ta quan tâm đến loại “nhân vật tự sự” để phân biệt với “nhân vật trữ tình” và “nhân vật kịch”. Trong tác phẩm văn học, nhân vật đóng vai trò vừa là chủ thể vừa là đối tượng của nghệ thuật kể chuyện. Khi có chức năng là một chủ thể, nhân vật đóng vai trò là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba kể về mình hoặc người khác. Còn khi có chức năng là đối tượng, nhân vật ngược lại không phải là người kể mà là người được kể từ một người khác cũng ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba nào đó. Theo đó các nhà nghiên cứu cho rằng: Qua nhân vật tác giả thể hiện tư tưởng nghệ thuật và quá trình tư duy tự sự. Vì vậy, nghiên cứu nhân vật chính là nghiên cứu một phạm trù cơ bản trong nghệ thuật tự sự của nhà văn.
Thông qua thế giới nhân vật, Nguyễn Quang Lập cũng đã thể hiện một lối phản ánh, khai thác riêng về đời sống con người, xã hội, đó là sự tập trung cho những thân phận đời thường, nhỏ bé.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập là những con người của đời thường, những thân phận người bị chìm lấp bởi cuộc sống
nhiều bất trắc, hệ lụy... Xây dựng thế giới nhân vật bé nhỏ, khuất lấp, Nguyễn Quang Lập tiếp tục thể hiện giá trị nhân đạo của văn chương trong thời kỳ mới, thời kỳ mà cuộc sống, và văn chương, nhìn nhận con người ở nhiều góc độ hơn, đặc biệt coi trọng đời tư, con người cá nhân.
Từ thập kỷ 80 thế kỷ trước, văn học thật sự hướng vào chuyện đời tư, về con người cá nhân, điều đó đã tạo nên bước ngoặt về đề tài phản ánh, cảm hứng sáng tác, đem lại sức sống mới cho nền văn chương. Sự bén nhạy của những cây bút đã trải qua “trận mạc” khi đứng trước thực tiễn đời sống mới sau chiến tranh đã cho ra đời những tác phẩm văn học ngày càng đậm tính nhân sinh. Nguyễn Minh Châu được coi là người có công mở đường đổi mới, những sáng tác hướng về đời tư nhiều hơn, đậm nét hơn, với những nhân vật suy tư, suy tưởng, làm nổi lên nhiều vấn đề đời thường, mang tính phổ quát. Hầu như nhân vật của truyện ngắn thời đổi mới là nhân vật suy tư, suy tưởng, triết lý, có cái nhìn sâu sắc, tinh tế về những vấn đề của con người xã hội, về những gì đã qua, và dự cảm về những gì chưa tới. Trong cảm hứng đời thường, với những nhân vật suy tư, suy tưởng, nhân vật của truyện ngắn Nguyễn Quang Lập lại là những thân phận thường dân bé mọn, nhiều thua thiệt, suy tư, tâm trạng của họ gắn với hoàn cảnh, địa vị của họ, nó không phải là những nhân vật mang tinh thần thành thị, hay trí thức, với những vấn đề tương ứng với tâm lý, nhận thức kiểu thành thị, trí thức, nó là tiếng nói đại diện cho phận người bé mọn, khốn cùng, lớp người bước ra từ chiến tranh, chịu những hậu quả của nó, méo mó, xộ xệch kéo lê bi kịch đời tư khó có thể hóa giải. Nhưng dù viết về giới lớp nào, cảnh ngộ riêng tư nào thì nó có vẫn mang ý nghĩa nhân sinh, mang tính phổ quát.
Nguyễn Quang Lập quan tâm những số phận bất hạnh, những cuộc đời chắp vá, thân phận bé mọn, họ mang trong mình bi kịch tình cảm, tình yêu, bởi cảnh những cảnh ngộ của chiến tranh, đời sống họ bị bi kịch đẩy vào cuộc
sống tối tăm, dễ bị coi thường, dễ bị vùi sâu thêm vào cuộc sống vốn còn nhiều gian nan, bất trắc.
Chuyện đời tư của ông Thiệt có ý nghĩa khái quát cho kiểu người: khổ đau, bi kịch, vươn dậy, vẫn bi kịch, khổ đau (Ngày xửa ngày xưa).
Con người không phải khi nào, không phải ai cũng có thể chống chọi được sự nghiệt ngã của hoàn cảnh, với cái nhìn đó Nguyễn Quang Lập đã đi sâu vào đời tư, lý giải được vì sao lại có những số phận như ông Thiệt, ông Sào (Những giọt rượu cuối đời), đời ông Sào cũng rất buồn, mất mẹ, cha nghiện rượu, quan Pháp gây cái chết người bạn gái, từ đó ông Sào ông đi trả thù trong những cơn say, ông sống khốn khổ, cô độc, mãi cũng giết được quan hai Pháp, một hành động anh hùng nhưng dưới góc nhìn đời tư, với ông Sào, đó chỉ là hành động của một tên dở người, dám liều.
Con người luôn vượt lên, chiến thắng hoàn cảnh, nhưng cuộc sống là một chuỗi thử thách, có thể một lúc nào đó anh không đủ sức chống chọi, và ngã gục, thất bại, và thực tế chứng minh điều đó với nhiều bi kịch. Ông Thiệt mù lòa, một mình khó khăn lần rừng tìm về với con người, ông vượt qua gian khổ như một kỳ tích, nhưng khi về với con người, chỉ vì biết người vợ (ông tưởng chết bom, hay mất tích) dúi tiền cho ông, bỏ chạy, thế là cú sốc tình cảm này làm ông đau khổ, bi kịch hơn, lần này ông đầu hàng cuộc sống.
Đời tư mỗi người là khác nhau, nhưng đó đều là chuyện tình cảm, chuyện bản năng, tội lỗi, trừng phạt... Người đàn ông làm nghề chở đò ngang trong Đò ơi cũng là một số phận bất hạnh, giặc càn quét, cha mẹ dân làng chết hết, tuổi thơ bơ vơ. Nghiệp chèo đò của ông cũng có chút chiến công (cứu sống, trả cho chiến trường cả vị chỉ huy lẫn lính, ông có tên tuổi, đời ông bừng sáng) nhưng rồi tất cả lại bị chìm vào quên lãng. Có một chuyện hệ trọng với ông là ông mắc tội cưỡng hiếp một nữ thanh niên xung phong nghỉ phép về thăm chồng. Và từ đó ông luôn dày vò, đau khổ, luôn sám hối về “một giờ gây tội lỗi” của mình. Gây tội lỗi và sám hối (hay không sám hối) là
vấn đề muôn thủa, phổ biến của con người, không ai không trải qua, chỉ khác nhau ở hoàn cảnh, sự việc, mức độ nặng nhẹ, và số lần ít hay nhiều mà thôi. Với người chèo đò, đó là khi con người bản năng trỗi dậy, phần tốt, phần tỉnh táo trong con người ông không kiểm soát nổi phần bản năng trong ông được nữa, vấn đề bản năng và nhân cách vẫn thường là mấu chốt của những bi kịch. Ông chèo đò cộng thêm bi kịch cho đời mình, ông khổ tâm, luôn bận tâm sám hối, và ông cô độc là sự tự trừng phạt, hệ quả của tính cách, một tính cách hướng thiện, hướng thượng.
Số phận nhân vật bất hạnh, hèn mọn, đời tư trắc trở, u uẩn nhưng lại nói lên được những vấn đề muôn thủa của con người, đời tư là riêng biệt, nhưng không xa lạ với con người, cuộc sống.
Cũng có bi kịch được hóa giải bởi lòng tốt, sự hướng thượng, hướng thiện, hướng mỹ của con người. Không dễ gì một cô giáo trẻ lại hết điên, và đem lòng yêu người đàn ông lớn tuổi, cô độc (vợ con đã chết bom), những vênh lệch được hóa giải, những điều không thể trở thành có thể. Những mắt xích, những đòi hỏi tâm lý khắt khe bị phá vỡ tự nhiên mới có thể có một tình cảm, một kết quả đẹp như vậy (Tiếng khèn bè). Nhưng Vĩnh biệt mười chín
con gà trống lại khác, câu chuyện tình cảm đời thường nhưng bi hài, giàu tính
nhân văn này cho thấy hai số phận bất hạnh gặp nhau lại nảy sinh thêm bi kịch chính vì cái tốt, vì họ coi trọng đời sống tâm linh, khó dứt khỏi quá khứ, vì đời sống tinh thần là một thế giới phức tạp.
Đời sống tinh thần con người là một thế giới phức tạp, nó dễ bị ngoại cảnh tác động, tự nó làm cho đơn giản hay làm nên những khúc mắc trắc trở, phức tạp, cũng chính vì thế mà hai cuộc đời cô đơn trong Đợi đến mùa hoa
phượng cũng không thể nào hóa giải được bi kịch, và hai kẻ tình nhân trốn
chạy trong Sa mạc trắng không thể nào hạnh phúc, có đôi mà thấy trước mặt là sa mạc.
Những mảnh đời tư: người phụ nữ trong đợi chờ, thủy chung nhưng bị phụ bạc, rẻ rúng (Đường đời không lối rẽ), hình ảnh người phụ nữ lỡ thì vì chiến tranh, thèm những đứa con, thèm cuộc sống gia đình, có lúc đi vu vơ, vô định cố vin vào gì đó để tạm thoát khỏi đè nén của cảnh ngộ (Bốn mươi
chín cây cơm nguội)…làm rõ thêm những quan tâm của Nguyễn Quang Lập
đối với những số phận buồn, thấp bé, không danh phận gì trong xã hội.
Các nhân vật tiêu biểu cho cảm hứng đời tư ở đây thảy đều chịu bi kịch trong tình cảm. Con người bản năng, đời thường ở đây trước hết là con người của tình cảm, vì tình cảm, đời tư họ có nhiều góc khuất, hầu hết họ đều mang theo những chấn thương tinh thần bởi chiến tranh, những chấn thương đó trực tiếp, hoặc gián tiếp tạo nên hoàn cảnh, đời sống bất thường của họ.
Tất cả họ là những phận buồn, đổ vỡ, bi kịch, họ nhỏ bé, đáng thương, họ hầu hết là những con người cô đơn, cô độc. Thế giới nhân vật cô đơn, cô độc là một điểm thống nhất, một cảm hứng trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập, cách nhà văn đi sâu vào thân phận, vào đời tư hơn.
Nguyễn Quang Lập thường phản ánh những đời sống cô đơn cô độc, kiểu người có tâm lý hướng nội. Với kiểu người này nhà văn có thể khai thác nghệ thuật tự sự theo dòng ý thức nhân vật, mổ xẻ tâm trạng, tâm lý, thuận cho giản lược tự sự, dễ thể hiện khát vọng là chính mình, từ đó thể hiện tính nhân bản hay phi nhân bản của xã hội.
Một thực tế là trong chiến tranh, hậu chiến tranh, có nhiều thân phận, hoàn cảnh cô đơn, cô độc, nó là một “mảnh” hiện thực vừa có tính cá biệt, vừa có tính phổ quát. Là một trạng thái, một dạng tâm lý phổ biến thường thấy ở con người nhưng khi bị rơi vào hoàn cảnh sống cô đơn, cô độc lại là một sự bất thường, là bi kịch. Tâm lý người cô đơn, cô độc phức tạp, họ thường sống khép kín, che dấu đời tư, và khi xây dựng mẫu số phận này, nhiều khi những chi tiết đời tư rất mảnh, rất mờ đã góp phần dệt nên số phận,
nếu không phát hiện, khai thác được những chi tiết đó, khó lý giải hết bí ẩn cuộc đời họ.
Xây dựng nhân vật bi kịch, những số phận khiếm khuyết, bất hạnh, truyện ngắn Nguyễn Quang Lập đã thật sự đi sâu vào cảm hứng đời tư, hướng về kiếp người. Đây cũng là lối đi riêng khi mà cảm hứng đời tư, khai thác con người cá nhân đã được văn chương đổi mới đề cập nhiều, từ Nguyễn Minh Châu, đến Nguyễn Huy Thiệp, và nhiều trường hợp khác...
Trong quá trình tìm đến với con người cá nhân, nếu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp chú ý đến đời tư đời tư của nhiều lớp, giới: người trí thức, người thành thị, người dân thường, dân quê, quan chức, người nổi tiếng, thành đạt, hay kẻ cùng đinh… thì Nguyễn Quang Lập nhấn mạnh vào những mảnh đời thường dân đáy cùng. Dù có nhiều điểm khác nhau nhưng cuối cùng, các nhà văn đều thể hiện quá trình con người tìm kiếm chính mình, tự nghiềm ngẫm, nhìn nhận đâu là cái đích thực của cuộc sống, con người là gì, chúng ta đang sống như thế nào, cái gì là quan trọng ? Và dù chúng ta xác định thế nào thì đó cũng là quan niệm của thời đại, chịu một sự chi phối nào đó, không phải là cái gì đó đã xong xuôi, tìm hiểu về con người luôn làm bận tâm con người, và văn chương luôn tích cực tìm cách đáp ứng.