Quá trình khẳng định một phong cách sáng tạo độc đáo

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 34)

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên): “Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mỹ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc...” [29,170].

Tác giả khẳng định được phong cách nghệ thuật của mình không phụ thuộc vào số lượng tác phẩm. Tạo phong cách nghệ thuật là điều khó, có thể có sáng tác mà không có phong cách nghệ thuật, cũng có nghĩa chưa gây nên sự chú ý, dễ bị lãng quên.

Những gì Nguyễn Quang Lập để lại cho văn chương, tuy khiêm tốn về số lượng, nhưng ông luôn chứng tỏ được bản lĩnh sáng tạo trong nghệ thuật, là một phong cách không ngừng tìm kiếm cách thức thể hiện, từ việc thể nghiệm các thể loại, đến ý thức sử dụng sáng tạo các thủ pháp, các yếu tố nghệ thuật trong sáng tác.

Là người thường đứng trước nhiều lựa chọn, bị chi phối bởi sự đa dạng của cuộc sống, sự đa tài của mình, Nguyễn Quang Lập vừa ham muốn, vừa buộc phải làm nên bề rộng (nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại), lại vừa đặt mình vào thách thức của chiều sâu nghề viết : đó là cái riêng, là sự phá cách, là phong cách, và cuối cùng, ông cũng đã tự nói lên được điều đó bằng tác phẩm.

Con đường văn chương có gián đoạn, có thăng trầm, gần hai mươi năm thoát ra khỏi văn chương để rồi trở lại gây tiếng vang không phải là không lạ. Đam mê nhưng vẫn phải lạnh lùng rời bỏ để hiểu, thiết tha nhưng tạo khoảng cách để nhìn nhận, suy ngẫm… con đường văn chương, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Lập khá riêng lạ, đặc biệt, đó cũng là tính cách, là quan niệm, là sự linh hoạt, hài hòa trong điều kiện sống cho phép, tất cả đã góp phần làm nên phong cách văn chương của ông.

Phong cách nghệ thuật và tính cách, hoàn cảnh sống của tác có mối quan hệ gần gũi. Nguyễn Quang Lập trong đời thường được coi là người hoạt khẩu, nói chuyện có duyên, hay tếu trạng “một tấc đến trời”, nhưng cũng rất mực chân tình, giàu ý vị, và sâu sắc, phóng túng mà chân thật, gần gũi, phong trần nhưng cũng rất đời thường, sang trọng mà giản dị… một người thẳng, trực tính, nhưng cũng dễ khóc, dễ mềm lòng, là người càng chịu thăng trầm

thì càng kiên gan đứng thẳng, nhìn thẳng, và nói thẳng, nói thật… Những phẩm chất, tính cách ấy là cơ sở của lối viết đa thanh, đa giọng, đa dạng, nhiều dư vị, và nó đã làm nên phong cách văn chương Nguyễn Quang Lập.

Ông trăn trở, không tự bằng lòng thỏa mãn, luôn làm cho văn mình đa dạng hơn. Đặc điểm ổn định của ông đó là luôn tìm cách thay đổi. Những vận động, thay đổi, không chịu đứng yên, đã làm văn chương của ông nổi bật phong cách.

Không ngừng vận động trong sáng tạo nghệ thuật để đi đến khẳng định phong cách, Nguyễn Quang Lập đi từ thể hiện một cái tôi trẻ tuổi nhiệt huyết, khá lãng mạn, đến một cái tôi nhiều trải nghiệm, chọn lọc nghiêm ngặt để đạt đến cái “tinh”, luôn nhìn lại để bứt phá, đam mê nhưng tỉnh táo, hướng đến đến sự giản dị, trong sáng, nhưng giàu hàm chứa, kết hợp thực tế và suy tưởng, là phong cách đi đến cùng tư tưởng cốt lõi : nhân đạo, nhân văn, thiết tha với mục đích mà văn chương truyền thống theo đuổi đó là thực sự giúp ích, thực sự “sửa sang” được cho đời.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w