Lựa chọn điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 66)

Tham khảo một số tài liệu nghiên cứu văn học cho thấy nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến điểm nhìn như một yếu tố quan trọng hàng đầu của nghệ thuật tự sự.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, điểm nhìn là: “Vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn bởi nó thể hiện sự chú ý quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ thay đổi điểm nhìn” [29,113]. Một tác phẩm độc đáo về nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào việc chọn điểm nhìn, lựa chọn được điểm nhìn thích hợp, lạ, hay… bộc lộ trọn vẹn quan điểm, tư tưởng…đó là cái tài của người cầm bút.

Nguyễn Thái Hoà trong Những vấn đề thi pháp của truyện điểm nhìn cho rằng: “không phải là lập trường chính trị xã hội mà là toạ độ thời gian được lựa chọn cho hoạt động kể chuyện, phát triển nội dung, sắp xếp bố cục, hư cấu thành truyện” [35,122].

Như vậy, cơ bản của điểm nhìn là nó thể hiện vị trí và quan điểm, thái độ của chủ thể trần thuật đối với việc trần thuật. Nói cách khác, điểm nhìn là

phương thức miêu tả, trình bày, là cách nhìn, cách cảm thụ của người trần thuật về câu chuyện được kể.

Điểm nhìn gắn với ngôi kể. Điểm nhìn ở ngôi thứ ba, tác giả được gọi là điểm nhìn trần thuật bên ngoài, người kể chuyện là người biết tất, kể lại, đứng cao hơn nhân vật. Người ta gọi là “điểm nhìn toàn tri”.

Điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi”, là điểm nhìn ngôi thứ nhất, đồng thời là nhân vật, gọi là điểm nhìn bên trong.

Sử dụng nhiều điểm nhìn, di chuyển điểm nhìn, với loại điểm nhìn này, nhà văn bắt buộc phải sử dụng đến nhiều ngôi kể (có khi là ngôi thứ nhất, có khi là ngôi thứ ba hoặc có thể cả ngôi thứ hai).

Điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, xưng mình trong những truyện như Vọng trắng, Đường đời không lối rẽ, Đa phu,

Quê choa chí dị, Xóm gái hoang, Chuyện đời lắm nẻo, Hố xí hai ngăn... đặc biệt trường hợp xưng tôi, xưng mình lấy tên Lập, Nguyễn Quang Lập nhấn mạnh điểm cách tân đối với thể loại truyện ngắn. Trường hợp này nghĩa là công khai, không muốn dấu làm gì chuyện nhà văn. Chính tác giả đang kể chuyện, không phải mượn, nhờ mà trực tiếp luôn. Câu chuyện nào, dù theo cách nào chăng nữa, cũng do nhà văn đứng sau điều khiển. Thế thì người kể chuyện xưng “tôi” lấy tên Lập, Nguyễn Quang Lập (Đường đời không lối rẽ, Quê

choa chí dị, Đa phu) đã chọn cách giao tiếp trực tiếp giữa nhà văn và người tiếp

nhận. Như vậy tâm lý tiếp nhận sẽ khác, và việc chịu trách nhiệm của nhà văn trước mọi phát ngôn cũng khác. Người tiếp nhận sẽ suy nghĩ về tư cách nhân vật văn học của chủ thể "tôi" kiểu này. Là truyện ngắn nên vẫn phải cảm thụ người kể xưng “tôi” lấy tên Lập, Nguyễn Quang Lập là chủ thể hư cấu. Dấu ấn chân thực, trải nghiệm của cá nhân, sự hư cấu, phóng tác... trong từng truyện như thế nào? Dù sao thì sự thật cũng bị phá vỡ theo ý đồ nghệ thuật của tác giả, nhưng sự phá vỡ đó lại muốn lấy được sự tin tưởng cao nhất của người tiếp nhận.

Đó là cách Nguyễn Quang Lập thử nghiệm để thăm dò tâm lý tiếp nhận. Và dĩ nhiên, tâm lý của người tiếp nhận thay đổi, và tâm lý sáng tác cũng chịu sức ép khác: phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những gì kể ra. Nhà văn trong tư cách trực tiếp đi vào tác phẩm, công khai quyền là người tổ chức, thiết kế chuyện kể, không cần lớp cách chắn, mà “giao lưu” thẳng với độc giả.

Người kể chuyện xưng “tôi” có tham gia một phần vào sự kiện của truyện, như là phải tham gia “trò chơi” để hiểu hơn, nói đáng tin hơn về “trò chơi”, phải biểu lộ ít nhiều tính cách trong khi quan hệ với nhân vật truyện, có nghĩa là bộc lộ nhiều hơn với tư cách nhân vật văn học. Đây chính là trường hợp của Vọng trắng, Quê choa chí dị.

Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” - “cậu Chập” (Con của chị gái gọi), có mối quan hệ gần với các nhân vật truyện, nên người kể chuyện đi sâu sát được vào các sự kiện, tâm lý, tâm trạng nhân vật, chuyển tải được đáng tin, có hiệu quả vấn đề chính của truyện, của nhân vật khác: nỗi đau từ chiến tranh, nỗi khổ của chị, mẹ khi nghe tin chồng, con rể theo địch (Vọng trắng). Hay cậu bé Lập tham gia một số sự kiện trong Quê choa chí dị cốt để làm nổi rõ cái chết của chị Lý, những bưng bít, xấu xa mang tính nhân sinh, tính thời đại.

Truyện Đa phu, người kể chuyện là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Một vài mốc thời gian, sự kiện liên quan đến nhà văn nhưng cốt để kể chuyện người, chuyện đời (có hư cấu, phóng tác) cho đáng tin, hấp dẫn. Người kể chuyện xưng “tôi”, xưng “mình” ở đây cốt kể những gì được nghe, được chứng kiến, không hư cấu “mình” tham gia vào sâu trong các vận động, quan hệ của truyện, không hư cấu để xây dựng tính cách “mình”, giảm, tránh thể hiện tư cách nhân vật văn học, chỉ xác định quyền năng tự sự của người đứng ngoài quan sát. Vấn đề đáng nói về tư cách văn học của người kể truyện xưng “tôi”, “mình” ở dạng này chủ yếu là ở nghệ thuật tự sự: điểm nhìn, cách nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu, từ đó để nhận ra quan điểm, thái độ, thông điệp của lối kể “tưng tửng”, khách quan.

Trừ Vọng trắng, những truyện có điểm nhìn kiểu này đều có giọng giễu nhại, công kích, mỉa mai, cái nhìn bi hài, nhân bản, cách tỏ thái độ bằng giọng điệu, bằng cách lấy chi tiết, tình tiết... lối tự sự có sự cách tân gây chú ý này phù hợp với việc đánh vào những thói xấu, sự tệ hại của đời sống, phù hợp với thời đại của tốc độ, của nhiều cách thức giải trí.

Tiếng gọi phía mặt trời lặn là một truyện ngắn độc đáo. Qua điểm nhìn

trao cho con chim vẹt có tên Hơ Rê, câu chuyện kể có sức hấp dẫn mạnh. Người kể chuyện kể về con Vẹt, theo dõi, và giải mã những hiểu biết của nó. Hơ Rê là một nhân vật thành công của truyện, nó có cách nhìn và giọng điệu riêng, mới lạ. Trao điểm nhìn cho loài vật là điều không mới trong nghệ thuật, nhưng sự giới hạn, và độ sâu sát của cái nhìn Hơ Rê nói lên sự thành công, sự tìm tòi trong nghệ thuật tự sự của truyện ngắn này. Cái nhìn của Hơ Rê về tình yêu, chiến tranh, về công việc, những gian khổ, hy sinh, mất mát của đoàn tải lương, của Kan mây và Kon long, mới lạ, hồn nhiên, tuy phải có giới hạn của cái nhìn loài vật, nhưng không thể nói là tác giả đã thể hiện rất hợp lý và sâu sắc. Thành công của Tiếng gọi phía mặt trời lặn là tác giả tìm chọn được một điểm nhìn như thế cho truyện.

Quan sát, cái nhìn, suy nghĩ của Hơ- rê về hiện tượng yêu:

“Gần như Kan-mây xuất hiện thật bất ngờ bên một bờ suối vắng, vào buổi sáng. Hơ-rê nghịch chơi mãi trong vòm lá của cây cổ thụ, vừa sà xuống tìm Kon Long thì thấy một người đàn bà đang nép mình bên chủ nó, mắt lim dim. Một tay nàng cầm cái gì như là hòn sỏi, còn tay kia giữ chặt tay chủ nó đang tìm gì trong áo của nàng.

Nó nghiêng đầu ngắm nghía. Đó là một người đàn bà trắng, cái môi đỏ và hay cười, lúc lúc nàng lại mỉm cười, ngước lên âu yếm nhìn Kon Long. Hình như nàng nói với chủ nô là chẳng có gì trong áo mà tìm. Kon Long sung sướng áp má mình bên má nàng. Sau đó họ bắt chước loài chim trao thức ăn cho nhau. Kan-mây mặt đỏ ửng, mắt nhắm nghiền. Bất thần nàng đẩy chủ nó

ra xa, ngồi quay lưng. Chủ nó lại quàng tay ôm ghì lấy nàng, lại bị đẩy ra. Chủ nó đang muốn ăn cái gì đó trong ngực nàng nhưng bị nàng từ chối.

Kon Long tìm, tìm liên tục. Hơ-rê ngạc nhiên khi thấy Kan-mây đã cởi hết áo mà chủ nó cũng cứ tìm không ra. Chủ nó hết tìm chỗ này lại tìm sang chỗ khác. Còn Kan-mây thì mặt đỏ nhừ, nàng kêu lên những tiếng kêu lạ, không biết sung sướng hay đau khổ. “Chao ôi nếu loài chim cũng biết ngượng như loài người nhỉ?” – Hơ-rê nghĩ thế và bay đi.” (Tiếng gọi phía mặt trời lặn)

.

Quan sát, cái nhìn, ý nghĩ của Hơ-rê về công việc tải lương, về chiến tranh:

“Đôi khi trong đoàn người lại có vài người trúng đạn hoặc ốm rồi chết. Lại xuất hiện thêm những người mới. Lại đi. Đoàn người cắn răng đi hết ngày này sang tháng khác. Hơ-rê thật sự khâm phục loài người. Họ vô cùng kiên nhẫn, khi đã định làm một việc gì là họ làm đến cùng, dù đổ máu họ vẫn cứ làm. Thật là khủng khiếp.

Loài chim đúng là chẳng ra gì, phút trước định làm cái này, phút sau đã quên béng, cũng chẳng ân hận gì, cứ tí ta tí tởn suốt ngày như một lũ ngốc. Loài người khác, họ có “kế hoạch” của họ – lại một từ mới mà loài chim không có, nó hiểu là ý định hoặc mơ ước được lần lượt kể ra có thứ tự – và khi đã vạch ra “kế hoạch” thì tất cả mọi người phải tuân theo cho kỳ được.

Họ có một nhóm chuyên môn chuyên vạch “kế hoạch”. Ví như trong đoàn “tải lương” của chủ nó, có ba người, mỗi lần ba người chụm đầu lại, các vẻ mặt đều nghiêm trọng, ấy là họ đang vạch “kế hoạch”. Khi tất cả đều giơ nắm tay lên đồng thanh hét một tiếng gì đó, nghĩa là kế hoạch đã vạch xong.

Loài người luôn luôn bận rộn vì những “kế hoạch” như thế. Hầu như không khi nào thấy họ nghỉ ngơi. Họ chia ra hai phe: “Ta” và “địch”. “Ta”cũng rất đông và “địch” cũng không ít, vờn nhau suốt ngày như trò chơi

cắn đuôi nhau của loài chim. Họ chơi trò này không biết mệt mỏi, đôi khi tỏ ra say mê; quyết liệt và cay cú.” (Tiếng gọi phía mặt trời lặn).

Điểm nhìn nào có thể làm cho câu chuyện hay? Con vẹt! Đó là một ý tưởng nghệ thuật phóng túng, một quá trình sáng tạo nhiều thách thức và nhiều cảm hứng.

Cây sến lửa trao điểm nhìn cho ông già người Thượng. Ngôn ngữ,

cách diễn đạt, tâm lý, hành động, cách suy nghĩ là của người Thượng. Tác giả đóng vai người nghe chuyện, rồi thuật lại y nguyên. Nhưng xét đến cùng đó là sự hóa thân, nhập vai, kỹ xảo xử lý chất liệu của nhà văn. Không nói về sự vật (điểm nhìn bên ngoài) mà để sự vật tự biểu hiện mình (điểm nhìn bên trong), trong trường hợp này đã phản ánh được sâu sát, chân thực về đối tượng.

Hạnh phúc mong manh có bốn nhân vật thì có bốn điểm nhìn trần thuật.

Chủ yếu bằng độc thoại nội tâm mà nhân vật bộc lộ cái nhìn, bộc lộ mình, và hoàn tất chuyện kể. Bốn điểm nhìn, lại chủ yếu độc thoại nội tâm, truyện đã thể hiện được bi kịch của từng nhân vật. Đó là bi kịch tình cảm, một phần là bởi chiến tranh. Chiến tranh đi qua đời người, sinh ra những cảnh ngộ trái khoáy, để lại những khổ đau dai dẳng, khốc liệt. Bằng cách này cách khác chiến tranh đã hủy hoại, tiêu diệt dần mòn con người. Bi kịch được mở rộng, xoáy sâu bởi nhờ nhiều điểm nhìn trần thuật. Chuyển đổi điểm nhìn ở đây tự nhiên, linh hoạt, phiêu với tâm trạng của từng nhân vật, mà kết cấu chặt, chắc, cũng bởi nó xoay quanh một tâm điểm, tâm điểm này như một lốc xoáy, có sức qui tụ tâm trạng của những nhân vật liên quan.

Nếu phá vỡ những điểm nhìn trần thuật, chỉ có cái nhìn chứng kiến hết lượt, biết tất cả mọi chuyện của nhà văn, của người kể chuyện thì truyện sẽ kém sức hấp dẫn. Từ tâm điểm chung, khó thể hiện được hết độ sâu bi kịch riêng của từng người. Nghệ thuật di chuyển điểm nhìn trong truyện ngắn này là một thành công quan trọng làm nên sự đặc sắc, cho thấy năng lực biến hóa trong sáng tác của Nguyễn Quang Lập. Ông đã tìm và xử lý điểm nhìn phù

hợp, đem lại sự độc đáo, đặc sắc cho từng truyện, thể hiện sự phong phú, đa dạng, sự khổ công trong sáng tạo nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Văn xuôi nguyễn quang lập trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w