Thiếu Sơn, người khởi xướng thể loại phê bình nhân vật

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 119 - 131)

Trong Phê bình và cảo luận (1933), Thiếu Sơn tự gọi lối phê bình của ông là “phê bình nhân vật”, cốt phát hiện cái bản ngã của nhà văn, đi vào tính cách người làm văn chương của mỗi người. Có lẽ, Thiếu Sơn không ngờ là ông đã khai sinh ra thể văn chân dung văn học ở xứ mình. Các công trình nổi tiếng về sau như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Phỏng vấn các nhà văn

của Lê Thanh và nhìn xa hơn nữa là những cuốn Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (của Vũ Bằng), Viết về bè bạn (của Bùi Ngọc Tấn), Những kiếp hoa dại, Cây bút đời người (của Vương Trí Nhàn), Nhà văn, tư tưởng và phong cách (của Nguyễn Đăng Mạnh), Ký ức vụn, Bạn văn (của Nguyễn Quang Lập)… đều không đi ra ngoài quỹ đạo chân dung văn học, mặc dù cách vẽ chân dung ở mỗi thời có những điểm khác nhau.

Chân dung văn học là một trong những thể văn phê bình, một dạng đặc biệt của phê bình văn học, nhằm tái hiện bộ mặt tinh thần của một nhà văn, phong cách sống và lao động nghệ thuật của nhà văn đó. Qua chân dung văn học, người đọc được tiếp xúc với hình tượng nhà văn mà họ muốn tìm hiểu. Việc dựng chân dung văn học thường được tiến hành theo nhiều cách. Có thể, đi từ các tác phẩm để làm sống dậy thế giới tinh thần và hình tượng con người nhà văn. Hoặc là, đi từ những chi tiết của đời sống nhà văn để làm sáng tỏ thế giới tinh thần của họ.

Thể loại chân dung văn học là thể loại hoàn toàn mới trong làng văn, làng báo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Vì thế, có thể nói rằng, Thiếu Sơn chính

là người đi tiên phong trong thể loại chân dung văn học với những trang viết độc đáo về những nhà báo, nhà văn Việt Nam hồi đầu thế kỷ. Nhà thơ Huy Cận từng nhận xét: “Phê bình tác phẩm hay phê bình nhân vật đều khó, nhưng phê bình nhân vật còn khó hơn một bậc (…) Có thể nói, Thiếu Sơn đã sáng tạo ra loại phê bình này trong văn học của nước ta” [63, 5].

Ở mục phê bình nhân vật của cuốn Phê bình và cảo luận , Thiếu Sơn viết về chín nhà văn đương thời: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải và Tương Phố. Mặc dù ông giải thích đây là sự lựa chọn hoàn toàn theo khả năng am hiểu của mình, nhưng ta dễ dàng nhận thấy các tác giả này rất tiêu biểu cho giai đoạn từ 1930 trở về trước. Với dăm ba trang viết ngắn gọn, súc tích, Thiếu Sơn đã cố gắng phác vẽ những nét cơ bản của từng nhà văn về sự nghiệp, vị trí, đặc biệt nhất mạnh về phong cách, văn phong của họ. Những nhận xét của tác giả về các nhân vật nói trên là có cân nhắc, phê phán một cách kín đáo, nhận xét một cách thâm trầm. Đọc những bài viết của ông về các nhà văn, hầu như vắng bóng những trang phân tích tác phẩm nhưng ta cũng thấy tất cả các phán đoán của ông không chỉ dựa vào trực giác và ấn tượng cá nhân, mà là xuất phát từ quá trình phân tích, tổng hợp và khái quát của Thiếu Sơn cộng thêm với sự am hiểu dư luận xã hội đương thời đối với những đối tượng mà ông lựa chọn để phê bình.

Với một bản lĩnh vững vàng, nhạy bén trước những biến động và yêu cầu của xã hội, Thiếu Sơn đã kết hợp một cách nhuần nhị tinh hoa của hai nền văn hoá Đông Tây, kịp thời biểu dương, khích lệ những thành công cũng như những cái mới về tư tưởng và nghệ thuật của các văn nghệ sĩ. Cái mới của Thiếu Sơn là những bài viết của ông có tính chất mở đường, góp phần đưa hoạt động phê bình ở Việt Nam trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có tính lý luận qua một số phương pháp nghiên cứu hiện đại.

Cũng cần lưu ý rằng: khi đăng những bài phê bình đầu tiên lên báo, Thiếu Sơn vừa bước qua tuổi hai mươi. Một người cầm bút nghiệp dư trẻ tuổi dám làm một công việc táo bạo mà ngay chính nhà báo kỳ cựu Phan Khôi cũng e dè khi giới thiệu, phê bình những nhân vật tiếng tăm đương thời. Với Thiếu Sơn, rõ ràng đây không phải là sự mưu cầu một cái gì khác ngoài văn học, mà là những suy nghĩ thẳng thắn, có trách nhiệm, xuất phát từ sự am hiểu và quan tâm sâu sắc đến với văn học, xã hội. Nhiều khi Thiếu Sơn tỏ rõ là một cây bút phê bình bản lĩnh, có chính kiến khi bàn luận, phê bình trường hợp các nhà văn có tiếng thời kỳ này. Trong tác phẩm của mình, ông đã triệt để thực hiện những tâm niệm của ông, khát khao đóng góp cho sự nghiệp hiện đại hoá văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ. Viết về Phạm Quỳnh, một mặt ông đề cao những đóng góp của tác giả này ở công việc dịch thuật, khảo cứu triết học, truyền bá văn học, văn hoá châu Âu vào Việt Nam, cụ thể là việc dịch các sách văn học, triết học ra chữ quốc ngữ và đặc biệt là văn phong của Phạm Quỳnh đã có ảnh hưởng lớn đến “lối văn nghị luận, diễn thuyết, triết lý và khảo cứu” của nền văn chương quốc ngữ Việt Nam giai đoạn này. Nhưng có lẽ, mạnh dạn và thẳng thắn hơn cả là việc ông chỉ ra sai lầm nghiêm trọng đã khiến cho Phạm Quỳnh không thể trở thành một nhà văn hoá lớn: là bởi ông ta đã đem văn chương, đã lấy văn chương để phục vụ cho một mục đích ngoài văn chương và tờ “Nam phong do ông ta phụ trách cũng vì tính chất chính trị mà kém hay hơn”. Ở đây tác giả của Phê bình và cảo luận đã phân biệt rõ ràng, người dùng văn nhà văn.

Trên báo Phụ nữ tân văn, khi viết về Phan Khôi, Thiếu Sơn khẳng định trong văn giới: Phan Khôi là người tai mắt, trong báo giới, Phan Khôi là bậc đàn anh, đóng góp của Phan Khôi là ở “công lập ngôn”, qua hoạt động báo chí, đã góp phần thống nhất ngôn ngữ trên cả nước, đó cũng là một trí thức Nho học đã sở đắc được cái mới và tạo thành một khuynh hướng riêng. Đồng thời, Thiếu Sơn cũng nhận ra rằng Nho học là gốc rễ

của Phan Khôi trong khi Tây học là “người tình mới”. Theo ông, sự say mê thái quá logic học của Phan Khôi đã khiến ông trở nên bấp cập khi đi vào văn học nước nhà: “Ông không biết rằng cái lý có khi đập chết cái tình mà văn Pháp có khi làm tuyệt ngòi cảm hứng (…) khi nào ông cũng “một với một là hai” mà ông đã bỏ biết bao cái chân lý nó đi qua ông, chỉ cần có chút trực giác là ông có thể lĩnh hội được”. Với các tác phẩm văn chương của Phan Khôi, Thiếu Sơn nhận xét một cách uyển chuyển: “Cái lối văn đó khiến người ta hiểu thì được, để người ta cảm thì không, nó có thể làm vui cho khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng” [86, 225].

Khi viết về trường hợp nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Thiếu Sơn càng tỏ ra là một nhà phê bình khoa học, khách quan. Ông khẳng định nhân cách cao đẹp, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cao cả của cụ Huỳnh. Nhưng khi bàn luận đến chuyện văn chương và học thuật thì tác giả khẳng định rõ ràng: Cụ Huỳnh Thúc Kháng không phải là một nhà văn sĩ, cụ chỉ là một “nhà chí sĩ”. Vì thế cho nên đòi hỏi ở cụ một thái độ khách quan, công bằng trong những cuộc tranh luận văn học hay trong những bài bình luận văn học là không có được. Ông nhấn mạnh đến việc cụ Huỳnh chỉ luôn coi trọng văn chương “là một phương tiện để phụng sự quốc gia” chứ chưa bao giờ quan tâm một cách đích thực đến văn chương như là một lí do lớn để giải thích thái độ “cố chấp thiên lệch” của cụ khi Huỳnh Thúc Kháng bàn luận về văn chương với những người làm văn chương khác. Ngòi bút của Thiếu Sơn tế nhị và khách quan, nhưng cũng thật đáng tiếc cho ông khi chưa toàn diện và sâu sắc động chạm đến một số vấn đề lớn lao phức tạp của văn chương như vấn đề văn chương phục vụ chính trị, vấn đề những nhà chính trị làm văn chương…

Thái độ ủng hộ và cổ vũ, ca ngợi cái mới, cái hiện đại trong văn chương luôn là một đặc điểm lớn trong cuốn sách phê bình này của Thiếu Sơn. Ông hướng ngòi bút của mình vào việc tìm kiếm những đóng góp mới mẻ, sáng tạo của các tác phẩm và tác giả văn học mà ông phê bình. Theo ông, đó mới chính là những đóng góp quan trọng có ý nghĩa đối với sự phát

triển của nền văn học nước nhà theo xu hướng hiện đại. Phác hoạ chân dung Tương Phố (1896 - 1973), một nữ thi sĩ tiền lãng mạn chủ nghĩa, Thiếu Sơn ca ngợi bà là “người phụ nữ có bản chất khác thường, có tâm hồn lãng mạn, có tính đa cảm”. Để khẳng định công lao của nữ thi sĩ, ông nhấn mạnh: “muốn khảo sát tới một người tiêu biểu cho hạng nữ lưu đã từng có ảnh hưởng đến lịch sử văn học và lịch sử tiến bộ của phụ nữ nước ta” [60, 41]. Từ đó, tác giả ngợi ca những tìm tòi, khám phá của thi nhân về tư tưởng và nghệ thuật.

Đặc biệt, với Tản Đà, Thiếu Sơn dùng chữ “tiên sinh” làm cách xưng hô, thể hiện một thái độ hết sức trân trọng. Ông xác định chất Nho thuần tuý và cái ngông cao thượng trong văn chương và con người Tản Đà: “Đời đục, tiên sinh trong. Đời tối, tiên sinh sáng. Đời quay cuồng trong nhân dục tư lợi, tiên sinh sống ở thế giới tinh thần (…) cái đặc sắc trong người tiên sinh là cái “tình”, cái tình nặng, cái tình sâu, cái tình mộng huyễn, cái tình nên thơ, cái tình cùng với nước non cây cỏ mà dung hoà hoạ vận, cái tình cùng thế đạo nhân tâm mà nên giọng chua cay” [60, 25]. Những ấn tượng trên được Thiếu Sơn phô diễn bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc, hình ảnh. Lối phê bình của tác giả kế thừa được những ưu thế của lối phê điểm trung đại trong văn học Việt Nam ở sự kín đáo, nhuần nhị. Nếu chỉ hoàn toàn ảnh hưởng từ phương Tây mà không có một kế thừa nội địa nào, một nội lực nào từ văn học trung đại Việt Nam (điều mà phê bình khách quan khoa học không có) thì Thiếu Sơn khó có thể viết được những câu hay như thế về Tản Đà. Chính Đỗ Lai Thúy sau này cũng có nhận xét: “Ý đồ đưa khoa học vào nghiên cứu văn chương là một khát vọng chính đáng của các nhà phê bình văn học. Sự nghi ngại cái chính xác của khoa học có thể giết chết cái mờ ảo của văn chương đã dần dần bị xua tan. Người ta nhận thức rằng khoa học, ít nhất là trong phê bình văn học, không ám sát văn chương mà ngược lại, còn là ngọn gió vừa khơi dậy vừa nâng cánh

diều bay cao lên mãi, vừa đảm bảo cho trực giác nghệ thuật và ấn tượng chủ quan không rứt dây bay mất vào khoảng hư vô tuỳ tiện” [83, 309] .

Khi nhìn nhận vị trí lịch sử của Việt Nam sử lượcNho giáo của Trần Trọng Kim, Thiếu Sơn đã thấy những lối rẽ đầu tiên vào rừng cổ học Việt Nam. Đồng thời ông cũng vạch ra những nhược điểm quan trọng: “Nhiều chỗ như ông có ý ép, có ý thiên, có ý võ đoán cho xong chuyện, có ý ngụy biện để giải quyết” [60, 31] với một quan điểm viết sử rất mới, đầy đủ và khoa học: “Phải gián đoạn hẳn với những sự thần kỳ quái đản (…), phải bỏ bớt chuyện vua mà nói chuyện dân (…). Phải bỏ bớt những sự hưng vong thành bại của từng nhà vua mà nói đến sự tấn hoá về tinh thần, tri thức về mỹ thuật, kinh tế của dân nước” [60, 31].

Viết về Hồ Biểu Chánh, một tác giả tiểu thuyết lớn của Nam Bộ, người có công lớn cho việc đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, Thiếu Sơn đã có thái độ trân trọng, khâm phục và rất có ý thức trong việc đề cao những đóng góp của Hồ Biểu Chánh đối với nền văn học nước nhà đầu thế kỷ XX. Sau khi phân tích, tác giả đã cho rằng tiểu thuyết của nhà văn Nam Bộ này thuộc phái “chiết trung”, phù hợp với thị hiếu của nhiều độc giả trong giai đoạn đầu của công cuộc hiện đại hoá văn học. Đọc tác phẩm của Hồ Biểu Chánh: “Người tri thức không khi là tầm thường, kẻ thiểu học không phiền là khó khăn, cho khách thủ cựu không phải chau mày mà chỉ là Tây quá, cho bạn tân tiến không được mỉm cười mà không nhận là đã cải lương, nhà đạo đức không than thở là sách dâm thư, vô đạo, kẻ sinh nghề cũng được khoái ý vì những chuyện có lý, có duyên…” [86, 265]. Có thể nói, nhờ tính chất “một vừa hai phải” này, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Nhưng cũng chính vì để đạt tới sự dung hoà này, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là môt sự nửa vời về các tiêu chí. Thiếu Sơn đã vạch ra các nhược điểm của tác phẩm Hồ Biểu Chánh như: tâm lý nhân vật đơn giản, cốt truyện ít ly kỳ, nghệ thuật tả tình còn chất phác, quan điểm sáng tác còn bị trói buột trong vòng luân lý. Tuy nhiên,

Thiếu Sơn đã khẳng định công trạng, đóng góp hết sức quan trọng của tác giả này về phương diện nghệ thuật. Đó là sự đóng góp về mặt thể loại văn học, thể loại tiểu thuyết hiện đại. Ông viết: “Hồ Biểu Chánh là một người rất có công đối với nền văn học nước nhà nói riêng về lối văn tiểu thuyết” [86, 265].

Thiếu Sơn nhận định nguồn thi cảm của Á Nam Trần Tuấn Khải là “tinh thần quốc gia”, “cảm về thời thế”, “nặng lòng với đất nước”. Theo ông, đây là một đề tài hay, là cảm hứng vô tận đối với người cầm bút, nhưng thường không bền. Thiếu Sơn đã dẫn ý của Victor Hugo: “Thơ không phải chỉ để cho thần dân của một nước cộng hoà, mà chính là để cho con người ta vậy” [60, 35]. Ông làm phép so sánh: “Khối tình con là khối tình của thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, thì Bút quan hoài cũng là ngọn bút của thi nhân Trần Tuấn Khải (…) tuy nhiên, thơ ông Hiếu ngộ nghĩnh và thần tình còn thơ ông Khải thì trang nghiêm và thống thiết [60, 33].

Còn có thể dẫn ra khá nhiều dẫn chứng khác tiêu biểu để chứng minh cho tư tưởng tiến bộ, hiện đại ấy của ông khi viết về các tác giả khác. Về sau, khi viết về thái độ và cách dấn thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Thiếu Sơn viết: “Thường con nhà cầm bút hay mắc bệnh háo danh, thích được người ta khen ngợi, không phân biệt thù hay bạn. Do đó mà coi thù như bạn rồi sẵn trớn để cho họ chiêu hồi (…) hiện tại có nhiều kẻ ăn dơ nhưng vẫn làm màu, làm mè, thương nước yêu dân và thỉnh thoảng lại còn bày đặt những trò kỷ niệm này nọ để người ta tưởng rằng họ cũng trong sáng như tiền nhân”. Thiếu Sơn đã thành công nhờ sức tổng hợp và khái quát, giúp ông có một số nhận xét khác xác đáng về những nhân vật mà ông phân tích mổ xẻ và bình luận…

Với một lối diễn tả giản dị, thân mật nhưng khách quan, Thiếu Sơn đã phác lại thật độc đáo những khuôn mặt nhà văn, nhà báo nổi danh một thời. Những bài viết trên Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy… đặc biệt là sau khi công trình Phê bình và cảo luận của ông ra đời dư luận đã không ngớt lời ca ngợi khâm phục. Có thể nói rằng, nhà học giả trẻ tuổi này đã

sớm tạo nên cho mình một uy tín khoa học đối với giới hoạt động văn hoá, văn học đương thời. Kế thừa di sản quá khứ một cách có chọn lọc, tiếp thu

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 119 - 131)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w