Quan niệm truyền thống về phê bình văn học

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 97 - 101)

Khác với Trung Hoa có một nền lý luận và phê bình văn hoc lâu đời với những Thi phẩm của Chung Vinh (468 - 518), Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (466-539?), Tuỳ Viên thi thoại của Viên Mai (1716 - 1797) và

Lục tài tử thư của Kim Thánh Thán (1608 - 1661), ở Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử và đặc thù về tư duy, trong quá khứ của nền văn học dân tộc, chúng ta chưa có bề dày truyền thống trước tác, lập thuyết về mỹ học, lý luận văn học nghệ thuật. Trong mười thế kỷ, văn học Việt Nam thời trung và cận đại, các văn nhân chỉ chú trong sáng tác thơ văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, thỉnh thoảng mới có những bài Tựa, Bạt, Vịnh, Tán, Bình, Tống Bình. Đây chỉ là những lời giới thiệu, nhận xét, bình luận theo ấn tượng chủ quan của người đọc, đa số rất sâu sắc bởi học vấn uyên thâm và bề dày trải nghiệm nhân sinh của tác giả.

Xưa nay, vẫn phổ biến một quan niệm rằng, trước khi báo chí ra đời, những ý kiến đánh giá văn học của các nhà thơ, các tri thức Nho học chỉ có tính chất thù tạc và sự thưởng ngoạn thuần tuý cá nhân. Tuy nhiên, nếu quan niệm, phê bình văn học như một công việc tiến hành phân tích và đánh giá tác giả và tác phẩm văn chương thì có thể thấy rằng cha ông ta từ xưa cũng đã có phê văn, bình thơ. Đó là một sinh hoạt văn học sang trọng của những người có học thức cao trong xã hội phong kiến. Có điều, do còn nằm trong giai đoạn phôi thai và trong hình thái văn hoc phương Đông, hoạt động phê bình theo lối cổ này có những nét đặc trưng khác hẳn với hoạt động phê bình thời hiện đại. Có thể kể tới một số tên tuổi nổi danh

trong nền văn học phong kiến, cùng với những lời Tựa, lời Bạt tiêu biểu của họ cho những tác phẩm, tác giả văn chương thời bấy giờ như: Vũ Quỳnh và Kiều Phú viết lời Tựa cho sách Lĩnh Nam chích quái; Nguyễn An viết lời Tựa cho tập thơ Đông dã học ngôn thi tập của Phạm Đình Hổ ; bài

Tựa tập thơ Tàng thuyết của Mai Doãn Thưởng do Lê Hữu Kiều viết; Nguyễn Dưỡng Hào, Trần Thế Xương viết lời Tựa, lời Bạt cho tập thơ

Phong trúc tập của Ngô Thế Lân; Ngô Thì Nhậm viết lời Tựa cho cuốn

Tinh sà kỉ hành của Phan Huy Ích; Cao Bá Quát viết phê bình Hoa tiên

Kim Vân Kiều… Hoặc ở một số tác phẩm như: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Vân đài loại ngữKiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn…

“Tiêu chí để có thể xác định các bài Tựa, lời Bạt, lời Bình, các cuộc nói chuyện thơ và các thư từ bàn về văn chương của cha ông ta thuộc về phê bình văn học, đó là thái độ tách khỏi đối tượng, tác giả, tác phẩm, giai đoạn văn học để viết về chúng với cảm hứng, nhận định và tư duy phân tích (tất nhiên còn giản đơn). Đó cũng là sự sử dụng một số khái niệm mang tính công cụ (của phê bình) để tiếp cận đối tượng và đánh giá chúng trên cơ sở văn bản (đề tài, nội dung, hình thức), qua đó thể hiện những quan điểm nghệ thuật minh xác” [101, 33]. Do điều kiện in ấn thời bấy giờ chưa phát triển, số lượng công chúng tiếp nhận văn chương còn ít, sinh hoạt phê bình văn học chỉ diễn ra giữa những trí thức Nho học, tình trạng văn sử triết bất phân vẫn tồn tại cho đến đầu thế kỷ XX. Hoạt động phê bình thời kỳ văn học trung đại được gọi chung là bình và được viết hoàn toàn bằng chữ Hán. Số lượng các bài Tựa, lời Bạt khá nhiều, được viết khá công phu, trau chuốt. Chẳng hạn trong bài Tựa sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú (thế kỷ XV), phân tích chúng ta sẽ thấy bố cục bài viết như sau: Tác giả giới thiệu công việc mình sẽ làm: “Kẻ ngu này thử nghiên cứu đầu đuôi, gốc ngọn, trần thuật lại mà suy xét chỗ sáng tỏ ý người viết truyện”, sau đó tóm tắt tác phẩm, phê bình nội dung: “Việc tuy kỳ dị mà

không quái đảm” cùng hình thức “văn tuy thần bí mà không nhảm nhí”, nêu lên mục đích của tác phẩm “khuyên điều thiện, trừng điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục”, cuối cùng rút ra kết luận về “mối quan hệ giữa văn học và cương thường phong hoá” [46, 30].

Khảo sát bài Tựa tập thơ Tăng thuyết của Lê Hữu Kiều và bài Tựa

trong Mỹ Đình thi tập của Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) ta thấy Lê Hữu Kiều giới thiệu sơ lược quan niệm về thể loại: “Làm thơ nếu lập ý không linh hoạt sẽ mắc vào bệnh câu nệ, luyện cách điệu không trang nhã sẽ mắc vào bệnh quê mùa; đặt câu không sắc sảo sẽ mắc vào bệnh thô lỗ, kém cỏi; dùng chữ mà không có âm hưởng sẽ mắc vào bệnh tầm thường, tục tằn. Thơ văn có thể nói dễ làm được đâu!”[46, 55]. Ông phê bình tác phẩm: “Ý thơ linh hoạt, mới lạ, phong cách và vần thơ đẹp đẽ, trang nhã, đặt câu sắc sảo, mới mẻ; chữ dùng tinh tế, sáng sủa, nói cao mà không phải là phiếm, nói gần mà không phải là quê” [46, 56]. Hay như, khi làm Tựa cho Truyện Kiều, Mộng Liên Đường chủ nhân viết: “Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì bức tranh vậy. Lời văn tỏ ra như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”.

Đặc điểm của phê bình trước thế kỷ XX là những phán đoán thường hết sức văn tắt, hàm súc, mạch văn giàu cảm hứng, tính hình tượng cao. Các tác giả thường đưa ra nhận định mà rất ít chứng minh. Người ta thường cho đó là lối phê bình trực giác. Với cách nói nhún nhường, văn hoa, các tác giả đôi lúc khen nhau quá đáng. Nhưng tinh thần chung là thái độ trân trọng, chân tình, sự phân tích thấu tình, đạt lý, không cao giọng quyết đoán chân lý.

Đến tận những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hình thức phê bình này vẫn được tồn tại trong đời sống văn học nước ta. Đó là một loạt bài thơ Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ; những lời “lạm bình” thơ văn cổ kim của Nguyễn Đỗ Mục, Đông

Châu Nguyễn Hữu Tiến, Dương Bá Trạc…, đó là những lời Tựa, lời Bạt

cho các tập thơ, sách vừa được in ấn xuất bản những năm đầu thế kỷ. Mặt hạn chế của lối phê bình thù tạc với quan điểm văn chương mang đầy tính chất giáo lý của các nhà văn thời kỳ trung đai được Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh ở: “Những nguyên tắc tạo hình cổ điển”, coi trọng “thần tự” hơn “hình tự”, yếu tố “ý” lấn át yếu tố “hình”, cũng như “cái nhìn hướng nội” và việc “không dám dùng quan điểm cá nhân, cái nhìn cá nhân, để nhìn đời và nói chuyện với mọi người của thi pháp thơ cổ điển - như là những nguyên tắc mà phê bình cổ điển dựa vào đó để bình phẩm và định giá giá trị văn chương trung đại. Hoặc về mặt phương pháp phê bình, theo cách nói của ông Ưng Quả - Giáo sư trường Quốc học Huế thì, các nhà Nho xưa: “chẳng hề dụng công nghiên cứu về thân thế và những câu vắn tắt, khen câu này, bẻ câu kia, cắt nghĩa qua một ít về điển tích vậy thôi. Nhưng mà tuyệt nhiên chẳng có hệ thống, chẳng có phê bình theo phương pháp, chẳng có nghiên cứu về toàn thể” [60, 17].

Giáo sư Phương Lựu trong khi khảo sát tình hình lý luận văn học trước thế kỷ XX cũng đã căn cứ vào những bài Tựa, bài Bạt, lời Bình mà ông xem là một hình thức của phê bình: “Hơn nữa trong thời kỳ cổ cận ở ta, tư duy lý thuyết chưa thật phát triển, những luận điểm lý luận thường bộc lộ qua việc phê bình cụ thể. Điều đó giải thích tại sao, để tìm hiểu quan niệm văn chương cổ Việt Nam, phải đặc biệt coi trọng những bài Tựa, bài

Bạt, bài Bình (…). Đương nhiên, theo tiêu chí hiện đại, thì các bài tựa, bài bạt, bài bình này chưa phải là những bài phê bình nghiêm ngặt, hoàn chỉnh” [38, 10]. Hay như Giáo sư Nguyễn Lộc nhận xét: “Các bài Tựa, bài Bạt viết cho các thi tập văn tập này chưa phải là bài phê bình văn học đúng với ý nghĩa của nó” [38, 45].

Nhận xét về phê bình trước thế kỷ XX, Nguyễn Minh Tấn cho rằng: “Các cụ đã làm nhiều công tác phê bình văn học, tuy chưa phải được thực hiện với sự tự ý thức đầy đủ. Việc làm đó đã thúc đẩy các nhà văn xưa luôn

xem xét các hiện tượng văn hoc đương thời. Suy nghĩ đó sẽ có sức nặng gấp bội nếu nhà văn xưa có một thế giới quan tiến bộ hơn, không bị những hạn chế của phương Đông phong kiến xưa, cửa đóng then cài, giẫm chân tại chỗ quá lâu” [46, 253].

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w